Pháp khí và giới luật

Hình Pháp khí và giới luật
- Tác giả: admin

Lấy ví dụ cụ thể, tôi tự đặt câu hỏi :”Việc nhà chùa tùy tiện mở thật to âm thanh của pháp khí để tu hành, có vi phạm Giới Luật hay không ?”

Tôi vượt qua khoảng 300 km bằng xe honda, tìm đến một ngôi chùa khá nổi tiếng nằm trên đồi cao . Con đường dẫn lên chùa chạy ngoằn ngèo, len lỏi qua những vườn trồng rau và cây trái… Tới khúc quanh, tôi dừng lại hỏi thăm một bà cụ đang chăm sóc vườn rau :”Bà cho hỏi thăm, đường này dẫn lên chùa phải không ?”. Bà cụ ngẩng lên nhìn tôi, rồi trả lời ngắn gọn :”Vâng”.
Pháp khí và giới luật image-1731938264185
Tôi đăng ký xin ở lại chùa 1 tuần .  Khi tham gia niệm Phật cùng đại chúng, tôi nhận thấy các loa pháp khí mở rất to, chẳng biết là mở tối đa chưa, nhưng tiếng niệm Phật của thày dẫn chúng vang lên rất to và rất xa…

Tôi thầm nghĩ, ở nhà mình thường cảm thấy khó chịu với những tiếng loa karaoke ầm ĩ ngoài trời của đám thanh niên nhậu nhẹt chẳng nghĩ gì đến bà con hàng xóm, hoặc tiếng loa ca hát ầm ầm mỗi khi dự tiệc cưới… Còn ở đây ?! Nhà chùa mở loa rất to để niệm Phật đến 9 giờ đêm, và từ 4 giờ sáng, đó toàn là những giờ giấc nghỉ ngơi cần thiết của bà con sống quanh chùa . Chẳng ngạc nhiên khi được biết dân chúng địa phương quanh chùa dần dần bán nhà cho các Phật tử từ xa đến .

Tôi chỉ ở lại chùa đúng 1 đêm, rồi xin phép về . Trên đường xuống dốc, tới khúc quanh, tôi lại gặp bà cụ ngày hôm qua . Bà ngước nhìn tôi, rồi cười hỏi :”Sao về sớm thế ? A, không chịu nổi tiếng loa ồn quá phải không ? Chú còn có nơi để về, còn tôi thì đi đâu ?”. Tôi yên lặng cười, giơ tay vẫy chào bà cụ .

Tôi dự lễ lạy vía Quan Thế Âm lần đầu tiên tại một ngôi chùa khác . Khoảng 200 người tham dự, trên diện tích sân ước chừng 40m x 50m . Ban pháp khí đặt 2 cái loa công suất cao tại hai góc sân, thày dẫn chúng lần lượt xướng lên từng danh hiệu của ngài Quan Thế Âm, tiếng loa mở tối đa vang lừng rất to, từ 1 giờ khuya đến 4 giờ sáng… Ở ngoài trời mà tôi có cảm giác tiếng loa vang lừng ép tim tôi còn mạnh hơn cả tiếng loa ca hát của tiệc cưới diễn ra trong nhà hàng máy lạnh đóng kín ! Dù hết sức cố gắng, nhưng tôi không thể tham gia đến cuối buổi lễ . Nhìn quanh thì cũng khoảng 20 người bỏ cuộc như tôi, chẳng hiểu vì lý do gì…

Vợ tôi thường đi tham dự tu thất niệm Phật tại một ngôi chùa cũng khá nổi tiếng . Cuối mỗi kỳ tu thất, ban pháp khí từ Sài Gòn thường xuyên đến chùa này để tổ chức “Tam thời hệ niệm”. Suốt 2 ngày đêm liên tục, ban pháp khí luôn mở to tối đa nhiều loa công suất cao, gây ồn ào khắp một vùng rộng lớn, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối ! Tiếng loa to đến nỗi vợ tôi cùng các bạn đồng tu đều hết sức mệt mỏi sau 2 ngày đêm tham dự Tam thời hệ niệm, một số người về đến nhà thì ngã bệnh… Nhà chùa giải thích rằng phải mở thật to các loa để nhiều hương linh, âm hồn khắp không gian cùng nghe thấy, và mọi người mệt mỏi là do lực âm từ các hương linh âm hồn về dự đông quá…

