9g sáng, ngày 6/1/2025 nhằm mùng 7/12/Giáp Thìn. Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã thân lâm về chùa Phước Huệ, khu phố Long An, phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo lời mời của Thượng tọa Giác Nhuận trưởng Ban tổ chức khóa tu lần 7 của Giáo đoàn VI diễn ra từ ngày 5 – 7/1/2025 (nhằm 6 – 8/ 12/Giáp Thìn).“Hôm nay, tôi đến với khóa tu những ngày cuối năm như vậy, tôi rất vui vì thấy quý Sư vẫn giữ được nếp “Sống chung tu học” của Thầy – Tổ truyền lại. Vẫn sống chung, học chung và tu chung. Đó là những lời chia sẻ mộc mạc, gần gũi của Hòa thượng với chư hành giả. Ngoài ra Hòa thượng còn sách tấn chư hành giả tu tập đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử ngang qua bộ Kinh Trung Bộ 64: Đại Kinh Malunkyà
“Này các Tỷ-kheo, các Ông có thọ trì năm hạ phần kiết sử do Ta giảng dạy không?”
“Bạch Thế Tôn, con thọ trì thân kiến là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn con thọ trì nghi là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì giới cấm thủ là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì dục tham là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì sân là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con thọ trì năm hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy.”
Hòa thượng Giác Minh sách tấn Chư hành giả
“ Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.”
14g chiều cùng ngày, đại đức Minh Điền, Phó Ban trị sự GHPGVN huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, trụ trì tịnh xá Ngọc Châu đã chia sẻ với chư hành giả Phẩm song đôi – vô minh trong bộ Kinh Tăng Chi.Trong Phẩm Song đôi có nói: Này các Tỷ-kheo, khởi điểm đầu tiên của vô minh không thể nêu rõ để có thể nói: “Trước điểm này, vô minh không có, rồi sau mới có.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, lời này được nói đến. Tuy vậy, sự việc này được nêu rõ: “Do duyên này, vô minh (có mặt)”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng vô minh có thức ăn, không phải không có thức ăn. Thức Ăn Của Vô Minh Là Gì? Viên Mãn Của Vô Minh Là Gì?
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng vô minh có thức ăn, không phải không có thức ăn.
1. Và cái gì là thức ăn cho vô minh?
Năm triền cái, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm triền cái có thức ăn, không phải không có thức ăn.
2. Và cái gì là thức ăn cho năm triền cái?
Ba ác hành, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ba ác hành có thức ăn, không phải không có thức ăn.
3. Và cái gì là thức ăn cho ba ác hành?
Các căn không chế ngự, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, các căn không chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn.
4. Và cái gì là thức ăn cho các căn không chế ngự?
Không chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng không chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn.
5. Và cái gì là thức ăn cho không chánh niệm tỉnh giác?
Phi như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng phi như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn
6. Và cái gì là thức ăn cho phi như lý tác ý?
Không có lòng tin, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng không có lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn.
7. Và cái gì là thức ăn cho không có lòng tin?
Không nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, không nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn.
8. Và cái gì là thức ăn cho không nghe diệu pháp? Không giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.
– Ví như, này các Tỷ-kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa ấy chảy xuống theo sườn dốc; làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lụng, chúng làm đầy các hồ nhỏ.
Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn; sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ; sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn; sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Như vậy là thức ăn của biển lớn, của đại dương và như vậy là viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
1/ Không giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp;
2/ Không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin;
3/ Không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý;
4/ Phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác;
5/ Không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự;
6/ Các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành;
7/ Ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái;
8/ Năm triền cái được viên mãn, thời làm viên mãn vô minh.
Như vậy, đây là thức ăn của vô minh và như vậy là sự viên mãn vô minh
Tâm tu là tài sản quý báu, khó kiếm với đời sống của người xuất gia. Đời sống chưa thuần thục nên cần phải nương nơi bậc thiện tri thức (Chư tôn đức cao hạ). Cần phải có tâm tu tập, nếu có tâm tu thật sư chắc chắn sẽ tiến bộ. Mặt trời sáng ban ngày, mặt trăng sáng ban đêm. Đời sống tu tập và ánh sáng trí tuệ thì sẽ sáng cả ngày lẫn đêm. Khi vô minh mất, thì minh giải thoát sanh. Thức ăn của minh giải thoát thì là bảy giác chi. Thức ăn của bảy giác chi là tứ niệm xứ và tiếp tục giống phía trên.19g cùng ngày, lễ hoa đăng tưởng niệm Phật thành đạo được diễn ra trong không khí trang nghiêm, ấm cúng và thi vị. Hơn 100 Phật tử cùng vân tập về sân trước chánh điện chùa Phước Huệ trang nghiêm tham dự truyền đăng trong lễ Phật thành đạo cũng như lễ tổng kết cuối năm của Giáo đoàn VI.Trong buổi lễ Phật thành đạo, đãi lao cho Hòa thượng Giác Điệp, Thượng tọa Giác Nhuận đã ôn lại lời Phật dạy qua kinh Trung bộ Kinh Thánh Cầu. Do nhận thức sai lầm nên ngài tìm Phi Thánh cầu:“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm”.
Hôm nay Đức Phật thấy rõ Thánh cầu: Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già… tìm cầu cái không già… tự mình bị bệnh… tìm cầu cái không bệnh… tự mình bị chết… tìm cầu cái bất tử… tự mình bị ô nhiễm… tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Thánh Cầu”. Chúng ta là đệ tử Phật nên tìm cái thánh cầu để tu tập dứt đau, chứng Niết Bàn.
Chùm ảnh được ghi nhận tại khóa tu lần 7
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)