‘Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ cha và mẹ con’.
"Con trai yêu quý,
Cuộc sống luôn có cả phước lành lẫn tai họa và không ai biết mình có thể sống được bao lâu, vì thế có những điều nói ngay bây giờ tốt hơn để sau.
Bố là bố của con và nếu bố không nói với con những điều này, sẽ không ai nói cả. Đây là những lời đúc kết của bố từ nhiều năm trải nghiệm, qua những thất bại, đắng cay trong bôn ba cuộc đời. Bố hy vọng con sẽ không lặp lại những sai lầm bố từng mắc:
1. Trên đường đời, con sẽ gặp những người đối xử tệ với mình. Đừng để tâm. Không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con, trừ bố mẹ. Đối với những người đối xử tử tế với con, hãy trân trọng và biết ơn, nhưng cũng hãy đề phòng họ. Họ có thể đối tốt với con vì mục đích nào đó. Hãy tìm hiểu động cơ thực sự. Đừng vội kết luận một người là tốt chỉ đơn giản vì họ ưu ái con.
2. Không ai là không thể thay thế. Không có thứ gì trên thế giới này con phải bám chặt lấy hay cố sở hữu bằng mọi giá. Nếu con hiểu điều này, thì về sau, dù mất bất cứ điều gì trong đời, con vẫn có thể đứng vững.
3. Cuộc đời rất ngắn ngủi. Đừng phí thời gian và năng lượng vào những người, việc, thứ không cần thiết. Nếu con làm vậy, sau này con sẽ nhận ra rằng con đã lãng phí tất cả những ngày tháng qua.
Nhận ra điều này càng sớm, con càng tận hưởng được cuộc sống nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng và tận hưởng cuộc sống. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc cố gắng kéo dài tuổi thọ.
4. Không có gì trên thế giới là mãi mãi, kể cả tình yêu. Tình cảm có thể thay đổi theo thời gian. Nếu một ngày nào đó con mất đi người con từng yêu tha thiết, hãy nhẫn nại. Đừng cố níu kéo những gì đã mất hay phóng đại cảm xúc của mình. Thời gian sẽ làm dịu nỗi đau. Thời gian sẽ hàn gắn tất cả.
5. Không phải tất cả những người thành công đều học hành đến nơi đến chốn, nhưng điều này không có nghĩa là con có thể bỏ bê việc học của mình. Kiến thức con có được là tài sản lớn nhất của con.
Con có thể thay đổi từ tay trắng lên anh tài và biến không thành có. Chúng ta không thể làm được những điều này nếu không có kiến thức, kỹ năng. Hãy nhớ kỹ.
6. Bố không mong đợi con sẽ chăm lo cho bố khi bố về già. Cũng vậy, bố không có trách nhiệm phải bao bọc con khi con đã trưởng thành. Nhiệm vụ của bố được coi là đã hoàn thành khi con lớn lên và trở thành một người độc lập.
Con có thể đi xe bus hay lái xe Benz đắt tiền. Tương tự, con có thể ăn mì gói hay bào ngư. Lựa chọn đó thực sự do con.
7. Con có thể hứa hẹn với mọi người nhưng con không được phép yêu cầu họ cam kết với con. Con có thể đối xử tốt với người ta nhưng đừng hy vọng họ đáp lại con như vậy. Con đối xử với họ như thế nào không có nghĩa là họ phải đối lại với con như thế ấy. Nếu con không thể nhìn thấu điều này, về sau con sẽ chỉ có thêm nhiều đau khổ, thất vọng.
8. Rất nhiều người mua vé số suốt nhiều năm nhưng cuối cùng họ vẫn trắng tay, nghèo đói. Để thành công hay giàu có, con đều phải nỗ lực hết mình. Có một điều đơn giản cần nhớ là: Trên thế giới này không có gì miễn phí.
9. Chúng ta ở bên nhau như một gia đình chỉ trong cuộc đời này thôi, dù con thích hay không. Vì thế, hãy trân trọng và nâng niu khi chúng ta bên nhau, chia sẻ, gắn bó. Dù muốn hay không, chúng ta sẽ không thể gặp nhau ở kiếp sau.
Cuối cùng, có một lưu ý nhỏ cha muốn chia sẻ với con: Hãy đền đáp lòng tốt của cha mẹ, chăm sóc cho sức khỏe và trạng thái cân bằng của bản thân. Ăn uống điều độ, trò chuyện ôn hòa. Trẻ nhỏ cần được dạy bảo. Đau ốm cần phải chữa trị. Các mối quan hệ cần phải nuôi dưỡng, sống hướng tới sự hoàn thiện.
Ông Sun Yun-suan và vợ lúc sinh thời. Ảnh:Mag.udn.com.
Ông Sun Yun-suan là Bộ trưởng Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan từ năm 1978 đến 1984. Tháng 2/1984, ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2/2006, ông qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi.
Ngoài các tác phẩm về kinh tế, chính trị, người ta quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con. Lá thư giản dị, chân thành là những bài học cuộc sống ông muốn gửi gắm đến các con.
Vương Linh