Chú thích: Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời là Đức Phật thị hiện

Hình Chú thích: Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời là Đức Phật thị hiện
- Tác giả: admin

Chúng sanh do lấy vô minh làm cha và khát ái làm mẹ, vì thế chúng sanh tồn tại trong cuộc đời là sự tồn tại do nghiệp và sức mạnh của nghiệp (nghiệp lực) chỉ đạo. Còn chư Phật, Bồ tát thì khác, các Ngài lấy trí tuệ làm cha và từ bi làm mẹ, nên sự hiện hữu của các Ngài trong cuộc đời là do lòng đại bi và tinh thần đại nguyện cứu độ chúng sanh mà hiện hữu.

Chú thích: Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời là Đức Phật thị hiện image-1732286822107

Chúng sanh do nghiệp mà sanh là như thế nào? Chúng sanh từ vô thỉ đến nay do vô minh và ái dục che lấp tâm trí, khiến ba nghiệp thân khẩu ý tạo nên vô vàn tội lỗi.  Do đó hiện đời chúng sanh phải tùy theo nghiệp thiện ác mà thọ sanh một trong sáu đạo, để trả lại những gì mình  đã gây tạo trong quá khứ.

Nói cách khác, chúng sanh luôn sở hữu nghiệp và xem nghiệp như là người thân yêu nhất trong cuộc đời mình, vấn đề này trong kinh Na Tiên Tỳ kheo nói: “Tất cả chúng sanh đều mang theo cái nghiệp (Karma) của mình như một di sản, như một vật di truyền, như một người chí thân, như một chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sanh” (1).

Chư Phật, Bồ tát xuất hiện trong cuộc đời hoàn toàn khác với phàm phu; các Ngài sanh ra trong cuộc đời không phải do nghiệp mà tùy theo nguyện lực thị hiện. Các Ngài là những bậc đạt đến nghiệp sạch tình không bởi ba nghiệp thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh. Các Ngài đã đoạn trừ được ba hoặc là Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc và Vô minh hoặc, đã viên mãn được ba trí là Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí, đã chứng được ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân, thành tựu cảnh giới Niết bàn tối thượng. Nhưng với trí tuệ vô biên và tình thương chúng sanh vô hạn, các Ngài đã không an trụ nơi cảnh giới Niết bàn thọ dụng pháp lạc, mà khéo vận dụng phương tiện, tùy nguyện thị hiện vào cõi Ta bà ác trược để giáo hóa chúng sanh.

Chư Phật, Bồ tát đến với cuộc đời chỉ một tâm nguyện duy nhất là cứu vớt tất cả chúng sanh đang lặn hụp trong đại dương sanh tử đưa lên bờ giải thoát Niết bàn. Cho dù chúng sanh có cang cường nan điều nan phục đến  mấy, các Ngài vẫn kiên trì không thối chuyển tâm nguyện, không bao giờ rời xa ý niệm cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện độ sanh của các Ngài vững chắc như  núi  cao, công hạnh lợi ích nhân thiên thẳm sâu như bể cả, và việc làm duy nhất của các Ngài khi xuất hiện ở thế gian được kinh Hoa Nghiêm mô tả như sau:

“Trưỡng đại giáo võng Cần sanh tử hải

Lự thiên nhơn long Chí Niết bàn ngạn” (2)

(Bủa giăng màn lưới pháp Đại thừa trùm khắp trong bể cả sanh tử Gạn bắt tất cả người, trời, rồng Đem về để trên bờ Niết bàn).

Chư Phật, Bồ tát xuất hiện trong cuộc đời để làm vơi đi tất cả những nỗi khổ đau quằn quại cả vật chất lẫn tinh thần cho chúng sanh. Công hạnh của các Ngài đi vào đời là để xoa dịu mọi cơn nóng bức của bầu nhiệt não tham sân si đang thiêu đốt chúng sanh, là giải tỏa mọi bế tắc phiền não một cách tuyệt vời để đưa đến sự hanh thông trong sáng cho cuộc đời.

Còn các chúng sanh thì hoàn toàn ngược lại, sự xuất hiện của chúng sanh chính là tác nhân cơ bản để đóng  góp tạo thành nỗi khổ đau càng thêm lớn trong  cộng  đồng xã hội. Bởi sự hiện hữu của chúng sanh là hiện hữu của tham sân si, hiện hữu của bao oán thù đối kết… chồng chất cho xã hội thêm một gánh nặng. Do đó, sự xuất hiện của mỗi chúng sanh không những tự gây ra nỗi khổ đau cho chính bản thân mà còn  kéo  theo  bao  nỗi khổ đau cho cả cộng đồng.

