Bố thí là thiện pháp đem lại nhiều an lạc và lợi ích tuy nhiên khi được kết hợp với trí tuệ thì sẽ đem lại hiệu quả to lớn muôn phần đến cho người bố thí lẫn người thọ thí.
Cần phải hiểu việc Bố thí sao cho hợp lý
Một đứa trẻ con ngây thơ khi cha mẹ đưa vật thí nhờ bé làm phước thì nó vẫn thực hiện nhưng trong sự ly trí, chỉ làm theo quán tính và bản năng thì quả báu của sự bố thí này vẫn dẫn đến sự phát sanh tài vật tuy nhiên nếu nghiệp này dẫn đi tái sanh thì sẽ khiến vị ấy trong kiếp lai sinh tuy giàu có nhưng về trí tuệ thì vẫn kém hơn so với người có hành vi bố thí hợp trí tức là vị này có sự hiểu biết về nhân quả cũng như biết làm thế nào để hành động thiện lành đem lại hiệu quả cao nhất, vị ấy có sự hiểu biết về phước thiện và quả báu do sự bố thí mang lại đồng thời có tri thức về những sự bố thí hợp lúc hợp thời cũng như biết lựa chọn vật thí và cá nhân thí sao cho mình đạt được phước thiện lớn nhất trong thiện pháp.
Chính nhờ nhân lành biết cách bố thí hợp trí như vậy thì khi thân hoại mệnh chung quả phước của đời vị lai đó là sự sung túc về mặt tài vật cũng như đầy đủ trí tuệ, tái sanh làm người thì cũng không trở thành người nhị nhân, khi một người đầy đủ các nhân vô tham, vô sân, vô si là những loại tâm sở có công năng khắc chế những loại tâm bất thiện thì người ấy có đầy đủ nhân lành thành tựu đạo quả cũng như tiến bộ trong việc tu tập.Người nhị nhân ở đây được nói đến chỉ có nhân vô tham và vô sân thiếu đi nhân vô si là nhân sanh trưởng và phát triển trí tuệ nên sẽ bị nhiều trở ngại trong việc tu tập cũng như trong cuộc sống.Khi làm bất kì việc gì thì chúng ta cũng cần phải học qua lí thuyết trước thì khi ứng dụng vào thực hành thì hiệu quả sẽ cao hơn là đi thẳng vào công việc.
Nhờ có tri thức phát sanh từ việc nghiên cứu, học hỏi từ sách vở, kinh điển cũng sẽ khiến cho việc thực hành giáo Pháp được tiến triển tốt đẹp bởi vậy pháp học cũng được ví như một ngọn đuốc sáng soi đường cho pháp hành.
Bố thí cho một tập thể tăng chúng với tâm không phân biệt thì sẽ đem lại phước báu vô lượng vô biên, đây là những năng lực vô hình hộ trì cho chủ nhân của nó được sự an vui trong vòng luân hồi sinh tử. Còn về sự bố thí đến các cá nhân thí thì sẽ tăng trưởng theo tuần tự thứ lớp tỉ lệ thuận với phước báu và công hạnh tu tập của cá nhân đó, và đỉnh cao là bố thí đến Đức Phật và các hàng thánh nhân trong Phật Giáo thì cũng sẽ mang lại những phước lành vô tận không sao kể xiết, còn tối thiểu khi bố thí cho các loại bàng sanh thì cũng được trăm phần công đức.
Ở đây là đang nói về phước hữu lậu, còn với những người muốn tạo phước báu vô lậu thì họ thực hiện hành động bố thí với tác ý xả ly tâm bỏn xẻn, xan tham, khởi lên và phát triển mạnh mẽ tâm sở vô tham, làm việc với tâm vô cầu báo và hướng phần phước thanh cao này trở thành Ba la mật trợ duyên cho việc tu tập tiến đến việc giác ngộ, giải thoát.
Một số người bố thí vẫn gặp nhiều phiền não do vị ấy thực hiện thiện pháp trong vô minh có thể họ muốn đối tượng nhận thí phải theo ý họ hoặc cách làm phước thiếu đi sự cung kính, tôn trọng đối tượng nhận thí hay làm phước với những mục đích khác ngoài những động cơ chân chánh trong giáo Pháp thì những hành động như vậy sẽ khiến cho phước báu của thiện pháp bị tổn giảm và rất dễ gặp phiền não ngay trong hiện tại vì vạn pháp là vô thường thì làm sao có thể khiến các pháp này thuận theo ý mình được khi không thành tựu theo ý nguyện thì khổ đau xuất hiện là lẽ đương nhiên. Ông bà ta cũng hay nói “của cho không bằng cách cho”, chính việc bố thí với tác ý tôn trọng người thọ thí sẽ mang lại sự an vui ngay trong hiện tại và những hành động khiến cho tham, sân, si tăng trưởng đều rất dễ đem lại phiền não vì nó đi ngược lại với sự hành trì giáo Pháp.
Hai chữ bố thí tuy nghe đơn giản nhưng để khiến cho sự thành tựu thiện pháp này tối ưu nhất thì lại là một vấn đề khác tất cả đều phải dựa trên nền tảng của trí tuệ phát sanh từ pháp học và pháp hành Phật Pháp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Phước Trung