Hiểu được nó thì dù là viên than hồng hay viên kẹo ngọt ta cũng chỉ cảm thấy được sự “nóng đỏ của viên than”, “sự ngọt ngào của viên kẹo” mà không bị dính mắc hay bị nó chi phối. Khổ đau cũng vậy, hạnh phúc cũng thế. Khi trong “thấy chỉ có thấy”, trong “nghe chỉ có nghe…” vắng bặt cái “tôi đang tu, đang chứng, đang thiền” thì lúc đó Tánh Biết sẽ tự biết nên phải làm gì, như thế nào
Buông là một khái niệm quen thuộc của người tu hành. Tu có nghĩa là buông. Nhưng buông cái gì? Buông ra sao? Buông khi nào? Ai Buông?… lại là vô vàn câu hỏi của người tu trên con đường học Đạo.
Bàn tay đang nắm là viên kẹo ngọt
Khi trong tay là viên than hồng, xu hướng tự nhiên là thả nó ra ngay vì sợ bỏng tay. Viên than ấy ví cho khổ đau. Người bình thường khi thấy khổ đau thường tìm cách loại trừ nó ra khỏi cuộc sống của mình. Trong vô vàn cách thì những cách như tìm một hoàn cảnh khác, sự vật khác “tốt lành hơn” khiến cho khổ đau giảm xuống hay mất đi. Trong cả hai trường hợp chỉ là những cách đối trị hay trốn tránh khổ đau, chưa hẳn “buông được hòn than đỏ”. Khổ đau trong những trường hợp ấy ví như “đá đè cỏ” không thể hết hẳn, chỉ tạm thời lắng đọng, an yên một thời gian, rồi khi “bỏ đá ra cỏ lại mọc xanh hơn, nhiều hơn”. Giống như khi hết an yên thì khổ đau khác xuất hiện, tâm lại bất an.
Rất nhiều người nghĩ rằng bỏ hết gia đình, con cái, nhà cửa… lên chùa mới là “thực sự buông bỏ”. Bởi, trong cuộc sống này biết bao những quan hệ xã hội phức tạp khiến cho tâm người dao động, khổ sở. Tiền bạc là sức ép, là nguyên nhân gây ra cãi vã, ly tan; sự phấn đấu để giàu có khiến cho con người mệt mỏi; tình yêu vô vọng, hay sự mất lòng tin, hiểu lầm, khiến cho con người thất vọng, suy sụp… Thực ra suy nghĩ ấy là sai lầm nếu không hiểu rõ bản chất của “viên than hồng”. Nó không nằm ở những sự vật ấy, hoàn cảnh ấy, quan hệ ấy, con người ấy, mà nằm ở nhận thức của chính mình. Nếu thấy ra khổ đau cũng là một bài học tốt (nguyên nhân, sinh, diệt…), thì ta sẽ không có xu hướng loại trừ nó. Lúc đó khổ đau mới được đoạn diệt.
Viên than còn là ví dụ dễ thấy, dễ biết, “viên kẹo” còn vi tế hơn nhiều.
Khi những gì đang nắm là tốt đẹp, là tinh tấn, là thành tích, nhất là thành tích trong tu tập khiến cho con người bị dính mắc ghê lắm. Những “đạt”, “những an”, những “về”, những “tới” khiến cho xu hướng muốn “nắm giữ” giống như có được viên kẹo ngọt, ăn thử rồi muốn ăn nữa, ăn mãi, muốn có, không muốn rời.
Trong tu Thiền, khi tâm đạt tới “an chỉ định” rất nhiều thiền sinh cảm thấy hạnh phúc, rồi khi thiền thấy “ánh sáng”, “hào qua.ng” hay “hình ảnh những vị Phật”, rồi thì “thông tỷ, thông nhĩ, thông nhãn..” càng dễ khiến thiền sinh hoan hỷ, mong giữ lại những giây phút ấy, hoặc kéo dài ra càng lâu càng tốt, hoặc mong cầu thành tích cao hơn. Hệ quả của những “viên kẹo ngọt” đó là bị dính mắc. Dính mắc vào thành tích là cái dính mắc “ngọt ngào” khó buông bỏ hơn gấp nhiều lần “viên than hồng”, bởi sự vi tế của nó.
Trong tích của nhà Phật nói nhiều về “ngón tay chỉ Trăng”, về “con thuyền đưa ta sang sông”. Ngay cả khi con thuyền ấy có đẹp đẽ đến mức nào thì cũng chỉ là phương tiện. Mặt trăng vẫn mãi là mặt trăng dù có dùng tay để chỉ hay dùng bất kỳ lời gì để mô tả thì vẫn không phải là mặt trăng. Nó tự tồn tại bên ngoài những định nghĩa, giới thiệu, giải thích – cũng như sự chỉ dẫn của “ngón tay”.
Thiền là lối sống, là con đường giúp ta thấy ra sự thật, thấy ra sự sống đang là, không phải loại trừ, hay níu giữ. Sự sống ấy là tất cả dòng chảy quanh ta bao gồm cả thân, thọ, tâm, pháp. Buông là buông cái “tâm lăng xăng tạo tác”, cái tâm mong muốn trở thành. Hiểu được nó thì dù là viên than hồng hay viên kẹo ngọt ta cũng chỉ cảm thấy được sự “nóng đỏ của viên than”, “sự ngọt ngào của viên kẹo” mà không bị dính mắc hay bị nó chi phối. Khổ đau cũng vậy, hạnh phúc cũng thế. Khi trong “thấy chỉ có thấy”, trong “nghe chỉ có nghe…” vắng bặt cái “tôi đang tu, đang chứng, đang thiền” thì lúc đó Tánh Biết sẽ tự biết nên phải làm gì, như thế nào, hay nói một cách khác là “pháp tự tu” vậy. Vì thế buông mà cũng chẳng có gì để buông, cũng không có ai buông thì đó mới là Buông thực sự.
Như Hải / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)