Bởi nghiệp lực lôi kéo mà chúng sanh phải tái sanh vào cuộc đời để trả lại những tội lỗi do mình đã gây tạo trong quá khứ, hay do tâm từ bi cứu khổ mà chư Phật, Bồ tát các Ngài thị hiện ở thế gian, nên sự đến và đi giữa chư Phật, Bồ tát và các chúng sanh hoàn toàn sai biệt. Điều này trong kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, phẩm Thần thông trên cung trời Đao Lợi thứ nhất, phần đối đáp giữa quỷ vương Vô Độc và thánh nữ Bà la môn, quỷ vương Vô Độc có đưa ra hình ảnh nhà lao để chỉ rõ cảnh đến và đi đầy tự tại của chư Phật, Bồ tát hay vướng mắc giữa các chúng phàm phu cho thánh nữ Bà la môn hay.

Đại để, theo lời quỷ vương Vô Độc, cuộc đời hiện hữu được ví như một nhà lao đầy khổ nạn, trong đó có  hai  hạng người đồng vào nhà lao, nhưng tư  cách,  mục  đích của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất chỉ cho các chúng sanh vì gây tạo tội ác nên phải vào nhà lao để trả lại những tội lỗi do mình đã gây tạo. Hạng người thứ hai chỉ cho chư Phật, Bồ tát các Ngài không gây tạo tội ác, nhưng vì tâm từ bi thương xót vạn loại chúng sanh, tự nguyện đi vào nhà lao để cứu vớt mọi người. Một đằng, chúng sanh đến thọ dụng hình phạt rồi  quen  dần  và  không mong cầu thoát ly, một đằng chư Phật, Bồ tát tự nguyện đi vào cuộc đời cứu vớt chúng sanh, xong việc rồi các Ngài tự tại ra đi.

“Kính lạy chư Pháp thân Bồ tát

Những thánh nhân tự đến với cuộc đời Không phải bằng tiếng khóc bi ai

Mà do đại nguyện cùng tâm giác ngộ Rồi ra đi với bàn tay bỏ ngỏ

Không thủ nhi lai Không thủ nhi khứ Còn riêng con

Đến Ta bà bằng nghiệp báo vô minh Nổi chìm theo giòng nước đục tử sinh

Nên thú nhận mình là người khách nợ…” (3)

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thế, Ngài là vị Phật đã thành Phật từ vô thỉ kiếp nhưng với đại bi tâm vô tận, Ngài quán sát nỗi khổ đau sanh tử của vạn loại chúng sanh mà cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, đã thị hiện vào cõi Ta bà ác trược cứu độ quần sanh. Ngài thực thi pháp Đồng sự nhiếp (một trong Tứ nhiếp pháp), tức đồng thị hiện như bao phàm phu, sanh ra làm một con người  bình thường, có cha mẹ có vợ con có thọ hưởng dục lạc rồi từ giã cuộc đời, xuất gia tu hành thành Phật, chuyển đại pháp luân hóa độ chúng sanh và nhập Niết bàn. Những việc làm của Ngài trước và sau khi sanh vào cuộc đời, chúng ta phải biết đó đều là phương tiện thị hiện độ sanh của Ngài.

Vấn đề phương tiện thị hiện độ sanh của Đức Phật vào cuộc đời này, trong các kinh điển nhất là kinh điển Đại thừa đã xác lập rõ ràng. Như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ mười sáu có nói: “Chư thiện nam tử! Tất cả thế giới như chư thiên nhân loại và A tu la… ai cũng nói rằng đời nay Đức Thích Ca Thế Tôn rời hoàng cung họ Thích cách thành Già Da không xa, ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng mà được tuệ giác vô thượng. Nhưng thiện nam tử! Như Lai thật sự thành Phật đến nay đã cực nhiều con số trăm triệu thời kỳ.

