Chánh ngữ trong Phật giáo: Ý kiến hay sự kiện

Hình Chánh ngữ trong Phật giáo: Ý kiến hay sự kiện
- Tác giả: admin

Vượt ra ngoài phạm vi pháp lý có lẽ tôn giáo nào cũng dạy con người phải nói lời chân thật, tránh dối trá. Những lời nói dịu dàng làm đẹp lòng người nghe là những điều rất cần thiết để tô hồng cuộc sống trong cái cõi ta bà này vì lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội, bảo tồn sự đoàn kết giữ cho xã hội được ổn cố…

Chánh ngữ trong Phật giáo: Ý kiến hay sự kiện image-1732288374541

CHÁNH NGỮ TRONG PHẬT GIÁO

Ý kiến hay sự kiện

     Trước khi đề cập tới “chánh ngữ” cần phân biệt sự khác biệt giữa lời phát biểu thuộc dạng bày tỏ “ý kiến” hay phát biểu về “sự kiện”.

     Ý kiến (opinion): Khi đưa ra cái nhận xét, đánh giá về một sự vật, một con người, hay một hành động thì đó được gọi là “ý kiến”. Thí dụ một nhân vật trong cộng đồng, có người ca tụng là giỏi giang và khiêm tốn. Nhưng lại có người chê là tầm thường và hám danh. Lời bày tỏ ý kiến của hai người trên hoàn toàn khác nhau, không dễ chứng minh được là đúng hoặc sai.    

     Sự kiện (fact): là khái niệm về một sự thật và có thể chứng mình được là đúng hay sai. Thí dụ một người đi kiếm việc làm tự khai là có bằng kỹ sư và đã làm giám đốc nhiều năm. Sự kiện này có thể kiểm chứng được nhờ vào việc xuất trình bằng cấp và giấy tờ của cơ sở cũ nơi đương sự làm việc.

Phỉ báng và vu khống

 

    Về mặt pháp luật thời với quyền “Tự do ngôn luận” người ta có quyền phát biểu “ý kiến” dù không đúng hay quá đáng cũng có thể được miễn trách, nếu không nêu lên các sự kiện thất thiệt khác mang tính chất “phỉ báng và vu khống”. 

     Tùy theo hình luật của từng quốc gia, tội “phỉ báng và vu khống” thường gồm những yếu tố:    1.Phải là hành động phổ biến những tin tức, nói ra những điều giả dối, không đúng sự thật về một người khác; 2.Lời nói giả dối đó làm tổn hại thanh danh, uy tín người khác; 3.Đặc biệt là phải được loan truyền, được phổ biến ra công chúng một cách công khai khiến người thứ ba nghe được.

     Tội “phỉ báng và vu khống” có khi chỉ bị kiện ra tòa về mặt “dân sự”, có khi lại bị kiện về “hình sự”. Nếu bị xếp vào loại hình sự thì hậu quả là kẻ phạm tội có thể bị tuyên phán ở tù một thời gian, bị phạt tiền, bị phạt hình phạt thử thách (probation), bị phạt phải làm công tác cộng đồng, làm việc nặng (hard labor) hay phải viết thư xin lỗi v.v…

      Thông thường người lập lại và loan truyền tin đồn thất thiệt có tính phỉ báng và vu khống cũng phải chịu trách nhiệm về tội này y như người đầu tiên tung ra tin đồn này.

     Nguyên đơn thắng kiện có thể được bồi thường, gồm có các loại: 1.“Thiệt hại đặc biệt” (tiền luật sư, bác sĩ, thuốc men, tiền lương bị khấu trừ…); 2.“Thiệt hại hiện thực” nhưng có tính cách “tổng quát” (chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại tới uy tín…) Thiệt hại này phải được chứng minh; 3.“Thiệt hại phỏng đoán” (dù rằng nguyên đơn có thể không có chứng cớ gì cụ thể). 4.“Thiệt hại trừng phạt” hay “thiệt hại làm gương”…

     Tội phỉ báng, nhục mạ hay vu khống, vu cáo theo pháp luật của Việt Nam kể cả trước hay sau năm 1975 đều là một tội hình sự.

