Post: : Admin

- Bấy giờ Bồ tát Hộ Minh xem xét con bạch tượng nơi cung trời Đâu Suất thấy nó mạnh mẽ, cỡi tượng vương này giáng sanh ắt không có sự rối loạn sợ hãi. Ngài quay lại bảo chư thiên “Các vị nên biết đã đến giờ Ta giáng sanh, đây là lần thọ thân sau rốt của Ta”.



Chú thích: Bồ-tát nhập thai

Chú giải: Lý Thập nhị nhân duyên của Phật giáo phản ảnh tiến trình sanh tử của mỗi chúng  sanh.  Tiến trình đó được diễn tiến qua  mườì  hai giai  đoạn, khởi  đầu là vô minh và cuối cùng là sanh già bệnh chết rồi cứ thế tiếp tục xoay vần mãi. Trong mười hai chi nhân  duyên,  điểm trung tâm để vận chuyển bánh xe sanh tử luân hồi chính là ái dục. Ái ở đây không chỉ giới hạn nơi tình yêu xác thịt giữa hai người khác phái, mà bất cứ một ai có tâm niệm chấp trước luyến tiếc vào bất một pháp nào dù là pháp vô vi đều gọi là chấp thủ ái.

Tất cả chúng sanh từ vô thỉ cho đến nay đều bị cuốn phăng trong dòng thác ái dục. Chính ái dục là đầu mối là chủ nhân tác thành sự khổ đau, lo âu và sợ hãi của con người. Điều này trong kinh Pháp Cú đã nói rõ:

“Nhân ái sanh lo Nhân ái sanh sợ


Người không còn ái Lo gì sợ gì” (1)

Chúng sanh do ái chi phối nên chuốc lấy sự khổ đau vô tận và cũng do ái mà tác thành tâm niệm đầu thai của phàm phu. Khác với chư Phật Bồ tát các Ngài thị hiện vào cuộc đời với đại bi tâm muốn cứu độ chúng sanh thoát ly biển khổ chứ không phải do tâm ái dục. Ở nơi đoạn này, chúng tôi sẽ trình bày sự sai biệt giữa tướng trạng và tâm lý của chúng phàm phu và chư Phật Bồ tát. Tức sự sai  biệt giữa cấp đô tham ái nặng nề và sạch dứt ái để rồi dẫn đến sự khác xa giữa cảnh giới thù thắng vi diệu nhập thai của các bậc thánh giả cùng sự lo âu đầy sợ hãi đầy mù mịt của chúng phàm phu khi nhập thai.

Diễn tiến sự đầu thai của phàm phu tâm lý và hình thể của thân trung ấm như thế nào trong thời  gian thọ  thân trung ấm. Tâm lý thân trung ấm chuẩn bị vào thai  mẹ ra sao. Đây là các vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu.

Các kinh luận diễn tả thân trung ấm có thân hình tương ưng vào mỗi cảnh giới sắp thác sanh, màu sắc thân thể cũng thế. Về mặt tâm thức, trung ấm luôn ở trong giai đoạn mê rồi tỉnh tỉnh rồi lại mê, và cảm chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ do ngoại duyên tác động

Lại có các luồng gió mãnh liệt thổi đẩy trung ấm rơi vào những nơi xa lạ vô định, lại gặp các thứ ánh sáng vô cùng cực mạnh vùn vụt chớp loè, lại có những âm thanh chát chúa khó chịu… những tác nhân ngoại duyên đó làm cho trung ấm ngất xỉu  hoảng  hốt  không  nơi  nương  tựa.  Tất cả những hiện tượng kể trên đều do nghiệp duyên bất thiện của trung ấm hiện ra.

Còn tâm lý khi vào thai mẹ của trung ấm lại càng phức tạp. Bởi do ái dục làm chủ trong suốt quá trình thân trung ấm tồn tại, vì thế tâm lý  trung ấm  trước  khi vào thai mẹ luôn khao khát ái dục và bị ái dục thiêu đốt làm cho tâm bức xúc nóng nảy khổ đau vô tận.