Chư thiện nam tử!  Như Lai tuyên ngôn rõ  ràng cho  chư vị biết, bao nhiêu quốc độ đó được hay không được  bỏ bụi xuống đều đem ra hết mà nghiền làm bụi nữa,  rồi một hạt bụi giả thiết làm một thời kỳ, thì Như Lai thành Phật đến nay còn hơn số đó cực nhiều con số thời kỳ vô số. Từ đó đến nay, Như Lai thường ở tại quốc độ Kham Nhẫn này mà thuyết pháp giáo hóa, lại ở trong vô số quốc độ khác nữa mà dẫn dắt làm lợi ích cho các loài chúng sanh.

Chư thiện nam tử! Có ai đến chỗ Như Lai thì Như Lai đem mắt Phật mà nhìn tín, tấn, niệm, định, tuệ các căn của họ lanh hay chậm, rồi tùy sự nên giáo hóa như thế nào. Tại mỗi quốc độ, Như Lai tự nói danh hiệu khác nhau, tuổi tác lớn nhỏ, lại nói sẽ nhập diệt. Như Lai còn dùng đủ cách phương tiện mà nói Chánh pháp tinh túy làm cho chúng sanh ai cũng hoan hỷ.

Chư thiện nam tử! Như Lai thấy chúng sanh ưa thích giáo pháp nhỏ, đức mỏng tội nặng, thì vì những người đó mà nói rằng Như Lai lúc trẻ tuổi đã xuất gia và mới được tuệ giác vô thượng gần đây, nhưng thật sự Như Lai đã thành Phật đến nay đã lâu xa như trên đã nói, chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sanh cho họ nhập vào tuệ giác của Phật nên nói thành Phật gần đây.

Như Lai nay không thật nhập diệt mà tuyên bố nhập diệt, là Như Lai dùng phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Tại sao? Vì nếu Như Lai tồn tại lâu dài thì những kẻ phước đức mỏng manh, không lo gieo trồng gốc rễ điều lành, y nguyên nghèo nàn hèn hạ, sa vào màn lưới tư tưởng sai lầm. Những kẻ đó nếu thấy Như Lai thường tồn tại mà không nhập diệt thì khinh thường, phóng túng, nhàm chán, biếng nhác, chứ không sanh ý tưởng Như Lai khó gặp không sanh tâm lý tôn kính” (4).

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Tứ tướng thứ bảy, lúc gần nhập Niết bàn, vì lòng thương tưởng các chúng sanh, Đức Phật một lần nữa xác lập vấn đề, Ngài là vị Phật đã thành Phật từ vô thỉ kiếp, kiếp này tùy nguyện vào cõi Ta bà ác trược, giáo hóa chúng sanh.

“Này Ca Diếp! Như Lai từ lâu đã trụ nơi Đại Niết bàn, thị hiện vô lượng thần thông biến hóa, ở trong cõi Đại thiên trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức Diêm phù đề này, thị hiện vô lượng thần thông như ở trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói nhiều.

Hoặc ở Diêm phù đề thị hiện Niết bàn mà chẳng rốt ráo nhập Niết bàn, hoặc ở Diêm phù đề nhập vào thai mẹ làm cho cha mẹ tưởng là con trai của mình sinh nở, mà thân của Như Lai đây trọn hẳn chẳng từ nơi ái dục hòa hợp sanh. Như Lai đã lìa ái dục từ vô lượng kiếp, thân của Như Lai chính là Pháp thân vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ.

Này Ca Diếp! Nơi vườn Lâm Tỳ Ni, thị hiện từ nơi mẹ là Ma Gia sanh ra, vừa mới sanh liền đi qua hướng Đông bảy bước, xướng lên lời rằng: “Ở trong hàng trời, người, A tu la, Ta là bậc tôn thượng hơn cả”.

Cha mẹ và trời thấy thế vừa sợ vừa mừng, cho là hy hữu, mà mọi người nói là trẻ nhỏ. Nhưng chính thực thân của Như Lai đã lìa trên đây từ vô lượng kiếp. Thân của  Như Lai tức là Pháp thân chẳng phải là thân thịt, máu mạch, gân, xương, tủy hợp thành.

