Chùa Dâu – trung tâm của nền Văn Hoá Phật Giáo Luy Lâu, nơi Sư tổ Tì Ni Da Lưu Chi người Ấn độ đã truyền dòng Thiền Phật giáo Tì Ni Da Lưu Chi vào Việt Nam vào Thế kỷ thứ VI
“Trong cơn khám phá lại tôn giáo truyền thống của dân tộc, đa phần em thấy dân ta hay cuống lên vì những chùa to tượng lớn, với những cái nhất: đông tượng nhất, tháp chuông to nhất, ở trên đỉnh cao nhất v.v Có cả cái chùa chán nhất là đi từ tam quan vào đến tam bảo hết hẳn tam ki lô mét vẫn còn chưa tới nơi mà nay đã thành điểm du lịch tâm linh nổi cũng nhất luôn!
Phái đoàn thăm chùa Dâu ở Bắc Ninh
Nói gì đến những mái chùa cỏn con nép mình nơi vách núi như chùa Vô vi, chùa Một mái nơi các bậc tổ ẩn tu đã đạt nhiều chứng ngộ cách nay nhiều thế kỷ. Chẳng ai biết đó là đâu.
Thầy chúng em dường như quay lưng lại với cái ồn ào xô bồ nhất là bét đương thời, nhân buổi đầu xuân đã đưa các học trò về với những ngôi chùa cổ miền Kinh Bắc: Chùa Tiêu nơi còn giữ xá lợi nhục thân của thiền sư Như Trí, chùa Bút tháp với tôn tượng Quán Thế âm ngàn mắt ngàn tay đẹp thâm trầm mà lộng lẫy, với tòa Cửu phẩm liên hoa độc đáo mang hơi thở của Mật tông, chùa Dâu, nơi khởi nguồn của dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi, với tượng ngài Pháp Vân oai nghi thanh tú…
Chùa Bút Tháp một trong nhưng ngôi chùa cổ ở Bắc Ninh
Từng nơi, từng nơi, thầy rành rẽ giảng. Vì biết học trò toàn đám sơ cơ nên thầy giảng kỹ, từ nguồn gốc của chùa, các công trình xây dựng trong chùa, dáng mái, gác chuông, đến cách sắp đặt của các ban, các tượng, tại sao và như thế nào. Từ những tại sao ông này mặt đỏ, ông kia mặt trắng, đến những nét nào là nét thuần Việt của tượng, nét nào là nét thể hiện nguồn gốc ngoại lại của một vài vị tổ, và đâu là lớp vàng son mang màu thời đại. Em thề là có một vị em chẳng nhớ là ai, sống mũi cao thẳng băng như vừa giải phẫu ở nhà bác sĩ X phố Triệu Việt Vương ra, thếp vàng sáng chóe nhìn khá ghê mà em không dám bình phẩm sợ láo. Vi thầy đã từng dạy dẫu gì cũng chỉ là hình tướng, Phật thì ở trong tâm, còn mồm thì nên giữ kẻo tạo nghiệp khẩu. Thế nên mồm vừa há ra lại đóng lại, kéo phéc mơ tuya kỹ càng.
Chùa Tiêu ở Bắc Ninh
Sư thầy tu thiền, nên về chùa Dâu đối với thầy như về chốn tổ. Lúc thầy cúi đầu chạm xuống chân tượng tổ Tỳ ni da lưu chi, em cũng ngỡ ngàng vì em cứ tưởng cụ này ở bên Tầu hay Ấn gì đó, không ngờ nơi phát tích của dòng thiền ấy hẳn là ở chỉ cách Hà nội có chừng ba chục cây số. Chìm trong ánh sáng mờ của gian thờ Tổ cạnh ngài Tỳ ni đa lưu chi là tượng các vị thiền sư Việt nam, sơ cơ như em không biết cụ nào vào với cụ nào nhưng vẻ trầm mặc, nâu sồng, dung dị của các cụ không những khiến bậc xuất gia như sư thầy chúng em xúc động mà đến mấy đứa bấc xấc bang xang như chúng em cũng trầm hẳn xuống.
Như chạm được vào hơi thở của Thiền
Hôm qua Thầy Thích Viên Định dẫn mấy chị em đi thăm 3 chùa cổ: Chùa Tiêu – nơi hồi 7 tuổi Vua Lý Công Uẩn đã từng xuất gia làm chú tiểu và được Ngài Sư Vạn Hạnh nuôi dậy.
Chùa Dâu – trung tâm của nền Văn Hoá Phật Giáo Luy Lâu, nơi Sư tổ Tì Ni Da Lưu Chi người Ấn độ đã truyền dòng Thiền Phật giáo Tì Ni Da Lưu Chi vào Việt Nam vào Thế kỷ thứ VI
Chùa Bút Tháp – quần thể kiến trúc Phật giáo đời Trần, nơi có những pho tượng tuyệt đẹp, đặc biệt là bức tượng Quan Âm Nghìn tay Nghìn mắt.
Những lần trước mình đi thăm các chùa này đều thanh vắng chỉ có vài người lác đác, ngửi thấy hương hoa lẫn cả mùi tượng. Lần này đi vào mùng 1 nên hơi đông nhưng rất hay là được Thầy hướng dẫn tỉ mỉ nên rất cảm động & thú vị và sân chùa Bút Tháp vẫn ngát hương hoa Bưởi !
Như thường lệ, chị Chau Pham lại có ngay bài chia sẻ hóm hỉnh về chuyến thăm Chùa cổ ở Bắc Ninh
Claire Huynh / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)