Với tâm lý thèm muốn những rung động của dục tình nhưng không đủ điều kiện để đáp ứng (do thân trung ấm phần sắc chất rất vi tế), nên giữa không gian mênh mông khi thấy đốm sáng lửa dục lóe lên từ nơi cha mẹ giao hợp, trung ấm bèn duyên theo tâm dục của cha mẹ phát sanh ý niệm thỏa thích lẫn sân hận. Với trung ấm là nam thì đối với người mẹ sanh tâm ái nhiễm tưởng như đang cùng mẹ giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người cha. Với trung ấm là nữ đối với người cha sanh tâm ái nhiễm tưởng như đang cùng cha giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người mẹ. Ngay khi trung ấm sanh tâm ái cùng tâm sân cũng chính là lúc trung ấm nhập thai.

Còn vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ giáng sanh vào thai mẹ hoàn toàn khác biệt với chúng phàm phu. Bồ tát đã đoạn sạch tâm ái và tâm sân, đã vượt thoát vòng sanh tử luân hồi nên Ngài không còn phải ở vào giai đoạn thân trung ấm. Lại nữa tâm thức của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ trước lúc giáng sanh, Bồ tát an trụ nơi chánh niệm tràn đầy tâm từ bi thương tưởng, tâm cứu độ vạn loại chúng sanh. Nói cách khác Bồ tát Nhất sanh bổ xứ tự tại đi vào cuộc đời để thực hiện những đại nguyện đã phát trong quá khứ hoàn toàn khác với chúng phàm phu vì tham dục lạc để vào đời.

Trạng thái tự tại giáng sanh vào thai mẹ của Bồ tát Hộ Minh các kinh luận xưa nay đã diễn bày rất nhiều. Căn cứ theo kinh Phật Bản Hạnh Tập, Bồ tát sau khi quán sát nhân duyên thời tiết căn cơ chúng sanh và thấy đã chín muồi, Ngài xem xét con bạch tượng ở cung trời Đâu Suất thấy nó mạnh mẽ vững vàng như sư tử chúa, cỡi tượng vương này giáng sanh tức không có sự rối loạn sợ hãi tâm thức được an điềm. Ngài quay lại bảo chư thiên: “Các vị nên biết đã đến giờ Ta giáng sanh, đây là thân rốt sau của Ta”. Đoạn kinh này đã phản ảnh rõ sự nhập thai đầy tự tại của Bồ tát Hộ Minh so với các chúng sanh bình thường khác cách xa trời vực như thế nào.

Lại nữa, ở vấn đề Bồ tát Hộ Minh từ cung Đâu Suất thọ sanh nhân gian, chúng ta cần phải hiểu là  ngay sau  khi Bồ tát nhập thai không có nghĩa Ngài chấm dứt thân mạng ở cung trời Đâu Suất. Theo Pháp hội đại thừa phương tiện thứ ba mươi tám (kinh Đại Bảo Tích) ngay lúc giáng sanh, Bồ tát nhập vào định Vô cấu chẳng rời thiền định mà giáng hạ xuống châu Diêm phù đề. Chư thiên cõi trời Đâu Suất đều tưởng rằng Bồ tát đã mạng chung không còn sanh trở lại, nhưng khi đó Bồ tát vẫn ở nơi cung trời Đâu Suất, trụ nơi đại định. Đây là thần lực hy hữu của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, chẳng có một ai trên thế gian này dù là hàng đại Phạm vương chư thiên ma vương có được thần lực không rời đại định nhập thai như Bồ tát.

Thần lực mầu nhiệm của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ tại cung trời Đâu Suất sắp giáng sanh vào thai mẹ ở Diêm phù đề để thành Phật là bất khả tư nghì. Các hiện tướng vi diệu lúc Bồ tát nhập thai không có bất cứ một ai trên thế gian này có được. Lại thần lực cùng các hiện tướng của Bồ tát lúc chuẩn bị giáng sanh trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế gian thứ ba mươi tám có diễn bày như sau.

