Vô minh và văn minh

Hình Vô minh và văn minh
- Tác giả: admin

Hình như càng văn minh, tình cảm con người càng lạt như nước ốc. Bây giờ rủi có trễ hẹn hay thất hứa người ta đều lấy công việc để chống chế.

Đọc qua cái tiêu đề ta cảm thấy cũ và xưa như Diễm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bởi đề tài này người ta đã khai thác gần như hết công suất, tốn quá nhiều giấy bút, nhuận bút rồi. Xét về từ ngữ, chúng nó thân nhau như anh chị hàng xóm, chỉ cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.

Vô minh và văn minh image-1731931292759

Vô minh và văn minh

Nhà nào cũng MINH, hai từ VĂN, VÔ đồng thanh điệu, cùng phụ âm. Truy tận gốc, tìm tận ngọn, biết đâu hai nhà này cùng tổ cùng tông trong tiền kiếp cũng không chừng! Có lẽ vì cách cụ tổ quá xa, nên giờ đây chúng mang hai nghĩa mà mới nghe qua người ta có cảm giác nó hoàn toàn xa lạ như hai người mang hai quốc tịch.

Tôi nhiều lần tự hỏi, khi ta đang hì hục leo lên đỉnh văn minh thì phải chăng ta cũng đồng thời vùi mình trong vô minh nếu ta không tỉnh giác nhận diện? Bởi cuộc đời mầu nhiệm vô cùng, nhìn đâu cũng thấy anh hùng khuynh quốc, giai nhân khuynh thành, ai cũng xứng lứa vừa đôi, rất mực đôi lứa. Ông ĐẸP sánh đôi với bà XẤU, anh THẮNG vừa lứa với chị THUA, chú ĐƯỢC se duyên với thím MẤT, cậu CÓ kè kè với mợ KHÔNG… Chỉ liệt kê sơ sơ chứ không hơi đâu kể ra cho hết, và lẽ dĩ nhiên cô nàng VĂN MINH và anh chàng VÔ MINH kia cũng là một trong muôn vàn những đôi trai tài gái sắc đó, bởi không có cái này thì hẳn sẽ không có cái kia. Phật mà không có chúng sinh thì làm Phật với ai? Chúng sinh mà không có Phật thì làm chúng sinh với ai? Không có Vô minh, lạc hậu, ngu dốt thì Văn minh tự xưng mình làm gì? Sở dĩ có sáng là vì có tối, có khổ đau vì có hạnh phúc, có cái này vì có cái kia. Từng cặp đối đãi vẫn song hành đếm bước bất kể tháng rộng năm dài, mặc kệ người đời xầm xì, to nhỏ. Chúng ngày đêm ngang nhiên ra vào ngay sáu cửa, mặc tình chọc trời khuấy nước, ung dung loạn động thân tâm, làm thế nhân cũng ba chìm bảy nổi, lắm phen thập tử nhất sinh. Khi ta tự nhận mình thế này thì ta cũng đồng thời chấp nhận thế kia, dù rằng không ai dại gì đem khoe với thiên hạ.

Ai cũng muốn đời sống mình thăng hoa về mọi phương diện, và trong sâu thẳm tâm hồn ai cũng muốn mình được khen, được vui, được an lạc hạnh phúc chứ không ai dại gì cầu mong điều ngược lại. Nhưng ước mong nhiều nên thất bại cũng tràn lan, hy vọng nhiều nên thất vọng cũng lai láng. Người ta lao khổ, nai lưng không mệt mỏi hay nhàn cư một đời, cốt cũng chỉ làm thoả mãn hai nhu cầu bất di bất dịch của đời sống mà thôi.

