Tôi vốn sinh ra trong một gia đình ở làng quê nghèo, có thể nói là nghèo xác nghèo xơ, nghèo khánh kiệt. Ở cái vùng quê thắt eo miền Trung khắc nghiệt ấy nắng, gió, bão táp luôn rình rập, bủa vây phận đời trôi nổi của mẹ con tôi qua những tháng năm dài theo vòng quay nghiệp dĩ.
Mẹ tôi, với suy nghĩ bình dị muốn thoát ra khỏi nghiệp đói nghèo dai dẳng ấy bằng cách khuyên dạy tôi: “Con phải học lấy năm ba chữ cho ấm thân và làm hành trang cho cuộc sống sau này”.
Cô và trò – Ảnh: minh họa
Từ suy nghĩ giản đơn ấy như một thông điệp thiết thực, mẹ tìm mọi cách cho tôi đến trường vì: Sợ con mù chữ, đời nó sẽ khổ! Bởi, cái nghèo khó đã quấn chặt lấy đời mẹ và có thể trói buộc luôn cả đời con.
Luôn tâm niệm về điều đó nên mẹ không quản ngại thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, bất chấp hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, nỗi đau mất chồng… mà gắng lo cho con. Mẹ chỉ mong luôn có sức khỏe, để vượt qua chặng đường số phận, gánh nặng cơm áo gạo tiền mà lo cho con có được cái chữ. Nhìn bạn bè đồng trang lứa ngày ngày được đến trường học chữ, mẹ ứa nước mắt còn tôi chuyện được đi học như là sự viễn mơ…
Cuối cùng, bằng sự hy sinh phi thường ấy của mẹ, ước mơ “đi học” của tôi rồi cũng đã đến. Ngày mẹ dẫn tôi đến trường, tâm trạng của hai mẹ con rất vui nhưng vẫn rụt rè khép nép, pha lẫn chút sợ sệt âu lo. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một thầy giáo, tóc thầy đã hoa râm, dáng thầy khắc khổ, hiện lên trên nét mặt là tính nghiêm khắc. Tôi cố bình tĩnh khoanh tay và cúi đầu chào thầy, còn mẹ tôi thì ấp a ấp úng nói không ra lời. Thầy cũng đoán được mục đích mà mẹ con tôi đến đây để cho tôi vào học lớp vỡ lòng.
Sau này tôi được biết, các cô cậu nhóc con trong lớp học của tôi có nhiều trình độ khác nhau: Kẻ thì học vỡ lòng, người thì học lớp ba, lớp tư… nên thầy phải chia thời gian dạy cho từng trò một. Tôi trình độ vỡ lòng, thầy dạy tôi hai mươi bốn chữ cái. Tôi vừa đánh vần, vừa tập đọc, vừa tập viết để nhớ mặt chữ. Cứ vậy, với một cây viết chì, một cục tẩy trên tay để nếu lỡ viết sai, không đúng quy cách ô li của thầy đã định thì xóa đi viết lại. Cứ vậy mà ê a và xoay tua đọc viết suốt ngày.
Khi thầy thấy tôi đã thuộc làu làu hai mươi bốn chữ cái, thầy hướng dẫn tôi học bảng cửu chương nhưng thỉnh thoảng thầy lại hỏi lại các chữ cái mà tôi đã học, như một cách ôn bài cho tôi. Sau khi đã thuộc nằm lòng hai mươi bốn chữ cái và bảng cửu chương, thầy bảo tôi mua một lưỡi viết lá tre gắn vô một cái cán chừng một gang tay thành một cây viết và một bình mực tím hoặc xanh rồi thầy dạy cho tôi viết chữ.
Bắt đầu từ những chữ đơn rồi đến chữ ghép. Khi tôi đã quen thuộc với lối viết ghép chữ rồi, thầy dạy tôi sang viết cả dòng chính tả. Cứ như vậy, thầy luyện đi luyện lại chữ viết cho tôi cho đến khi thật đẹp, bởi theo thầy “Nhìn chữ viết sẽ biết tính cách của con người” hay nói như ông bà xưa “Nét chữ nết người”.
Vì trong lớp có nhiều trình độ cũng như độ tuổi khác nhau nên thầy phải rất vất vả để “trị” đám học trò “ô hợp” và được mệnh danh là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi. Thầy chọn phương pháp răn đe, bằng cách nhờ một trò tìm cho thầy một miếng vỏ mít khô làm dụng cụ trừng phạt. Thầy giao ước với chúng tôi: “Nếu em nào không thuộc bài hoặc làm bài sai, lần đầu tiên nhắc nhở, tái phạm lần thứ hai chép phạt, tái phạm lần thứ ba phạt quỳ gối trên miếng vỏ mít khô”.
Qua những lời răn dạy kèm theo hình phạt mà thầy đã đưa ra, bọn nhóc chúng tôi sợ lắm nên đứa nào đứa ấy bảo nhau chăm chỉ học tập để tránh hình phạt nhãn tiền mà thầy đã quy ước. Không biết phương pháp răn dạy ấy của thầy có đúng với quy chuẩn sư phạm ngày ấy hay không, nhưng nó đã rất tác dụng và hiệu quả với lớp học của thầy. Trong một không gian chật hẹp ấy với khoảng bảy mươi học sinh cấp tiểu học, trình độ khác nhau, độ tuổi khác nhau, ngồi chen ngồi chúc với nhau, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì tối tăm rét buốt, duy chỉ một mình thầy đứng lớp nhưng việc học của chúng tôi vẫn có kết quả tốt.
Cứ vậy, bằng sự cần mẫn, nhẫn nại và tình thương yêu bao la của thầy, đám học trò “măng tơ” chúng tôi ngày ấy mới có được như ngày hôm nay. Chiêm nghiệm cuộc đời mình, tôi thấy nhờ cách rèn người, rèn chữ bằng sự tận tâm tận lực của thầy và sự tri ân sâu sắc của phụ huynh xưa “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” mà học trò từng bước nên người.
Trong thời buổi nhiễu nhương của ngày hôm nay, ở đâu đó vẫn còn có sự thất kính, khẩu khí hiềm khích, trích biếm từ những bậc phụ huynh làm buồn lòng các thầy cô giáo đang ngày đêm tận tụy mang con chữ đến lớp, từ thành thị, đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh, gieo tri thức cho lớp trẻ tương lai của đất nước này. Suy cho cùng, câu nói của người xưa “Không thầy đố mày làm nên” và đạo lý của tổ tiên ta “Công cha – nghĩa mẹ – ơn thầy” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thanh Phương
(Giác ngộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)