“Chư Phật tử! Đại Bồ tát ở Đâu Suất thiên cung lúc sắp giáng sanh hiện ra mười sự.

- Đại Bồ tát lúc từ trời Đâu Suất giáng sanh từ dưới chân phóng đại quang minh tên là An lạc trang nghiêm chiếu khắp cõi đại thiên thế giới, tất cả ác đạo những chúng sanh hoạn nạn được quang minh chạm đến  nhằm  mình thời đều khỏi khổ được an lạc. Được an lạc rồi thời biết sắp có bậc đại nhân kỳ đặc xuất hiện ở thế gian. Đây là sự thị hiện thứ nhất.

-  Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc giáng sanh từ trong tướng bạch hào giữa chặng mày phóng đại quang minh tên là Giác ngộ chiếu khắp đại thiên thế giới, soi đến thân của Bồ tát đồng hành với mình từ đời trước, chư Bồ tát do được quang minh chiếu đến biết đại Bồ tát sắp giáng sanh, liền đem vô lượng đồ cúng dường đến chỗ đại Bồ tát để cúng dường. Đây là sự thị hiện thứ hai.

- Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh ở trong bàn tay phải phóng đại quang minh tên là Thanh tịnh cảnh giới, đều có thể trang nghiêm thanh tịnh tất cả đại thiên thế giới. Trong đây nếu có hàng Bích chi Phật chứng được vô lậu thấy biết quang minh này thời xả thọ mạng. Nếu những vị này không hay không biết thời oai lực của quang minh dời họ đến trong những thế giới phương khác. Tất cả những ma và các ngoại đạo hàng chúng sanh có kiến chấp đều cũng dời đến thế giới phương khác, chỉ trừ những chúng sanh đáng được hóa độ do thần lực của Phật nhiếp trì. Đây là sự thị hiện thứ ba.

-  Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ đầu gối phóng đại quang minh tên là Thanh tịnh trang nghiêm, chiếu khắp cung điện của chư thiên  dưới  chiếu  đến trời Hộ Thế Tứ Thiên Vương trên chiếu suốt trời Tịnh Cư, chư thiên trong tất cả cõi trời đều biết Đại Bồ tát ở cung Đâu Suất sắp giáng sanh, tất cả đồng có lòng luyến mộ buồn than lo sầu cùng nhau đem những tràng hoa, y phục, hương bột, hương thoa, phan lọng, kỹ  nhạc  đến  chỗ Bồ tát để cung kính cúng dường theo Bồ  tát  hạ  sanh  nhẫn đến nhập Niết bàn. Đây là sự thị hiện thứ tư.

-  Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh trong tâm trạng Kim cang trang nghiêm nơi tướng chữ Vạn, phóng đại quang minh tên là Vô năng thắng tràng chiếu khắp tất cả thế giới mười phương đến thân của Kim cang lực sĩ. Bấy giờ có trăm ức Kim cang lực sĩ đều vân tập theo hầu hạ Đại Bồ tát từ lúc giáng sanh nhẫn đến lúc nhập Niết bàn. Đây là sự thị hiện thứ năm.

-  Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ tất cả lỗ chân lông trên thân phóng đại quang minh tên là Phân biệt chúng sanh, chiếu khắp đại thiên thế giới chạm đến thân của tất cả Bồ tát, lại chạm đến tất cả chư thiên và người đời. Chư Bồ tát đó đồng nghĩ rằng tôi phải ở lại đây để cúng dường Đức Như Lai giáo hóa chúng sanh. Đây là sự thị hiện thứ sáu.

- Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ trong điện Đại ma ni bảo tạng phóng đại quang minh tên là Thiền trụ quán sát chiếu đến chỗ Bồ tát này sẽ sanh. Quang minh này chiếu xong những Bồ tát khác đều theo dõi xuống Diêm phù đề hoặc ở nơi nhà hoặc ở tụ lạc hoặc ở thành ấp mà hiện thọ sanh, vì muốn giáo hóa các chúng sanh. Đây là sự thị hiện thứ bảy.

