Hai chữ Bồ Tát trong đạo Phật thường chỉ cho Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng và chư vị Bồ Tát mà trong các kinh sách thường tụng đọc đã giới thiệu công hạnh của quý Ngài.
– Định nghĩa hai chữ Bồ Tát. Bồ Tát theo sách giáo khoa Phật học là: “Giác hữu tình”; giác hữu tình là đem sự hiểu biết của tự chính mình hướng dẫn, bày vẽ, giới thiệu cho mọi người được sự hiểu biết để thực hành các việc làm có lợi ích cho mình và mọi loài chúng sanh.
Giáo Chủ của đạo Phật là Đức Phật Thích Ca, nhiều kiếp Ngài đã thực hành hạnh Bồ Tát; kiếp sống hiện tại là Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài xuất gia tu hành thành Phật để cứu độ chúng sanh. Đây là một vị đại Bồ Tát đã phát nguyện rộng lớn mà hiện tại đang tôn thờ.
– Công hạnh của các vị Bồ Tát trong cuộc đời này Theo cái nhìn của đạo Phật, cuộc đời này có những con người nguyện dấn thân vào con đường học hỏi, nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm để chế biến những loại thuốc cứu giúp cho đời; chế tạo các loại xe tàu để có phương tiện đi lại dễ dàng, các loại máy móc làm ruộng vườn để bớt đi sự vất vả về thân xác. Quý vị y Bác Sĩ, Thầy Cô giáo đã từng học hỏi để đem những kiến thức sẵn có giúp đở cho mọi người, mọi loài trong lúc đau ốm, và thể hiện tình thương giúp đỡ những trẻ mồ côi, những người nghèo khổ tàn tật, xây dựng nhà cửa, giếng nước cầu đường v.v… những công hạnh nầy từ Đông sang Tây đã có những con người đã hiến trọn đời mình cho nhân thế.
– Công hạnh của các vị đại Bồ Tát Hiện tại ở các chùa thờ tượng Bồ Tát, trong số đó phần nhiều thờ tượng Bồ Tát Quan Âm; Phật tử chúng ta thường niệm: Nam Mô Đại Từ Đại Bi tầm thinh cứu khổ Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu niệm mỗi khi có những biến động mới có sự khấn nguyện van xin; van xin cho bản thân, cho gia đình và đồng loại. Đứng về mặt tâm linh có hai phần: Tự lực và Tha lực. Phần chính mình nỗ lực tu tập hành trì các pháp môn để cho tự thân có nhiều an lạc trong cuộc sống (tự lực), và hướng đến chư Phật, chư vị Bồ Tát để mong cầu sự gia hộ mà mỗi khi chúng ta gặp nhiều bất trắc trong đời sống, tín ngưỡng phát xuất từ đây. Điều này không phải mê tín, bởi vì quý Ngài xuất gia tu hành thành đạo để cứu độ chúng sanh, như cha mẹ luôn nghĩ đến con cháu, mà con cháu phải hướng đến cha mẹ, mong sự thương tưởng giúp đỡ của cha mẹ (tha lực).
Bồ Tát Quán Thế Âm cũng như các vị Bồ Tát khác, quý Ngài có lòng từ bi rộng lớn, và chính tấm lòng bao la rộng lớn ấy cho nên nghe được tiếng kêu đau khổ của mọi loại chúng sanh mà mỗi ai đã sống trong biển đời đau khổ mới cảm nhận giá trị mầu nhiệm của chư vị Bồ Tát.
Trong kinh văn có đề cập: Gặp thời đói khát đau ốm hoạn nạn, chư vị Bồ Tát biến hóa thuốc thang lúa gạo đậu mè, hoặc nhiều hình tướng khác để cứu độ chúng sanh, nói đến đoạn nầy mấy ai tin được, hiểu được giá trị thiêng liêng của quý Ngài thương tưởng đến mọi loài chúng sanh. Một bà mẹ, như những bà mẹ suốt cả cuộc đời lo cho chồng con; những vị vua chúa, nguyên thủ quốc gia, các vị nầy có trách nhiệm với đất nước của mình mong làm sao dân tộc mình có sự văn minh tiến bộ và đời sống
của người dân được đầy đủ. Đó là những tâm niệm, những việc làm của những vị Bồ Tát hiện trên cõi đời nầy, chứ không phải chỉ có chư Phật, chư vị Bồ Tát mới làm được còn tất cả chúng ta chỉ đứng nhìn mong cầu về mọi phía…
Mọi loài chúng sanh đều mang lấy nghiệp quả; nghiệp nhân tác thành mới có nghiệp quả. Nhưng kết quả của mỗi chúng sanh đều có sự sai khác về mọi hình tướng, cho nên người học đạo hiểu được nghiệp lực của mỗi chúng sanh mà khởi động tâm từ bi. Thế giới của những thế kỷ trước đây và hôm nay có rất nhiều sự đau khổ, tất cả phát xuất từ tham, sân, si. Tham lam, sân hận và si mê là những nhân tố làm cho bản thân mình, gia đình mình và tất cả nhân loại chúng sanh nhiều đau khổ. Người tu học theo lời dạy của Đức Thế Tôn phải chánh niệm, tỉnh thức để diệt trừ những tham ái. Chúng ta cần phải nỗ lực tu tập, học hỏi, tụng kinh bái sám để chuyển hóa Tham, Sân, Si hầu tâm từ có thể phát khởi, nếu được như vậy, thế giới nầy mới được an lành hạnh phúc. Và nên nhớ nghĩ, thực hành qua những câu thường tụng đọc.
Chúng sanh không số lượng thề nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận thề nguyện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.
Viết tại Trường Hạ Quảng Đức 2016
HT. Thích Trường Sanh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)