Một thập kỷ trước, một bản báo cáo về tình trạng mổ cướp nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc đã được 2 nhân sĩ trí thức Canada công bố. Thông tin trên đã khiến cho người ta phải bàng hoàng khi đón nhận nó.
Cựu Nghị sỹ Canada, David Kilgour, phát biểu với phóng viên tại Ottawa ngày 24 tháng 6, 2016, đề cập đến báo cáo mới cập nhật được viết bởi ông và David Matas cùng Ethan Gutmann, về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc. (Jonathan Ren/Epoch Times)
Kể từ đó, cuộc điều tra vẫn tiếp tục được tiến hành. Và giờ đây, họ đã cập nhật những phát hiện của mình trong một báo cáo trình bày rất chi tiết về ngành công nghiệp đã thành hình ở Trung Quốc nhằm thu hoạch nội tạng con người.
Trong tháng 7 năm 2006, David Kilgour – nguyên Quốc vụ Khanh và là Nghị sĩ Quốc hội Canada cùng với Luật sư Nhân quyền Quốc tế David Matas đã công bố bản báo cáo đầu tiên của họ. Và vào thứ Sáu ngày 24 tháng 6 năm 2016, hai ông đã trở về Ottawa cùng với nhà báo điều tra đồng thời là tác giả Ethan Gutmann để công bố bản nghiên cứu vừa mới cập nhật [dự đoán] số lượng cấy ghép nội tạng lên đến 1,5 triệu ca ở Trung Quốc.
Luật sư nhân quyền Canada, David Matas, phát biểu với phóng viên tại Ottawa ngày 24 tháng 6, 2016, đề cập đến báo cáo mới cập nhật, được viết bởi ông và David Kilgour cùng Ethan Gutmann, về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc. (Jonathan Ren/Epoch Times)
Nguồn gốc xuất xứ của những nội tạng này chưa bao giờ được giải thích một cách chính thức. Và nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tuyên bố là chỉ có khoảng 10.000 đến 20.000 ca cấy ghép được diễn ra hàng năm, chứ không phải là lên đến 100.000 ca/năm như bản báo cáo mới cập nhật dài 817 trang này đã ước tính.
Con số 100.000 này được đưa ra dựa trên sự nghiên cứu nguồn thông tin được công bố công khai trong hàng ngàn tài liệu “cho thấy rằng quy mô cấy ghép nội tạng là lớn hơn so với nhận thức trước đây gấp nhiều lần”, Kilgour nói.
Hơn thế nữa, mặc dù đã có một số báo cáo và những cuộc điều tra rất sâu rộng về vấn đề này, nhưng tội ác này vẫn đang tiếp diễn.
“Như các bạn đã biết, suốt 15 năm qua, trên toàn Trung Quốc đã và đang diễn ra hoạt động được hậu thuẫn bởi chế độ [Trung Quốc], mổ cướp và buôn bán các cơ quan nội tạng của tù nhân lương tâm, chủ yếu từ các học viên Pháp Luân Công, và cũng có cả tộc người thiểu số Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, cùng với một số tín đồ Công giáo, nhằm tài trợ cho một lĩnh vực kinh doanh thương mại có lợi nhuận khổng lồ nhưng hết sức đê hèn, [lĩnh vực kinh doanh thương mại này] có liên quan đến các bệnh nhân Trung Quốc giàu có và những du khách [đến Trung Quốc] vì mục đích cấy ghép nội tạng”, Kilgour nói.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu tập vừa thực hành thiền định vừa chú trọng tu luyện tâm tính. Lần đầu tiên được truyền ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992, và chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một hiện tượng vô cùng phổ biến, được chính phủ ước tính là có khoảng từ 70 đến 100 triệu học viên. Sự phổ truyền của môn tu luyện truyền thống này đã trở thành một mối lo ngại đối với người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân. Vào năm 1999, Giang đã phát động một chiến dịch đàn áp chống lại môn tu luyện này. Và, dựa theo thông tin mà các nhà điều tra bí mật nhận được do một quan chức đã xác nhận thì chính Giang là người đã trực tiếp ra lệnh sử dụng các học viên để mổ cướp nội tạng.
Một ngành công nghiệp kiếm lời hàng tỷ USD
Lợi nhuận phát sinh từ việc bán những cơ quan nội tạng này lên đến hàng tỷ đô la. Luật sư Matas nói rằng những ước tính hiện nay thậm chí còn cao hơn rất nhiều, thông qua số liệu mới cập nhật về số lượng các ca cấy ghép hàng năm.