Một bạn đồng tu của vợ tôi kể rằng trước kia quanh chùa này có nhiều quán karaoke thường ca hát gây ồn ào đến tận đêm khuya, ảnh hưởng tới sự tu hành trong chùa, nên sư cô trụ trì cho người đến thuyết phục họ giảm bớt tiếng ồn . Dần dần, sư cô trụ trì thu xếp mua lại được một số quán karaoke ấy… Ngược lại, mỗi lần nhà chùa tổ chức Tam thời hệ niệm hoặc mở loa to tiếng để tu hành đêm khuya, thì dân chúng địa phương sống xung quanh phải âm thầm chịu đựng, bất bình phiền não, thậm chí nhiều khi họ phản ứng mạnh bằng cách ném đá vào chùa !!!

Trên đây, tôi chỉ kể vài câu chuyện hoàn toàn có thật, vẫn đang tiếp diễn tại các ngôi chùa khá nổi tiếng . Một số bạn đồng tu của chúng tôi còn kể thêm nhiều sự bất bình phiền não của dân chúng sống quanh nhiều ngôi chùa khác, vì các pháp khí được sử dụng quá tùy tiện, gây ồn ào lớn tiếng trong những giờ tu hành sáng sớm và đêm khuya . Các nhà chùa cứ đặt mình vào vị trí của dân chúng sống xung quanh, thì sẽ hiểu họ bất bình phiền não ra sao…

**

Khi chập chững vừa mới làm quen với đạo Phật, khá nhiều sự việc rắc rối khó xử đẩy tôi lâm vào hoàn cảnh phân vân, trăn trở vò đầu bứt tóc mà chẳng biết phải giải quyết làm sao mới đúng theo Phật pháp ? Biết dựa vào đâu để làm tiêu chuẩn đúng hay sai với Phật pháp ?

Càng suy gẫm thì tôi càng nhận thấy đây là câu hỏi vô cùng quan trọng đối với một Phật tử . Câu hỏi này khó khăn hóc búa đối với riêng tôi trong suốt thời gian dài, mà chẳng biết tìm lời giải đáp ở đâu ? Đôi khi tôi đem câu hỏi này tâm sự hỏi han một số thày, một số bạn đồng tu, nhưng tôi chưa thật sự hài lòng với lời giải thích của họ…

Tôi quyết định tự tìm tòi trong kinh sách . Một số bạn đồng tu khuyên rằng nếu đọc các kinh do chính Phật Thích Ca thuyết giảng thì khó hiểu vì quá sâu rộng, bởi vậy, nên đọc kinh luận của các vị tổ vị thày giảng giải sẽ dễ hiểu hơn, vì các vị thày đó gần gũi với chúng ta hơn, giảng đúng trọng tâm của pháp môn mình đang tu học hơn…

Nhưng tôi ưa thích chọn đọc các kinh do chính Phật Thích Ca thuyết giảng, để lấy đó làm “căn bản mẫu mực” cho việc học Phật của bản thân . Thực tế là chẳng ai hiểu đúng hết được một cuốn kinh do chính Phật Thích Ca thuyết giảng ! Riêng tôi cố gắng lượm lặt những gì mình tạm thời hiểu, và gác lại những gì tạm thời chưa hiểu… Có thể lần sau đọc lại, tôi sẽ hiểu khác đi và nhiều hơn chăng ?

Một hôm, lướt xem trong Thư viện Hoa sen, tôi gặp Kinh Di giáo do Phật Thích Ca thuyết giảng . Xin trích ra đây phần đầu tiên của kinh :

“Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lúc mới Chuyển pháp luân độ ông A-nhã Kiều-trần-như, đến khi thuyết pháp lần cuối cùng độ ông Tu-bạt-đà-la. Khi những người đáng độ đã độ hết rồi, ở giữa hai cây Sa-la ngài sắp nhập Niết-bàn. Bấy giờ là nửa đêm, khắp nơi yên lặng không một âm thanh gì, Phật vì hàng đệ tử mà lược thuyết những chỗ cốt yếu trong giáo pháp.

“Tỳ-kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, nên tôn trọng, cung kính đối với giới luật, như ở chỗ tối tăm được thấy ánh sáng; như người nghèo được của báu. Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt.

