Ngày trước, hồi còn "trẻ trâu" cũng có lần hắn rảnh rỗi đi tìm hiểu về chữ tu. Sau khi lục tìm hàng đống tài liệu, đọc cũng một, hai chục trang web gì đó về tâm linh, gặp cũng kha khá các cao nhân trong lĩnh vực này thì cuối cùng cái đầu tối tăm của hắn cũng vỡ vạc ra đôi chút, và hắn cũng đã hiểu ra được rằng chữ tu chỉ đơn giản có nghĩa là tu sửa, người tu có nghĩa là người tự tu sửa bản thân, sửa chữa những thói hư tật xấu của chính mình làm cho con người mình mỗi ngày một tốt hơn, thánh thiện hơn, bao dung hơn với mọi người xung quanh, tăng thêm trong mình tình yêu thương với chúng sinh muôn loài vạn vật, ...
Nói một cách cụ thể thì người tu là người có ý thức tự sửa chữa, nắn chỉnh bản thân mình từ mọi hành vi trong cuộc sống, hay người tu là người rất cẩn trọng, kiên trì, tỉ mỉ, và phải quan tâm đến từng tiểu tiết, từng lỗi nhỏ của mình để luôn tự nhắc mình phải tuân thủ các khuôn phép cuộc sống, giữ mình, giữ đạo mà sửa dần từng sai xót nhỏ của mình, nhằm hoàn thiện con người mình để sống sao cho tốt đời đẹp đạo. Và đặc biệt là cái sự tu phải được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống..., như là tu trong công việc, tu trong giao tiếp, tu trong học hành, tu trong những lề thói ăn ở hàng ngày, tu trong những bối cảnh trái ngang của cuộc sống, ...
Tóm lại, theo hắn hiểu thì tu là cái gì đó rất khó và rất khổ mà có lẽ là ở đời này, kiếp này hắn sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó. Cũng chính vì thế mà hắn luôn cảm thấy kính phục những người tu quá đỗi. Hắn luôn thầm ao ước rằng cuộc đời này sẽ có thêm nhiều người biết tìm đến đường tu (trừ hắn) để cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn và cuộc đời sẽ bớt đi nhưng thói hư tật xấu, hàng ngày sẽ bớt đi những ông ăn trộm, bớt đi những ngài kẻ cướp và cũng giảm thiểu những quý ông, quý bà làm ăn gian dối, điêu toa, lừa đảo, và thế là hắn cũng được sống ké cái cuộc đời hèn mọn của hắn vào trong một cái xã hội mà nghĩ đến đã thấy tựa thiên đường.
Mấy năm gần đây xã hội phát triển, kinh tế đi lên, người dân tự nhiên sinh ra mộ đạo lạ thường (chắc là phú quý sinh lễ nghĩa). Bà con lên chùa lũ lượt. Hội hè, đình đám, cúng lễ xì xụp. Rồi ăn chay, niệm phật, tụng kinh... rầm rầm. Mọi hoạt động tu tập tâm linh cứ nở rộ như nấm sau mưa.
Bây giờ đi ra đường ở đâu hắn cũng gặp được người tu (già có, trẻ có, nam thanh, nữ tú, tri thức, bần nông, dân buôn, quan chức có cả), họ tự hào mà khoe rằng họ đang tu tập tại chùa này, chùa nọ, đạo tràng này, bản hội kia, ... Điều làm hắn thấy vui là những người này họ nói chuyện đạo, chuyện đời thông vanh vách và họ khuyên dạy người khác những lý thuyết sống rất thiện lành, rồi họ còn ăn chay, niệm phật, và thường xuyên phóng sinh, làm từ thiện,... . Ôi!! Đời hắn lại sắp sướng rồi, cái giấc mơ về cuộc sống thiên đường của hắn sắp thành sự thật rồi...