-   Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ cung điện cõi trời và trong những đồ trang nghiêm nơi đại lầu các phóng đại quang minh tên là Nhất thiết cung điện thanh tịnh trang nghiêm chiếu đến bụng  của  người  mẹ sẽ thác sanh. Quang minh chiếu xong làm cho thánh mẫu an ổn vui vẻ thành tựu đầy đủ tất cả mọi công đức. Trong bụng thánh mẫu tự nhiên có lầu các quảng  đại trang nghiêm với đại ma ni bảo châu nơi đây là chỗ sẽ ở của thân đại Bồ tát. Đây là sự thị hiện thứ tám.

-  Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ dưới hai bàn chân phóng đại quang minh tên là Thiện trụ, nếu chư thiên tử và các phạm thiên sắp lâm chung được quang minh chạm đến thân thời đều được trụ thọ mạng cúng dường đại Bồ tát từ lúc mới hạ sanh nhẫn đến nhập Niết bàn. Đây là sự thị hiện thứ chín.

-    Đại Bồ tát ở cung trời Đâu Suất lúc sắp giáng sanh từ trong tùy hình hảo phóng đại quang minh tên là Nhật nguyệt trang nghiêm thị hiện những công nghiệp của Bồ tát. Bấy giờ người hoặc trời hoặc thấy sơ sanh hoặc thấy xuất gia hoặc thấy hàng ma hoặc thấy thành đạo  hoặc  thấy chuyển pháp luân hoặc thấy nhập Niết bàn. Đây là sự thị hiện thứ mười.

Đại Bồ tát nơi thân, nơi tòa, nơi cung điện trong lâu các phóng trăm muôn vô số đại quang minh như vậy, đều hiển hiện những sự nghiệp của Đại Bồ tát. Thị hiện sự nghiệp này rồi vì đầy đủ tất cả công đức nên từ cung trời Đâu Suất giáng sanh xuống nhân gian” (2).

3.2  - Khi đó nơi thành Ca Tỳ La Vệ, hoàng hậu Ma Gia trong giấc mơ, thấy có một vị Bồ tát cỡi bạch tượng sáu ngà chun vào hông bên phải, hoàng hậu thọ thai.

Chú giải: Theo các nhà khoa học chủ trương thì sự hình thành bào thai của con người là kết quả hòa hợp của tinh cha và huyết mẹ tạo thành. Nhưng Phật giáo lại cho rằng ngoài sự kết hợp giữa tinh cha và  huyết  mẹ còn có một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định cho sự hình thành bào thai, đó là hương ấm (hay còn gọi  là  thần thức).

Có điều bào thai hình thành phải có các điều kiện không nằm trong các trường hợp: khi hòa hợp giữa cha  và mẹ mà tinh cha ra tinh mẹ không ra, hoặc tinh mẹ ra  mà tinh cha không ra, hoặc cả hai đều không ra. Lại có trường hợp người mẹ quá mập nhiều thịt dư hoặc có các chứng bệnh như tử  cung lạnh khí huyết thành cục vàng  võ nhiều đàm hoặc do uống thuốc tránh thai cùng các chứng bệnh riêng của người cha. Về phần nghiệp báo nếu cha mẹ tôn quý mà con ty tiện hay cha mẹ ty tiện mà con tôn quý tức không thể thành thai. Hoặc có khi cha mẹ cùng con đều tôn quý hay ty tiện nhưng nghiệp duyên không hợp cũng không thể thành thai. Ngoài các trường hợp kể trên thì mới hình thành bào thai.

Như vậy, kết quả hình thành bào thai của Bồ tát Hộ Minh có phải là do kết quả hòa hợp của ba yếu tố tinh cha huyết mẹ và hương ấm hay không?