Đó là nói sơ qua hình tướng của việc giữ giới. Giới luật chính là thuận theo gốc của giải thoát, cho nên gọi là Tùy thuận giải thoát. Nhờ nương theo giới luật mà sanh ra các môn thiền định và trí huệ diệt khổ. Vì vậy mà tỳ-kheo phải giữ giới trong sạch, không để có sự hủy phạm, thiếu sót. Nếu ai giữ giới trong sạch, ắt được các pháp lành. Nếu không giữ giới trong sạch, thì các công đức lành đều chẳng thể sanh ra. Nên phải biết rằng, giới luật là chỗ trụ an ổn bậc nhất sanh các công đức.”  (hết trích)

Tôi sửng sốt khi đọc những lời thuyết giảng này !!! Bao lâu nay, tôi vẫn ước ao tìm kiếm được một vị thày, mà chẳng biết tìm thày ở đâu ? Thì đây, Phật Thích Ca đã khẳng định trước khi nhập Niết Bàn :” Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt.”, và “Nên phải biết rằng, giới luật là chỗ trụ an ổn bậc nhất sanh các công đức.”

Sau đó, có người khuyên tôi nên tìm đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh nổi tiếng khó hiểu, nhưng trong đó Phật Thích Ca thuyết giảng về giới luật rất cụ thể rõ ràng . Xin trích ra đây phần cuối Quyển 6 của kinh  :

“Đại đức A Nan sửa áo chỉnh tề, ở trong đại chúng, chắp tay đảnh lễ Phật. Chân tâm sáng tỏ, buồn vui lẫn lộn, vì muốn lợi ích cho chúng sinh đời vị lai, đại đức cúi đầu bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn đại bi! Con nay đã tỏ ngộ pháp môn thành Phật, nương theo đó mà tu hành, không còn nghi hoặc. Con thường nghe đức Thế Tôn dạy rằng: “Tự mình chưa được độ mà trước đã độ người, đó là sự phát tâm của chư vị Bồ-tát; tự mình đã giác ngộ viên mãn, rồi độ cho chúng sinh giác ngộ, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai.” Con tuy chưa được độ, nhưng nguyện cứu độ tất cả chúng sinh đời mạt pháp. Bạch đức Thế Tôn! Các chúng sinh ấy cách Phật ngày càng xa, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng. Vậy, nếu muốn những kẻ sơ tâm tu học nhiếp tâm vào tam-ma-địa, thì làm sao khiến họ an lập đạo tràng, xa lìa ma sự, tâm bồ đề không bị thối chuyển?

Lúc bấy giờ, ở giữa chúng hội, đức Phật khen ngợi đại đức A Nan rằng:

– Lành thay! Lành thay! Như thầy vừa hỏi về việc an lập đạo tràng, cứu hộ chúng sinh trầm luân trong đời mạt pháp, thì đây, thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ nói rõ.

Đại đức A Nan và đại chúng đồng vâng dạ. Phật dạy:

– A Nan! Thầy thường nghe trong giới luật, Như Lai từng tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là: Nhiếp tâm gọi là GIỚI, nhân Giới mà sinh ĐỊNH, nhân Định mà phát TUỆ; ấy gọi là “ba pháp học vô lậu”.

Thầy A Nan! Vì sao nhiếp tâm mà gọi là “Giới”?

Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không dâm dục, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục không đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm dâm dục không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào ma đạo: hạng cao thì thành ma vương; hạng vừa thì thành ma dân; hạng thấp thì thành ma nữ. Các loại ma kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài ma này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian, đầy dẫy những hành vi tham dâm, lại giả làm thiện tri thức, khiến cho chúng sinh sa xuống hố ái nhiễm, bỏ mất con đường bồ đề.

Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, trước hết phải dứt bỏ tâm dâm dục. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ nhất của Như Lai và chư Phật quá khứ.

Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt lòng dâm dục, thì cũng giống như nấu cát đá mà muốn thành cơm, trải qua trăm nghìn kiếp, vẫn chỉ là cát đá nóng mà thôi. Vì sao vậy? Vì giống gốc của nó là cát đá, không phải là cơm. Thầy dùng cái thân dâm dục mà cầu quả Phật vi diệu, giả sử trải qua nhiều kiếp tu tập mà được khai ngộ, cũng chỉ là gốc dâm dục. Giống gốc đã là dâm dục thì chắc chắn phải trôi lăn trong ba ác đạo, không thể thoát ra khỏi; đâu có con đường nào để tu chứng niết bàn của chư Phật? Chắc chắn là phải làm cho cái nguồn gốc phát động dâm dục, ở cả tâm lẫn thân, đều bị đoạn trừ; cho đến chính cái tánh đoạn trừ cũng không còn nữa, thì mới trông mong chứng quả Bồ đề của Phật.

Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.

Lại nữa, này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không giết hại, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm giết hại không đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm giết hại không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào thần đạo: hạng cao thì thành quỉ đại lực; hạng vừa thì thành dạ xoa phi hành hoặc quỉ thống soái; hạng thấp thì thành quỉ la sát đi trên mặt đất. Các loại quỉ thần kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài quỉ thần này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian. Chúng tự nói rằng, ăn thịt cũng đạt được đạo bồ đề.

Này A Nan! Như Lai bảo các thầy tì kheo ăn năm thứ tịnh nhục(199), thịt ấy đều do thần lực của Như Lai hóa sinh, vốn không có mạng căn(200). Xứ sở của bà-la-môn, đất đai phần nhiều nóng ẩm, lại thêm nhiều cát đá, rau cỏ không sinh sản được. Như Lai dùng sức đại bi gia bị; nhân tâm đại từ bi mà giả gọi là thịt, và quí thầy cũng cảm nhận được cái vị “như thịt” ấy.

 Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, những người thật sự ăn thịt chúng sinh mà gọi là Phật tử! Quí thầy nên biết, những người ăn thịt, dù tâm có được khai ngộ, cũng chẳng qua chỉ tương tự như chánh định mà thôi, thực sự đều là đại la sát, sau khi hết báo thân ấy, chắc chắn sẽ chìm đắm trong biển khổ sinh tử, chẳng phải là đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau, ăn nhau không dứt, thì làm sao thoát ra khỏi ba cõi!

Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, trước hết phải dứt bỏ tâm dâm dục; thứ đến là phải dứt bỏ tâm sát sinh. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ nhì của Như Lai và chư Phật quá khứ.

Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt tâm giết hại, thì cũng giống như người tự bịt tai mình, cất tiếng kêu lớn mà mong người khác đừng nghe; đó gọi là càng muốn ẩn thì càng lộ. Hàng tì kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát, đi trên đường mòn còn không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ! Làm sao người có tâm đại bi mà lại lấy máu thịt của chúng sinh làm thức ăn? Nếu các thầy tì kheo không mặc các thứ vải bằng tơ lụa lượt là, không dùng các thứ giày da áo lông của phương Đông, cũng như không ăn các thứ sữa, bơ, phó-mát, những thầy tì kheo ấy đối với thế gian thật là giải thoát, đã trả hết oan trái đời trước, không còn trở lại trong ba cõi nữa. Vì sao thế? Dùng các bộ phận của thân thể chúng sinh thì phải kết duyên nợ với chúng sinh; như con người ăn trăm thứ mễ cốc lấy từ đất, thì chân không rời khỏi đất. Những người nhất quyết làm cho cả thân và tâm mình, không ăn các thứ làm từ xương thịt chúng sinh, không dùng các thứ làm bằng các bộ phận của thân thể chúng sinh, Như Lai nói đó là những người chân thật giải thoát.

Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.

Lại nữa, này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không trộm cắp, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm trộm cắp không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào tà đạo: hạng cao thì thành tinh linh; hạng vừa thì thành yêu mị; hạng thấp thì thành người tà, bị các loài yêu mị nhập vào mê hoặc. Các loại tà mị kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài tà mị này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian, núp lén gian dối, xưng là thiện tri thức, tự nói mình là bậc đã đạt được đạo pháp cao siêu, lừa bịp người không biết, dọa dẫm khiến cho người mất tâm chánh tín, theo cung phụng chúng đến nỗi cửa nhà hao tán.

Như lai dạy các thầy tì kheo pháp khất thực theo thứ lớp để dứt bỏ lòng tham, thành đạo Bồ đề. Các thầy tì kheo không tự nấu ăn, gửi kiếp sống thừa tạm nương nơi ba cõi, thị hiện chỉ một phen đi về, đi rồi thì không bao giờ trở lại nữa. Làm sao bọn giặc lại mượn y phục Như Lai để buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ tội nghiệp mà cứ nói là Phật Pháp! Lại còn hủy báng các vị xuất gia chân chánh, giữ tròn giới luật tì kheo, nói đó là đạo tiểu thừa! Do sự hủy báng này làm cho vô lượng chúng sinh mê lầm, nên bọn chúng phải đọa vào địa ngục vô gián.