Nhu cầu vật chất có nhiều thứ, thành thử nhu cầu tinh thần cũng đa dạng không kém. Khẩu vị không ai giống ai, nên tầng bậc cảm nhận món ăn tinh thần cũng mỗi người mỗi kiểu. Người thích xem phim hành động, kiếm hiệp; kẻ thích phim tình cảm, khoa học giả tưởng… Người thích đọc sách, nghiên cứu, đọc báo, xem đài; kẻ thích nghe ngâm thơ, nghe nhạc, nghe cải lương… Ta đừng lấy làm lạ và thắc mắc tại sao đời sống của họ không thong dong hay bận bịu như mình, có sở thích ăn uống hay thư giãn như mình, bởi đơn giản là vì ta thích ăn bún, ăn phở nhưng chưa chắc họ đã khoái khẩu, khen ngon. Tùy từng nấc thang cảm nhận và thưởng thức, nên người ta phải vắt óc nặn đầu nghĩ ra mọi nhu cầu cho xã hội, đáp ứng mọi thứ cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tốc độ tăng ký của cơ thể con người trong mấy năm gần đây lên nhanh đến chóng mặt. Xã hội phát triển, đời sống nâng cao, và lẽ dĩ nhiên trọng lượng con người cũng nặng dần theo ngày tháng nếu không nói là béo phì hay mập phệ. Bây giờ đâu đâu cũng thấy nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán nhậu, giải trí mọc lên nhan nhản, vừa góp phần làm kịp cùng giờ giấc của công ty, vừa nạp lại năng lượng mà cơ thể vừa tiêu hao, phóng xả. Trong xã hội công nghiệp, người ta lao tâm hơn lao lực. Tóc mau bạc hơn, đầu mau hói hơn, râu dài nhanh hơn; ngược lại tay chân thon thon khiêm tốn hơn, chỉ số vòng hai, vòng ba nhảy vọt trông thấy. Tuyến hồ hôi gần như tê liệt vì hầu hết họ ngồi trong những căn phòng máy lạnh, xe hơi máy lạnh sang trọng đắc tiền, đèn điện thay thế ánh sáng tự nhiên của tạo hoá. Ngày lại ngày, hai lá phổi nếu không hít nguồn ôxy đã qua xử lý thì cũng phải oằn mình hút bụi bặm, khói xe. Thú thật, thời nay ra đường dễ mất lòng nhau lắm! Trong thời buổi văn minh, người người đi làm đều mang khẩu trang, nhà nhà trở về đều che kín mặt, gặp phải đèn đỏ, đứng sát nhau dù bà con nhưng vẫn sẵn sàng xem nhau như ngoại quốc, lúc kẹt đường dù bạn bè cũng cứ tỉnh rụi chen ngang, chạm mặt nhau nhưng chẳng dám chào vì thấy… ai cũng như ai! Rồi đây, khi mà hễ bước ra đường, lớn nhỏ đều đội nồi cơm điện, già trẻ đều úp quả dưa hấu để giữ gáo dừa của mình không bị chấn thương một khi ngẫu hứng đo đường bất đắc dĩ, thì đám thợ cạo đầu được dịp ăn nên làm ra, bởi chỉ còn một khúc đuôi gà thò ra như cái cuống quả dưa, khúc dây nồi cơm điện tòn ten sau lưng thấy cũng kỳ kỳ. Các tiệm làm đầu, làm đẹp tóc tai ngậm ngùi đóng cửa, bởi có tốn bạc trăm nhưng chả ai ngắm được, “tóc gió thôi bay” khi em tung tăng qua phố bằng… xe máy!

Những con đường thẳng tắp có tên, những con hẻm dọc ngang có số, trải nhựa hẳn hoi, sáng sủa ánh đèn thay cho những đường quê khúc khuỷu ngoằn ngoèo, rợp ánh trăng khuya, sặc mùi rơm rạ, làm bước chân trâu bò về đêm chừng nghe rõ mồn một, tiếng gõ nhịp cũng dường thánh thót hơn. Giao lộ hai ba kiểu đi, dăm bảy kiểu đèn làm những dân quê như tôi nhiều khi cũng lớ quớ. Dân mình cũng văn minh ra phết, nhìn lên trời thấy những cung đường, những cây cầu cong cong như lưỡi liềm cắt lúa, không ai chẳng trầm trồ thán phục. Nhưng thú thiệt, nhiều đêm nằm mơ nếu rủi nó bà con với cầu Văn Thánh hay nhịp dẫn Cần Thơ thì cũng không khỏi run run…