Ký giả điều tra, Ethan Gutmann, phát biểu với phóng viên tại Ottawa ngày 24 tháng 6, 2016, đề cập đến báo cáo mới cập nhật được viết bởi ông và David Matas cùng David Kilgour, về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc. (Jonathan Ren/Epoch Times)
“Hơn thế nữa, thuận theo thời gian, giá cả đã tăng lên. Một phần là do lạm phát, và một phần là do nỗ lực che đậy và sự chú ý [của quốc tế] khiến cho [chính quyền Trung Quốc] cảm thấy họ có thể tính giá cao hơn khi thực hiện công việc bí mật này”, Matas nói.
“Nếu bạn chỉ dựa vào những số liệu cũ, [thì bạn biết rằng] họ đã kiếm lời từ 6 tỷ USD đến 10 tỷ USD/năm. Nhưng nếu như bạn tính cả sự leo thang do che đậy tội ác này, thì số tiền lời phải là 12 tỷ USD hoặc hơn, đó là con số rất lớn. Bản thân các bệnh viện luôn nói rằng đây là công việc hái ra tiền số một của chúng tôi, đó là thứ mà cơ bản là đang chi trì cho những bệnh viện đó”.
Ethan Gutmann là tác giả của cuốn sách “Đại Thảm Sát” xuất bản năm 2014. Cuốn sách này là kết quả của 7 năm miệt mài nghiên cứu và điều tra việc cưỡng ép mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, qua đó đưa ra một nhìn nhận rõ ràng, ước tính số lượng ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm tại các bệnh viện của Trung Quốc.
“Trở lại thời điểm năm 2013, nếu tôi có được cơ hội tiếp chuyện với một trong 2 ông David [Matas hoặc Kilgour], hoặc tự bản thân mình có cơ hội tiếp chuyện với một người có trình độ đại học, hoặc thành viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Châu Âu, tôi sẽ yêu cầu họ vào Google gõ dòng chữ ‘trung tâm ghép tạng Thiên Tân’. Và đây là những gì sẽ hiện ra: Một trang quảng cáo viết bằng tiếng Anh, nó quảng cáo cho trung tâm cấy ghép này, và quảng cáo cho người nước ngoài du lịch đến Trung Quốc. Nó viết rằng ‘trung tâm của chúng tôi giỏi nhất về phẫu thuật ghép tim và ghép phổi’”, ông Gutmann nói.
“Điều này xác minh Trung Quốc công khai quảng cáo trên trang web rằng, họ luôn có sẵn các cơ quan nội tạng. Họ được cho là đã chính thức cấm tất cả các tour du lịch ghép tạng sau khi 2 ông Kilgour và Matas đã công bố những báo cáo [ban đầu]. Nhưng tất nhiên họ đã không làm như vậy. Họ vẫn đang tiếp tục quảng cáo, nhưng cách thể hiện thì kín đáo hơn một chút”.
Điều tra từ các nguồn khác nhau, bao gồm quảng cáo trực tuyến và thông tin liên lạc nội bộ tại các bệnh viện, đã cho thấy rằng có bệnh viện đã dành hẳn từ 500 đến 700 giường chỉ để cho cấy ghép nội tạng, và hiệu suất sử dụng giường đã đạt con số từ 100% lên đến 131% . Và bệnh viện này đã từng tuyên bố rằng có những thời điểm họ phải đưa rất nhiều bệnh nhân vào khách sạn do thiếu chỗ.
Gutmann cho rằng, chỉ riêng tại bệnh viện này, ông ước tính số lượng ca ghép tạng đã đạt mức tối thiểu là 5.000 ca/năm. Tương tự, tại một bệnh viện lớn, đó là Bệnh viện 309 của Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Bắc Kinh, họ cũng đã tiến hành khoảng 4.000 ca/năm. Với số lượng 146 bệnh viện đã được Bộ Y tế Trung Quốc cấp phép hoạt động cấy ghép nội tạng, và nhìn vào khả năng hoạt động của các bệnh viện này cũng như dựa vào các thông tin khác, những tác giả của bản báo cáo trên cho biết rằng, họ đã có thể suy tính tỷ lệ hàng năm của số lượng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.
Bên cạnh việc cập nhật số lượng các ca ghép tạng có liên quan, bản báo cáo cũng đã tập trung cập nhật một số phạm vi khác.
