Post: : Admin

1. Vị lãnh Đạo cao cấp
Hỏi : Trong một Quốc gia những người leader (lãnh đạo) không có trình độ sẽ ảnh hưởng không tốt cho người dân phải không thưa Thầy?



-- Thầy đã nói sinh ra trên đời là để học bài học giác ngộ ra chính mình và bản chất cuộc sống. Nhưng mỗi người sinh ra đều có chánh báo và y báo của mình. Chánh báo là quả báo ngay trên thân tâm mỗi người, còn y báo là nơi chốn (gia đình, xã hội) họ sinh ra.
Tại sao chúng ta sinh ra ở Việt Nam mà không sinh ra ở Pháp vì chúng ta có cộng nghiệp với những người cần phải học bài học ở Việt Nam, còn người nào sinh ra ở Pháp thì sẽ học bài học của họ ở Pháp.
Nói cho dễ hiểu, một em học sinh trình độ lớp 1 phải học lớp 1 thì từ đó mới tiến bộ được, nếu em vào lớp 2 sẽ học không nổi nên sẽ chẳng học được gì. Lớp 1 là Y Báo còn mỗi em trong lớp 1 học có kết quả khác nhau đó chính là Chánh Báo.
Nếu quan sát chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy ra tại sao dân tộc này bị như vậy, dân tộc kia bị như kia... tất cả đều có duyên nghiệp cho mỗi người trong dân tộc đó. Có câu nói:"Mình sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời mà cuộc đời sinh ra để giúp thay đổi chính mình” Chính bối cảnh cuộc đời giúp ta giác ngộ.

Hỏi : Thưa Thầy, những điều Thầy vừa dạy có vẻ đi ngược lại với lý thuyết của leadership tức lý thuyết của người lãnh đạo là phải chủ động để thay đổi chứ không phải thụ động để đối phó. Người leader giỏi phải chủ động để thay đổi tình huống nào đó để trở nên tốt đẹp hơn. Còn thụ động thì tiến trình tiến hóa sẽ rất chậm?

-- Không phải là thụ động, bởi vì thay đổi chính mình là thái độ chủ động tích cực nhất. Không phải lãnh đạo là chỉ lo thay đổi bên ngoài mà người lãnh đạo trước tiên phải phát huy trí tuệ và đạo đức nơi chính mình, nếu không thay đổi được chính mình làm sao thay đổi thiên hạ. Bản thân mình phải sáng suốt hiểu rõ chính mình hiểu rõ mọi hoàn cảnh, mọi tình hình thì mới lãnh đạo tốt. Khổng Tử, một nhà chính trị và triết gia lỗi lạc cũng nói rằng: “Muốn bình thiên hạ trước phải trị quốc, muốn trị quốc trước phải tề gia, muốn tề gia trước phải tu thân, chánh tâm và thành ý”. Đức Phật cũng vậy, sau khi tự mình giác ngộ, Ngài chỉ đi đây đó chia sẻ khai thị cho những người hữu duyên thôi, Ngài nói Ngài là người chỉ đường chứ không phải là giáo chủ, không làm nhà lãnh đạo, thế mà cho đến bây giờ hàng triệu người trên thế giới vẫn tu học theo Ngài, vẫn còn tôn thờ, quy ngưỡng nơi Ngài. Đó chính là “bất trị nhi bất loạn, bất giáo nhi tự hành” của bậc Thánh Trí.
Còn lãnh đạo độc tài kiểu Hitler thì thế giới sẽ đi về đâu? Cho nên, thay đổi chính mình vẫn là thái độ ưu tiên, người có trí tuệ và đạo đức có thể không cần thay đổi người khác, cũng không cần bắt người khác phải thay đổi theo ý mình mà mọi người tự thay đổi theo. Đó chính là lãnh đạo ưu việt nhất theo Vương đạo hay Thiên đạo chứ không phải lãnh đạo theo kiểu Bá đạo hay Atula đạo.

2. Ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn là người giác ngộ.

Hỏi: Ghét của nào trời trao của đó phải không thưa Thầy?

-- Ngoài luật nhân quả còn có luật duyên báo, 2 luật này có chỗ khác nhau, thường nhiều người chỉ để ý đến nhân quả chứ không để ý duyên báo. Duyên là hoàn cảnh của mỗi người như sinh ra ở đất nước nào, xã hội nào, gia đình nào, có mối quan hệ với ai, tốt hay xấu… Có người than phiền tại sao tôi gặp người chồng khó khăn thế này thế nọ. Thật ra, vì người đó có ảo tưởng về một người chồng lý tưởng, nên gặp duyên người chồng bất như ý như vậy mới thấy ra sự thật đồng thời giúp phát huy được đức tính nhẫn nại, cảm thông, tha thứ. Ai thiếu điều gì thì Pháp đến bổ túc điều đó, ai dư cái gì Pháp đến lấy đi cái đó. Nói như Lão Tử thì Pháp thường “bổ bất túc, tổn hữu dư” để giúp mọi người phát huy trí tuệ và đạo đức của mình, nhưng mới trông có vẻ như “ghét của nào trời trao của ấy” vậy.
Trong thiên nhiên cọp tìm cách bắt nai nên nó ngày càng mưu mẹo hơn, nai tìm cách chạy thoát nên cũng nhanh nhẹn và cảnh giác hơn. Điều này có vẻ như đã được lập trình sẵn để chúng sanh phát huy được chính mình. Ban đầu do chiến đấu nên phát huy cái ác, sau biết đau khổ mới cảm thông với nỗi khổ của kẻ khác mà phát huy điều thiện, vì thế nếu dẹp hết cái ác thì cũng không có điều thiện. Trong cái ác bỗng phát sinh điều thiện, như con cọp nọ ăn con nai mẹ, thấy con nai con yếu ớt nó bỗng phát sinh tình thương yêu bảo vệ và nuôi nấng chú nai con. Trong thiên nhiên thật kỳ lạ, nhìn có vẻ bất toàn nhưng thật ra vốn rất hoàn hảo. Cho nên, ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn chính là người giác ngộ.

HT Viên Minh
Trích ghi từ Trà Đạo Bửu Long ngày 27 tháng 8 năm 2016.
Nguồn : coinguonhanhphuc