Những anh mương làng lạc hậu đã an giấc ngàn thu bởi chị cống hộp văn minh mới dọn nhà đến ở. Chị trông có vẻ thời thượng thời trang, tây phương đúng mốt, chỉ khổ nỗi thúi hơn anh mương làng dạo trước, lại bắt tay với ông trời biến đường xá trở thành sông ngòi mỗi khi Long vương nhảy mũi…

Bọn trẻ ngày xưa hầu như phó thác cho trời nuôi, ăn bữa no bữa đói. Chúng dang nắng dầm mưa, mặt mày lem luốc, mũi dải tèm hem chỉ còn hai con mắt là chuyện bình thường. Một năm mười hai tháng chẳng biết thuốc thang là gì nhưng đứa nào đứa nấy khoẻ như trâu mộng. Đâu rồi những đứa trẻ tụm năm tụm bảy ở đầu làng hay cuối xóm chơi trò ô quan, trốn tìm, cò cò, đá dế? Thời đại văn minh, trẻ con được cha mẹ nuôi như nuôi gà công nghiệp. Chúng chẳng thiếu thuốc gì, uống ăn thừa mứa, chân không dính đất, đầu chẳng chạm mưa, thế mà một tháng ba mươi ngày không chở đi trạm xá thì cũng đèo vào bệnh viện. Lớp choai choai ngày trước chẳng đứa nào cận thị, viễn thị, loạn thị, chắc vì ánh đèn dầu miền quê mập mờ phải lúc. Còn bây giờ, mới mấy tuổi đầu mà cháu nào cũng nhìn phố phường qua cặp miểng chai, có lẽ do suốt ngày không dán mắt lên ti vi thì cũng chăm hăm vào vi tính. Mấy cụ ông cụ bà ngày trước phì phèo thuốc rê, nhai trầu bõm bẽm năm này tháng nọ để cuối đời răng cỏ… vẫn còn nguyên, đơn giản là vì không xài hoá chất, không dùng nước nhiễm ô, thậm chí đánh răng cũng gia truyền bậc nhất. Còn giờ đây, thời buổi đã văn minh, các cô các chú vừa ăn lẩu sôi vừa uống nước ướp lạnh, vài ba tiệc cưới hỏi, khai trương, thôi nôi, sinh nhật thì hàng tiền đạo đã chấn thương, răng cỏ cái thụt cái lồi như bắp bị sâu cắn, thậm chí có cầu thủ phải từ giã cuộc cắn nhai khi tuổi đời đang mơn mởn. Đời nay cũng lắm người vừa đánh răng vừa huýt gió, bởi xài răng giả nguyên hàm.

Xưa, dân ta quanh năm cuốc bộ, năm thì mười thuở mới thấy con ngựa sắt cọc cạch ngang làng, trẻ con túa ra xem, xuýt xoa, trầm trồ, khen lấy khen để, thế mà từ làng trên đến xóm dưới trông hoài ai cũng sống trơ trơ, nhà nhà vui như hội. Nay thời buổi đã văn minh, dép giày không mòn đế, xe toàn mốt mới, xế tốc độ cao, nhưng đám này trùng ngày chôn đám khác, đâu đâu cũng tang thương, báo chí ngày ngày đăng tin, truyền hình đêm đêm tổng kết. Thời buổi văn minh mà có tháng con số người chết lớn hơn hẳn cái thời đánh nhau kịch liệt. Người ta không chết vì súng đạn không có mắt mà chết vì văn minh xế nổ, đất đắt hơn vàng.