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tì kheo phát tâm quyết định tu pháp chánh định như huyễn, có thể ở trước hình tượng Như Lai, dùng thân thắp một ngọn đèn, đốt một lóng ngón tay, hay ở trên thân đốt một nén hương, Như Lai nói thầy tì kheo ấy, túc trái từ vô thỉ, chỉ trong một lúc là đã trả hết, vĩnh viễn từ bỏ thế gian, thoát hết các lậu hoặc. Tuy chưa thấy rõ ngay lập tức con đường vô thượng giác, nhưng vị ấy đối với Phật Pháp thì tâm đã quyết định. Nếu không làm được cái nhân xả thân nhỏ mọn như thế, dù có thành được cái đạo vô vi, cũng phải sinh lại làm người để trả hết nợ cũ, như chuyện ăn cám ngựa của Như Lai(201), chẳng khác tí nào.

Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, sau khi đã dứt bỏ tâm dâm dục, tâm giết hại, còn phải dứt bỏ tâm trộm cắp. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ ba của Như Lai và chư Phật quá khứ.

Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt tâm trộm cắp, thì cũng giống như người rót nước vào cái chén lủng đáy mà mong cho chén đầy, thì dù trải qua số kiếp nhiều như vi trần, chén ấy cũng không bao giờ đầy nước được. Nếu các thầy tì kheo, ngoài ba y một bát ra, một mảy may gì cũng không chứa giữ; xin ăn có chút dư thừa thì bố thí cho chúng sinh đói khát; đến nơi đại chúng tập họp thì chắp tay vái chào; có ai mắng chửi thì hoan hỉ coi như lời khen ngợi; cả thân và tâm đều quyết buông bỏ, coi thân xác máu thịt là sở hữu chung của chúng sinh; không đem những lời dạy phương tiện của Như Lai làm chỗ hiểu biết của riêng mình, khiến cho kẻ sơ học phải lầm lạc; thì các vị ấy sẽ được Như Lai ấn chứng là người thật sự đạt được chân chánh tam muội.

Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.

Này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới như thế, tuy cả thân và tâm đều đoạn dứt trọn vẹn các nghiệp giết hại, trộm cắp, dâm dục, nhưng nếu còn phạm lỗi đại vọng ngữ, thì chánh định vẫn không thanh tịnh, thành ma ái kiến(202), mất hạt giống Phật. Đó là những người chưa được mà nói là đã được, chưa chứng mà nói là đã chứng; hoặc có người muốn được mọi người tôn mình là bậc nhất thế gian, bèn bảo rằng: “Ta nay đã chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, Bồ-tát Địa-tiền hay Địa-thượng”, nói thế để mong cho người ta lễ bái, cúng dường. Đó là những kẻ đoạn thiện căn, tiêu diệt hạt giống Phật; như người dùng dao chặt cây đa-la(203). Như Lai nói người ấy đã mất hẳn căn lành, vĩnh viễn không còn chánh tri kiến, chìm đắm mãi trong biển khổ, không bao giờ thành tựu chánh định.

Như Lai bảo các hàng Bồ-tát và A-la-hán, sau khi Như Lai diệt độ, hãy ứng thân dưới mọi hình tướng, sinh vào đời mạt pháp để hóa độ cho chúng sinh chìm đắm; hoặc làm sa môn, hoặc làm cư sĩ, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, thậm chí cùng đồng sự với các hạng dâm nữ, quả phụ, gian dối, trộm cắp, đồ tể, thương buôn, để khen ngợi Phật thừa, khiến cho thân tâm họ được vào tam-ma-địa. Nhưng, trong lúc làm như vậy, tuyệt nhiên không được nói rằng: “Ta chính thật là Bồ-tát, ta chính thật là A-la-hán”; không được khinh suất tiết lộ lời dạy bí mật của Như Lai cho những người chưa tu học Phật; chỉ trừ đến lúc lâm chung, có thể âm thầm phó chúc. Làm sao hạng người ma ái kiến kia lại dối gạt chúng sinh để mang tội đại vọng ngữ!

Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, sau khi đã dứt bỏ tâm dâm dục, tâm giết hại, tâm trộm cắp, còn phải dứt bỏ tâm đại vọng ngữ. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ tư của Như Lai và chư Phật quá khứ.

