Cô đơn là một cảm giác không dễ vượt qua, nhất là đối với người trẻ. Bạn cũng đã nhiều lần cảm thấy cô đơn rồi, phải không? Cái cảm giác buồn vu vơ không có lý do chẳng hạn, “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” ấy mà, đó cũng là một nỗi cô đơn nho nhỏ, cho đến nỗi cô đơn lớn là cảm giác cần có một người ở bên cạnh, để chia sẻ, để an ủi, để yêu thương vỗ về.
Ảnh: minh họa
Bất cứ ai cũng có thể “đụng mặt” nỗi cô đơn, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Không phải người có nhiều bạn bè thân thiết thì sẽ không cô đơn, hoặc người thường xuyên bận rộn thì sẽ không cô đơn, hay ở bên cạnh người mình yêu thương thì sẽ không cô đơn. Nếu không triệt để tìm ra nguyên nhân của sự cô đơn, những việc trị liệu cho nỗi cô đơn bằng cách tìm kiếm một giá trị ở bên ngoài nội tâm sẽ không thể giúp ích rốt ráo. Vậy vì sao chúng ta cô đơn?
Tôi nhớ có một câu chuyện như thế này: Tại một sân bay của Mỹ, một phóng viên đã tiến hành một cuộc phỏng vấn những người ở sân bay với câu hỏi “Theo bạn, thứ gì đáng sợ nhất trên đời?”. Mỗi người mỗi suy nghĩ, người nói chiến tranh, người nói sự phản bội… Khi gặp một vị thiền sư, phóng viên đưa câu hỏi này, thiền sư trả lời bằng một câu hỏi: “Anh là ai?”. “John Smith” – phóng viên nói. “Đó là tên của anh, nhưng anh là ai?” – vị thiền sư lại hỏi. “Tôi là một phóng viên truyền hình…” – “Đó là công việc của anh, nhưng anh là ai?”, đoạn hội thoại diễn ra như thế, “Nói cho cùng, tôi là một con người.” – “Đó là tên một loài vật, nhưng anh là ai?”. Hỏi đáp đến đây thì người phóng viên kia không thể trả lời được nữa. Vị thiền sư liền nói: “Không biết mình là ai… – đây chính là một trong những điều đáng sợ nhất trên đời”.
Lần đầu tiên đọc câu chuyện này, tôi thấy cũng có phần thú vị, rằng hình như tất cả chúng ta đều giống như anh phóng viên kia, có chung một cách để định nghĩa “cái tôi”. Tôi là Văn, là nam giới, là trí thức, là người Việt Nam, thích ăn thịt heo, thích đọc sách, giỏi máy vi tính… Tôi là Hoa, là nữ giới, thích màu hồng, thích đi mua sắm, yêu động vật… Tất cả những cái “là” này được chắp vá lại để tạo lên một cái “tôi”, chứ kỳ thật nó không phải là “tôi”. Chính vì nó được chắp vá lại, hay cũng là nói nó là “giả tôi”, cho nên người phóng viên kia không thể trả lời được câu hỏi “anh là ai?” của thiền sư một cách rốt ráo bởi vì càng trả lời theo cách “tôi là, tôi là” thì càng đem cái tôi tới một nơi xa tít tắp nào đó mà không phải là “tôi” – theo vị thiền sư, đó là điều nguy hiểm nhất.
Tôi là A, anh là B, tôi và anh không giống nhau, tôi và anh có sự khác biệt. Có khác biệt thì sẽ có đối lập, thì không thể đứng cùng nhau, nếu đứng cùng nhau thì sẽ “lệch pha”, sẽ có xa cách. Những người quá khác biệt chính là những người dễ cảm thấy cô đơn nhất, vì đơn giản là nhìn qua nhìn lại chẳng thấy ai giống mình. Muốn tìm một người để tâm sự, phải tìm ai bây giờ?
Ai cũng như Xuân Diệu, “là một, là riêng, là thứ nhất”, vậy thì cô đơn chắc rồi. Cho nên, càng nói nhiều về cái tôi, càng nhấn mạnh sự khác biệt thì sẽ càng cô đơn. Vì sao vậy? Vì vốn dĩ “tâm, Phật, chúng sanh cùng đồng một thể”, cái thể này là tánh, còn sự khác biệt kia chỉ là giả tướng. Tánh là giống nhau, vậy mà bạn bỏ tánh chấp tướng, nhìn thấy mọi người mọi vật đều là khác biệt, là khác nhau, vậy thì ắt sẽ có đối lập, có xung đột. Xung đột nhỏ thì bản thân cảm thấy bị cô lập, xung đột lớn thì sẽ có đấu tranh, chiến tranh.
Vậy thì nếu muốn chữa trị sự cô đơn, hãy nhẹ nhẹ một chút với bản ngã của mình. Đừng nghĩ cho mình nhiều quá, hãy nghĩ cho người khác. Đừng nuông chiều bản ngã của mình, vì cái ngã đó là giả ngã, không phải là chân ngã. Chân ngã tức là Phật, bạn xem, trong kinh có khi nào thấy nói Thích Ca Mâu Ni Phật cảm thấy cô đơn không? Không hề có. Chân ngã không có cô đơn, giả ngã thì có. Cho nên cái bản ngã mà chúng ta đang khư khư giữ lấy là giả, giả thì phải nhẹ nhẹ mà đặt xuống.
Đặt xuống được một phần giả thì một phần thật sẽ tự nhiên hiển hiện, sự cô đơn cũng bớt đi một phần. Đặt xuống được hoàn toàn, lúc ấy thì không những sẽ trả lời được câu hỏi “anh là ai?” của vị thiền sư kia, mà sự cô đơn cũng hoàn toàn dứt sạch hết vậy.