Post: : Admin

Một bức tượng Phật có niên đại 200 năm trước Công nguyên được đưa ra khỏi khu vực bất ổn nhất Afghanistan trong tình trạng được bảo vệ cẩn thận và sẽ được cất giữ vĩnh viễn trong Bảo tàng Quốc gia Afghanistan ở Kabul.



Bức tượng Phật cổ là một tượng đài trong suốt chiều dài lịch sử Afghanistan và là nhân chứng cho những thăng trầm của các triều đại. Hình dáng, màu sắc của bức tượng ít bị phai mờ theo thời gian và bức tượng được tìm thấy lần đầu tiên tại địa điểm khảo cổ nổi tiếng Mes Aynak vào năm 2012 sau khi đào xới qua nhiều lớp đất đá. Bức tượng có thể được đặt ở đây khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 5 sau Công nguyên.

 Có niên đại khoảng 200 năm trước Công nguyên, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan - Ảnh: Wakil Kohsar

Có niên đại khoảng 200 năm trước Công nguyên, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan - Ảnh: Wakil Kohsar


Đặc biệt hơn nữa, đây là bức tượng duy nhất còn nguyên vẹn trong khi nhiều tượng Phật trong thời kỳ Phật giáo cổ đại ở Afghanistan bị mất đầu do nạn cướp bóc cổ vật để tiêu thụ tại các chợ đen. Tuy nhiên, phần đầu của bức tượng này bị vẫn nứt khi được tìm thấy, có thể do sơ suất trong quá trình khai quật hoặc bị những kẻ cướp cổ vật bỏ lại, nhưng các nhà khảo cổ đã khôi phục được bức tượng như hình dáng ban đầu.

Ermano Carbonara, chuyên gia khôi phục cổ vật người Ý, cho biết: “Thật hiếm có khi bức tượng được khai quật trong tình trạng vẫn còn nguyên vẹn phần đầu. Bức tượng được đặt trong chánh điện và được trang trí bằng sơn, khu vực trung tâm dùng để khấn nguyện. Bức tượng nên được di dời khỏi đây để được bảo vệ tốt hơn”.

Thông tin từ Channel NewsAsia, vì bức tượng được tạo ra bằng đất sét lấy từ sông Mes Aynak nên dễ bị hư hại do độ ẩm cao trong không khí. “Một trận mưa lớn có thể phá hủy bức tượng” - theo Carbonara. Ông cũng chú ý đến tay nghề thủ công tinh tế trong việc tạo tượng, nhất là đặc điểm khuôn mặt, tóc xoắn của Phật, màu hồng ở má và ánh mắt màu lam là minh chứng cho “kỹ thuật tinh xảo tuyệt vời” của các nghệ nhân. 

Một trong những di sản khảo cổ quan trọng nhất thế giới, Mes Aynak tọa lạc ở một nơi khá cằn cỗi ở tỉnh Logar, Afghanistan, cách Kabul khoảng 40 km. Nơi đây từng là một thành phố nằm trên con đường Tơ lụa - hệ thống các tuyến đường giao thương, trao đổi văn hóa và tôn giáo của các quốc gia cổ đại. Philippe Marquis, nhà khảo cổ người Pháp, đã miêu tả kho báu lịch sửa tại Mes Aynak là “một trong những địa danh quan trọng nhất của con đường Tơ lụa”, với hơn 400 tượng Phật, tháp Phật, một khu phức hợp tu viện rộng đến 400 hecta, cùng với thành lũy, pháo đài trải rộng hơn 19 khu vực khảo cổ, tờ The Sydney Morning Herald cho biết.

Nhiều lớp cát và đất đá không thể bảo vệ địa danh lịch sử vô giá trước tham vọng của các tập đoàn kinh tế đối với vị trí địa chính trị quan trọng này. Theo Bộ Địa chất và Dầu khí Afghanistan, nơi đây có trữ lượng đồng lớn thứ hai thế giới, ước tính lên đến 5.5 triệu tấn quặng đồng chất lượng cao (“mes aynak” nghĩa là “nguồn dự trữ đồng” trong tiếng Pashto) và 2 gã khổng lồ trong ngành khai thác đồng thuộc sở hữu của chính phủ Trong Quốc là Metallurgical Group Corp. và Jiangxi Copper dự kiến đầu tư dự án 3 tỷ đôla để khai thác nguồn tài nguyên giàu có trong lòng đất ở đây.

Ngoài những di sản của Phật giáo dưới thời Kushan Gandhara (tương đương thời đại Đế chế La Mã và triều đại Tây Hán ở Trung Quốc), những bằng chứng khảo cổ cho thấy nền văn minh ở Afghanistan đã rất phát triển từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Các khám phá ở những khu vực này cho thấy cách bố trí trong tu viện thời kỳ trước khi Phật thành đạo và các bản thảo có nhắc đến sự hiện diện của quân đội Alexander Đại đế.

Ông Fahim Rahimi, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Afghanistan, cho biết: “Cổ vật có ở khắp nơi. Bọn buôn lậu có tổ chức thu lợi rất nhiều từ việc lợi dụng người dân không biết về giá trị của những hiện vật hay vì quá nghèo mà phải bán cổ vật để lấy tiền”.

Theo Nadir Shah Katawazi, trưởng phòng Công chúng vụ của bảo tàng, khoảng thời gian giữa cuộc nội chiến Afghanistan năm 1990 và cuộc chiến do Mỹ xâm lược năm 2001, có khoảng 70% hiện vật lịch sử và văn hóa của Afghanistan bị đánh cắp, phá hủy hoặc buôn lậu ra nước ngoài.

Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo Buddhist Door) http://giacngo.vn/vanhocnghethuat/dieukhac/2017/05/02/7AD680/