Tôi và bạn tu từng hộ niệm cho một người thân qua đời. Tin chắc sau ít nhất tám tiếng thần thức họ mới rời xác thân, và gắng niệm cho qua mốc thời gian đó. Niệm xong, tôi bỗng lóe ra một điều: thần thức người mất đã rời đi. Đã đi, vậy cái xác này có còn là họ?
Không. Trước mắt tôi chỉ là cái xác đang chu trình trả về nguyên nghĩa của thây ma. Tôi nghĩ đến người Tây Tạng cao minh. Không chấp thân. Họ luôn làm thật tốt phần việc giúp thần thức người mất rời khỏi xác. Sau đó họ hiến xác ấy cho chim, vớt lại chút công đức làm vốn, tiếp tục hành trình tiến hóa tâm linh.
Cái không biết sẵn giải nghi mê tình
Tự hỏi, kiếp trước rõ ràng tôi không phải hình hài này, mà có thể là thân nữ; cũng có thể là một loài súc sanh; nhưng thôi cứ cho là một kiếp người cho oai. Tiền kiếp đó, “tôi” đã sống rồi chết đi; thần thức theo dòng lưu chuyển của nghiệp, cái xác tan rã về tứ đại trong hư không. Vậy tôi kiếp trước đâu rồi? Rõ ràng không phải là cái thân tôi bây giờ. Lùi xa hơn, tôi luân hồi vô số kiếp. Những thân vô số kiếp đó đâu rồi. Dĩ nhiên là không có. Bởi, chúng không phải tôi. Tôi là thần thức, là linh tánh, còn những cái xác chỉ là hư giả như vô số những ngôi nhà trọ tôi từng ghé chân. Vậy tại sao kiếp này tôi chấp thân này là mình nhỉ. Đúng hơn nữa, theo lời Phật thì tôi là tánh chân như, có mặt ở khắp pháp giới; nhưng do mê, tự nhốt lại trong ngũ ấm để rồi tự huyễn hoặc mình trong nỗ lực dựng lập tự ngã hết sức khôi hài.
2. Có lần giật mình tự vấn: Mắt này, tai này, chúng có biết phân biệt chấp trước chăng? Rõ ràng không. Lưỡi nếm và thân xúc chạm cũng vậy, chúng đều vô tâm. Phân biệt chấp trước là do cái ý xen vào, nên tôi nhầm tai mắt phân biệt. Tai hay mắt chỉ thuần là cái biết trong veo, thuần là tánh nghe và không hề khởi niệm dẫu là vi tế. Hãy tưởng tượng, giả như ta tháo cái ý khỏi mắt nhìn, thì mắt ấy có khác ống kính chụp hình? Nó chỉ biết nhìn thôi. Nó chỉ biết sao y đối tượng, hoàn toàn không phân biệt tạo nên yêu ghét buồn vui.
Từ lâu tôi đã vu oan cho các căn, mà không hay thủ phạm chính là ý. Xét thêm về thiệt căn. Lưỡi nếm, ta thấy ngon quá chừng, dở quá chừng, nào mặn nhạt chua ngọt. Thực tế lưỡi cũng chỉ thuần biết ghi nhận thông qua những dây thần kinh đặt ở trên bề mặt lưỡi. Nó cũng không biết phân biệt chấp trước để rồi chê khen đồ ăn thức uống. Thực tế lưỡi không biết gì cả, mà chỉ là những dây thần kinh nhận vị lúc nó tiếp xúc rồi báo lên não bộ. Ý nhận biết và khởi phân biệt, hợp hay không hợp với tập khí do người đó huân tập từ cuộc sống và cả tiềm ẩn trong tàng thức từ tiền kiếp. Như vậy, lúc ta gật đầu khen ngon cái gì, thực tế ta đang thưởng thức một thông tin ở não. Ta nhai thông tin và nuốt thông tin chứ thực tế cái đang ăn vật chất ấy nó vốn huyễn như chính ta đang trong một giấc mộng vĩ đại vậy. Đến đây chợt nghĩ, người dùng ý chuyên niệm một câu kinh, thuộc hàng tinh khôn. Ý là thủ phạm nhiễu loạn các căn, bây giờ ý đó chuyên trì kinh, nên gần như ý tách lìa khỏi các căn khiến tiêu phiền não trở về sự trong lặng vốn dĩ chân tâm.