Vì vậy cho nên, này A Nan! Nếu không đoạn trừ tâm đại vọng ngữ thì cũng giống như lấy phân người đắp thành hình cây chiên đàn, rồi mong cho nó có mùi thơm hương chiên đàn, thật không bao giờ có chuyện ấy.

Như Lai dạy hàng tì kheo: Trực tâm chính là đạo tràng. Trong tất cả hành vi, đi đứng ngồi nằm, đều phải giữ tâm chánh trực, không được có chút giả dối, sao lại có thể tự tôn xưng mình đã đạt được diệu pháp của bậc thượng nhân? Người dân thường ngu muội, tự xưng đế vương, còn bị họa tru diệt; huống nữa là ngôi vị Pháp Vương, làm sao dám dối trá xưng càn? Nhân đã không chân thật thì quả tất quanh co. Người như thế mà cầu quả Bồ đề của Phật, thì cũng như dùng miệng cắn rốn, làm sao cắn tới được!

Nếu các thầy tì kheo, tâm như dây đàn căng thẳng, tất cả oai nghi đều chân thật, chắc chắn sẽ trực nhập chánh định, vĩnh viễn không bị ma sự quấy nhiễu; và Như Lai ấn chứng cho các vị ấy, thành tựu Tri giác Vô thượng của hàng Bồ-tát.

Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.”  (hết trích) 

**

Thư viện Hoa sen đã giúp tôi rất nhiều trong việc tu tập Phật pháp . Đọc và suy gẫm nhiều lần những lời thuyết giảng của Phật Thích Ca, tôi nhận thấy việc học Phật của riêng mình có được nền tảng căn bản vững chắc để dần dần tiến thêm…

Mặt khác, tôi nhận thấy Giới Luật tuyệt đối của Phật pháp thật cao vời vợi giống như mặt trăng, vượt quá xa so với khả năng của Phật tử trong thời mạt pháp ! Hiện nay, mấy ai tuân giữ được Giới Luật một cách nghiêm minh tuyệt đối đúng như lời Phật dạy ?

Tôi tự chọn phương cách cố gắng giữ gìn Giới Luật tùy theo khả năng tu tập của mình, cần phải “sống thật” bằng với tầm mức phàm phu của chính mình, đâu dám bắt chước tầm mức của bậc Thánh nhân !

Nhưng tôi không dám sống buông thả, biện luận, coi thường Giới Luật… Khi vô tình hay bắt buộc phải phạm Giới, tôi nhìn thẳng vào sự thật, biết rằng mình đang phạm Giới !

Mỗi khi cần giải quyết các sự việc rắc rối khó xử trong cuộc sống, tôi luôn lấy 5 Giới Luật căn bản của người cư sĩ để làm tiêu chuẩn, nhằm suy xét bằng khả năng của mình, rồi tìm cách giải quyết theo hướng gần đúng nhất với Phật pháp…

Lấy ví dụ cụ thể, tôi tự đặt câu hỏi :”Việc nhà chùa tùy tiện mở thật to âm thanh của pháp khí để tu hành, có vi phạm Giới Luật hay không ?”

Suy xét kỹ bằng khả năng của bản thân, tôi tự kết luận :”Phật định nghĩa trộm cắp là “lấy đi khi không được phép” . Nhà chùa đã tùy tiện lấy mất thời gian và không gian yên tịnh cần thiết cho sự nghỉ ngơi của những người sống quanh chùa, khi họ chẳng cho phép . Bởi vậy, đây là hành động trộm cắp để lợi mình hại người, vi phạm Giới Luật của Phật pháp !”

Bài viết này chỉ bày tỏ những suy gẫm của riêng cá nhân tôi . Mong rằng có thể góp một phần nhỏ nhoi vào việc làm tăng thêm sự quý trọng và niềm tin của mọi người vào tăng đoàn của Tam Bảo…

Tôi không tranh luận .

Cư sĩ Pháp Đức

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Tây Ninh: Bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 trong niềm hoan hỷ

PHĐS: Lễ bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 được khép lại trong niềm hoan hỷ của người con Phật, buổi lễ bế mạc được tổ chức lúc 9h sáng, diễn ra tại giảng đường Giác Huệ, tịnh xá Trúc Lâm xã Tây Thạnh, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Buổi

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người