Bản báo cáo đã tìm hiểu về sự bưng bít của ĐCSTQ đối với tình trạng cưỡng ép mổ cướp nội tạng và những nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm che giấu số lượng ca ghép tạng tại từng bệnh viện. Bản báo cáo cũng khám phá ra những yếu tố đứng đằng sau để chi phối số lượng ca ghép tạng, khám phá ra một cơ cấu thể chế mà nhà cầm quyền đã dựng nên nhằm phục vụ việc mổ cướp nội tạng, trách nhiệm của từng cá nhân, và những tuyên bố của ĐCSTQ liên quan đến những cải cách ghép tạng gần đây. Đồng thời, bản báo cáo đã miêu tả hoạt động nhựa hóa nội tạng (plastination), liên quan đến việc thay thế các chất dịch cơ thể bằng các loại polyme trong một xác chết, để trưng bày tại triển lãm.
“Có bằng chứng thuyết phục rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại nhằm phục vụ cho việc nhựa hóa nội tạng [để triển lãm] cũng như để đáp ứng nguồn cung ứng nội tạng. Bằng chứng hỗ trợ cho một trong hai hoạt động ngược đãi này thì cũng là bằng chứng hỗ trợ cho hành động ngược đãi kia”, ông Matas nói.
Vấn đề về nguồn cung cấp tạng
Vấn đề lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc không thể giải quyết triệt để chỉ bằng cách ngăn chặn dòng người đến quốc gia này để du lịch ghép tạng, ông Matas nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn khách du lịch đến Trung Quốc để ghép tạng, nhưng tình trạng lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xảy ra”.
Tuy nhiên, ông nói rằng, các quốc gia khác cần có nghĩa vụ phải làm những gì họ có thể làm để tránh đồng lõa với tình trạng lạm dụng đó.
Matas đưa ra ví dụ về cái cách mà vua Leopold II của Bỉ vào đầu thế kỷ 20 đã tham gia vào tình trạng nô lệ ở Congo, và mọi chuyện đã được phơi bày ra ánh sáng nhờ vào những điều tra được tiến hành bởi Edmund Morel – nhân viên làm trong bộ phận vận chuyển.
David Matas, David Kilgour, và Ethan Gutmann tham gia môt cuộc họp báo tại Ottawa, ra mắt bản báo cáo cập nhật về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, ngày 24 tháng 6, 2016. (Jonathan Ren/NTD Television)
Morel đã nhận thấy rằng hàng hoá gửi đến Congo toàn là súng, đạn dược, thuốc nổ, được chuyển đến quốc gia này hoặc các vùng lãnh thổ của nó. Nhưng hàng hoá rời khỏi Congo thì toàn là ngà voi và cao su, giá trị của nó cao hơn rất nhiều so với hàng hóa được gửi đến. Ông kết luận rằng ngà voi và cao su chưa bao giờ được mua bán thông qua việc trao đổi với hàng hóa được chuyển đến Congo, mà là do những người sản xuất hàng hoá ở Congo đã thực hiện chế độ lao động nô lệ.
“Kết luận này có vẻ rất bất thường vì nó đã được công bố nhưng không có một bằng chứng mắt thấy tai nghe nào cho thấy rằng [ở Congo] đang tồn tại chế độ nô lệ. Nó chỉ xuất phát từ hồ sơ vận chuyển. Ngay từ lúc ban đầu, kết quả nghiên cứu của ông đã chính thức bị từ chối, mặc dù nó hoàn toàn chính xác”, ông Matas nói.
Lúc đầu, rất nhiều quốc gia đã tỏ ra lo ngại vì sợ xúc phạm đến chính quyền Bỉ nếu như họ phản ứng mạnh mẽ về vấn đề này. Nhưng cuối cùng, chính phủ Anh đã ủy nhiệm cho lãnh sự quán của họ ở Congo tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này. Và sau khi đến nơi, thì lãnh sự quán đã xác nhận rằng chế độ nô lệ thực sự đang tồn tại ở Congo.
Matas nói rằng sự khác biệt giữa giá trị hàng hóa được giao dịch thương mại [tại Congo] thì rất giống với sự khác biệt giữa số lượng cấy ghép và số lượng người hiến tạng có sẵn [tại Trung Quốc].
“Sự khác biệt [trong số liệu] của Trung Quốc ngày hôm nay chỉ ra sự vi phạm nhân quyền không khác gì sự khác biệt [trong giá trị giao dịch] của Bỉ trước đây. Sự cần thiết phải có một cuộc điều tra độc lập của chính phủ [Canada] hoặc liên chính phủ, là to lớn không kém [so với vụ việc ở Bỉ trước đây]”.