Những phố phường đùn lên, những làng quê lùi lại. Chỉ mới vài năm phát triển mà đất ven đô hầu như cạn kiệt. Nhà cửa, phân xưởng mọc như nêm; nhà hàng, quán xá trồi lên như nấm đẩy lùi những miền quê êm ả thanh bình, những cánh đồng xanh rì bát ngát chìm dần trong ký ức, hoá thân thành những con chữ tả cảnh vô hồn cho bọn trẻ ê a. Trẻ con thành phố mai đây chắc không mường tượng nổi bức tranh quê, chiều quê, hay những cánh đồng bát ngát trải tận chân trời là cái giống gì. Thế mới hay, thời cha đất rộng dân thưa, đời con đất thiếu dân thừa chen nhau, chen nhau từng bước qua cầu, lấn nhau từng bước lên đầu đèn xanh…

Xưa, người ta chăn thả bò, trâu, gà, vịt để chúng tự kiếm ăn, khi lớn ngó vừa con mắt chúng trở lại làm thức ăn cho gia chủ. Thức ăn của chúng ta vài chục năm trước như gạo, bo bo, sắn, khoai… giờ trở thành thức ăn của gia súc. Nay con người đã biết thương yêu chăm sóc gia súc như… gia chủ. Vừa đói cho ăn ngay, hễ bệnh liền chích thuốc, chẳng bệnh thì chích ngừa, không cho chúng vất vả du mục sinh nhai mà dạy chúng ngoan ngoãn khép mình trong đời sống tập thể như bao bạn bè đồng trang lứa, có chuồng trại, bảo mẫu hẳn hoi. Không cần các con bươi xới cày bừa, chỉ cần ham ăn ham ngủ là cha mẹ đây mừng rồi! Chừng vài mươi năm trước đố ai dám mường tượng cảnh nghịch đời này. Quả là ngoài sức tưởng tượng! Khi chúng lớn khôn, gia chủ hào phóng thuê xe chở hết đi nhà hàng, quán nhậu. Những tưởng đời mình đâu chỉ biết ru rú trong nhà, hùng hục ngủ ăn, thì ra mình cũng được vệ sinh tử tế, theo gia chủ vào thành thị ngao du đó chứ! Đến rồi mới hay, té ra không phải mình vào đây thưởng thức món ngon vật lạ trong thiên hạ, mà vào để thiên hạ thưởng thức vật lạ món ngon! Có hối hận vì đời trước vụng tu thì cũng muộn màng rồi! Lớp bò, heo đi qua; lớp vịt, gà, chó, rắn, cá, cua… rầm rộ tiếp bước, góp phần làm biển nghiệp chúng sinh càng mênh mang bất tận.

Hình như càng văn minh, tình cảm con người càng lạt như nước ốc. Bây giờ rủi có trễ hẹn hay thất hứa người ta đều lấy công việc để chống chế. Họ làm như nếu không có họ thì trái đất sẽ ngừng quay, mà không biết nó mệt mỏi vì phải vòng vòng theo tâm thức cuồng quay của họ. Đâu phải thời nay con người mới hì hục làm ăn, mà ngày xưa dân ta cũng mần ăn đáo để. Mơ mơ sáng già, trẻ, trâu, bò đã lục tục ra đồng; đến đứng bóng có bữa về bữa không; ăn cơm ngoài đồng, ngoài rẫy không phải là chuyện cổ tích. Cơm chưa xuống tới dạ dày đã tất tả cấy cày, làm quần quật đến tối mịt mới dắt díu nhau về. Thế mà năm này tháng nọ chả ai kêu than, rên rỉ như bây giờ, lắm người còn tiếc “sao hôm nay ban ngày ngắn quá”. Ông bà xưa nói đùa mà y như thật “ăn bữa giỗ lỗ bừa cày” không phải là không có nguyên do. Hầu như thời nay công việc càng được “lập trình” thì càng đẩy tình cảm họ hàng thân thích ra xa hơn. Đâu rồi cái thời đi làm cho người ta để “kiếm công” thay vì “kiếm tiền” sòng phẳng như bây giờ?!