Chánh ngữ trong Phật giáo

    

     Vượt ra ngoài phạm vi pháp lý có lẽ tôn giáo nào cũng dạy con người phải nói lời chân thật, tránh dối trá. Những lời nói dịu dàng làm đẹp lòng người nghe là những điều rất cần thiết để tô hồng cuộc sống trong cái cõi ta bà này vì lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội, bảo tồn sự đoàn kết giữ cho xã hội được ổn cố.

     Trong Phật giáo các từ ngữ như “chánh ngữ” và “ái ngữ” luôn luôn được đề cập tới để khuyên dạy các Phật tử khi sử dụng tự do ngôn luận. Người Tây tạng có câu: “Lời nói không mang gươm giáo, nhưng có thể làm thương tổn trái tim” nên bước quan trọng nhất để phát triển chánh ngữ là suy nghĩ kỹ trước khi nói hay viết.    

     Chánh ngữ (Samma vaca) là: 

     1.Không dối trá; 2.Không nói lời mắng nhiếc mạ lỵ khiến người khác đau lòng hay tổn thương; 3.Không thêu dệt thêm bớt để chia rẽ hay đả phá; 4.Không nói lời nhảm nhí vô ích. 

     Hãy phân tích thấu đáo hơn về bốn đặc tính của Chánh ngữ:


    
1.Không dối trá: là luôn chân chính trung thực, nói sự thật. Đức Phật dạy chúng ta, đừng bao giờ nói dối dầu vì lợi ích của bản thân, hay lợi ích của ai đó, hay vì bất cứ sự lợi ích gì. Chúng sinh nên tránh “vọng ngữ”. Không nên nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Không vu oan giá họa cho ai. Nhất là kẻ học Đạo, nếu nói dối rằng mình đã chứng quả Thánh, hay đắc đạo để cho người kính phục, sùng bái mình, thì sẽ mắc tội đại vọng ngữ, bị đọa vào ba đường ác.

     2.Không nói lời mắng nhiếc mạ lỵ khiến người khác đau lòng hay tổn thương: không xúc phạm bằng lời nói hung ác, xiên xỏ, nguyền rủa, nói lời kiêu căng, chỉ trích nặng lời, lời nói cộc cằn, thô lỗ. Lời nói là một công cụ đầy quyền lực có thể được dùng cho việc tốt hay việc xấu. Đức Phật đã so sánh lời nói với một cái búa:

“Mỗi người sinh ra đời

được sinh ra với cái búa trong miệng.

Kẻ ngu dùng những lời thô tục

là tự làm mình và người khác bị thương

bằng cái búa đó.”

     Nên nói lời hoà nhã, dịu dàng, hiền hậu, toàn là lời đạo đức, từ bi, lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ai nghe cũng hân hoan, kính trọng.

     3.Không thêu dệt thêm bớt để chia rẽ hay đả phá: tránh dùng “tà ngữ” với ác tâm. Không nói lời hai lưỡi, đòn xóc hai đầu, làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau. Không được nói lời thêu dệt, thêm bớt, nói châm chọc làm cho người nghe buồn phiền và khởi tà niệm. Không được xui bảo người khác nói các điều như trên. Không đứng trung gian gây ác cảm cho hai đàng thù oán, cho đôi bên sân hận đấu tranh. Khi thấy người khác nói những lời không đẹp ấy thì phải khuyên can:

 “Lưỡi là một vũ khí không có xương

 bị dính giữa hai hàm răng.”

     4.Không nói lời nhảm nhí vô ích: Không nói chuyện phù phiếm, vô nghĩa hay u mê vì chúng làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm. Nói sau lưng người (gossip) là tà ngữ, không cần biết những gì chúng ta nói về người đó có đúng hay không.


Ngũ Giới
    

     Chánh ngữ được đề cập tới trong “ngũ giới” là năm giới. Ðối với người tại gia, Ðức Phật khuyên giữ năm giới đó là: “1.Không sát sinh; 2.Không nói dối; 3.Không trộm cắp; 4.Không tà dâm; 5.Không uống rượu say sưa.”

