Nhà Phật có một dụ ngôn nổi tiếng: “Quay đầu là bờ”. Khi ta đã thật sự từ bỏ con đường tăm tối tức là ta đã chính thức bước lên con đường đi về miền tươi sáng.
Tâm lý chung của hầu hết mọi người là khi lỡ gây ra lỗi lầm thì luôn tìm cách cứu vãn ngay. Đó là vì dù ta cố gắng nghĩ rằng mình đang gánh chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra, nhưng trong thâm tâm ta vẫn mong muốn khẳng định lại cái tôi giá trị của mình, muốn loan báo cho người kia biết rằng mình không phải tệ lậu như thế, hành động tệ lậu ấy chỉ là sự sai lầm nhất thời.
Ảnh: minh họa
Làm như thế thì dù hành động chịu trách nhiệm ấy đã thực sự hàn gắn được vết thương trong tâm người kia hay đã giúp ta lấy lại phong độ của mình trong mắt họ, thì tì vết lỗi lầm trong tâm ta vẫn còn đó. Đáng lẽ ta phải lo thay đổi phần “gốc” hơn là khẩn trương giải quyết phần “ngọn”, vì nếu ta vẫn chưa nhìn ra phiền não của mình để chuyển hóa thì trước sau gì ta cũng lặp lại lỗi lầm ấy với người ấy, hay gây ra những lỗi lầm khác với người khác.
Nhà Phật có một dụ ngôn nổi tiếng: “Quay đầu là bờ”. Khi ta đã thật sự từ bỏ con đường tăm tối tức là ta đã chính thức bước lên con đường đi về miền tươi sáng. Tuy ta chưa thể chuyển hóa hoàn toàn, nhưng ngay trong giây phút ấy đã có sự chuyển hóa xảy ra trong ta, dù còn rất yếu ớt. Nếu ta cứ giữ mức tinh tiến trên hành trình ấy thì thế nào ta cũng tìm thấy sự giác ngộ. Do đó “Quay đầu là bờ” không có nghĩa là vừa mới hồi tâm phản tỉnh là ta sẽ giác ngộ ngay lập tức, mà đó chỉ là lời động viên khích lệ cho những kẻ một khi đã quay đầu rồi thì thế nào cũng về tới bờ. Cho nên dù trong quá khứ ta đã vụng dại gây ra những lỗi lầm tày trời, nhưng với quyết tâm thay đổi và có một con đường thật sự đúng đắn, thì những tì vết phiền não trong ta sẽ không còn gì nữa, ta vẫn có thể trở về con người trong sáng năm xưa của mình.
Dĩ nhiên, những năng lượng độc hại mà ta đã tạo ra không dễ dàng tan biến được, nhất là khi nó đã để lại vết thương sâu đậm trong tâm người kia. Nhưng với năng lượng an lành sinh ra từ sự hối cải và hành động chuyển hóa tích cực mỗi ngày, ta sẽ hóa giải phần nào những năng lượng độc hại ấy. Nên dù phải đón nhận quả báo thì nó sẽ không còn quá nặng nề như lúc đầu, cộng với tâm hướng thiện thì ta vẫn đủ sức và vui vẻ chấp nhận để hóa giải hết “nợ nần” cảm xúc.
Điều đáng sợ nhất là ta không bao giờ biết ăn năn hối cải. Những người trẻ bây giờ thường hay tuyên bố: “Tôi không bao giờ ân hận về những gì mình đã làm”. Nghe thật tự tin và đầy bản lĩnh. Làm như thể ân hận là tự công nhận sự thiếu chín chắn và hèn yếu của mình vậy. Nhưng dù ta có tài năng hay đức hạnh tới đâu mà hễ trong tâm vẫn còn chứa đựng những phiền não tham – sân – si thì chắc chắn là ta còn gây ra lỗi lầm. Cho nên ta hãy cố gắng hoàn thiện mình và chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận những vụng về, lầm lỡ bất ngờ xảy ra hơn là dại dột tuyên bố mình sẽ không bao giờ ân hận về chính mình. Kẻ gây ra lầm lỗi mà không dám nhìn nhận và hối cải thì mới thật sự là kẻ thiếu hiểu biết và hèn yếu. Vì khi đã gây ra lầm lỗi tức là cơ chế tâm lý của ta đã bị sai sót ở chỗ nào đó. Dù ta cố gắng phớt lờ coi như mình không hề có lỗi, hay tuyên bố một cách hùng hồn là mình sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả, thì không những ta không hóa giải được lỗi lầm của mình mà tì vết trong tâm ta sẽ lớn mạnh và không ngừng hành hạ ta. Đó không phải là thái độ khôn ngoan.