Theo quan điểm Phật giáo, các vị Bồ tát chứng từ quả vị Sơ địa trở lên, ở giai vị tu chứng này các Ngài có thể thị hiện thành Phật, thị hiện đầy đủ bát tướng thành đạo để hóa độ chúng sanh. Nói cách khác, các Ngài hiện hữu trong cuộc đời là do nguyện lực hóa độ chúng sanh chứ không phải do sự chỉ đạo của vô minh và ái dục. Vì thế, Bồ tát khi vào thai mẹ thị hiện độ sanh bào thai đó không phải là kết quả của ba yếu tố hòa hợp tinh cha huyết mẹ và hương ấm.

Sự hình thành bào thai của Bồ tát Hộ Minh cũng thế, không phải là do kết quả của ba yếu tố hòa hợp. Sự hình thành bào thai đó theo kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi lại, trong giấc mơ hoàng hậu Ma Gia thấy có một vị Bồ tát cỡi voi trắng sáu ngà chun vào hông bên phải của mình rồi thọ thai.

Sự nhập thai của Bồ tát là một trong mười Phật sự quảng đại vô lượng vô biên bất khả tư nghì mà Bồ tát Nhất sanh bổ xứ chứng đắc, được ghi lại trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phật bất khả tư nghì pháp thứ ba mươi ba. Sự diễn bày thần lực thọ thai này chỉ có chư Phật và các vị Đại Bồ tát chứng đạt, ngoài ra không có một ai trên thế gian dù đại phạm thiên, chư thiên, quỷ  thần,  ma  vương có thể chứng đạt được huống là phàm phu.

Cảnh giới nhập thai mầu nhiệm của Bồ tát không phải từ các yếu tố hòa hợp giữa tinh cha huyết mẹ đó, vẫn có một số người ngày nay nặng về tri kiến khoa học không chấp nhận. Có điều chúng ta cần phải nhớ rằng cảnh giới sở chứng và thần lực của Ngài là bất khả tư nghì, cảnh giới đó vượt ra ngoài sự trắc lượng của phàm phu. Chúng ta đừng đem trí óc thô thiển của mình để soi rọi vào cảnh giới sở chứng của các Ngài, đừng sai lầm khi có ý định như Di Đà sớ sao nói “Đem tình phàm mà soi lượng thánh”. Đừng mù quáng tự  đặt  ra  cho  mình một thước đo tư tưởng cố định rồi những gì xảy ra không phù hợp với thước đo đó đều cho là chuyện không có thật hay do thần thánh hóa mà có,  điều này quả thật  sai lạc.

Đối với hàng Phật tử nếu ai không tin vào sự nhâp thai vi diệu của Bồ tát, là Bồ tát từ cung trời Đâu Suất trụ ở chánh định cỡi voi trắng sáu ngà chun vào hông bên phải của hoàng hậu mà cứ cho rằng Ngài cũng như bao người bình thường khác, sự nhập thai của Ngài là kết quả hòa hợp của ba yếu tố tinh cha huyết mẹ và hương ấm,  tức phải biết người đó vốn không có đức tin kiên cố đối với Tam bảo, không có chủng tử Đại thừa sâu dày.

Lại nữa, hình ảnh Bồ tát cỡi voi trắng sáu ngà chun vào hông bên phải của hoàng hậu để nhập thai nhằm nói lên ý nghĩa gì.

