Hôm nay, 18-12-2017 (01-10 Đinh Dậu) giữa không gian hoài niệm trầm thiêng nơi Đại Hùng Bửu Điện chùa Hoa Khai. CLB Phật tử trang nghiêm tổ chức thời lễ Tọa Thiền Niệm Phật, dâng lòng tưởng nhớ kỷ niệm lần thứ 709 (1308-2017) Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn.
Trước khi tọa thiền, hội chúng đảnh lễ cung thỉnh ĐĐ. Thích Chiếu Ý, Trưởng BTS Phật giáo huyện Đăk R’lấp, Trụ trì chùa Hoa Khai quang lâm chứng minh, đồng thời hướng dẫn tỉ mĩ về phương pháp tập hợp năng lượng để ”Tham Thiền Nhập Định” cho thiện tín Phật tử vốn ở miệt vùng sâu vùng xa, điều kiện tiếp xúc với đời sống học Phật đang còn nhiều khiêm tốn.
Sau thời pháp Tọa Thiền, Thầy trụ trì đã hoan hỷ chia sẻ thời pháp thoại kéo dài 90 phút với đề tài : ”Công Đức Vĩ Đại Của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông”. Qua bài thuyết giảng của Đại đức trụ trì đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng thính chúng về ngày Vía của Phật Hoàng.
Xin trích dẫn lược sử lại đôi điều tóm tắt về bài nói chuyện của Thầy Trụ trì chiều hôm nay với CLB Phật tử chùa Hoa Khai:
Trần Nhân Tông ( 1258-1308) tên thật là Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông và là vị vua thứ ba của nhà Trần, sinh ngày 11-11 năm Mậu Ngọ (07-12-1258), lên làm vua từ năm Kỷ Mão ( 1279), niên hiệu là Thiệu Bảo và Trùng Hưng (1285-1293), lúc nhỏ có nhiều tên gọi: Khâm, Phật Kim và Nhật Tôn, sau khi mất Thụy hiệu là Nhân Tông.
Trong lịch sử chế độ phong kiến, Trần Nhân Tông là một ông vua yêu nước và anh hùng, lên nối ngôi vua giữa lúc tình thế đất nước đang đứng trước một cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông, Ngài đã cùng vua cha lãnh đạo triều đình và dân chúng khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, nâng sức chiến đấu của quân và dân lên vượt bậc, và nhờ đó đã dành thắng lợi rực rỡ trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân giặc ( 1285 và 1288).
” Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một ông vua có hạt giống phật của đất nước Đại Việt, là nhân vật lịch sử rất đặc biệt, Ngài không chỉ là một bậc anh minh lỗi lạc hiếm có mà còn là một Thiền Sư đã liễu ngộ phật pháp, được người đương thời tôn xưng là ”Điều Ngự Giác Hoàng hay phật Hoàng, trở thành vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử ngày nay của phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc”.
Đề tài thuyết giảng của Thầy trụ trì được kết thúc bằng bài thơ ”CON ĐƯỜNG KHAI TÂM” của tác giả: Vũ Xuân Hồng.
”Dời xa tuyệt đỉnh uy quyền
Người vào Yên Tử giữa miền non thiêng
Ngày ngày đọc sách thánh hiền
Giác tâm phát triển dòng Thiền Trúc Lâm
Lều tranh, hài cỏ, áo thâm
Chim ca,tiếng suối trong ngần thảnh thơi
Đêm đêm thăm thẳm sao trời
Tâm trong trí sáng thiền nơi gió ngàn
Nhập thế đi khắp bản làng
Giác ngộ giáo hóa mở mang đạo trời
Thoát mê cho mọi kiếp người
Vượt lên đau khổ cho đời yên vui.”
Tin-ảnh : Lê Đình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)