Post: : Admin

Vốn từ tiếng Việt dùng trong tôn giáo chính xác là từ Hán - Việt từ bấy lâu nay đã vậy, gọi đấy là BIỆT NGỮ thực không thoả đáng...



Biệt ngữ, thuật ngữ hay từ ngữ Hán Việt?

Biệt ngữ, thuật ngữ hay từ ngữ Hán Việt?


Ngôn ngữ giáo khoa hiện hành ở Việt Nam, chương trình ngữ văn, gọi lớp từ đặc thù của tôn giáo là BIỆT NGỮ: linh mục, Đức Cha, Hồng y, hiệp thông, bề trên, Chúa Trời, hồng ân, ơn gọi... thuộc biệt ngữ của Công giáo; Cai Quản, Thánh thất, Đại đạo tam kỳ phổ độ... thuộc biệt ngữ Đạo Cao Đài; Nghiệp, duyên, luân hồi, nhân quả, thiền môn, vãng sanh, Đại đức, Thượng toạ, Hoà thượng, chứng minh... thuộc thuật ngữ Phật học danh số. Xét đến toàn bộ kinh điển, giáo lý, vốn từ riêng trong các tôn giáo sẽ thấy số lượng biệt ngữ rất lớn.

Yên trí đinh ninh BIỆT NGỮ là từ thoả đáng chỉ lớp từ ngữ tôn giáo, bên cạnh THUẬT NGỮ chỉ lớp từ khoa học, chuyên môn... Cho đến một ngày đẹp trời gặp chị bạn khá uyên bác chữ nghĩa, viết nhiều, vốn là giáo viên cấp III cùng cô nhà báo, tản mạn hàn huyên ở một tiệm bánh trên phố Kỳ Đồng Quận 3 Sài Gòn, vòng vo chuyện viết lách lại đụng vào ngôn ngữ tôn giáo, chị nhà văn xác quyết rằng dùng từ BIỆT NGỮ là không chuẩn xác, chệch, lớp từ tôn giáo trong tiếng Việt phải gọi đúng là từ HÁN VIỆT. Vậy bấy lâu nay giới làm giáo khoa toàn bậc trí thức lão làng đã sai khi dụng từ BIỆT NGỮ?


Ngẫm lại, ngộ ra vấn đề chính thâm niên sư phạm và không rời ngòi bút khi đã hưu giúp chị để ý nhận ra đều mà chị cho là không chuẩn mực khi xài từ BIỆT NGỮ và nắn chỉnh bằng cách gọi rằng đấy là lớp từ HÁN VIỆT. Quả thực chị có lý.


Đức hồng y, Giáo hoàng, Đức Mẹ, Thiên Chúa; Niết bàn, quy y, tam bảo, xuất gia, trì tụng, Phật tử... không là từ Hán - Việt thì là gì? 


Thực ra, ngôn ngữ riêng của tôn giáo không chỉ bao gồm từ Hán Việt, còn có từ thuần Việt, với Công giáo có khá nhiều từ gốc la tinh, từ Hán Việt chiếm tỉ lệ cao dùng trong Phật giáo. Giáo khoa cũ ở Miền Nam VN các từ Hán Việt cũng như từ phiên âm gốc la tinh, từ Anh hay Pháp ngữ được viết với dấu gạch nối giữa các chữ: Hoa - Thịnh - Đốn, Mạc- Tư- Khoa, Hồng – y, Giáo- Hoàng, Bồ - đề, Đạo – tràng, vãng- sanh....


Trước năm 1975 ở Miền Nam VN và trước 1954 trên cả nước, trong ngôn ngữ học đường, báo chí, hành chính không tồn tại từ BIỆT NGỮ, tức ngôn ngữ đặc biệt. Biệt ngữ với nội dung chỉ lớp ngôn ngữ tôn giáo xuất hiện ở nền giáo dục XHCN, từ ngữ phát sinh và như cô bạn giáo viên, sự phát sinh này không chuẩn mực. Hiện tượng từ mới chệch chuẩn như thế khá nhiều ví như SAO KÊ đang xuất hiện dày trên mạng và báo chí vốn không có trong từ điển tiếng Việt, gán ghép nghĩa từ “sao” sao chép, sao y & “ kê” kê biên, liệt kê in ấn sao lục chứng từ chi xuất từ ngân hàng quanh ầm ĩ chuyện nghệ sỹ làm từ thiện. Đọc mòn sách báo, trước đấy chưa từng biết từ “sao kê”, mới nghe lại nghĩ đến một loài như hươu nai nào đấy- như Sao La! Trường hợp BIỆT NGỮ lớn lao hơn nhiều bởi đụng đến học thuật, chuyên môn. Từ riêng dùng trong tôn giáo là từ Hán- Việt lâu nay vốn vậy, cớ sao phải nghĩ ra và gán vào từ mới BIỆT NGỮ? Tương tự, sao không dùng chữ “ sao lục chứng từ ngân hàng” lại phải nghĩ ra và xài từ SAO KÊ? Ngôn ngữ có qui luật làm mới, sáng tạo nhưng từ ngữ mới, sự sáng tạo phải đạt tầm giá trị, thẩm mỹ, khoa học và phải được giới chuyên môn chấp nhận. Sáng tạo tạo nên cái mới song không phải bất cứ cái mới nào cũng là sáng tạo đúng nghĩa. Như đã nói, trong chữ nghĩa xứ mình  đã  có quá nhiều “sáng tạo” tùy tiện, không chuẩn.


Vốn từ tiếng Việt dùng trong tôn giáo chính xác là từ Hán - Việt từ bấy lâu nay đã vậy, gọi đấy là BIỆT NGỮ thực không thoả đáng. Chị bạn tôi nói đúng.
Lâu nay không để ý nên vô tư ...

Nguyễn Thành Công

tBiệt ngữ, thuật ngữ hay từ ngữ Hán Việt? huật ngữ Phật học, phật học danh số, từ ngữ Phật học, thuật ngữ tôn giáo, biệt ngữ, hán việt