Sáng 8-4, T.Ư GHPGVN long trọng cử hành lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Phật giáo Quốc tế (8-4) tại chùa Quán Sứ – trụ sở T.Ư GHPGVN.
Tham dự buổi lễ có HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; TT.Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN; TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội cùng chư tôn đức HĐTS GHPGVN, BTS GHPGVN các tỉnh, thành.
Dự lễ có ông Dương Ngọc Tấn – Phó ban Tôn giáo Chính phủ cùng đông đảo nhân dân Phật tử tham dự.
HT.Thích Thiện Pháp tuyên đọc thư của Đức Pháp chủ
Tại buổi lễ, HT.Thích Thiện Pháp đã tuyên đọc thư chào mừng của Đức Pháp chủ GHPGVN.
Thư có đoạn: “Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập quốc tế và văn hóa thời đại theo xu hướng thống nhất trong sự đa dạng. Bên cạnh việc bảo tồn các dòng chảy văn hóa truyền thống, cũng cần có một sự thống nhất trên bình diện quốc tế, việc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại trụ sở Hệ phái Nenbutsushu (Niệm Phật tông – PV) ở Nhật Bản do Hòa thượng Kyuse Enshinjoh – sáng lập Hệ phái và là Chủ tịch của Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới cùng các đại biểu, phái đoàn đại diện các hệ phái Phật giáo ở 41 quốc gia tham dự đưa ra sáng kiến lấy ngày 8-4 dương lịch làm ngày Phật giáo Quốc tế là đề cập đến tính quốc tế hóa của Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu.
Vì sự thống nhất của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, đây thực sự là một sáng kiến mà các hệ phái, truyền thống Phật giáo ở các nước trên toàn thế giới quan tâm và hưởng ứng…”.
TT.Thích Thanh Quyết đọc diễn văn mít-tinh hưởng ứng ngày Phật giáo Quốc tế 8-4-2017 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Diễn văn nêu rõ, ngày 8-4-1998 lịch sử, tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, một thành phố của một đất nước yêu chuộng hòa bình trong tinh thần từ bi, hoan hỷ, hòa hợp của người con Phật, các nhà lãnh đạo Phật giáo 23 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các truyền thống Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, Kim Cương thừa, đã cùng ngồi lại bên nhau trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp và chia sẻ những kinh nghiệm tu tập, hành trì và phương thức truyền bá giáo pháp đạo Phật đã hình thành hơn 2000 năm qua trên hành tinh này.
Các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới đã thống nhất thành lập Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, do Hòa thượng Kyuse Enshinjoh sáng lập Hội Maha Bồ Đề Ấn Độ, Tông chủ Niệm Phật Tông (Nenbutsushu) Nhật Bản làm Chủ tịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập.
Trải qua hơn 15 năm hoạt động với 6 kỳ đại hội – theo các mục đích, là trung tâm để các nhà lãnh đạo Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, Kim Cang thừa trên thế giới trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, đưa ra phương thức hành trì, truyền bá Chính pháp, vượt qua các rào cản về truyền phái, truyền thống Phật giáo, quốc gia, sắc tộc địa phương, địa dư lãnh thổ, châu lục v.v… Tạo ra một không gian hiểu biết tương kính, tôn trọng, hợp tác giữa các trường phái Phật giáo, để hiệp lực truyền bá Phật pháp, đưa thông điệp từ bi, trí tuệ , hòa bình, cứu khổ độ sanh của Đức Phật đến với nhân loại trên thế giới. Kêu gọi mọi người trên hành tinh này hãy nghiên cứu và hành trì lời Phật dạy, giúp cho xã hội, thế giới chúng sinh ngày càng an vui hạnh phúc trong hòa bình vĩnh cữu và thịnh vượng theo giáo lý đạo Phật.
Và Hội đã hoàn thành các mục đích yêu cầu đã đề ra trong xu thế phát triển của nhân loại và Phật giáo thế giới, đồng thời hồi ứng một cách có căn cơ một số vấn nạn đã đặt ra cho Phật giáo cũng như cho xã hội và thế giới loài người trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.
Trong quá trình hoạt động, dù đạt được nhiều kết quả mong muốn, nhưng trên bình diện lịch sử, tổ chức chưa ấn định một ngày kỷ niệm mang tính quốc tế của Tổ chức Phật giáo Thế giới đại diện cho hơn 1 tỷ Tăng tín đồ các châu lục.
Với những yêu cầu cấp thiết và thống nhất chung, tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới kỳ VI từ ngày 8 – 14-12-2014 quy tụ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, đại diện cho hơn 1 tỷ Tăng Ni, Phật tử thế giới tại Trụ sở của Hội – chùa Muryojuji, núi Nam Đầu, Đại Vương điện Phật giáo thành phố Kobe, Nhật Bản đã thông qua Nghị quyết, chọn ngày 8-4 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm Phật giáo Quốc tế tại các quốc gia là thành viên của Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, song vẫn duy trì các lễ hội truyền thống của các quốc gia thành viên, biểu thị ý nghĩa thống nhất trong đa dạng của tổ chức Phật giáo Thế giới.
Công tác chung của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần thứ VI đã nhất trí quyết tâm hoạt động vì sự truyền bá Phật pháp mạnh mẽ với niềm tin và niềm tự hào về một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, vì sự đoàn kết của hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới.
Phúc Thịnh / giacngo.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)