3. Nhiều lúc, tôi vừa từ quê vào, bỗng thoáng nhận ra, cứ như chuyến về quê vừa rồi là một giấc mơ; tôi vừa trải qua một giấc mơ, giờ tỉnh dậy và nhớ về. Xét rốt ráo thì sự ngủ đơn thuần chỉ là do một số thần kinh trong cơ thể chúng ta tạm ngưng nghỉ, trong lúc rất nhiều bộ phận khác vẫn hoạt động bình thường. Nếu trong giấc ngủ mà ta mơ, thì giấc mơ ấy cũng là một phần của “sự thật hiện tiền”. Bởi trong giấc mơ ta cũng hờn giận đau đớn hay hân hoan không khác ngoài đời.
Một học sinh từ nhà đến trường phải qua con đường có bọn xấu chặn xin tiền và đánh. Ngày nào cũng vậy, có khi khiến học sinh này dễ phát điên, dễ tính liều. So với một người hễ ngủ là mơ thấy mình bị quỷ sứ hành hạ, bị ai đó bóp cổ kiểu như mộc đè triền miên mỗi khi chợp mắt. Khiếp sợ đến muốn tự vẫn. Hai trường hợp ấy không khác nhau ở sự đau khổ. Nên giữa giấc mơ và cuộc sống là dòng tương tục đồng chủng tử nghiệp thức. Giữa mơ và thực đều nằm trong một sự thật là chúng ta đang mê 24 trên 24 giờ một ngày.
Chúng ta phân định ngày đêm, rồi bám chặt vào đó tạo nên thời gian để tự hạn chế mình. Thực tế nào có ngày và đêm, ngoài trái đất xoay về phía có hay không có ánh mặt trời. Một ông bạn tôi nói đùa, bởi thuở trước đêm không có đèn nên phải ngủ chờ trời sáng làm tiếp, riết thành quen. Con người vốn bám chấp vào thói quen với mức độ kinh khủng. Có người sáng sáng thích ngồi ở góc phố ấy mới chịu. Một người thích ớt cay thì nếu trong bữa không có ớt họ có thể nổi khùng. Một người thích ngồi cà-phê tại quán nọ vốn chỉ nhìn gì đó phía đối diện… Tất cả sẽ kiến tạo nên tập khí rất khó gỡ. Sáng sáng cà-phê đúng là bình thường, song ta thử bỏ đi xem có được không; để biết ta đã nghiện cà-phê, nghiện cái chỗ ngồi và nghiện quang cảnh đó như một thứ ma túy, bỏ đi thật sự khó khủng khiếp, để biết ta đã nô lệ thêm một nghiệp mới. Để thấy nếm thử một thứ dục chưa hẳn có vấn đề, vấn đề là chúng ta sẽ bị dục đó trói buộc.
Tập khí nặng thì thành nghiệp thức, thành ấm ma che đậy minh tuệ, nhẹ thì sinh bệnh và tạo những “tính cách” phiền hà người thân. Nhiều người không ngủ suốt nhiều năm trời. Ở nước ta có vị cao tăng do công phu đắc lực, nên ba tháng cuối đời không hề có nhu cầu ngủ. Kinh Bát chu Tam-muội, phẩm Tam-muội hành có nói đến pháp tu suốt ba tháng trời chỉ đi và đứng trong tỉnh thức, tuyệt không ngồi chứ đừng nói ngả lưng, vậy mà vẫn có người đắc pháp. Điều này cho thấy chúng ta phần nhiều bị bủa vây bởi thời không hư huyễn và nhốt mình trong ảo tưởng siêu phàm.
