Giá trị đích thực là đem lại niềm vui cho chính mình, đừng đem điều phiền phức cho người khác và phải thấy được đâu là chân hạnh phúc.
… Bao năm lang bạt hải hồ
Bao ngày mong đợi cành khô đâm chồi
Chiều nay về lại ven đồi
Chiều nay bỗng nhớ vành nôi Mẹ hiền…
(Thanh Hà)
Hôm qua tìm lại bóng mình
Tôi ngồi bên bàn học nhớ lại mấy năm học về trước. Lúc đó tôi còn hăng say học tập, nhưng qua một thời gian thì sự lười biếng xuất hiện và những thói hư tật xấu dần nhiều lên. Năm đầu tôi rất ham học và cố gắng làm sao cho đạt điểm thật cao, nhưng rồi càng cố gắng thì điểm số lại càng thấp. Vì tính xấu có sẵn nên tôi sinh ra bực mình, bực mọi người xung quanh. Tại sao mình học thế này mà điểm thấp, đứa kia vừa học vừa chơi điểm lại cao. Từ đó sanh ra ganh ghét, đố kỵ, bài xích người này người kia, đôi khi còn bực cả Thầy giáo thọ và cho rằng ông Thầy này chấm bài thiên vị. Đâu biết rằng bài làm của mình thì thua kém người ta rất nhiều, nên điểm làm sao mà cao được. Lúc đó tôi cảm thấy mình như bị người khác bỏ rơi, lòng đầy buồn bã. Thế rồi một bữa nọ, đến tiết Hán Văn nghe thầy giảng bài, tôi mới chợt tỉnh ra rằng, xưa nay tôi đã đánh mất chính mình và chưa bao giờ nhìn lại bản thân. Khả năng của mình vốn kém cỏi, không biết hổ thẹn sửa mình lại trách người khác. Tôi nhớ Thầy cảnh tỉnh “Phải học cái gì nằm sau chữ nghĩa ấy, chứ mai mốt Diêm vương hỏi, ông tu hành sao lại xuống đây, lúc đó đem bằng cấp này, học vị nọ ra đối phó thì đâu có lợi ích gì”. Sau tiết học tôi cảm thấy hối hận vô cùng. Tôi tự hỏi, không lẽ sơ tâm của mình mất rồi sao! Khi mới vào chùa thì có biết bao nhiêu lý tưởng, nào là “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”, lại còn “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Miệng thì lúc nào cũng ca tụng ta phải làm ông nọ bà kia, ta phải làm cái này cái kia, nhưng lời nói thì chẳng bao giờ đi đôi với việc làm. Lúc còn sơ tâm rất năng nỗ trong mọi công việc. Mọi thời khóa không bỏ thời nào, thế mà qua mấy năm trời thì thói đời dần trở lại, chẳng khác nào câu nói “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật” là vậy. Sau này tôi mới hiểu câu nói này chí lý vô cùng.
Các bậc Thánh nhân xưa học để tu đức, lấy những điều đó áp dụng cho đời sống của mình. Họ chẳng bao giờ khoe khoang ca ngợi với ai nhưng sự thành tựu trong cuộc sống rất cao, đức độ vang khắp bốn phương. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình tệ quá, chẳng bao giờ nghĩ đến công ơn nuôi dưỡng sâu dày của cha mẹ, công dạy dỗ của Thầy tổ lớn biết bao. Chẳng nhớ ơn lại chạy theo xu thế thời đại. Mình vốn chỉ là hạt cát giữa sa mạc thế mà luôn cho mình là người quan trọng. Ôi ! thật không xứng đáng.
Những lời dạy của các bậc Giáo thọ vô cùng thấm thía, lại chẳng bao giờ áp dụng vào việc làm để sửa mình, mà khi tranh chấp lại đem lý Đại thừa ra choảng nhau. Có ai bảo rằng “Sao ông làm biếng tụng kinh thế”, thì lập tức có lời đáp trả rằng: “Ơi trời! Sao ông chấp vào pháp thế, tụng kinh chưa hẳn đã là tu, không tụng kinh chưa hẳn là không tu, mấy ông tụng kinh tâm đầy tán loạn sao gọi là tu!” Đó là những lời ngụy biện khi tôi làm biếng tụng kinh. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật chẳng học được gì ngoài việc bày trà nói chuyện phiếm, Phật pháp thì mênh mông mà chẳng bao giờ để tâm vào. Phải chăng tôi chưa bao giờ nhớ về công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, của Thầy tổ đã cưu mang mình suốt thời gian hơn 20 năm qua. Nhớ lại hồi còn bé, sau thời mới giải phóng, gia đình tôi rất nghèo, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn thế mà ba mẹ tôi luôn dành cho tôi những gì tôi muốn. Ba tôi vì lo cái ăn, cái mặc cho chị em tôi mà ông đã lâm vào căn bệnh hiểm nghèo, sau thời gian ngắn, ông đã rời khỏi trần thế đi vào cõi vĩnh hằng. Thế mà tôi không có một chút xót xa hối tiếc. Còn mẹ tôi thì rất cực khổ mới nuôi chị em tôi khôn lớn. Tôi nhớ có lần tôi đi xem đá banh đến hai giờ sáng mới về, làm cho ba mẹ tìm kiếm khắp nơi, sáng hôm đó ba tôi cho tôi một trận nhừ đòn. Cho dù năm tháng qua đi nhưng tôi không sao quên được trận đòn ấy, giờ đây tôi muốn được ba đánh một trận nên thân thì đã quá muộn. Xin hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này, vì lúc này con đáng phải bị đánh đòn thì ba không còn nữa.