     Giới là hàng rào ngăn cấm những việc xấu của Thân (việc làm), Khẩu (lời nói), Ý (ý nghĩ). Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi và tương lai sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp. Năm giới không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát khỏi vòng, sinh tử luân hồi, và giải thoát khỏi, phiền não khổ đau mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa.

     Trong ngũ giới thời giới thứ hai là không nói dối. Giới này khuyên người Phật Tử tại gia chân chánh, không nên dùng lời nói để lợi mình hại người, khủng bố tinh thần người khác, vì đó là “vọng ngữ”, “tà ngữ” hay “ác ngữ”. Chỉ nên dùng lời nói để lợi mình lợi người, gọi là “chánh ngữ”, dù người đó là người thân hay kẻ thù. Khi dùng lời nói dối để hại người khác, tâm của chính mình, chắc chắn biến động, làm cho công phu, tu tâm dưỡng tánh, từ bao lâu nay, trở nên vô ích mà lại tạo ra “khẩu nghiệp”! Phật tử cần giữ giới này vì đạo Phật là đạo của sự thật nên phải tôn trọng sự thật, vì nuôi dưỡng lòng từ bi, người Phật tử phải tránh sự dối trá lừa gạt.

      Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật bảo Tôn Giả A Nan: “Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy trong vô số kiếp. Lửa chỉ đốt cháy nhà cửa, của cải của thế gian, còn lời nói ác đốt cháy bảy thứ của cải của Thánh nhân. Vì thế, này A Nan, chúng sanh họa từ trong miệng mà sinh ra, miệng lưỡi thực là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình”.    

Bát Chánh Đạo

     Chánh ngữ cũng được đề cập tới trong “Bát Chánh Đạo”, trong chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật Giáo. Trong Tứ Diệu Đế thì chân lý thứ tư là Đạo Đế, chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ.

     Bát Chánh Đạo gồm tám điều chân chánh, là con đường đúng đắn, đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ và giải thoát khỏi khổ.  Tám điều đó là: 

     1.Chính kiến (thầy biết chân chính); 2.Chính tư duy (suy nghĩ chơn chính); 3.Chính ngữ (nói năng chân chính); 4.Chính nghiệp (hành động chân chính); 5.Chính mạng (chính mệnh, nghề sống chân chính); 6.Chính tinh tấn (gắng làm chân chính); 7.Chính niệm (nhớ nghĩ đạo chân chính); 8.Chính định (nhập thiền định chân chính, vô lậu và thanh tịnh).

     Trong ba phép tu tập: tu Giới (shila), tu Định (samatha) và tu Tuệ (prajna) trong Bát Chánh Đạo thì chánh ngữ thuộc vào lãnh vực tu Giới và được định nghĩa như sau, như đã ghi trong Tương Ưng Bộ Kinh: “Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm”. Đó là về mặt tiêu cực. Về mặt tích cực, Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta phải cố gắng tu tập để có những lời nói chân thật, trung thực, ôn hòa và lợi ích. 

Kinh Hoa Nghiêm

 

     Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Các đệ tử! Các ngươi nên bỏ lời nói dối, thường nói lời chơn thiệt, lời chắc chắn, dù là trong mộng cũng chẳng nên nói dối.

     Và: “Không nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói. Lời nói phải chân thật, đúng lúc, hợp Chánh pháp, ích lợi cho mình và cho người”.