4. Có lần nghe Hòa thượng Duy Lực khai thị nên “giữ cái không biết để dẹp tất cả cái biết trong bộ não”, chợt tự hỏi: Ngoài tri thức là cái bên ngoài đưa vào, tôi có gì? Rõ là không gì sất. Từ âm thanh, hình ảnh, màu sắc, chữ nghĩa do lục căn thâu vào đều là vọng dao động ở hai đầu quá khứ và vị lai kể cả trong giả tướng hiện tại, tất tật đều là cái biết. Ai đó hỏi về ăn chay, tôi phấn khởi nói suốt buổi cho họ nghe; ngẫm lại mới hay, tất thảy đều là thứ mình tích lũy; dẫu là cái biết đúng với chân lý về sức khỏe được khoa học chứng thực ưu việt chăng nữa, âu cũng là tri thức, là cái bên ngoài, hoàn toàn không phải trí huệ. Tôi bắt đầu lần mò tìm hiểu Cái Không Biết. Không biết ở đây không phải đối lập với Cái Biết. Cái không biết vốn sẵn đủ phước trí tối hậu. Tâm vốn sẵn đủ đức năng trí huệ.
Ban đầu tôi ngỡ trí huệ ấy là tổng thể cái biết trong pháp giới, ai hỏi gì cũng biện thông. Thực ra trí huệ sẵn đủ chính là từ “rỗng không” lưu xuất. Cái trống nếu chẳng rỗng đánh sẽ không kêu. Đức Phật bảo trong 45 năm Ngài chưa từng nói lời nào. Phật được bậc hậu bối ví như chuông. Chuông không bao giờ tự kêu, mà “ứng sở tri lượng”. Ai đánh nhẹ kêu nhẹ, đánh mạnh kêu lớn, không đánh thì lặng phắc. Phật an định trong tịch tĩnh chân như, nếu có “tự thuyết” cũng là đáp lại ý nguyện vi tế của chúng sanh khi chưa khuếch đại thành âm thanh thưa hỏi. Cái không biết đồng thể trong mọi chúng sanh. Nó luôn ở đó dẫu tôi vọng niệm điên đảo. Cái không biết là tấm gương soi chiếu mọi cái biết trong lặng lẽ hồn nhiên hồn nhiên.
Thượng thừa dạy hành giả phải biết tận dụng cái sẵn có để tu. Chữ tu ở đây hàm nghĩa là trở lại cái sẵn có, mà khởi hành từ cái không biết. Từ đây mới sinh ra pháp thoại đầu. Đơn cử khi được hỏi: “Ai là người niệm Phật”, lập tức cái không biết phủ trùm lên toàn thân tâm ta. Mắt tai vốn dĩ là thuần tánh biết như chiếc máy ảnh, còn ý khởi hành phân biệt; cái ý ấy, trong kinh Lăng Nghiêm khi Ngài A-nan hỏi, Phật cũng bác luôn, bảo nó không phải “tâm ông”. Chuyển từ khẩu niệm vào tâm niệm nên tưởng có ta niệm Phật, song khi đã hay tâm ấy không phải mình thì ai đang niệm? Rõ là mù tịt. Ta sống trong nghi tình đó. Nung nấu nghi tình, “trụ” ở cái không biết đó đến nhức nhối; cho đến thời khắc như quả bóng bơm hết cỡ bung mình khỏi vùng trời ý thức.
Tôi được biết đến một hành giả niệm Phật; người ấy bảo, nhiều lúc niệm đến muốn nổ mình banh xác ra. Không thể dừng câu niệm Phật được mà người ấy cứ bị cuốn đi trong niềm hân hoan bất chấp nơi chốn ồn ào. Một bậc chân sư còn dạy, niệm Phật (kết thành khối) chạm định đã khó; song hành giả không dừng ở định, mà câu Phật hiệu có thể đưa hành giả nhập “thường tại/đại định”. Rồi phải kể đến công phu vô niệm tự niệm. Vô niệm, mà vẫn niệm, vậy ai đang niệm? Mới biết “Ai đang niệm Phật” là không gian của cái không biết mà hành giả cần an trú.
