Nhiều người nghĩ rằng tu hành là do nơi tự tâm, nói cách khác là tu tâm. Nhưng tâm của con người thì muôn hình vạn trạng “công cũng đứng đầu mà tội cũng đứng nhất” nên biết tu tâm nào? Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, tuy là tu tâm nhưng tâm phải đặt đúng hướng thì mới có thể xuyên thủng vô minh, thành tựu tuệ giác, chứng đắc Niết-bàn.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ-kheo:
– Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sinh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm bị đặt sai hướng.
– Này các Tỷ-kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sinh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta biết tâm một người là uế nhiễm, Ta rõ biết: “Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy bị rơi vào địa ngục như vậy tương xứng”. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng tâm người ấy uế nhiễm.
Cũng do tâm uế nhiễm làm nhân như vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta biết tâm một người là thanh tịnh, Ta biết rõ: “Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy được sinh lên Thiên giới như vậy tương xứng”. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng tâm người ấy thanh tịnh.
Cũng do tâm thanh tịnh làm nhân như vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời này, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này.
(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng [trích])
LỜI BÀN
Nhiều người nghĩ rằng tu hành là do nơi tự tâm, nói cách khác là tu tâm. Nhưng tâm của con người thì muôn hình vạn trạng “công cũng đứng đầu mà tội cũng đứng nhất” nên biết tu tâm nào? Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, tuy là tu tâm nhưng tâm phải đặt đúng hướng thì mới có thể xuyên thủng vô minh, thành tựu tuệ giác, chứng đắc Niết-bàn.
Một trong những đặc điểm của tâm là dịch chuyển, thay đổi rất mau lẹ như vượn chuyền cành, như ngựa phi ngoài đồng cỏ. Tâm thay đổi, sinh diệt trong từng sát-na nên việc hướng tâm, giữ tâm an trú vào thiện pháp là điều chẳng dễ dàng. Thường thì ban đầu ai cũng tinh tấn, hăng hái tu tập nhưng về sau cứ giải đãi, biếng nhác dần và không ít người thối thất.
Như cây lớn, cành lá nghiêng về hướng nào thì khi bị cưa chắc chắn nó sẽ ngã về hướng đó. Như râu của hạt lúa mì, lúa mạch, nếu đặt đúng hướng mới có thể đâm thủng bàn chân. Cũng vậy, tâm của chúng ta phải nghiêng về giải thoát mới hướng cuộc đời về tịnh lạc. Tâm của chúng ta phải hướng về Giới-Định-Tuệ, vì chỉ có tuệ giác mới có thể chọc thủng vô minh. Do đó, tâm người tu phải luôn hướng về và an trụ trong Chánh pháp mới mong thành đạo nghiệp.
Ngày nay, người tu tuy nhiều nhưng người thành tựu đạo nghiệp Thánh hiền thì không nhiều. Vậy nên “đặt tâm đúng hướng” cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà mỗi người con Phật cần suy ngẫm và điều chỉnh để vượt thoát phiền não, thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)