Lại như đám cưới, đám ma, đám giỗ, đám chạp ngày xưa cũng khác hẳn. Đơn cử như đám cưới. Đám cưới ngày xưa không tiêu tốn tiền bạc nhiều như bây giờ nhưng vui đến lạ. Người lớn tất bật không hở tay từ nhà trên xuống nhà dưới, trẻ con bọn tôi cũng nhốn nháo rộn cả lên. Hồi đó, một nhà đám cưới cả làng xôn xao. Người đem đến cho mượn cây tre, tấm tole, tấm bạt; kẻ xách tới ủng hộ cái nồi, cái mâm, bộ ly, bộ ghế. Đàn ông, trai tráng trong làng chẳng ai bảo ai cứ thế hì hục dựng lều, dựng rạp; ai khéo tay hơn thì cắt hình phụng, hình công. Các bà, các cô thì đua nhau nấu nướng. Bây giờ thời buổi đã văn minh, không những đám cưới mà thậm chí đám ma, đám gì cũng thế, chỉ cần một cú điện thoại, gia chủ thoả thuận giá cả thì có người sắp đặt mọi thứ tươm tất từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, thành thử tình cảm bà con xóm giềng cũng theo đó nhạt phai.

Rồi đến như cái chuyện học hành, thi cử ngày nay cũng lắm nhiêu khê. Học trò thời nay không biết nghỉ hè là cái giống gì, bởi người ta cũng “tận dụng” luôn mấy tháng hè để có đủ thì giờ mà khai trí cho con em. Có đứa học đến bơ phờ mà cũng chẳng hết bài vở giáo khoa thì làm gì còn thời gian thực hành, trải nghiệm. Đến lúc rời trường, mớ kiến thức gom lấy gom để đó gần như một đám “kiến ngủ”, bắt tay vào công việc thật tế thì không khỏi lóng ngóng tay chân. Ông “Cử” thời nay quá nhiều nên dần dần mất giá, một số ít không may mắn đành ngậm ngùi làm những công việc trái sở học, nghịch chuyên môn. Bằng cấp thì cao ngất, nhưng thực tài thì thấp tẹt, đó là một trong những hệ quả của cái gọi là “ngồi nhầm lớp” hay “lùa vịt qua đồng” mà báo, đài không ngớt đưa tin.

Xã hội càng phát triển thì tệ nạn cũng ngoi lên theo cái kiểu “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”. Thời buổi bây giờ phát sinh đủ loại tội phạm ngày càng “trẻ hoá”, làm đau đầu các nhà chức trách, ngành trật tự xã hội làm việc không hở tay. Bênh cạnh đó những căn “bệnh”, những cái “tật” và bệnh tật không thuốc chữa cũng góp phần làm cho đất nước cũng chậm vươn lên.

Thôi, “mua vui một vài trống canh”, tào lao vài khía cạnh nhân dịp “già thêm một tuổi” cho vui chứ chẳng hơi đâu nói hết. Vật chất ngày càng dồi dào là lẽ tất nhiên, nhưng suy cho cùng căn bản vẫn là đạo đức hay cái tâm, cái trí tuệ mới làm con người ta trở thành vô minh hay văn minh đúng nghĩa, bởi còn đó một nền Văn minh Ai Cập, một nền Văn minh Á Đông xa xưa mà mãi đến bây chừ người ta vẫn tìm chưa ra cái lý do khiến con người thời “lạc hậu không có phương tiện hiện đại” đó lại Văn minh đến như thế!

Tặng những phố phường tấp nập người qua…

ĐĐ. Thích Đồng Ngộ
Giáo Thọ Môn Hán Văn

Trích Hương Tràm 2 – trường trung cấp Phật học Đồng Nai

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Tây Ninh: Bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 trong niềm hoan hỷ

PHĐS: Lễ bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 được khép lại trong niềm hoan hỷ của người con Phật, buổi lễ bế mạc được tổ chức lúc 9h sáng, diễn ra tại giảng đường Giác Huệ, tịnh xá Trúc Lâm xã Tây Thạnh, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Buổi

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người