Bất cứ một câu hỏi nào trong đời, điều đầu tiên chúng ta trả lời được liền phải biết, nó là tri thức hay từ cái không biết phát xuất? Nếu từ tri thức, thì đó không phải “của mình”, mà là đồ vay mượn. Đã vay xin chớ “mượn hoa cúng Phật” làm oai. Trả lời xong ta phải phủi tay biết đó là tùy duyên đối đãi người ngoài. Còn ta thực không biết gì cả. Ta đang không biết và đang là cái không biết toàn diện. Đó mới là mảnh đất khá an toàn không vướng tử sanh. Niệm khởi lúc câu hỏi đến phát xuất từ cái biết hay cái không biết (tức từ tánh giác hay từ tri thức), ta phải biết. Cái biết là mạng lưới của ý thức thênh thang giăng khắp lối ta đi. Lần đầu gặp người lạ hoắc, ta biết gì về họ? Rồi ta bắt tay nói dăm ba câu, tức ta có chút tri thức về họ. Cũng vậy, sống với một người vài năm, dăm chục năm cho đến trọn đời, ta biết họ ăn như vậy, thích nghe thích nhìn như vậy, đi đứng nằm ngồi như vậy; tất cả đều là tri thức. Ta có viết một cuốn sách vạn trang về họ thì, thử hỏi ngoài những cái biết đó, ta biết gì về họ? Phát xuất từ cái không biết tức nằm ngoài tri thức.
Với các học giả, nếu ta bảo đứa trẻ cũng có tuệ giác, hẳn họ sẽ cười mỉa. Tôi nhớ lần ra thăm vợ chồng nọ, họ đang nuôi đứa cháu năm tuổi. Trưa ấy nóng lắm, cái phòng nó hay xem tivi hầm hập. Ở nhà trên, nó xin cho mở ti-vi xem. Ngoại nó gắt, xuống đó ngồi mà hấp à. Nó thốt liền: “Trong não cháu mùa đông mà”. Tôi sững. Câu nói nguyên văn ấy chính là tuệ giác, mang dáng dấp ngôn ngữ của một công án thiền nở từ kho tàng của cái không biết. Cái không biết là tia sáng từ ánh sáng vô lượng. Trong bổn tâm vốn không có đối đãi hai bên, nó nhất chân, mọi pháp đều bình đẳng.
Tinh ý, ta sẽ nhận ra khi một câu hỏi vang lên, sẽ có một cái không biết hiện lên ngoài tri thức. Hoặc giả tri thức phóng quá nhanh do tập khí của “sở tri chướng”, trước lúc nói sự biết do vay mượn đó ta cũng cần tỉnh giác trở về an định vào cái không biết bổn nhiên. Ban đầu cái không biết chỉ là mảnh đất cắm dùi đủ ta khó khăn đứng vừa. Là mảnh đất quang minh nên nó có tác dụng quét ưu não tiêu nghiệp chướng, không gian ấy sẽ dần được nới rộng cho đến vô cùng, cho đến khi không còn ranh giới giữa sở tri và vô tri bát-nhã như trong kinh chỉ dạy.
5. Cúi mặt suy ngẫm: Tôi biết gì lúc Tổ Nam Tuyền giết mèo? Ngoài tri thức về kinh luật luận soi hành vi ấy, tôi biết gì? Vọng niệm chợt khởi khi thấy vị sư dâm dật; nhưng tôi biết có nhân tố nào tác động khiến vọng ấy sanh? Vọng ấy “của tôi” hay đơn thuần là vũ điệu luân hồi soi trong cái-gương-ta. Giới luật luôn là căn bản, kinh luôn đúng với mọi thời đại, nhưng trộm nghĩ cái gì không biến thành ba-lamật dễ dừng lại ở tri thức.
Nếu kinh điển không nới rộng biên độ lượng nghĩa để bao dung phương tiện thiện xảo, thì Bồ-tát nghịch hạnh trong Ta-bà đều đang hành trình xuống địa ngục! Dĩ nhiên ở đây vẫn là tôi dùng cái-biết-tri-thức để tiếp cận cái không biết chứ hoàn toàn ánh sáng bổn nhiên vẫn chưa soi đến vùng tối trong tâm thức nghiệp báo vẫn đang chiếu ra những viễn cảnh luân hồi.
Dương Thủy Triều
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)