Post: : Admin

Trong câu chuyện trên tôi buông bỏ nỗi sợ hãi về cái đau răng của tôi. Trước đó tôi đã mời gọi cái đau, ôm ấp nó và nó cho phép nó có mặt. Do đó tôi mới có vấn đề.




Nhiều bạn tôi bị đau và thử dùng kinh nghiệm của tôi nhưng không được như ý. Họ đến nói với tôi rằng cái răng của tôi không thấm tháp gì so với cái đau xé thịt của họ. Không phải vậy. Đau là cảm thọ riêng tư không thể đo lường được. Tôi dẫn giải cho họ biết tại sao buông xả không hiệu nghiệm đối với họ bằng cách kể cho họ nghe chuyện của ba đệ tử của tôi sau đây :

ĐỆ TỬ THỨ NHẤT, đau và thử buông bỏ.

“Buông bỏ” anh được khuyến khích, đơn giản và nhẹ nhàng. Rồi anh chờ đợi kết quả. “Buông bỏ” người ta lặp lại cho anh khi chưa thấy chuyện gì xảy ra.

“Chỉ cần buông bỏ!”
“Này hãy buông bỏ!
“Tôi nói rằng Buông và Bỏ!”
“BUÔNG BỎ!”

Bạn có thể xem đó là chuyện lạ kỳ nhưng đó là chuyện chúng ta làm hằng ngày. Chúng ta buông bỏ không phải cái cần buông bỏ. Chúng ta nên buông bỏ lời khuyên, câu nhắc nhở, hoặc người ra lệnh phải “buông bỏ”. Chúng ta cần buông bỏ “con quái vật đang kiểm soát” chúng ta, và tất cả chúng ta đều biết đó là ai. Buông bỏ tức không còn kiểm soát nữa.

ĐỆ TỬ THỨ HAI, lúc bị đau nhớ điều vừa nói là buông và bỏ “con quái vật kiểm soát”. Anh ngồi chịu đau tin rằng cơn đau sẽ tan biến. Sau mười phút anh không thấy bớt và than rằng phương pháp buông xả không hiệu nghiệm. Tôi dẫn giải rằng buông xả không phải là một phương pháp trị bệnh mà là một phương pháp giải thoát khỏi cái đau. Anh bèn mặc cả “Tôi sẽ buông bỏ trong vòng mười phút, còn chú là cái đau, chú sẽ chấm dứt nha”.

Đó không phải là buông bỏ cái đau mà tìm cách gạt bỏ cái đau.

ĐỆ TỬ THỨ BA, nói với cái đau mình đang trải nghiệm: “Đau, cửa tâm tôi lúc nào cũng rộng mở. Xin mời, dầu chú có làm gì với tôi cũng không sao”. Anh để cho cái đau tiếp tục bao lâu cũng được, suốt đời anh cũng kệ. Nếu nó có tăng thêm cũng không sao. Anh dành cho cái đau sự tự do hoàn toàn, không tìm cách khống chế nó. Nó ở hay đi tùy nó, anh không hề bận tâm. Đó mới thật là buông xả, và chỉ bấy giờ anh mới cảm thấy hết đau.

Trích : Mở rộng cửa tâm mình và những mẩu chuyện Phật Giáo nói về hạnh phúc.
Tác giả: Ajahn Brahm
Dịch giả: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi