Cốt tủy của mọi pháp hành theo Phật giáo là thành tựu giới-định-tuệ. Thông thường quan hệ giới-định-tuệ được ghi nhận theo hình tháp, trong đó giới là nền tảng, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Thực tiễn thì quan hệ giới-định-tuệ sinh động hơn, luôn tương tác lẫn nhau, có mặt trong nhau và hỗ trợ lẫn nhau theo cách tức giới, tức định, tức tuệ.
Niệm giới là pháp tu căn bản nhất, quan trọng nhất không thể thiếu đối với bất cứ người con Phật nào, tu bất cứ pháp môn nào. Giới luật của nhà Phật được thiết định riêng cho người xuất gia, người tại gia, và giới Bồ-tát thông cả xuất gia cùng tại gia. Nhờ thường niệm giới nên hành giả giữ được giới pháp đầy đủ, trọn vẹn thiện lành, sống đời phạm hạnh, thân tâm thanh tịnh.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Giới.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào là tu hành niệm Giới sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
– Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có niệm khác, chuyên cần niệm Giới. Giới nghĩa là dừng các ác. Giới có thể thành đạo, khiến người hoan hỷ. Giới quấn quanh thân, làm hiện các vẻ đẹp.
Phàm cấm giới giống như bình cát tường tùy chỗ mong cầu mà thành tựu. Các đạo phẩm đều do giới mà thành tựu. Như thế, này các Tỳ-kheo, người hành cấm giới thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chớ rời niệm Giới, sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 3.Quảng diễn,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.50)
Niệm là nhớ nghĩ, suy niệm. Niệm giới là luôn nhớ nghĩ về giới luật đã thọ để giữ gìn tránh không hủy phạm. Điều quan trọng trước tiên là học giới, ghi nhớ và thông hiểu về hệ thống luật tạng, giới bổn. Ngày nay, không nhiều người thông hiểu, am tường về luật tạng, những vị tuyên luật sư chuyên trì và dạy luật cũng khan hiếm dần. Tuy vậy, nhờ mỗi nửa tháng có một lần bố-tát tụng giới nên chúng ta có cơ hội được nghe lại Thánh giới cao quý. Ai duy trì được truyền thống quý báu này, nghe giới vào mỗi nửa tháng, chính là thực hành niệm giới.
Song hành với học tập, ghi nhớ, tụng đọc, lắng nghe giới pháp vào mỗi dịp bố-tát là nghiêm túc chấp trì giới luật. Đây chính là cốt tủy của pháp niệm giới. Dĩ nhiên thọ giới thì dễ, giữ giới mới là khó. Những người có thiện căn thì giới pháp của họ thanh tịnh tròn đầy, còn người căn lành ít hơn thì giới pháp bị sứt mẻ, bị vẩn đục, thậm chí bị vỡ vụn. Khi có những khiếm khuyết về giới pháp thì cần phải sám hối, phục thiện và nỗ lực niệm giới nhiều hơn. Những người có tâm đi theo pháp hành, đã và đang thực tập Phật pháp sẽ thấy rõ khuyết giới hay phạm giới thực sự chướng ngại thiền định. Không niệm và giữ giới thì không thể nào vượt thoát năm triền cái nhằm tiến xa hơn vào lộ trình thăng hoa tâm.
Nên người con Phật cần thực hành niệm giới. Ngoài việc kiện toàn đạo đức, niệm giới góp phần quan yếu cho quá trình thanh lọc và tăng thượng tâm, chứng đắc các Thánh quả.
Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)