Vì tùy thuận cách sanh của chúng sanh mà thị  hiện làm đứa trẻ, đi qua hướng Nam bảy bước là thị hiện muốn làm phước điền vô lượng cho chúng sanh;  đi  qua  hướng Tây bảy bước là thị hiện thân này là thân cuối cùng không còn sanh tử nữa; đi qua hướng Bắc bảy bước là thị hiện đã qua khỏi sự sanh tử của các cõi; đi qua hướng

Đông bảy bước là thị hiện làm đạo sư cho chúng sanh, đi qua bốn hướng cạnh bảy bước là thị hiện dứt diệt các thứ phiền não và bốn loài ma mà thành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; đi lên bảy bước là thị hiện không bị vật nhơ làm ô nhiễm như hư không; đi xuống bảy bước là thị hiện rưới mưa pháp dập tắt lửa địa ngục cho các chúng sanh hưởng vui an ổn.

Nơi Diêm phù đề sau khi sanh bảy ngày lại thị hiện cạo râu tóc, mọi người đều cho rằng Như Lai là đứa trẻ mới cạo tóc lần đầu. Kỳ thực tất cả trời, người, ma vương, Sa môn, Bà la môn không một ai có thể thấy được đảnh tướng của Như Lai, huống là có người cầm dao đến cạo tóc được. Trong vô lượng kiếp lâu xa về trước Như Lai đã cạo bỏ râu tóc rồi, vì muốn tùy thuận theo pháp thế gian nên Như Lai thị hiện cạo râu tóc.

… Rồi vào học đường học tập chữ nghĩa, võ nghệ, nghề nghiệp… kỳ thật từ vô lượng kiếp Như Lai đã hoàn toàn rành rẽ tất cả những môn đó. Xem khắp ba cõi không một ai có khả năng làm thầy của Như Lai được, vì muốn tùy thuận thế gian mà thị hiện vào học đường. Vì  thế nên gọi là Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Ở cõi Diêm phù đề tùy thuận thế gian mà thị hiện làm thái tử, mọi người đều thấy Như Lai là thái tử con trai lớn của vua Tịnh Phạn và  hoàng  hậu  Ma  Gia,  hưởng  sự vui sướng trong cảnh ngũ dục, kỳ thật trong vô lượng kiếp Như Lai đã lìa bỏ sự vui ngũ dục rồi…” (5).

Hay ở một đoạn khác trong kinh Hoa  Nghiêm,  Đức  Phật cũng đã nói lên ý nghĩa thị hiện và nhập Niết bàn của Ngài:

“Vì muốn cho tất cả chúng sanh sanh tâm cực kỳ hoan hỷ nên Như Lai xuất hiện bất ngờ trên thế gian. Vì muốn chúng sanh khởi tâm luyến mộ cực độ nên chư Phật thị hiện Niết bàn một cách tự nhiên. Thật ra Phật thường trụ bất diệt. Chúng sanh sở dĩ khi thấy Phật xuất thế, khi thấy Phật diệt độ, việc đó là hoàn toàn do nghiệp chướng nặng hay nhẹ. Nghiệp nhẹ chúng sanh thấy Phật hoàn toàn trụ ở thế gian, nghiệp nặng chúng sanh thấy Phật tịch diệt” (6).

Sự xuất hiện của Đức Phật vào cuộc đời chẳng khác nào như sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời trí tuệ có công năng xé nát bóng tối vô minh đang ngự trị chúng sanh; chẳng khác nào như chiếc thuyền từ quý báu cứu vớt chúng sanh đang lặn hụp trong  đại  dương  sanh  tử  luân hồi; chẳng khác nào như Ma ni bảo châu ban phát mọi sự no ấm cho vạn loại chúng sanh đang nghèo đói không nơi nương tựa.

Hình ảnh Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời càng hiển rõ sứ mạng cứu độ chúng sanh, được tô đậm nét nơi kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa thành dụ thứ bảy. Ngài là bậc thống lãnh, bậc dẫn lãnh, bậc đạo sư duy nhất hướng đạo năm trăm người đi về thành Niết bàn. Ngài là bậc có trí tuệ viên mãn vô biên, có tâm lượng đại từ đại bi vô cùng tận, là bậc khéo tận dụng mọi phương tiện một cách quyền xảo tùy nghi khi đoàn người trên đoạn đường đi đã quá mệt mỏi, có kẻ lại sanh niệm thối thất, bỏ cuộc mà hóa hiện ra những hóa thành để dẫn dắt thúc đẩy họ phấn chấn đi tiếp đoạn đường còn lại để đi đến thành Niết bàn tối thượng cuối cùng là đạo quả Vô thượng Bồ đề.