     Lời nói phải đúng lúc, tức là phải phù hợp với hoàn cảnh (khế cơ) khi nói. Điều này đòi chúng ta phải biết đối tượng mà mình đang nói là ai? Họ đang ở trong hoàn cảnh và có trình độ nhận thức ở mức độ nào? Nếu không, dù lời nói đúng sự thật cũng trở thành phi pháp. Vì vậy mà đức Phật căn dặn các thầy Tỳ kheo phải biết: “Nói năng như Chánh pháp, im lặng như chánh pháp

Kinh Pháp Cú

      

     Khi Đại đức A Nan bạch hỏi Đức Phật về những việc làm của chư Phật quá khứ trong những ngày giới, Đức Phật giảng rằng tất cả chư Phật đều dạy ba câu sau đây (được ghi lại trong Kinh Pháp Cú, khuyên nên tránh lời nhục mạ, phỉ báng):


(185) “Chớ nên phỉ báng một ai

Đừng gây tổn hại cho người xung quanh

Giữ gìn giới luật nghiêm minh

Uống ăn chừng mực cho thành thói quen

Lánh riêng sống chỗ tịnh yên

Chuyên tu thiền định, hướng miền thanh cao

Lời chư Phật dạy lành sao!”

     Đại đức Mục Kiền Liên hỏi thăm nhiều vị Trời nhờ công đức gì mà được tái sinh vào cảnh Trời. Các vị này kể ra các hành động xem như có vẻ không quan trọng là “chân thật, nhẫn nại và bố thí”. Đức Phật giải thích là các hạnh đó tuy nhỏ vẫn có thể dẫn đến các cõi Trời (được ghi lại trong Kinh Pháp Cú, khuyên không nên nói dối):


(224) “Nói lời chân thật luôn luôn,

Dẹp cơn nóng giận dỗi hờn khó coi,

Dù ta có ít của thôi

Cũng chia bố thí cho người đến xin,

Nhờ ba việc tốt lành trên

Đưa ta đến cõi chư thiên, cõi trời. 

     Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật cũng khuyên không nên nói sai, nói ác mà nên nói lành, nói thiện, phải chế phục khẩu nghiệp:


(232) “Giữ gìn kiểm soát Lời người

Đừng vì nóng giận để rồi nói sai

Lời đừng nói ác, hại ai

Nói lành, nói thiện miệt mài tu thân.”

 

Còn thêm rất nhiều lời dạy của Đức Phật về chánh ngữ…

     1. Trong kinh Lời Nói (Tăng Chi 5.198): Đức Phật giảng 5 yếu tố của một lời nói thiện lành trong đó có ghi cần nói đúng sự thật: “Bậc thiện tri thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối” và phải nói lời đem đến lợi ích “Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó, dù là lời chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô dụng.

     2. rong kinh số 58, (Trung Bộ), có ghi lời Đức Phật trả lời Vương tử Vô Úy, “Lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy.” 

     3. Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật lại dạy: “Tâm khẩu nhứt như”. Nghĩa là: “Tâm khẩu không khác”. Tâm nghĩ sao, miệng nói vậy. Khi miệng thường nói tốt, tâm nên nghĩ tốt. Như vậy, mới được an lạc, mới đúng là người tu đạo. Ngược lại, tâm nghĩ một đàng, miệng nói một nẻo, miệng nói như vậy, tâm không như vậy, dù có hình tướng nào, cũng là người dối trá, giả mạo mà thôi. 

     4. Tứ Nhiếp Pháp: Trong 4 phương pháp nhiếp thụ, 4 phương pháp thực hành để dẫn dắt chúng sinh tin theo chính đạo có ghi “Ái ngữ”. Đây là lời khuyên nên theo căn tính chúng sinh, nói ra những lời nói hiền lành, dịu hòa và an ủi họ, do đó họ sinh tâm thân ái, tin theo chính đạo.

     5. Thập Thiện Nghiệp: Nghiệp có thể chia ra ba tánh cách: lành, dữ, hoặc không lành không dữ (vô ký). Những loại nghiệp này do ba chỗ phát khởi là Thân, Khẩu và Ý. Những nghiệp dữ về Khẩu có bốn thứ là: “Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác”.

     Ngược lại Thập Thiện Nghiệp là Mười Nghiệp Lành: “1.Không nói dối; 2 Không nói thêu dệt; 3.Không nói lưỡi hai chiều; 4.Không nói lời hung ác.” Lành, theo đạo Phật, nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như trong tương lai. Không nói dối được giải thích là không nói sai sự thật như:


“Không thấy nói thấy, thấy nói không thấy.

