Sư cô Diệu Tường có thế danh Trương Thị Trinh, chôn nhao cắt rốn ở chính đất này, Vĩnh Trạch, Bạc Liêu. Bôn ba lên Tây Nguyên, làm đủ nghề, lập nghiệp, hợp tan.
Nguyên cớ từ quá trình tìm hiểu viết bài về nhà trẻ mồ côi Chùa Long Phước, tôi được Đại đức Giám đốc Thích Giác Nghi giời thiệu một mạnh thường quân thầm lặng đóng góp cho các cháu mồ côi trong 10 năm tròn, không gián đoạn, hàng tháng 200 USD. Đại đức đánh giá cao tấm lòng ấy và gợi ý: chú có thể trực tiếp gặp và phỏng vấn.
Sư cô Diệu Tường gieo từ tâm ở Thào Lạng, Bạc Liêu
Qui trình làm báo tay ngang bắt đầu: tôi cậy Google, như mọi khi gõ: Thào Lạng, một địa danh lạ hoắc chưa từng nghe và, một chiếc cầu hiện ra bên trên dòng nước ngầu đục trên lộ trình tỉnh lộ 38 hướng về Vĩnh Châu. Tiếp tục, tôi có bài viết chính thức về nhân vật đang tìm hiểu từ trang nhà Phật giáo Bạc Liêu, OK.
Thế là ba lô – nước suối, lên đường, dế ở chế độ “trực” để nhận hướng dẫn từ Thầy Giác Nghi. Tính từ mốc trung tâm thành phố mới, công ty xổ số kiến thiết Bạc Liêu, xe gắn máy vượt 10 cây số đã “nhận diện” được dữ liệu hình ảnh từ Goole, cầu Thào Lạng, y chang. Một khuôn viên rộng, kín cổng cao tường, khá đẹp, ngay bên phải chân cầu, phủ một màu xanh thấp thoáng ẩn hiện nhiều công trình bên trong, tượng Phật bà Quan Âm trắng thanh khiết nằm ở vị trí góc trái khu đất ấy, đứng lời dặn của Đại đức Giác Nghi.
Tôi bấm chuông, và may mắn được Sư cô Diệu Tường – ân nhân của các cháu mồ côi ở Long Phước tự, tiếp. Vị sư cô trên tám mươi tuổi, có bệnh, ngồi trên ghế và di chuyển với sự trợ giúp của người giúp việc. Cụ khó nghe, tôi nói to, và được kể một cách đứt đoạn về cuộc đời và đường tu một con người suốt đời dấn thân với công việc từ thiện.
Sư cô Diệu Tường có thế danh Trương Thị Trinh, chôn nhao cắt rốn ở chính đất này, Vĩnh Trạch, Bạc Liêu. Bôn ba lên Tây Nguyên, làm đủ nghề, lập nghiệp, hợp tan. Người bạn đời mất khi cụ mới hơn 3 tuổi. Một mình gồng gánh với đàn con, vất vả khôn cùng. Cụ sớm tìm thấy ánh sáng ấm áp từ Phật pháp, qui y rồi từng bước một, tinh tấn.
Nhờ ơn trên, đúng luật nhân quả, các con của cụ lần lập thân lập nghiệp, thành đạt ở xứ người, thể hiện lòng hiếu đúng tâm nguyện người mẹ. Chín người con ở Mỹ hàng tháng gửi cho mẹ 1.000 USD, và Cụ chắt chiu thu vén mọi chi tiêu cá nhân đến mức tối giản, tính từ đồng bạc nhỏ nhất để có một khoản cố định trợ giúp các cảnh khó nhiều nơi mà Nhà trẻ mồ côi của Đại đức Giác Nghi chỉ là một.
Quay lại một chút trong câu chuyện tự sự, Cụ Bà Trương Thị Trinh, pháp danh Diệu Tường, kể về nhân duyên đưa đến sự kiện xuất gia, lập thất, được đích thân Hòa Thượng Thích Huệ Hà giúp có danh chính ngôn thuận, một tấm bảng “Tịnh Thất Diệu Tường” ngay chân cầu Thào Lạng.
Sư cô đã thực hiện giấc mơ ấp ủ từ lâu: khi đủ điều kiện, quay về quê hương lập chốn tu tập giúp chuyển lời pháp cho bà con xóm ấp, ruột rà. Tịnh thất thanh tịnh trang nghiêm, có kinh sách và thường xuyên về đêm đón phật tử tề tựu tụng niệm. Nhưng hoạt động từ thiện – nhân đạo của sư cô mới thực sự thể hiện sinh động lời Phật “phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”.
Trong 1.000 USD cố định hàng tháng, Sư cô “hoạch toán” chi li và chuyển ngay phần còn lại sau sinh hoạt phí, cho các địa chỉ cần trợ giúp ở nhiều nơi, trong đấy nhà trẻ mồ côi Long Phước là ưu tiên 1. Một người giúp việc thân cận của Sư cô bật mí: cụ tuổi cao, nhưng minh mẫn chặt chẽ lắm, chi li từng đồng bạc lẻ, song dốc hết những gì có thể cho các địa chỉ khó khăn, những phận đời cơ nhỡ không nơi nương tựa. Còn Sư cô chỉ nói đơn giản với tôi như vầy: thấy tụi nhỏ mồ côi tội lắm cậu ơi, mưa gió, thiếu thốn, chịu không nổi… Và “ Tôi ráng làm, làm ngay những gì có thể, nhưng không hứa với ai điều gì vì mình học Phật, biết chữ vô thường, hứa rồi không làm kịp, tội”. Những “cam kết” cụ thực hiện ngay, đến nỗi một bậc tôn túc ở Sài Gòn buộc miệng: từ từ, sao sư cô gấp vậy? Sư cô cười; vô thường, làm được làm ngay.
Như một sự tri ân cho ân nhân các cháu mà nhà trẻ cưu mang, Đại Đức Thích Giác Nghi đã hướng dẫn thợ xây dựng tháp chuẩn bị ngày sư cô mãn phần ngay tại tịnh thất ở chân cầu Thào Lạng, sau tượng Quan Âm màu trắng thanh khiết. Mẫu kiến trúc mô phỏng tháp Hòa thượng Thích Huệ Hà trong Long Phước tự mà Thầy kế tục Sư ông làm trách vụ Trụ Trì.
..Chắc chắn vị sư cô vui lòng trước nghĩa cử này, bởi lòng cung kính với Hòa thượng Huệ Hà được cụ nhắc đi nhắc lại với tôi: “Thầy đã ban tấm bảng tịnh thất Phước Tường cho tôi”.
Tu tập, giúp đời, dấn thân toàn tâm toàn ý với việc thiện như thế, sư cô Diệu Tường xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh.
Và nhân duyên với nhà trẻ mồ côi Long Phước, tôi đã có một ngày trãi nghiệm vùng đất Thào Lạng trên tỉnh lộ 38 Bạc Liêu- Vĩnh Châu, biết người đã gieo từ tâm âm thầm, kiên trì như thế.
Thào lạng, 27/12/2016
Nguyễn Thành Công
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)