Đến khi nhân duyên hội đủ, được vào chùa tôi cũng không nhận ra rằng mình vốn là một kẻ cùng tử sống chỉ ăn bám gia đình, ăn nhờ Đàn-na tín thí, là gánh nặng cho Thầy tổ. Lúc tôi chưa vào trường này học, Thầy tôi dạy học kinh, học những lẽ sống thế mà chẳng bao giờ tôi chịu nghe, huynh đệ có nhắc nhở thì lập tức nổi cáu, còn đòi ăn thua với người ta nữa. Đến lúc được vào trường học tôi đụng chạm rất nhiều mới nhận thấy rằng mình thật chẳng ra gì. Không biết phải dùng ngôn từ nào để diễn tả sự ngu muội của mình mà chỉ ngậm ngùi trách bản thân. Giờ đây tôi nghĩ về ba thì ông đã không còn nữa, cho dù ở trong giấc mơ muốn gặp ba một lần cũng không được, nghĩ về mẹ, làm tôi chợt nhớ đến câu thơ “Mẹ ơi vạn nẻo con đường, có đi mới biết tình thương mẹ hiền”. Thật vậy, xa mẹ hiền mới thấy tình thương của người thật cao cả, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được, do đó tôi muốn nói lên lời sám hối cũng thật khó. Nghĩ đến Thầy thì mình chẳng giúp được gì, kiến thức thì không có, học hành chẳng ra chi, nghĩ đến đây tôi rưng rưng không biết làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm, chỉ biết ngậm ngùi, hai mắt cay cay. Tôi rất may mắn được vào đây, thân cận các bậc minh sư, trao truyền cho tôi những kinh nghiệm sống. Nơi đây có những con người với đời sống phạm hạnh quên mình vì mọi người. Quý Thầy có đời sống giản dị. Đặc biệt hơn các trường khác, quý Thầy thường chú trọng về giới đức nhiều hơn, dạy bằng tâm huyết của mình không quản đường xá xa xôi chỉ mong hàng hậu học có kiến thức nền tảng để sau này không bị hụt hẫng khi lên các lớp cao hơn. Quý Thầy dạy bằng tất cả tình thương của mình. Tôi đã gặp được các bậc giáo thọ dạy cách sống đúng với tinh thần của một người tu sĩ và luôn sách tấn tôi tu tập. Nhưng tôi chưa làm được gì cho xứng đáng lời dạy của các Ngài. Tôi quả thật là kẻ quá ngu si. Ôi, thật đáng trách! Chỉ có mấy lời nói lên tâm sự gửi đến những người còn cha, còn mẹ, còn Thầy tổ thì xin hãy trân trọng lấy những gì mình đang có và cố gắng giữ gìn đừng cho luống mất. Đến khi mất rồi rất khó tìm lại. Đường đời còn rất dài đừng nên quá chạy theo xu thế thời đại. Đến đây tôi mới thực sự cảm nhận rằng, học là để mở mang kiến thức mà trau dồi đức hạnh của mình, lấy đó làm nền tảng tu tập mới có cơ may báo đáp được ơn sanh thành của cha mẹ, ơn dạy dỗ của Thầy tổ. Giá trị của cuộc sống không phải là ở chỗ nổi danh hay tài giỏi.
Giá trị đích thực là đem lại niềm vui cho chính mình, đừng đem điều phiền phức cho người khác và phải thấy được đâu là chân hạnh phúc. Phải thấy được công lao nuôi dưỡng dạy dỗ thật to lớn của các bậc trưởng thượng. Không bút mực nào có thể tả hết công lao to lớn ấy. Ngôn từ thì có hạn nhưng lòng tôn kính của tôi đối với các bậc đã sanh thành dưỡng dục thì không bao giờ tận. Cho dù thời gian có thay đổi, con người có khác đi nhưng công ơn của cha mẹ và Thầy tổ đối với tôi thì không bao giờ thay đổi. Quý Ngài luôn dạy tôi rằng nói năng thận trọng, cử chỉ đàng hoàng, ăn uống đúng giờ, vui chới đúng lúc, học hành nghiêm túc, tu hành phải tinh tấn chớ có buông lung. Từ đó tôi đã xác định cho mình rằng xuất gia để làm gì, học với mục đích gì!
Phú Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)