Cảnh giới tùy nguyện thị hiện hay còn gọi “Pháp hành phương tiện thị hiện” của chư Phật, Bồ tát là cảnh giới bất khả tư nghì. Cảnh giới này vượt ra ngoài mọi sự hiểu biết và suy lường của phàm phu. Chỉ có chư Phật, Bồ tát các Ngài đã chứng đắc nên rõ biết và thường thực thi hạnh nguyện vĩ đại này.

Vì thế, khi nói đến “Pháp hành phương tiện của chư Phật, Bồ tát – Pháp hành phương tiện thị hiện vào cuộc đời” trong Pháp hội Đại thừa phương tiện thứ ba mươi tám (Kinh Đại Bảo Tích), Đức Phật đã nhiều lần dặn đi dặn lại với Bồ tát Trí Thắng, phải nên thận trọng khi nói đến pháp thị hiện vào cuộc đời độ sanh vi diệu của Ngài cho tất cả chúng sanh. Bởi nếu chúng sanh căn lành mỏng, nghiệp chướng dày, và nhất là không có chủng tử Đại thừa khi nghe người khác nói về “Pháp hành phương tiện của chư Phật, Bồ tát” chẳng những họ không tin mà còn sinh tâm phỉ báng mắc phải vô lượng vô biên tội lỗi. Như trong kinh Pháp hội Đại thừa phương tiện nói: “Này Trí Thắng! Như Lai nói pháp phương tiện rồi, các phương tiện này cần phải giữ kín. Tại sao? Vì kinh này chẳng phải chỗ hành của hàng Thanh văn, Bích chi Phật, huống là hàng hạ liệt phàm phu có thể tin được. Kinh phương tiện này chẳng phải chỗ dùng của họ, chẳng phải các phàm khí thọ được. Chỉ có Bồ tát là hay nói hay học pháp phương tiện này.

Này Trí Thắng! Ví như đêm tối thắp đèn sáng lớn thấy được tất cả đồ vật trong nhà. Cũng vậy, Bồ tát nghe được kinh này rồi thì thấy được tất cả đạo sở hành của Bồ tát, trong pháp này là chỗ tôi phải học. Nói tất cả sở hành của Như Lai, của Bồ tát đều đã đến bỉ ngạn. Người đến làm đạo Bồ tát chẳng lấy đó làm khó.

Này Trí Thắng! Nay Ta sẽ nói về người muốn được đạo Bồ đề, nghĩa là các thiện nam tử thiện nữ nhân nghe tin quá trăm ngàn do tuần có chỗ giảng thuyết kinh Phương tiện này, thì nên đến đó để nghe. Tại sao. Vì nếu Bồ tát được nghe kinh Phương tiện này thì được Quang minh hạnh, ở trong tất cả pháp trừ được tâm nghi hối” (7).

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong cuộc đời cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ là Đức Phật tùy nguyện thị hiện. Ngài là vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, nhưng với tình thương chúng sanh vô biên và hoài bão cứu độ chúng sanh vô tận (Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề, Địa ngục vị không thệ bất thành Phật – Kinh Địa Tạng) mà Ngài khéo vận dụng phương tiện thiện xảo đồng thị hiện vào cuộc đời, rồi giác ngộ cuộc đời là khổ, không, vô thường, vô ngã, thị hiện xuất gia tu hành, thị hiện thành tựu quả vị Phật, để rồi chuyển pháp luân tối thượng hóa độ vô lượng chúng sanh.

Đến đây, có người đặt nghi vấn: “Theo tinh thần triển khai của đề tài thì Đức Phật Thích Ca là vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này thừa nguyện tái lai thị hiện vào cõi Ta bà ác trược hóa độ chúng sanh. Như vậy chỉ có chư Phật các Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp  quá khứ, còn bọn chúng ta là phàm phu ngu muội  dù  hiện tại có nỗ lực tu hành cũng không thể thành Phật được chăng. Nếu điều này xảy ra tất sẽ trái với  quan điểm của Đại thừa Phật giáo là “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”. Nếu chúng ta tu hành nhưng không thể thành Phật thì tu để làm gì. Không lẽ sự tu hành nhọc nhằn chỉ mong cầu được hưởng phước báo nhân thiên ư?”.