Hy vọng rồi thất vọng và đến mất niềm tin. Chẳng biết tự khi nào mà hắn sinh ra cái bệnh phán xét, trách móc. Hắn trách móc mọi thứ, trách móc mọi người. Hắn trách cái xã hội sao sinh ra lắm thằng ăn trộm, ăn cướp, lưu manh, đĩ điếm. Hắn trách người đời sao xảo trá gian manh đến vậy. Hắn trách cuộc đời sao sinh ra lắm thứ bệnh tật quái ác dễ sợ, hành hạ con người ta đến sức cùng lực kiệt, triệt hết hy vọng sống của người bệnh. Hắn trách cả ông trời sao cái đạo gì ông sinh ra cũng chẳng có tác dụng gì cả, bây giờ có nhiều người tu thế mà xã hội vẫn chẳng tốt lành lên được, mỗi người dân vẫn phải hàng ngày đối mặt với bệnh tật, đối mặt với tệ nạn xã hội, rồi nạn hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn tràn lan không ai dẹp được. Hắn lại trách đến chính hắn sao lại ngu dại đi tin vào chữ tu làm gì cho mệt người, sao hắn không sống xả láng với cuộc đời có sướng hơn không?
Trách người, trách đời, trách cả ông trời rồi lại trách đến bản thân mà hắn vẫn chẳng thể nguôi ngoai được nỗi thất vọng chán chường hàng ngày ngự trị trong tâm hắn. Hắn tự hỏi bản thân rằng cái thực phẩm bẩn ở đâu ra? Bệnh tật ở đâu ra? Tệ nạn xã hội ở đâu ra? Trộm cướp, ma tuý, mại dâm ở đâu ra? Làm sao có thể diệt tận gốc được những vấn nạn này? Cái con day dứt cứ hàng ngày cắn xé tâm can hắn, giằng xé hắn không tha..
Cuối cùng thì hắn cũng tự hiểu ra một điều mà hắn cho là có cái gì đó không qúa "phiêu". Rằng nếu mỗi người trong xã hội đều biết nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến người xung quanh mình, biết giảm bớt những suy nghĩ tư lợi cá nhân thì sẽ không có cảnh gậy ông đập lưng ông. Giống như là người thân của ông bán thuốc tây rởm lại ngộ độc vì uống phải thuốc tây rởm; người nhà của bà bán thực phẩm bẩn lại vào viện ung thư vì vấn nạn thực phẩm bẩn, Và ..
Nếu mấy ông chủ doanh nghiệp hay đi chùa, đi chiền lễ lạy, xin xỏ, vay mượn tiền âm tiền dương (thành phần này cúng lễ, cầu xin ghê lắm) mà biết đường quay trở về nghiên cứu để làm ra những sản phẩm tốt, thật sự có ích cho xã hội, để kinh doanh. Không làm hàng nhái, hàng giả của doanh nghiệp khác để lừa đảo, chụp giựt kiếm tiền nữa. Và nếu có phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác thì cũng sẵn sàng cạnh tranh một cách lành mạnh, bình đẳng bằng cách cải tiến quy trình quản lý công nghệ, quản lý nhân sự để tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dùng. Không dùng những thủ đoạn cạnh tranh bẩn thỉu, không lành mạnh để hại nhau thì xã hội sẽ không còn những sản phẩm kém chất lượng, độc hại, và không còn hàng giả, hàng nhái nữa.
Nếu những quý bà chuyên bán rau rợ, thực phẩm ngoài chợ hay lên chùa chiền để cầu xin mua may bán đắt (các bà buôn bán nhỏ này rất chịu khó đi cúng để xin lộc rơi lộc vãi của phật thánh) mà biết chịu thương chịu khó kinh doanh nghiêm túc và kiên quyết không mua các loại hàng hoá, thực phẩm bẩn kém chất lượng về bán thì người tiêu dùng cũng phần nào tránh được các loại thực phẩm độc hại này trong bữa cơm hàng ngày.