Nghe nói không nghe, không nghe nói nghe.
Biết nói không biết, không biết nói biết.
Biết trái nói phải, biết phải nói trái.”

 

     6. Lục Hòa: Để trong một đoàn thể luôn luôn được sự hòa hợp đức Phật nói ra “Lục Hòa” là sáu pháp hòa kính với mục đích đem lại sự an hòa cho mọi người, để sống theo lời Phật dạy, tinh tấn trên đường xây dựng và giải thoát. Trong sáu pháp đó có “Khẩu hòa vô tránh” tức là miệng hòa, không cãi cọ nhau, luôn luôn nói lời hòa dịu, lợi ích, tụng Kinh, niệm Phật, tán dương công đức Phật.

 

     7. Mười Bốn Điều Răn Của Phật: nội dung của bản văn này được nhiều người xem như đã được trích ra từ những ý tưởng trong kinh Phật. Trong điều răn thứ 2 ghi là: Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.”

     8. Nói Rỡn Chơi: Có người cho rằng nói dối để lừa phỉnh chơi, thì không hại gì. Thật ra, sự nói dối ấy vẫn có hại, vì nó làm cho ta quen với thói xấu ấy, và làm cho người xung quanh không tin ở lời nói của ta nữa, dù đôi khi ta nói thật.

     Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Các đệ tử! Các con nên bỏ những lời vô nghĩa, thường tự giữ gìn lời nói; nói phải biết thời, nói phải thuận pháp. Những lời nói ngoài việc lợi ích cho người, dù là nói chơi cũng không nên nói.”

    Trong Kinh Di Giáo Đức Phật cấm hý luận. Không nên nói rỡn chơi: “Bất hý luận.”

 

     Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2011 tại Hoa kỳ, luật hàng không đã được bổ sung, ai nói đùa trên máy bay có bom, hoặc khủng bố v.v… chẳng những bị phạt mà còn có thể ở tù vài năm. Theo luật an ninh, khi có người loan tin hoặc báo cáo có bom, nguy hiểm đến tính mạng, máy bay không được cất cánh, nếu đã cất cánh phải đáp ngay lập tức.

     9. Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật còn dạy: “Không nên quan tâm chuyện thế gian. Không nên loan truyền các tin đồn.” Bởi vì, các chuyện thế gian, thường là những chuyện, nhân ngã thị phi, không rõ phải quấy đúng sai, tranh chấp hơn thua, thường không căn cứ, không có xác thực, không đáng tin cậy, khó kiểm chứng được, có thể làm hại thanh danh người khác. Những chuyện này thảy đều làm cho, tâm trí con người, bất an, dao động, chỉ có hại, chẳng ích lợi gì! Chúng ta không cần, phung phí thì giờ, một cách vô ích, để đi đính chính, những lời đồn đãi, sai lạc hoàn toàn, nếu như hoàn cảnh, không bị bắt buộc, phải làm sáng tỏ.

 

Nhiều hình thức bị coi là nói dối

     1. Nói dối bằng cách im lặng: Cũng có khi chúng ta được hỏi một câu hỏi mà thái độ im lặng cũng hàm ý là một sự trả lời.  Nếu sự im lặng của chúng ta phản ảnh một điều sai sự thật thì đó là nói dối. Thí dụ, người ta điều tra ở một nơi vừa xảy ra án mạng hỏi đám đông đứng quanh là có ai nhìn thấy gì không. Nếu ai chứng kiến vụ án mạng nhưng lại giữ im lặng không nói gì thì sự im lặng đó bị coi là nói dối.

     2. Nói dối bằng ngôn ngữ của thân: Đôi khi một cái nhún vai hay nhíu mày có thể bị hiểu lầm là “Tôi không biết”, nhưng nếu bạn thực sự biết, thì cái nhún vai của bạn là một sự dối trá. Ngôn ngữ cũng có thể biểu lộ bằng thân, thí dụ như khi đưa lên ngón tay cái lên là hoan hô nhưng nếu chỉ đưa ngón tay giữa lên là chửi bởi v.v…

     3. Buộc tội oan và khai man: là hai hình thức khác của lời nói dối mà Đức Phật khuyên các đệ tử nên tránh vì sẽ gây tai họa cho bản thân người nói cũng như những người xung quanh.

