Post: : Admin

4h sáng ngày 23/04/2022, nhằm ngày 23/03/Nhâm Dần, chư tôn đức Tăng - Ni đọc Chơn Lý. Sau đó thiền hành, thiền tọa đúng như thời khóa.



8g30 sáng cùng ngày, Hòa thượng Giác Điệp chia sẻ với hành giả khóa tu về Hạnh và Đức của Đức Phật. Ngài nói Đức Phật là hiện thân của tất các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) – những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người. Những đức tính cao cả ghi trong các kinh, những bài thuyết giảng của Đức Phật.

Theo kinh tạng Nikaya, Như lai là nói sao làm vậy, làm sao nói vậy. Theo định nghĩa của đại thừa là vô sở tùng lai, diệt vô sở khứ. Theo đại thừa, Như Lai được tôn xưng 10 danh hiệu để tôn sùng ân đức của Ngài: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Ngài nhấn mạnh theo kinh tạng Nguyên Thủy có ghi lại 9 ân đức của Đức Thế Tôn là: A La Hán, Chánh Đẳng Giác; Minh Hạnh Túc; Thiện ngôn; Thông suốt các pháp; Giáo hóa; Thiên nhơn sư; Người có duyên gặp Đức Phật là chứng đắc A La Hán; Đáo bỉ ngạn.

Chính vì, hạnh đức vĩ đại của Đức Phật, có thể sử dụng làm đề tài cho thiền định, nếu những sự giải thích của mỗi từ ngữ đặc biệt được thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và mục đích thực sự cùng bản chất được tóm thâu, thấu triệt. Chỉ lướt qua từng đoạn, không hiểu thấu hoàn toàn, không thể coi như hữu hiệu dù cho có sùng đạo. 

Phương pháp tốt nhất là xem đi, xem lại nhiều lần, đồng thời nắm vững ý nghĩa hoàn toàn của các sự bày tỏ ấy. Trong khi làm như vậy, ta cũng nên tập trung vào những đức tính có chân giá trị ấy, như những đức hạnh thực sự cần được tích cực noi gương bởi tất cả hàng đệ tử của Đức Phật.

Buổi chiều, tất cả hành giả quay trở về tịnh xá Lộc Uyển, 121 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6 tu tập với thời khóa: “Tang lễ chánh niệm” nhằm tạo duyên lành cho Thượng tọa Giác Tôn tân viên tịch.

 

Diệu Anh