Nếu những ông tham quan hay đến cửa phật, cửa thánh để cầu xin thăng quan tiến chức (các vị này còn có cả các cố vấn tâm linh, cúng lễ bài bản lắm) mà biết làm việc một cách ngay thẳng, hết mình vì dân, vì nước không vòi vĩnh ăn đút lót, tham ô, tham nhũng thì đất nước sẽ không bị thâm hụt ngân sách, chính phủ sẽ có tiền để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho dân nhiều hơn.
Nếu những người nông dân trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm cũng hay lên chùa lễ lạy cúng bái để cầu xin mùa màng bội thu, nuôi trồng thắng lợi mà biết lao động một cách chân chính không dùng các loại chất hooc môn kích thích, tăng trọng để sản xuất ra các loại thực phẩm sạch, an toàn cho xã hội thì sẽ cắt được nguồn gốc những loại thực phẩm bẩn, rau bẩn, thịt bẩn trên thị trường.
Nếu những nhà buôn lớn, nhỏ cũng hay đi chùa, đi đền để cầu xin sự gia hộ của các bậc tiên thánh giúp cho việc buôn bán được thuận buồm xuôi gió mà có lương tâm, kiên quyết không nhập các loại mặt hàng kém chất lượng về để bán ra thị trường thì xã hội lại một lần nữa tránh được thảm hoạ hàng nhái hàng giả, kém chất lượng.
Nếu như các bà, các mẹ hay lên chùa tụng kinh, gõ mõ, ăn chay,... để cầu được cứu rỗi, được vãng sanh tây phương cực lạc mà biết để thực sự tu tâm sửa tính, thực lòng xả bỏ những tính xấu tham, sân, si. Về nhà đừng mắng chửi con cái, lo việc gia đình, nuôi dạy, giáo dục cháu con biết hướng tâm đến việc thiện, biết đối xử hoà ái với mọi người xung quanh, biết thông cảm và chia sẻ khó khăn với những mảnh đời khốn khổ, biết hướng tới những việc làm có ích cho cộng đồng, cho tập thể thì xã hội này sẽ bớt đi những ông ăn trộm, những ngài ăn cướp. Bớt đi những quý bà mại dâm, những quý ông quan liêu, tham nhũng, bớt đi những ông/bà chỉ biết vì lợi ích bản thân mà sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm bẩn, những mặt hàng độc hại đến mức tiềm ẩn những nguy cơ có thể huỷ diệt cả cộng đồng, huỷ diệt cả xã hội.
Nếu như các bạn trẻ, sinh viên, những người đang hàng ngày mê mẩn với việc lên chùa tụ họp với những tăng thân này, tăng hội kia để học hỏi, ngồi thiền, niệm phật, làm thiện nguyện,... mong một ngày được chuyển hoá cuộc đời thành tiên thành phật, mà bỏ bê học tập, trốn nhà đi tu để cho cha mẹ phiền lòng, người thân trách giận. Những bạn trẻ này mà biết tỉnh ngộ quay về nghe lời cha mẹ, hiếu thuận với ông bà, gắng sức học hành trau dồi kiến thức để sau này ra trường làm việc giúp đời thì xã hội sẽ mỗi ngày một phát triển, đất nước sẽ mỗi ngày một giàu mạnh, và mọi gia đình đều được ấm no hạnh phúc..
Còn nhiều những cái "nếu như" nữa mà hắn không sao kể xiết. Chỉ biết rằng nếu mọi người tu mà đều thực hành được hết những cái "nếu như" trong bổn phận của mình thì chắc thiên đường mà hắn mong đợi sẽ không phải là ảo tưởng...
Hà Nội, mùa hè năm Bính Thân - 2016.
PS: Bài viết chỉ là những suy nghĩ tản mạn của tác giả khi nhìn nhận về một bộ phận nhỏ những người tu trong xã hội đương thời đang lao theo những lối tu nặng về hình tướng mà quên mất bản chất thật của chữ tu.
Tác giả cũng xin được lượng thứ nếu bài viết có vô tình mạo phạm đến các bậc chân tu, hay những quý đạo hữu đang thực hành miên mật những lối tu chân chính để giúp đạo giúp đời.