     4. Hứa suông: Đức Phật xếp những kẻ khéo miệng hay hứa suông chỉ nhằm đạt được lợi lộc cho bản thân cũng là một hình thức nói dối. Hoặc người có khả năng giúp đỡ bạn, nhưng viện đủ lý do để thoái thác cũng thuộc loại nói dối (Trường Bộ Kinh).

     5. Giả danh: Giả danh đưa ra những thông tin sai lệch về trình độ chuyên môn, khả năng, thành tích, đức hạnh hay thổi phồng về mức độ chứng đạt tâm linh hầu đạt được những lợi lộc mà bản thân họ không xứng đáng được hưởng. Giả danh này cũng là một hình thức nói dối.

     6. Nhân chứng: Khi bạn được hỏi làm nhân chứng để nói những gì bạn biết. Nếu biết, thì nói, “Tôi biết”; nếu không biết, thì nói, “Tôi không biết”; không thấy, thì nói, “Tôi không thấy”; nếu thấy, thì nói, “Tôi thấy”. Không cố ý nói sai sự thật vì ích lợi của mình hay của ai đó, hay cho những lợi ích tầm thường trong thế gian. 

 

Đôi khi cần nói lời không thật

 

     Tuy nhiên cũng có những trường hợp sự thật cần phải được giữ kín vì nếu nói ra có thể làm hại người khác. Như vậy là thực hành hạnh Từ Bi. Nói dối, chỉ trong trường hợp để cứu khổ độ nguy cho người và vật mới không phạm tội. Thí dụ một bác sĩ biết người bệnh sắp chết nhưng không nên nói thật với bệnh nhân điều này.

     Hoà thượng Thích Thanh Từ dạy: “Trừ trường hợp vì lợi người lợi vật, không nỡ nói thật để người bị hại hoặc khổ đau, do lòng nhân cứu người cứu vật nói sai sự thật mà không phạm.
     Đức Đạt Lai Lạt Ma từng lên tiếng rằng: “…Đức Phật cấm quý Sư không được nói dối. Ví dụ một vị Tỳ kheo phát nguyện luôn luôn nói sự thật, nhưng khi thấy một con nai đang chạy ngang qua khu rừng. Thình lình gặp anh thợ săn đến hỏi quý Sư có trông thấy con nai ở đâu không? Mặc dù luật Đức Phật cấm vị Tăng không được nói vọng ngữ, nhưng vì muốn cứu mạng sống chú nai vàng cho nên lúc bấy giờ Sư đã trả lời: ‘Tôi không thấy con nai nào chạy qua đây cả…’” (Ocean of Wisdom).
     Một thí dụ khác là khi Đức Phật nói với bà Gotami rằng đứa con đã chết của bà sẽ được làm sống lại, nhưng để chữa trị cho đứa bé, Đức Phật bảo bà phải tìm đem về một nắm hạt cải từ một gia đình chưa bao giờ có người chết. Đức Phật sử dụng chính điều không thật này như là một hảo ý để trì hoãn việc nói lên sự thật. Phương cách này đã giúp bà Gotami dần dần tỉnh ngộ và chấp nhận cái chết của đứa con.
 

Thái độ của Phật Tử khi bị phỉ báng và vu khống

     1. Nhẫn nhục: Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa là thói thường của thế gian. Cả những người đạo cao đức trọng, trong sạch cũng có thể bị chỉ trích, chê bai, vu oan v.v… Chính Đức Phật cũng từng bị phỉ báng và vu khống. Nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian. Trong tương lai và trong hiện tại cũng chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người khen ngợi. Đúng như lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:

 

(227) “Người con Phật hãy nghe đây

Chuyện không phải chỉ đời này mà thôi

Từ đời xưa đã nói rồi:

‘Làm thinh thời sẽ có người chê bai,

Nói nhiều cũng bị chê hoài,

Dù cho nói ít cũng người chê thôi’.

