Chẳng biết tự khi nào người ta bắt đầu trồng chè, cũng chẳng biết vì sao lại say mê thứ thức uống ấy như một thói quen. Mà, chỉ thấy nó ” đẹp và đầy “, một chén nhỏ mà gợi biết bao vị đạo, ý đời.
Gọi là trà tuy đậm vị thiền nhưng cái tên chè cũng có cái hay riêng. Thế mới biết cái sự đa sắc của cuộc đời. Như hàng Phật tử chúng con, ở chùa được đạo hữu thân thương, quý thầy vui vẻ gọi pháp danh Diệu A, Quảng B…nghe sao trìu mến. Ấy vậy mà vừa bước ra cổng tam quan, gặp người quen đã nghe réo lại ” Chị C, anh D…ơi “, mà nói như dân gian nói đùa là ” tên cúng cơm “. Nhưng, suy cho cùng, bản chất cũng chỉ là một người, có chăng là thay đổi đôi điều từ miệng người khác, chứ cái tâm đạo hay ý đời âu cũng đều ở tự thân ta, như Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni từng căn dặn: Không ai làm cho ta cao thượng, cũng không ai làm cho ta thấp hèn. Cao thượng hay thấp hèn đều do tự thân ta. Suy rộng ra, mọi hình tướng, khái niệm và tính chất trong cõi đời này âu cũng chỉ là tạm bợ, vay mượn, là phiến diện, hạn chế. Nào có một ngôn ngữ nào để thấu triệt muôn loài, nào có một học thuyết nào vượt qua tất cả……và, nào có một CHÂN pháp môn nào ra khỏi sự tìm cầu trí tuệ giải thoát? Nói ra đây, vừa tự dặn lòng, cũng để quý đạo hữu an tâm chọn lựa cho phù hợp với mạng lưới nhân duyên cá nhân mà tu tập.
Một chén trà không đâu không có, không ai không hợp. Từ một ly trà đá trời trưa oi ả bán rẻ cho sinh viện với đôi ba ngàn tưởng chừng không mua được gì hết tới chén ” nước Tào Khê ” âm ắp thiền vị. Dường như, trà trở thành sự hình tượng, vật chất hóa tấm lòng vô tư của cuộc đời và trí tuệ cao sâu của Chánh pháp. Từ ly chè xanh của cô hàng rong bên đường, con giải tỏa cơn khát vật lý. Bên khay trà, được nghe quý thầy giảng giải, tâm hồn con trưởng thành. Cuộc sống là vậy đấy, nếu ta biết tri ân, trân trọng nhìn nhận sẽ thất tất cả mọi vật xung quanh vốn mang một giá trị đẹp đẽ mà lặng thầm.
Đôi khi, không phải ai cũng thành công, tựa như một rừng chè xanh mướt, biết cây nào sẽ được chăm sóc cẩn thận, đem bán với giá vài triệu hay lại rơi vào hàng thải rẻ rúng. Nhưng suy cho cùng, giá trị không nằm ở số tiền đem bán mà ngược lại, nơi người thưởng thức. Với một người nông dân, cái thú vui nhất có lẽ là một ca trà đá 2000. Trong khi, những người khá giả hơn một chút sẽ chọn những loại trà tốt, một ký vài trăm ngàn. Như vậy, đừng quan trọng ta là ai? Xuất thân từ đâu? Hãy cứ sống và cống hiến hết mình cho những giá trị thực tại.
Người thưởng trà, luôn bỏ nước đầu, nước thứ hai là ngon, đậm nhất. Vì, con người ta, muốn bước vào neỏ đạo, phải học chữ buông trước tiên, trút bỏ hết thảy những bụi trần vướng víu. Còn nhớ cố hòa thượng Thích Thiện Siêu từng dặn: Đường vào Niết Bàn rất hẹp, nó không cho phép ta mang nhiều hành, các hành giả hãy xả bỏ mới có cơ hội vào được Niết Bàn. Về sau, nước trà nhạt dần cho đến khi không còn vị. Người Phật tử càng tinh tấn càng bớt những lụy phiền cho đến khi trở nêm vô ưu, vô ngại trước nghịch cảnh mà theo cao hơn cả chính là: ” Tâm vô quái ngại,vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn “. Mặt nước tĩnh lặng, trong veo như nhắc nhở người tu tập nên biết giữ tâm bình như thủy, siêng năng quét lá để lòng thanh sạch, trong sáng, thấu triệt trí tuệ:
” Núi Lô Sơn còn trẻ,
Trăng Yên Tử đã già
Thâu nhiếp trăng núi ấy
Vào trong một chén trà…. ”
Trần Thị Mai Hồng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)