Bồ tát cỡi voi trắng sáu ngà nhập thai. Đại để voi trắng là loài thú có đặc tánh quý hiếm mà các loài thú khác không thể có. Voi trắng là chúa trong tất cả các loài vật vì nó có sức mạnh vĩ đại nhất. Voi trắng là loại thú tôn quý nhất trong tất cả các loài thú bởi tính chất quý hiếm của nó. Voi trắng còn biểu thị cho sự sạch sẽ tinh khiết không vướng chút bợn nhơ cấu uế… Ý chỉ vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ với đại nguyện độ sanh dùng voi trắng sáu ngà thị hiện vào thai mẹ, Ngài là bậc có sức mạnh vĩ đại nhất bởi trí tuệ của Ngài vượt lên tất cả những tri thức của nhân loại, Ngài là bậc tôn quý nhất giữa quần sanh bởi nhân cách trọn vẹn thánh thiện của Ngài, Ngài  là bậc có tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh tâm không chút bợn nhơ của ái dục giữa nhóm người luôn khao khát ái dục. Bồ tát dùng thần lực bất khả tư nghì và tâm ly dục  ly cấu này để thị hiện vào cuộc đời.

Lại có thuyết giải thích: Theo quan điểm  của  Duy  thức học Phật giáo; tâm của chúng sanh được chia làm tám thức là Tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân  thức), đệ lục Ý thức, đệ thất Mạt na thức, đệ bát A lại da thức. Trong tám thức thì đệ bát A lại da thức còn gọi là Căn bản thức. Sở dĩ được gọi là Căn bản thức bởi thức này là thức căn bản nhất mà các thức kia đều phải phụ thuộc. A lại da thức còn gọi là Tàng thức vì thức này như là cái kho để chứa đựng các chủng tử nhiễm tịnh. Mục đích của người tu là chuyển bát  thức  thành  tứ  trí. Nghĩa là  chuyển Tiền ngũ thức thành Thành sở  tác trí; chuyển   Ý thức thành Diệu quán sát trí; chuyển Mạt na  thức  thành Bình đẳng tánh trí; chuyển đệ bát A lại da thức thành Đại viên cảnh trí (hoặc gọi Vô cấu thức  -  thức thuần chủng tử  thanh tịnh). Bồ tát cỡi  voi trắng nói lên      ý nghĩa Bồ tát khi nhập thai tâm thức của Ngài hoàn  toàn thuần thiện không xen lẫn chút tơ hào ái dục đó là tâm vô cấu, vô dục.

Voi trắng của Bồ tát cỡi để thị hiện nhập thai có điểm đặc biệt là có đến sáu ngà. Sáu ngà này nhằm biểu thị ý nghĩa gì. Sáu ngà ở đây chỉ cho sáu độ (Lục  độ) là sáu hạnh tu đặc biệt của Bồ tát đạo. Sáu độ bao gồm Bố thí độ, Trì giới độ, Nhẫn nhục độ, Tinh tấn độ, Thiền định độ và Bát nhã độ. Bồ tát với tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh không xen lẫn chút ý niệm ái dục dù vi tế, tâm phát khởi chí nguyện độ sanh mãnh liệt, với tâm thanh tịnh đó Bồ tát lại vận dụng sáu độ làm phương tiện đi vào cuộc đời để giáo hóa quần sanh. Đó cũng là phương thức chung mà tất cả chư Phật Bồ tát trong quá khứ đã làm và hiện tại đang làm, và chư Phật Bồ tát đương lai cũng sẽ làm, như trong Khế kinh nói: “Bồ đề tâm làm nhân; đại bi làm căn bản; phương tiện làm cứu cánh”.

Như phần trước chúng tôi đã trình bày, trung ấm khi thấy lửa dục loé lên từ nơi cha mẹ giao hợp liền sanh tâm khát ái lẫn tâm sân hận, ngay lúc khởi niệm cũng chính là lúc lực ái và sân đẩy trung ấm vào nữ căn người mẹ để thọ thai. Còn vị Bồ tát không do ái tâm và sân tâm mà do đại bi tâm nhập thai, cho nên các Ngài khi nhập thai  không đi vào chỗ bất tịnh mà nhập vào từ nơi thanh tịnh tức hông bên phải của hoàng hậu. Sự kiện đó để chỉ rõ tánh cách thanh tịnh nhập thai của Bồ tát.