Làm người không bị chê cười

Thực là chuyện khó ở nơi cõi trần.”

 

(228) “Ở đời toàn bị chê bai

Hay toàn nghe tiếng người ngoài khen ta

Từ xưa chẳng thấy xảy ra,

Tìm trong hiện tại thật là khó sao,

Tương lai cũng chẳng có nào.”

     Nhưng vì bị chê bai mà nổi sân thời tai hại vô cùng vì lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để tự kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình. Khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại công đức và tâm an lạc.

     Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.”

     Đức Phật khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi.”

     Kinh Tăng Chi khi nói đến sức mạnh có 8 loại. Trong đó loại thứ 8 “sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục.

     Kinh Di Giáo: “Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí.”

 

     Vài vị tỳ kheo thường nặng lời lăng mạ một vị khác và vị này trả lời lại. Đức Phật khuyên các thầy không nên gây thù trả oán và Ngài giảng dạy về sự lợi ích của người biết giữ im lặng trước những lời lăng mạ của kẻ khác như ghi trong Kinh Pháp Cú:


(134) “Nếu mà ngươi giữ lặng yên

Như chuông bể nứt im lìm chẳng vang

Trước lời ác độc phũ phàng

Niết Bàn ngươi đã thênh thang bước vào:

Chẳng còn sân hận chút nào.”

 

     Đức Phật dạy rằng con người cũng có thể tạo cho mình tiềm lực vật chất, nghị lực tinh thần, lòng kiên nhẫn và sức mạnh, chẳng khác một con voi chiến lâm trận, bình thản vững tiến giữa lằn tên mũi đạn, sẵn sàng và thản nhiên hứng chịu những lời phỉ báng và vu khống. Luyện được lòng nhẫn nhục mới là khó như ghi trong Kinh Pháp Cú:

 

(320) “Như voi ra trước trận tiền

Luôn luôn hứng chịu cung tên bắn mình

Như Lai nhẫn nhục tu hành

Chịu điều phỉ báng cũng đành lòng thôi,

Sống vô tư cách lắm người

Xa điều giới luật, ghét nơi cửa thiền.”

(321) Luyện voi dự hội, tài thay

Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng,

Nhưng mà nếu luyện được lòng

Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân

Khi nghe phỉ báng bản thân

Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn. 


     Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng từng dạy: “Hãy cám ơn kẻ thù của quý vị vì họ là những vị thầy quan trọng nhất của mình. Họ tập cho quý vị đương đầu với khổ đau và phát huy sự nhẫn nhục, sự bao dung và lòng từ bi. Họ không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào.” (108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité). 

 

     2. Tâm xả: Trước 8 ngọn gió trong giông tố của cuộc đời (“bát phong”), giữa những thăng trầm của thế sự làm tâm con người dao động chao đảo là “thành hay bại, được hay mất, khen hay chê, hạnh phúc hay đau khổ” Đức Phật dạy các Phật tử nên luôn luôn giữ Tâm thản nhiên, bình thản bằng cách hành tâm xả thì sẽ được vững chắc như tảng đá lớn sừng sững giữa trời.

     Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Như ngọn núi vững vàng. Trong phong ba bão táp.
Người trí cũng như vậy. Bình thản trước khen chê
”.

     Đức Phật dạy (trong “Túc sanh truyện”): “Trong hạnh phúc, trong đau khổ, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất. Cũng như trên đất ta có thể vất bất cứ vật gì, dù chua dù ngọt, dù sạch dù dơ, đất vẫn thản nhiên. Đất không giận cũng không thương.” Hiểu được như vậy, hành được như vậy, chính là pháp môn, tu theo hạnh “Xả”, một trong Tứ Vô Lượng Tâm của đạo Phật, gồm có: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

     3. Oan ức không cần biện bạch: Ðiều thứ mười trong “Mười điều tâm niệm” dạy rằng: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.  Hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh”.

