Hai kíp mổ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cùng lúc tiến hành ngày 4/10 để lấy một phần gan của người bố ghép cho con trai 13 tháng tuổi.
Bên ngoài phòng chờ phẫu thuật, người mẹ 32 tuổi đứng ngồi không yên. Cả chồng và con trai chị đang cùng chiến đấu trong ca mổ ghép gan, được xem là giải pháp cuối cùng cứu mạng sống cháu bé. Vượt nhiều gian nan từ lúc con sinh ra trong cảnh bệnh tật, bà mẹ hai con đặt tất cả niềm tin vào cuộc mổ sinh tử này.
Chào đời với chứng teo đường mật bẩm sinh, bé trai đã trải qua cuộc phẫu thuật Kasai lúc 7 tuần tuổi. Sau mổ, bệnh bé tiến triển thành xơ gan với các biến chứng tắc mật, nhiễm trùng đường mật. Ghép gan là giải pháp duy nhất cứu bé thoát khỏi cửa tử. Gan của người bố 38 tuổi phù hợp nên được chọn hiến.
Giáo sư Trần Đông A, cố vấn kíp mổ cho biết người bố mỡ máu cao, tăng huyết áp nên được điều trị ổn định trước khi tiến hành phẫu thuật. Trên hình ảnh học gan người bố không thấy nhiễm mỡ nhưng các bác sĩ vẫn tính đến phương án phẫu thuật nếu gan có nhiễm mỡ, xuất hiện tình trạng chảy máu thì sẽ truyền máu hoàn hồi. Các tình huống dự trù xử lý chảy máu sau mổ cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
Theo giáo sư Đông A, ghép gan ở trẻ dưới 2 tuổi đòi hỏi kỹ thuật khó khăn hàng đầu trong ghép tạng. Do mạch máu, đường mật rất nhỏ, phải nối bằng vi phẫu nên quá trình mổ không được phép sơ sót. Ca ghép này còn có 2 giáo sư người Bỉ hỗ trợ. Dự kiến ca ghép sẽ kéo dài khoảng 12 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 20h tối 4/10.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đây là ca ghép gan thứ 10 bệnh viện thực hiện và là ca thứ hai người bố cho gan con. Một trường hợp trước đó là cô ruột hiến gan cho cháu và 7 người khác là mẹ hiến gan cho con. Bốn bà mẹ sau đó đã mang thai và sinh con trở lại. Phần gan hiến tặng của người cho tái sinh sau vài tháng. Bệnh nhi trong những ca ghép trước đều khỏe mạnh, có 3 em phải điều trị bệnh do ảnh hưởng của dùng thuốc chống thải ghép.
Số bệnh nhi được chỉ định ghép gan hiện còn rất nhiều nhưng số ca ghép vẫn hạn chế do những rào cản từ chi phí, khoảng cách địa lý, nguồn tạng hiến… Những bệnh nhi được ghép đều là người TP HCM. “Nguồn tạng hiến chủ yếu từ bố mẹ người thân. Người cho gan sống thường có rủi ro nhất định nên hy vọng sắp tới y học sẽ tiếp cận được nguồn tạng từ người cho chết não tình nguyện hiến tặng”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Lê Phương – vnexpress.net