Với nghi vấn này, chúng tôi xin giải đáp: Nơi tinh thần đề tài, chúng tôi xác lập vấn đề Đức Phật Thích Ca là vị Phật đã thành Phật từ vô thỉ kiếp, kiếp này thừa nguyện tái lai thị hiện ở cõi Ta bà thành Phật để hóa độ chúng sanh, điều này không có nghĩa chúng tôi nói rằng quả vị Phật chỉ có chư Phật, Bồ tát, các Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp quá khứ, còn phàm phu chúng ta hiện đời dù có nỗ lực tu hành cũng không thể thành Phật.

Thứ nữa, quan điểm “Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời là Đức Phật thị hiện” là chúng tôi y cứ vào kinh điển, nhất là các bộ kinh điển Đại thừa đã dẫn chứng để chứng minh chứ không phải là ý kiến cá nhân. Nhân đây, chúng tôi cũng xin trích lại một đoạn trong  rất  nhiều  đoạn  ở kinh Đại Bát Niết Bàn nói về quan điểm này để chúng ta có thể làm y cứ phát khởi tín tâm.

“Này Ca Diếp! Sau khi Như Lai vào Niết bàn bảy trăm năm, ma Ba Tuần sẽ ngăn trở và làm hư hoại Chánh pháp. Ví như thợ săn thân mặc pháp y; cũng vậy, ma vương Ba Tuần giả hình Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc,  Ưu bà di. Nó cũng làm thân Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán và hóa thành hình Phật. Ma vương đem thân hữu lậu hóa làm thân vô lậu để làm hư hại Chánh pháp. Thời kỳ ma vương Ba Tuần làm hư hại Chánh pháp, nó sẽ nói rằng xưa kia Bồ tát ở cung trời Đâu Suất, rồi sinh nơi cung vua Bạch Tịnh tại thành  Ca  Tỳ  La  Vệ,  nương sự ái dục, hòa hợp của cha mẹ sanh dục mà có thân, không bao giờ có người nào sanh trong loài người mà được đại chúng cõi trời cõi người tôn kính. Và lại nói rằng xưa kia khổ hạnh bố thí những vợ con quốc thành nên nay đặng thành Phật, vì thế nên được chư thiên chư thần cùng mọi người cung kính. Nếu có kinh luật nào nói những lời trên đây phải biết đó là lời của ma.

Này Ca Diếp! Nếu kinh luật nào nói Đức Như Lai chánh giác đã thành Phật từ lâu vì muốn cứu độ chúng sanh nên nay mới thị hiện thành Phật, và vì  tùy  thuận  theo thế gian nên thị hiện có  cha  mẹ,  nhân  nơi  ái  dục hòa hợp mà sanh. Phải biết kinh luật này chính thật  là của Như Lai nói.

Nếu ai tin theo lời ma thì là  quyến  thuộc  của  ma,  bằng người nào có thể tùy thuận kinh luật của Phật người đó là Bồ tát.

Nếu có chỗ nào nói không nên tin rằng lúc mới sanh cả bốn phương Như Lai đều đi bảy bước, phải biết đây là lời của ma. Ai tùy thuận theo lời ma là quyến thuộc của ma.

Nếu nói lúc Như Lai mới ra đời, cả bốn phương đều đi bảy bước, đó là Như Lai phương tiện thị hiện, phải biết đây là kinh luật của Như Lai nói. Người nào tùy thuận lời Phật dạy, thời đó là bậc Bồ tát” (8).

Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này thừa nguyện thị hiện vào cõi Ta bà ác trược giáo hóa quần sanh. Sở dĩ Ngài thành tựu công đức mầu nhiệm đó là do Ngài đã nỗ lực tu tập không tiếc thân mạng, trải dài nhiều đời nhiều kiếp hành Bồ tát đạo mới thành tựu. Chúng ta nếu ngày nay dõng mãnh phát Bồ đề tâm tu Bồ

tát hạnh, quyết định tương lai sẽ thành tựu quả vị Phật như Ngài không khác.

Quan điểm “Đức Phật Thích Ca xuất hiện  trong cuộc  đời là Đức Phật thị hiện” còn để phá trừ hai lối mê chấp mà hàng Phật tử thường mắc phải. Một là tâm lý tự ti thái quá, hai là tâm lý tự kiêu thái quá.

Lối mê chấp thứ nhất có một số người cho rằng “Quả Phật cao xa vời vợi tu hành nhiều kiếp mới mong thành  tựu, chúng tôi là hạng phàm phu căn tánh kém cỏi chẳng dám mong cầu thành Phật. Kiếp này nỗ lực tu hành chỉ nguyện được hưởng phước báo nhân thiên đời sau là quý lắm rồi”.