     Vì biện bạch là nhân quả chưa tiêu, oán thù lại càng tăng thêm. Bởi vì con người kiếp trước tạo ít phước báo, gây nhiều nghiệp báo, cho nên kiếp này mới gặp nhiều điều oan ức. Cho nên không cần phải than trách gì cả. Chỉ cần tích cực tu tâm dưỡng tánh, cần cố gắng làm phước nhiều hơn, cố tránh đừng gieo tiếng oán, đừng loan truyền tin đồn, đừng vu oan giá họa, đừng làm đau khổ cho người khác, dù cho đó là kẻ thù của mình, kẻ mình không ưa cũng vậy.

     Nhịn được như vậy chứng tỏ chúng ta không còn chấp “mình nhận chịu khổ đau”, không còn chấp “người tạo đau khổ cho mình”, tức là chúng ta đã thấu rõ và hành được “giáo lý vô ngã” của đạo Phật. Trong giáo lý vô ngã của đạo Phật, không có cái gì là “Ta”, nên không có gì là “của Ta”. Được như vậy, oan ức chính là cửa ngõ tiến vào con đường đạo hạnh.

 

“Mặc tấn”: lời giáo huấn cuối cùng của đức Phật.

     Lúc Đức Phật sắp nhập Niết bàn. Thầy A Nan nghe nói òa lên khóc, Đức Phật an ủi và khuyên bảo thầy A Nan là không nên quyến luyến hình hài, vì hữu hình hữu hoại là lẽ đương nhiên. Thầy A Nan quỳ xuống hỏi Phật: “Làm sao điều phục kẻ dữ? Khi gặp những Tỳ kheo, cư sĩ và một số người có tính xấu ác, chúng con phải xử lý như thế nào?”

     Đức Phật dạy rằng: “Ðiều đó rất dễ, các ông nên dùng phép Mặc Tấn. Mặc là không nói chuyện với họ, Tấn là không để ý đến họ nữa.”

     Ðiều này có nghĩa là khi gặp phải những người có tính xấu ác, thì để điều phục kẻ dữ ta nên làm lơ đừng giao thiệp cãi vã, dùng định lực chẳng để cho họ xoay chuyển. Gặp những hạng người này thì không nên nói chuyện với họ, hãy giữ im lặng, không để ý đến họ, tự họ sẽ rút lui.

     Theo Từ điển Phật Quang: Mặc tấn (默擯): “Chúng tăng giữ thái độ im lặng, không chuyện trò giao du là phương thức trừng phạt vị tì khưu vi phạm giới luật mà không chịu sự điều phục.”

 

*

     Để chấm dứt về đề tài “Chánh Ngữ Trong Phật Giáo” xin ghi lại đây lời Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy về “Ngũ Giới” trong “Bước đầu học Phật”: “Nói lời trái với sự thật để mưu cầu lợi mình, hoặc hại người là nói dối. Do động cơ tham lam ác độc, sự kiện xảy ra thế này lại nói thế khác, sửa trái làm mặt, đổi phải thành quấy, khiến người mắc họa. Người nói như thế trái với đạo đức, mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử. Phật tử là người đạo đức nên ăn nói có mẫu mực, thấy biết thế nào nói thẳng thế ấy, không điêu xảo dối trá… Không nói dối là giữ lòng tin đối với mọi người xung quanh.”

     Hòa thượng cũng nói về nghiệp ác là một động cơ của luân hồi: “Miệng ưa nói lời dối trá, lời ác độc, lời ly gián, lời thêu dệt, là nghiệp ác của miệng vì những lời nói nầy khiến người nghi ngờ bực tức đau khổ mang tai họa, nên hiện tại hoặc vị lai mình cũng phải nhận lấy hậu quả đau khổ ấy”.

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Mùa Phật Đản, tháng 5 năm 2016)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Chùa Phước Huệ: Chư hành giả Tăng – Ni Giáo đoàn VI cùng nhau “Sống chung tu học”

9g sáng, ngày 6/1/2025 nhằm mùng 7/12/Giáp Thìn. Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã thân lâm về chùa Phước Huệ, khu phố Long An, phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo lời mời của Thượng tọa Giác Nhuận trưởng Ban tổ chức khóa tu lần 7

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người