Sở dĩ Bồ tát thị hiện nhập vào thai mẹ cũng không ngoài tinh thần vì sự lợi ích cho tất cả chúng sanh. Sự lợi ích chúng sanh trong thời gian Bồ tát ở trong thai mẹ như thế nào? Điều này trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế gian thứ ba mươi tám đã có diễn bày.

“Chư Phật tử! Đại Bồ tát thị hiện vào thai mẹ có mười

sự.

-   Đại Bồ tát vì muốn thành tựu những chúng sanh

tâm nhỏ hiểu kém chẳng muốn cho họ  nghĩ  rằng:  Nay  Đức Bồ tát tự nhiên hóa sanh trí tuệ thiện căn đều tự  được chẳng tự công phu tu tập. Vì cớ đó nên Bồ tát thị hiện ở thai mẹ. Đây là sự thứ nhất.

-     Đại Bồ tát vì thành thục phụ mẫu và các quyến thuộc những chúng sanh đồng tu thiện căn từ đời trước nên thị hiện vào thai mẹ. Tại sao vậy? Vì  những  người  này cần phải thấy rõ Bồ tát ở thai mẹ mới thành thục những thiện căn họ đã sẵn có. Đây là sự thứ hai.

-     Đại Bồ tát lúc vào thai mẹ luôn chánh niệm chánh tri không mê lầm. Đã ở thai mẹ, tâm Bồ tát hằng chánh niệm cũng không lầm loạn. Đây là sự thứ ba.

-    Đại Bồ tát ở trong thai mẹ thường thuyết pháp, chư Đại Bồ tát ở thập phương thế giới cùng Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương đều đến tập hội đều làm cho được vô lượng thần lực vô biên trí tuệ. Lúc ở trong thai mẹ đại Bồ tát thành tựu biện tài công hạnh thù thắng như vậy. Đây là sự thứ tư.

-    Đại Bồ tát ở trong thai mẹ nhóm họp đại hội dùng sức bản nguyện giáo hóa tất cả chúng Bồ tát. Đây là sự thứ năm.

-  Đại Bồ tát thành Phật ở trong loài người thời phải đủ sự thọ sanh tối thắng do cớ này nên thị hiện ở thai  mẹ. Đây là sự thứ sáu.

-   Đại Bồ tát ở trong thai mẹ, chúng sanh ở trong đại thiên thế giới đều thấy Bồ tát như thấy bóng mình hiện rõ trong gương. Bấy giờ chư Thiên, Long, Dạ xoa, Càn  thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già… những hàng có đại tâm đều đến chỗ Bồ tát để cung kính cúng dường. Đây là sự thứ bảy.

-   Đại Bồ tát ở trong thai mẹ tất cả Tối hậu sanh Bồ tát ở trong thai mẹ trong mười phương đều đến cùng hội họp diễn thuyết pháp môn đại tập tên là Quảng đại trí tuệ tạng. Đây là sự thứ tám.

-  Đại Bồ tát lúc ở trong thai mẹ nhập  Ly  cấu  tạng tam muội. Dùng sức tam muội ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn trang nghiêm tốt đẹp,  thiên  cung  Đâu  Suất  không sánh kịp, nhưng thân mẹ vẫn an ổn vô sự. Đây là sự thứ chín.

- Đại Bồ tát lúc ở thai mẹ dùng oai lực lớn sắm đồ cúng dường tên là Khai đại phước đức liên cấu tạng khắp đến tất cả thế giới mươì phương để cúng dường tất cả chư Phật Như Lai. Chư Như Lai đó đều vì Đại Bồ tát mà diễn nói vô biên Bồ tát ở Pháp giới tạng. Đây là sự thứ mười” (3).



Thích Nguyên Liên

(Trích sách Những mật ý trong cuộc đời Đức Phật)



Chú thích:



1.  Kinh Pháp Cú, HT.Minh Châu dịch, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam 1990, câu 212.

2.  Kinh Hoa Nghiêm (sđd) q.3, tr.668-672.

3.  Kinh Hoa Nghiêm (sđd) q.3, tr.672-675.