Với lối tự ti mặc cảm trước thân phận hèn kém, tự cho mình e không thể có khả năng thành Phật, tu hành đời này chỉ mong hưởng được phước báo nhân thiên đời sau là lối nhận thức sai lầm. Những người đó họ không biết rằng trong các kinh điển Đại thừa, nhất là kinh Pháp Hoa, Đức Phật có dạy: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”. Có nghĩa là hết thảy chúng ta dù hiện tại mang nhiều nghiệp chướng, hoặc đang đọa lạc trầm luân trong biển cả sanh tử, nhưng nếu biết ý thức tu hành, làm đúng theo những lời dạy của Đức Phật đều có thể thành Phật. Vì thế, với quan điểm “Đức Phật Thích Ca là vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này tùy nguyện thị hiện vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh” nhân đây hạng chúng sanh đang có tư tưởng tự ti hạ liệt trên sẽ phát sanh ý tưởng “Đức Phật Thích Ca xưa kia cũng như ta, cũng trầm luân trong bể cả sanh tử nhưng do Ngài nỗ lực tu hành nên đã

thành Phật từ vô lượng kiếp. Ta nay nên lập nguyện tu hành quyết tương lai cũng sẽ thành Phật như Ngài không khác”. Nhờ suy nghĩ vậy, tâm Bồ đề của hạng người tự ti hạ liệt được phát khởi, lòng tin  vào  khả  năng  thành  Phật của mình được kiến lập, công hạnh Bồ tát đạo sẽ được xây dựng, vấn đề thành tựu quả vị Phật chỉ còn là thời gian.

Lối mê chấp thứ hai lại có một số người cho rằng: “Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật, vì thế chúng sanh là Phật, ta nay cũng chính là Phật”. Do rơi vào lối mê chấp tự kiêu ngông cuồng thái quá đó, nên họ không phát khởi Bồ đề tâm, không tinh tấn lập thệ nguyện, không nỗ lực đoạn  ác  hành thiện… Tức họ không biết rằng, họ tuy  có  khả  năng thành Phật nhưng với điều kiện  họ  phải  cố  gắng nỗ lực tu hành, còn bằng không thì suốt đời  suốt  kiếp vẫn trôi lăn trong vòng sanh tử, bởi “Tu đức có khởi, Tánh đức mới thành”.

Vì thế, khi xác lập quan điểm “Đức Phật Thích Ca là   vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này thừa nguyện thị hiện vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh”, nhân đây hạng người có tư tưởng tự kiêu ngông cuồng sẽ phát sanh ý tưởng “Đức Phật Thích Ca sở dĩ đã thành  Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này thừa nguyện thị hiện vào cuộc đời là do quá trình Ngài đã nỗ lực tu hành, không tiếc thân mạng không biết nhàm chán mệt mỏi. Chúng ta tuy có Phật tánh nhưng nếu không cố gắng nỗ lực tu tập tức không thể thành Phật”. Nhờ ý niệm đó, tâm Bồ đề của họ được phát khởi, hạnh nguyện Bồ tát được họ kiến lập, công hành Bồ tát đạo sẽ được xây dựng, nhân huân quyết quả mãn.

Cũng để phá trừ hai lối chấp tác hại đầy nguy hiểm của chúng sanh, tức tự ti mặc cảm thái quá và tự kiêu ngông cuồng, và để làm sáng tỏ vấn đề “Đức Phật Thích Ca là vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này do bi nguyện độ sanh mà thị hiện vào cuộc đời”, Thiên Thai Trí Giả đại sư (561-632), khai tổ tông Thiên Thai có đưa  ra thuyết “Lục tức Phật” như sau.

1.    Lý tức Phật: Chỉ cho tất cả chúng sanh ai cũng đều có Phật tánh.

2.   Danh tự tức Phật: Danh từ Phật ở trong kinh điển chúng sanh do xem kinh thấy được.

3.   Quán hạnh tức Phật: Chúng sanh nương theo giáo pháp tu hành chứng vào các quả vị trong ngôi Ngũ phẩm. Ở địa vị này gọi là Quán hạnh tức Phật.

4.  Tương tợ tức Phật: Chúng sanh nương theo giáo pháp tu hành phát triển được trí tuệ tương tợ như Phật, tương đồng với các quả vị ở ngôi Thập tín, địa vị này gọi là Tương tợ tức Phật.