Dù sám hối là hành động quay về tâm mình, nhưng nó cũng cần thực hiện như một nghi lễ. Vì hình thức trang nghiêm sẽ khiến cho ta dễ dàng chú tâm và thể hiện đúng mức thái độ muốn quay về. Ta có thể chọn cho mình một không gian thật yên tĩnh và dành nhiều thời giờ để nhìn lại mình. Hãy nhìn bằng thái độ không thành kiến để thấu hiểu, tự nhắc nhở và tìm cách chuyển hóa, chứ đừng quá cảm xúc rồi trách móc hay đàn áp tâm thức mình. Đôi khi tự giày vò bản thân cũng là hình thức đề cao cái tôi của mình, vì ta không muốn chấp nhận những yếu kém ấy thuộc về mình. Dù hành động lỗi lầm kia chỉ là một hiện tượng nhất thời, nhưng nó là sản tạo phẩm của tâm tham cầu và tâm chống đối của ta, là kết quả của quá trình sống đuổi theo cảnh mà bỏ tâm mình, thì ta nên vui vẻ chịu trách nhiệm về nó.
Ta thấy có nhiều người khi phát hiện ra lỗi lầm của mình quá lớn, nhất là khi biết được đối phương rất thất vọng về mình, thì họ không muốn tha thứ cho bản thân mình và còn thẳng tay trừng phạt. Kết quả là họ chỉ làm cho tình trạng tồi tệ hơn chứ bản thân họ không chuyển hóa được gì, có chăng cũng chỉ là sự gắng gượng tạm thời. Vì ta không thể thay đổi được mình khi ta chưa thật sự hiểu rõ chính mình. Mà ta cứ mãi xa lánh và ghét bỏ bản thân thì làm sao có thể hiểu được mình.
————————————-
Dù sám hối là hành động quay về tâm mình, nhưng nó cũng cần thực hiện như một nghi lễ. Vì hình thức trang nghiêm sẽ khiến cho ta dễ dàng chú tâm và thể hiện đúng mức thái độ muốn quay về.
————————————-
Ta cũng có thể sám hối bằng cách viết thư cho chính mình. Cách này hơi lạ, nhưng nhiều người đã thực hiện rất hiệu quả. Đầu tiên ta cần thực tập theo dõi hơi thở để cho tâm được lắng đọng và nhẹ nhàng. Cũng nên chọn một không gian yên tĩnh và dành nhiều thời giờ để viết thư cho thật giá trị như ta đang viết cho một đối tượng đáng quý nào đó. Ta cứ gọi cái tên thân mật nhất của mình và tự đặt ra câu hỏi tại sao thời gian qua mình đã sống, đã hành xử với mọi người như thế. Rồi ta hãy tự tìm câu trả lời khách quan, không thiên vị. Sau đó ta tự hứa sẽ cố gắng sống sâu sắc hơn để không lặp lại những lỗi lầm đáng tiếc ấy nữa. Bức thư không cần gửi, nhưng nên đặt ở một chỗ trang trọng nào đó để thỉnh thoảng ta lấy ra đọc lại. Mỗi lần đọc thư là mỗi lần ta nhìn lại mình, xem mình đã tiến bộ hay vẫn dậm chân tại chỗ. Cách viết thư này có ưu điểm là giúp ta liệt kê một cách cụ thể và phân tích một cách sâu sắc những lầm lỗi của bản thân. Lá thư ấy cũng có thể xem là tâm kinh của mình.
Có một phương pháp sám hối rất thông dụng trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đó là tìm tới một đối tượng mà mình tin tưởng và kính trọng nhất để bày tỏ sự ăn năn. Đó có thể là những người thân sống bên cạnh hay cũng có thể là những bậc tiền nhân đã khuất. Nếu ta bị cảm xúc ăn năn quá mạnh khiến ta không thể đứng vững thì ta cũng nên có một điểm tựa, hoặc khi ta đang cần có sự yểm trợ tinh thần trong giờ phút ta chính thức quay về chuyển hóa thì cũng nên có một đối tượng để chứng minh. Nếu đối tượng là tổ tiên tâm linh hay tổ tiên huyết thống thì ta cũng có thể thắp hương và quỳ lạy trước bàn thờ. Khi lạy ta phải để cho toàn thân và nhất là đầu mình rạp sát xuống đất thật lâu để thể hiện sự phủ phục trước những tấm gương tuyệt vời của tổ tiên và đặc biệt là với đất.
Đất cũng là tổ tiên của ta, là bà mẹ nhân từ luôn ôm ấp bao dung mọi thứ nhơ bẩn trên đời này. Buông mình vào lòng đất để ta học hạnh của đất, để ta tập mở lòng ra tùy thuận mọi hoàn cảnh, và mọi đối tượng mà không còn so đo hay kì thị gì nữa. Bởi bao lỗi lầm khổ đau cũng từ bản thân quá lớn trong ta gây ra. Cho nên hướng đến đối tượng khác cũng chỉ để phản chiếu lại tâm mình chứ không phải dựa dẫm hay van xin sự giúp đỡ. Vì lỗi lầm do tâm ta gây ra thì phải từ nơi chính tâm ta thay đổi chứ không có bất cứ năng lực tối cao nào từ bên ngoài có thể giúp ta thay đổi được.
Cuối cùng, nên nhớ lỗi lầm dù to lớn đến đâu cũng chỉ là hiện tượng, đó không phải là con người chân thật của ta. Nhưng nếu ta không quyết lòng chuyển hóa hết những hiện tượng ấy, vẫn để nó “thao túng” và giành quyền làm chủ, ta sẽ không bao giờ tìm thấy được con người thật của mình dù nó luôn ở ngay trong chính mình.