Tôi biết và nghĩ nhiều đến chốn thiền này từ những trước tác của Sư Ông Thích Thanh Từ, nhất là phần viết về y báo – chánh báo dẫn cảnh Thường Chiếu để ví dụ về tâm chuyển cảnh. Và trong hình dung của tôi, Thường Chiếu đầy tre già gai góc, có chút hoang sơ trầm mặc…
Cho đến Vu Lan năm nay tôi mới đủ duyên viếng Thiền Viện nổi tiếng này trong đoàn xe xuất phát từ quê hương Giá Rai- Bạc Liêu theo quốc lộ 1 cắt mấy tỉnh miền Tây, qua Sài Gòn, đến huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, xã Phước Thái; thực hiện giấc mơ một lần hành hương Thường Chiếu.
Đoàn xe giường nằm mới tinh nối nhau lần lượt dừng ở bãi đổ trước cổng trong của thiền viện- nơi đã đầy ắp xe to xe nhỏ đến từ những vùng miền khác nhau, khi thời gian mới chuyển chút ít khỏi mốc .. giờ! Thế là tôi ngồi hàn huyên với một vị sư ở liêu cốc trên nền cao, trong bóng đêm vẫn nhìn thấy nhiều cây cảnh. Thầy Thích Đạt Ma Minh Tấn mời trà Bắc hảo hạng khách phương xa và nói thiệt nhiều về..sinh vật cảnh! À, thì ra nhân vật này chính là người đã danh trấn giwosi chơi cây và sinh cảnh nói chung ở Bình Dương và cả nước với kỷ lục được tổ chức Ghi- nét VN xác lập: người chơi sinh cảnh có nhiều giải thưởng nhất VN, nghệ nhân Nguyễn Văn Năm – với 224 bằng khen huy chương (tính đến thời điểm xác lập), Chủ tịch hội sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương. Nhưng bây giờ đối diện với tôi là con nhà thiền, Thích Đạt Minh Tấn, nghệ nhân đã xuất gia sau khi đạt đến đỉnht cao đam mể và thành đạt trong kinh doanh. Thế là sáng hôm ấy tôi có cơ hội ..chệch kế hoạch khi “chi” nhiều thời gian để truy cập tìm kiếm thông tin về Thầy Minh Tấn – nghệ nhân Nguyễn Văn Năm!
Thiền Viện Thường Chiếu hiện ra trong nắng mai như bức tranh sơn sầu phủ vải được gỡ dần dần: một vùng đất phủ xanh cây dầu và sao cùng nhiều cây cảnh, đẹp. Tôi không hề thấy tre gai, lau sậy… Đấy cũng là bất ngờ thú vị.
Thiền viện vào Vu Lan thắng hội và đồng thời chính thức thực hiện các nghi thức kết thúc trường hạ cho tăng ni. Một loạt hoạt động có chuẩn bị đã diễn ra: thuyết pháp về Vu Lan, công ơn cha mẹ; cúng dường cho tăng – ni trường hạ; qui y cho nam nữ Phật tử…
Tôi đã có cơ hội khi được diện kiến Hòa thượng Sư Phó Thích Nhật Quang, nhưng lại buồn buồn khi không thực hiện mong cầu một lần vấn an Sư Ông Thanh Từ, bậc tôn túc đã viết rất nhiều sách quáng bá Phật pháp bằng ngôn ngữ bình dân nhất có thể. Âu cũng do chưa đủ duyên mà thôi…
Không khí Vu Lan ở Thường Chiếu không ồn ả như thấy ở nhiều nơi do tập trung đông người, những tiết mục vận hành tuần tự nhịp nhàng. Ấn tượng nhất với tôi chính là hình ảnh rất nhiều chú tiểu với tóc ba chỏm thành hàng nối bước thiền vào chánh điện sau khi băng qua những vạt dầu xanh tốt thắp tắp, trên những lỗi đi đầy đá dăm nhẹ nhõm dưới chân. Rồi nhiều cô cậu bé níu tay cha mẹ viếng chùa, có cháu trên xe nôi! Một hoạt cảnh về tình mẹ tình cha diễn ra sống động trong tiếng chuông trầm…
Tôi khí quên cậu bé trong áo lam ê a đọc thật to kinh Vu Lan cùng đại chúng trong Chánh Điện Tổ đình Thường Chiếu, quỳ bên cạnh là mẹ và chị gái. Cậu đọc to nhất có thể, và ngọng nghịu con trẻ, thỉnh thoảng người chị cạnh bên lại kín đáo nựng yêu lên má em trai! Không thể có môi trường nào giáo dục đạo hiếu tốt hơn chốn này, lúc này.
Chúng tôi lên xe rời Thiền Viện khi kết thúc thời kinh tối cùng các thầy và sư cô cùng phật tử khắp nơi, lục tục lên xe về quê khi đồng hồ chỉ con số 7 giờ tối. Những chiếc ô tô nối nhau cắt ngang Sài Gòn, chạy trong đêm…. Thường Chiếu âm vang tiếng ve ngân vang trong rừng dầu theo chúng tôi. Cậu trai trẻ đi cùng xe nói khẽ: âm thanh ve ngân này mai mốt nhớ lại chắc khó ngủ! Tôi hiểu cậu nói gì sau một ngày ở Thiền viện, chia sử với quý Thầy không gian thiền…
Cám ơn nhà xe Quốc – Khởi và Hòa Thuận đã phát tâm chuyên chở miễn phí phật tử vùng quê về dự lễ Vu lan ở chốn linh thiêng Thường Chiếu, đấy là nghĩa cử đẹp trong mùa Vu Lan, phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật mà…
Viết khi vừa đặt ba lô xuống, cảm xúc hãy nóng hổi trong lòng
Thành Công
Bạc Liêu- Đồng Nai 18/8/2016
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)