5.  Phần chứng tức Phật: Chúng sanh nương theo giáo pháp tu hành, phá được một phần vô minh, chứng được một phần Pháp thân, tương đồng với các địa vị từ bậc Sơ trụ đến ngôi vị Đẳng giác Bồ tát, địa vị này gọi là Phần chứng tức Phật.

6.  Cứu cánh tức Phật: Chúng sanh tu hành đoạn sạch vô minh chứng trí giác viên mãn, tương đồng quả vị Diệu giác, địa vị này gọi là Cứu cánh tức Phật (9).

Như vậy, chúng sanh và chư Phật đều bình đẳng trên mặt pháp tánh, nhưng hoàn toàn sai biệt nơi mặt pháp tướng. Chúng sanh tuy có Phật tánh nhưng phải nỗ lực tu hành Phật tánh mới có thể hiển lộ, quả chứng mới có thể tương đồng với Phật.

Có nghĩa là tất cả chúng sanh vốn có Lý tức Phật nhưng phải nỗ lực tu tập, trải qua các quá trình tu chứng Danh tự tức Phật, Quán hạnh tức Phật, Tương tợ tức  Phật, Phần chứng tức Phật, cuối cùng mới đạt đến địa vị Cứu cánh tức Phật. Còn Đức Phật Thích Ca đã trải qua quá trình tu chứng trên, công đã viên quả đã mãn, bi trí song vận thành Phật từ vô lượng kiếp, kiếp này thừa nguyện tái lai thị hiện vào cõi Ta bà ác trược giáo hóa vô lượng chúng sanh.

Tin tưởng vào khả năng thành Phật của  chính mình  là điều kiện cần thiết đầu tiên để bước vào ngôi nhà Phật pháp. Vì thế, mỗi người Phật tử chúng ta cần phải xác lập niềm tin quan trọng này. Phải tinh tấn tu hành, thệ nguyện thực hành Bồ tát đạo trải dài ba A tăng kỳ kiếp, dù hoàn cảnh có gian nguy khổ sở vẫn không thể làm lay đổi được chí nguyện. Có như vậy chúng ta mới thành đạt trọn vẹn tâm nguyện ban đầu, mới có thể chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ đề, mới có thể thực thi hạnh nguyện “Phương tiện thị hiện vào cuộc đời làm lợi ích cho vô lượng nhân thiên” như Đức Phật Thích Ca đang làm,  chư  Phật  quá khứ đã làm.

Tóm lại, Đức Phật Thích Ca là vị Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp quá khứ, kiếp này thừa nguyện tái lai thị hiện vào cõi Ta bà ác trược giáo hóa tất cả chúng sanh.

Đây là điểm cần thiết mà tất cả chúng ta cần phải nhận biết trước khi bước vào công việc tìm hiểu những mật ý, những diệu dụng phi thường… trong mỗi hành động mỗi lời nói mỗi ý nghĩ suốt tám mươi năm trụ thế của Ngài – Đấng Giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật tối thượng của tất cả chúng ta.

Thích Nguyên Liên

(Trích sách Những mật ý trong cuộc đời Đức Phật)


Chú thích:

1. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính dịch. Minh Đức 1971, tr.107.

2. Kinh Hoa Nghiêm (sđd).

3. Quy Phật bản hoài, Nguyễn Giản Chi (bản chép tay).

4. Kinh Pháp Hoa (sđd).

5. Kinh Niết Bàn, HT.Trí Tịnh dịch NXB.TPHCM 1998, q.1, tr.138-140.

6. Kinh Hoa Nghiêm (sđd) q.3, tr.431.

7. Kinh Đại Bảo Tích (sđd) q.6, tr.626-527.

8. Kinh Niết bàn (sđd) q.1, tr.216-217.

9. Phật Quang đại từ điển, tr.1276.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Chùa Phước Huệ: Chư hành giả Tăng – Ni Giáo đoàn VI cùng nhau “Sống chung tu học”

9g sáng, ngày 6/1/2025 nhằm mùng 7/12/Giáp Thìn. Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã thân lâm về chùa Phước Huệ, khu phố Long An, phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo lời mời của Thượng tọa Giác Nhuận trưởng Ban tổ chức khóa tu lần 7

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người