Post: : Admin

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao chạm đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đấy Phật pháp là mặt quan trọng của hiện thực được phản ánh qua những góc độ khác nhau.



>>Ca dao tục ngữ Việt Nam tổng hợp hay nhất

>>275 câu tục ngữ Việt Nam

>>Biệt ngữ, thuật ngữ hay từ ngữ Hán Việt?


Đạo Phật qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam

Đạo Phật qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam

Phật pháp qua ngôn ngữ văn học dân gian dễ đi vào lòng người, ví như nói về nhân quả: 

“Gieo gió gặt bão”

Hay:
“Gieo nhân nào gặt quả nấy”
Hoặc: 
“Ngày xưa quả báo thì lâu
Ngày nay quả báo một câu nhãn tiền”


Sự liệt kê bên trên chỉ là một chút. 

Phật pháp được diễn giải dung dị, sáng rõ với số đông.

Có một câu hay răn dạy đạo lý nhưng logic với giáo lý nhà Phật, thường được viện dẫn:

“Phật nhà không thờ, thờ Phật Thích Ca ngoài đường”

Hoặc:
“Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đi tu”


Thoáng qua có vẻ như bài bác sự tu học, thờ Phật, nhưng sâu xa diễn đạt đúng ý Phật: trước nhất hãy hiếu thảo với mẹ cha, sống có đạo đức, có chữ nhân, sau mới nên nghĩ đến tu học Phật pháp. Học Phật: có người dâng cúng Phật bát cơm, Phật hỏi: cha mẹ con đã ăn chưa?


Đạo Phật qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam


Có những câu thành ngữ tục ngữ ca dao không trực tiếp nói lời Phật, nhưng xét nội dung hợp giáo lý:


“Thương người như thể thương thân

Ghét người như thể vun phân cho người”

“Ngậm máu phun người, dơ miệng mình”


Đạo đức đời sống và giáo lý Phật giáo hoà quyện trong con chữ bình dân Việt Nam.

Hình ảnh Phật giáo, phật pháp, mái chùa ẩn hiện hàm ngôn hiển ngôn qua thành ngữ tục ngữ ca dao xưa:


“... Con Vua thì lại làm Vua

Con sãi ở chùa lại quét lá đa”
Hoặc:
“Đi với bụt mặt áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”

“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”


Phê phán lên án sự đạo đức giả núp bóng Phật làm ác, có câu sâu đây:
“Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm”
Câu sau đây cũng “ đụng” chùa chiền, nhà Phật:

“Gặp giặc thì đánh, gặp chùa thì tu”


Mênh mông bảo tàng ngôn ngữ dân gian trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao có vẻ thô mộc song không kém sâu sắc, lấp lánh ẩn hiện mái chùa, giáo lý, Đạo.... ở bên trong từng câu từng chữ lưu truyền trong từng thôn làng, đi vào giáo khoa sách vở, lời giáo huấn ở gia đình. Đấy là một “kênh” hoằng pháp hữu hiệu chăng? Lời Phật, ý Phật ở đấy nghe qua có vẻ giản dị, ngẫm kỹ lại rất đỗi sâu xa:

“Cứu một mạng người bằng xây mười kiểng chùa”


Mênh mông ví dụ. Chút tản mạn đã thấm thía chiều sâu nếp nghĩ của người Việt mình tự ngàn xưa về Phật, và cho thấy Đạo đã tự nhiên nhẹ nhõm sống động trong dân gian như thế nào, cứ như đất nước cỏ cây khí trời vậy.
Một nét Việt mến yêu...

Nguyễn Thành Công


Đạo Phật qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, thành ngữ Phật giáo, tục ngữ đạo Phật, giáo lý nhà phật, ca dao phật pháp, tục ngữ phật giáo, danh từ phật giáo