Đa số nhà ở Úc đều có vườn, nhưng không mấy ai biết thưởng thức sự thanh thản trong vườn nhà. Đối với hầu hết sắm vườn để bị thêm việc.
Tôi thường khuyến khích các chủ nhà làm vườn một chút cho đẹp thôi, hãy dành thời giờ cho mình, chăm sóc tâm mình bằng cách ngồi xuống và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.
* ĐÁM NGƯỜI NGỐC THỨ NHẤT nghĩ đây là một ý tưởng hay. Họ quyết định giải quyết hết mọi việc linh tinh trước rồi sau đó mới tự cho phép có chút thời gian thư giãn. Thế là họ đi cắt cỏ, tưới bông, cào lá, tỉa cành, quét lối đi,… chỉ làm “cho xong” một phần nhỏ các công việc “linh tinh” này là họ không còn chút thì giờ rỗi rãi nào nữa hết. Công việc họ không bao giờ là xong và họ không lúc nào là nhàn hạ. Bạn có bao giờ để ý rằng trong xã hội chúng ta – người phương Tây – phải chăng những người này “nghỉ ngơi thanh thản” chỉ thấy có trong nghĩa trang?
* ĐÁM NGƯỜI NGỐC THỨ HAI nghĩ họ thông minh hơn đám trước. Họ gát cào cỏ cũng như thùng tưới qua một bên và ngồi ngoài vườn để đọc sách báo, kể cả tạp chí đăng nhiều hình ảnh bóng loáng của thiên nhiên. Nhưng đó là vui với tạp chí chớ nào phải tìm sự thanh thản trong vườn nhà!
* ĐÁM NGƯỜI NGỐC THỨ BA thì bỏ tất cả dụng cụ làm vườn, bỏ tạp chí, bỏ sách báo, bỏ luôn radio, họ chỉ ngồi trong sự yên tĩnh của khu vườn… Được chừng hai giây ! Sau đó họ bắt đầu suy tư, “Sân cỏ này rất cần được cắt, và các bụi cây kia rất cần được tỉa. Nếu không tưới các bông nọ, vài ngày nữa ắt chúng sẽ tàn. Có thể trồng một bụi dành dành ở góc vườn kia cho đẹp. À! Thêm một chậu nước cảnh cho chim tắm phía trước; mình có thể mua nó ở vườn ươm…” đó là vui với sự suy nghĩ và với kế hoạch chớ tâm có được thanh thản đâu!
* NGƯỜI LÀM VƯỜN KHÔN KHÉO thì nghĩ, “Tôi đã làm việc đủ rồi, giờ là lúc tôi thưởng thức thành quả – tôi lặng tâm với sự yên tĩnh. Dầu sân cỏ cần được cắt, lá cần được cào ..v.v.. Thây kệ, KHÔNG PHẢI LÀM BÂY GIỜ ! Như vậy chúng ta mới được gọi là sáng suốt, biết cách vui với ngôi vườn NGAY CẢ KHI KHÔNG HOÀN HẢO.
Có thể có một lão sư người Nhật ẩn mình trong bụi rậm sẵn sàng bước ra và bảo rằng khu vườn bề bộn mới thật sự hoàn hảo (xem chuyện “khu vườn chùa” số 2). Thật vậy, nếu nhìn vào những việc mà chúng ta đã làm xong thay vì chú ý vào những việc chưa làm xong, chúng ta mới hiểu cái gì đã làm rồi coi như xong. Còn nếu chỉ tập trung chú ý vào sai sót khuyết điểm, những điều cần phải điều chỉnh cho thích hợp, như trường hợp bức tường trong chùa của tôi (xem chuyện “hai viên gạch lệch” số 1), thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thanh thản.
* NGƯỜI LÀM VƯỜN KHÔN KHÉO có dịp hưởng mười lăm phút tĩnh lặng trong sự không hoàn hảo tuyệt đối của thiên nhiên; ông không suy nghĩ, không lên kế hoạch và cũng không cảm thấy tội lỗi. Chúng ta đáng được cái phép buông bỏ và đáng được hưởng một sự an tĩnh nào đó. Và người chung quanh ta cũng đáng được sống yên tĩnh ngoài sự xen xía của chúng ta! Sau khi đã tìm ra được mười lăm phút an tịnh và “cứu khổ” quan trọng đó rồi chúng ta hẳn tiếp tục làm vườn.
Khi biết cách tìm sự thanh thản như vậy trong ngôi vườn nhà, chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản bất cứ lúc nào và ở đâu. Đặc biệt chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản trong khu vườn tâm của chúng ta ngay lúc mà chúng ta có thể nghĩ rằng nó đang bận bịu với quá nhiều việc phải làm.
Trích : Mở rộng cửa tâm mình và những mẩu chuyện Phật Giáo nói về hạnh phúc.
Tác giả: Ajahn Brahm
Dịch giả: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi