Bài viết tập trung vào hai điểm: Một là Chương trình hoằng pháp, hai là Áp dụng việc hoằng pháp vào hoàn cảnh thực tế ở những khu vực vùng sâu, vùng xa..
Đại hội đại biểu Phật giáo Đồng Nai lần thử VIII nhiệm kỳ (2016-2021)
Thực tế Phật giáo tỉnh Đồng nai hiện nay, ngoài các khu vực trung tâm đô thị Phật giáo phát triển mạnh, song bên cạnh đó vẫn có không ít các vùng sâu vùng sa, Phật giáo chưa được phát triển. Đây là điều mà các vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà hiện đang ưu tư. Thiết nghĩ trong Hội thảo chuyên đề hoằng pháp lần này, Ban hoằng pháp tỉnh cần vạch ra một chiến lược cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, ngõ hầu đẩy mạnh công tác hoằng pháp đối với các vùng sâu. Cùng với những niềm trăn trở và mong mỏi đó, trước khi Ban hoằng pháp đề ra một chiến lược hoằng pháp cụ thể… người viết xin trình bày một vài ý kiến cá nhân đối với việc hoằng pháp ở vùng sâu vùng sa.
Bài viết tập trung vào hai điểm: Một là Chương trình hoằng pháp, hai là Áp dụng việc hoằng pháp vào hoàn cảnh thực tế ở những khu vực vùng sâu, vùng xa..
I.Chương trình hoằng pháp:
1. Đào tạo đội ngũ giảng sư.
Nói đến việc hoằng pháp, trước hết phải có con người hoằng pháp. Nói cụ thể Giáo hội hiện nay phải đào tạo đội ngũ các vị giảng sư có đủ đạo hạnh và tri thức để gánh vác trách nhiệm vô cùng khó khăn nhưng đầy cao cả này.
Các tiêu chuẩn cơ bản của vị giảng sư:
Theo người viết, vị giảng sư tối thiểu phải hội đủ ba tiêu chuẩn sau:
– Phải có đời sống đạo hạnh: Vị giảng sư trước hết phải có lý tưởng giải thoát, có đời sống của một vị xuất gia Phạm hạnh, thể hiện đúng tinh thần Giới-định-tuệ.
– Phải có kiến thức nội điển vững chải: Vị đó phải tinh tường giáo lý, thông suốt Kinh Luật Luận. Bởi vì, giảng sư Phật giáo mà không thông suốt giáo lý, thì làm sao có thể hoằng pháp tốt được.
– Vị đó phải am hiểu ngôn ngữ địa phương, biết rõ đời sống kinh tế, văn hoá, nhu cầu tín ngưỡng đặc thù… tại những nơi mà mình chuẩn bị đến hoằng pháp.
Kế nữa vị giảng sư khi thuyết pháp cần chú ý hai điểm,một là phải biết vận dụng giáo lý sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế để giải quyết những vấn đề xã hội hiện đang vướng mắc, hai là phải trình bày được kinh nghiệm sở chứng của mình về pháp tu cho người nghe, có như thế mới đạt được kết quả trong việc hoằng pháp.
Sách lược hoằng pháp:
– Giáo hội cần quan tâm đến thành phần Tu sĩ thuộc các vùng sâu vùng sa, tạo điều kiện thuận lợi để họ được theo học các trường Phật học; chuẩn bị cho họ đầy đủ những tư cách về pháp nhân, pháp lý và khuyến khích họ trở lại các vùng sâu. Đây sẽ là thành phần nồng cốt để hoằng pháp ở các vùng này. Bởi không có ai thuận tiện hơn họ, khi họ là người địa phương và am tường bản ngữ, hiểu rõ tình hình sinh hoạt của quần chúng tại đó.
– Với một số vị Tu sĩ người sau khi đã tốt nghiệp các trường Phật học. Giáo hội nên khuyến khích các vị này phát tâm đến hoằng pháp ở vùng sâu. Vấn đề thực tế là hiện nay có quá nhiều Tu sĩ có đủ tài đức nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chỉ tập trung ở các đô thị, ít ai chịu dấn thân vào vùng sâu để làm công tác hoằng pháp.
2. Xây dựng cơ sở tín ngưỡng:
Cơ sở tín ngưỡng của đạo Phật la Viện, Tu viện, Thiền viện, Chùa, Niệm Phật đường… đây là nơi để quần chúng quy tụ sinh hoạt tín ngưỡng. Thực tế hiện nay, có quá nhiều địa phương ở vùng sâu chưa có điều kiện để xây dựng chùa. Đây cũng là lý do để tín đồ Phật giáo ở những vùng này không thể quy tụ sinh hoạt Tôn giáo và Giáo hội cũng không có cơ sở để hoằng pháp.
Một điểm kế tiếp là các vùng sâu chưa có các Ban Đại Diện cấp Xã, điều này Giáo hội cần nỗ lực bằng mọi cách, xúc tiến thành lập, để điều hành sự sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng địa phương. Với vấn đề mô hình Chùa chiền ở vùng sâu, nên chăng chúng ta xây dựng đúng theo bản sắc văn hoá của vùng đó.
II. Áp dụng vào hoàn cảnh thực tế:
Nguyện vọng của chúng ta là muốn đem Phật pháp quảng bá vào các khu vực vùng sâu, làm cho mọi người đều được bình đẳng tắm mát trong ánh hào quang của chư Phật. Tuy nhiên, để niềm mong ước đó được trở thành hiện thực, chúng ta phải nắm rõ những mặt thuận lợi và khó khăn thực tế tại các địa phương, ngõ hầu vận dụng nhuần nhuyễn. Đối với việc hoằng pháp các vùng sâu, qua tình hình thực tế hiện nay, cần chú ý các điểm sau:
Giáo hội các cấp cần tạo mối quan hệ tốt đối với chính quyền sở tại, để thuận lợi hơn trong việc hoằng pháp. Cần phải có những chủ trương hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết về mặt tinh thần cũng như vật chất cho những Tăng, Ni hoằng pháp tại những vùng này.
Đối với các vùng chưa có Tăng ni, và không ít một số vùng chính quyền chưa được thông thoáng về đường lối chính sách tôn giáo,hằng năm vào các ngày đại lễ (Phật đản, Vu Lan..) Giáo hội nên xin phép chính quyền cho Tăng, Ni lên làm lễ tại các địa phương này. Hình bóng oai nghiêm của Tăng, Ni xuất hiện, sẽ có tác động tín tâm lớn đối với quần chúng.
Một thực tế cần phải thấy rõ, đó là hiện nay đời sống kinh tế của nhân dân vùng sâu vô cùng khó khăn. Trong vấn đề này, thiết nghĩ Giáo hội nên kêu gọi các đoàn thể Phật giáo đẩy mạnh việc từ thiện, mở các lớp học tình thương và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu văn hoá tiến bộ ở các địa phương này. Đó là những việc cần thực hiện song song với công cuộc hoằng pháp
Một điểm nữa, là thực tế hiện nay tín đồ Phật giáo của chúng ta đa phần là các vị lớn tuổi, còn một số lớp trẻ tuy có sự ảnh hưởng nhưng không nhiều. Do vậy, bước đầu hoằng pháp các vùng sâu, Giáo hội cần chú trọng đào tạo lớp trẻ kế thừa này, tổ chức các lớp học Phật pháp vào chiều chủ nhật; tạo thêm sân chơi cho các em thanh thiếu niên mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo. Cần xúc tiến việc tổ chức các khoá tu Bát quan trai, khoá tu niệm Phật… vào các ngày rằm, mồng một cho tín đồ. Tại các đạo tràng này, Giáo hội nên cử các vị Giảng sư đến hướng dẫn.
Tóm lại, kế thừa tinh thần vị pháp vong thân của các bậc cao tăng tiền bối, chúng ta những hàng hậu bối càng phải ra sức tu hành và nỗ lực hoằng dương chánh pháp, ngõ hầu Phật pháp được thường trụ ở thế gian để lợi lạc chúng hữu tình. Mà cụ thể hiện nay tại tỉnh Đồng nai vẫn còn một đại bộ phận nhân dân vùng sâu, họ chưa được hưởng hương vị chánh pháp, đó là đối tượng cần thiết để chúng ta hoằng truyền chánh pháp.
Tất nhiên, việc hoằng pháp đối với các vùng sâu trong hoàn cảnh thực tế hiện nay không phải là chuyện đơn giản, nhưng dù khó khăn đến mấy, nếu chúng ta chịu cố gắng, với trí tuệ quyền biến tùy nghi khéo vận dụng vào mọi hoàn cảnh… tất sẽ có ngày thành tựu, chỉ sợ chúng ta không bền gan vững chí mà thôi.
Thích Nguyên Liên
(Bài tham luận Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)