Cả 2 ông Kilgour và Matas đều yêu cầu được cấp thị thực để đến Trung Quốc nhằm điều tra thêm về vấn đề này, nhưng yêu cầu của họ đã bị [Trung Quốc] từ chối.
Canada cần phải ‘chứng minh bằng hành động’
Luật sư Matas nhắc lại một sự việc xảy ra trước đó vào tháng 6 năm 2016, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mắng té tát phóng viên Canada trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Canada Stephane Dion tại Ottawa. Ông Matas cho rằng, đây là một cơ hội rất tốt để Canada gây áp lực với Trung Quốc về tình trạng mổ cướp nội tạng.
“Có một số lời chỉ trích vì ông Stephane Dion đã không nói gì [trong cuộc họp xảy ra sự kiện đó tại Ottawa]. Nhưng tôi lại xem đó là một cơ hội tốt. Bởi vì, nếu Ngoại trưởng Trung Quốc có thể làm điều đó công khai ở Canada, thì Ngoại trưởng Canada và Thủ tướng Canada cũng có thể làm điều đó công khai ở Trung Quốc. Đó là những gì nên xảy ra”, ông Matas nói.
“Tôi muốn nhìn thấy những vị lãnh đạo Canada của chúng tôi sẽ xuất hiện ở Trung Quốc và đặt câu hỏi công khai với giới nhà báo rằng: Tại sao bạn không báo cáo về vấn đề [mổ cướp nội tạng] này?”.
Luật sư Matas cho rằng, ngoài việc nêu lên vấn đề này với nhà cầm quyền Trung Quốc, Canada nên đề ra những sáng kiến riêng trong phạm vi của mình, trong đó bao gồm việc pháp chế, những nghị quyết, và tiến hành những cuộc điều tra về vấn đề này.
Ông trích dẫn nội dung của một Nghị quyết vào giữa tháng 6 năm 2016 vừa mới được Hạ viện Mỹ đồng lòng thông qua để lên án tình trạng mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công.
“Chúng tôi cần chính phủ [Canada] tham gia, không phải chỉ bằng cách nói chuyện lịch sự với Trung Quốc, mà họ cần phải làm hết khả năng của riêng mình đối với tài liệu hồ sơ này”, ông Matas nói.
Kilgour nói rằng ông rất vui khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự bất bình đối với hành vi của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Canada. Và lưu ý rằng một cuộc thăm dò của tổ chức Nanos Research được ủy thác bởi thời báo Globe và Mail đã cho thấy rằng, 76% người dân Canada đang có một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với chính phủ Trung Quốc.
“Nếu Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xoay chuyển tình thế, phương cách tốt nhất ông ta có thể làm là chấm dứt việc mổ cướp và buôn bán nội tạng ngay lập tức. Vì bản thân ông không hề dính líu đến Giang Trạch Dân, người gây ra điều này [mổ cướp và buôn bán nội tạng], nên Tập Cận Bình có thể chấm dứt được nó, nhưng ông nên làm điều đó ngay bây giờ. Ông không nên chờ đợi thêm 2 năm nữa”.
Gutmann – một công dân Mỹ đang sống tại London, nói rằng ông biết Canada là một ngọn hải đăng về mặt nhân quyền trên khắp thế giới, và đây là lúc Canada cần phải “chứng minh bằng hành động”. Ông cho biết Canada nên làm theo hành động của các nước như Đài Loan, Israel, và Tây Ban Nha. Những nước này đã đặt ra điều luật tuyên bố việc người dân của họ qua Trung Quốc cấy ghép nội tạng là bất hợp pháp.
“Họ [những quốc gia đã ra pháp chế] thực sự sẽ không phải bị quả báo và không có ai khác phải bị quả báo. Đài Loan đã không phải bị quả báo vì đã từng thông qua đạo luật chống thu hoạch nội tạng; Israel đã không bị quả báo. Tôi không tin rằng Tây Ban Nha phải bị. Có một lý do cho điều đó, bởi vì [chính quyền Trung Quốc] biết rằng họ đang phạm tội. Mọi người đều biết rõ điều này. Đây là một điều nhục nhã kinh khủng, và họ đang cố gắng che đậy nó”.
Với sự tường thuật của Pam McLennan.
Tác giả: Omid Ghoreishi, Epoch Times | Dịch giả: Trà Văn Kính
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)