Phật giáo ở Tây Nguyên: Thiểu số và tiếp tục giảm sút

Hình Phật giáo ở Tây Nguyên: Thiểu số và tiếp tục giảm sút
- Tác giả: admin

Bài viết này mời quý vị đọc tiếp, có thể là đọc lại, với những ghi nhận mới, trong loạt bài phản ánh tình trạng thiểu số hóa Phật giáo ở Tây Nguyên.

1. Giới thiệu
Đó là phần tiếp theo (phần 2) của bài “Thực trạng và đặc điểm tín hữu công giáo, Phật giáo, Tin Lành ở Tây Nguyên”, tác giả Ngô Quốc Đông.

Ở phần đầu của bài viết, hiện trạng Phật giáo hiện chỉ là tôn giáo đứng thứ 2 ở Tây Nguyên về số lượng tín đồ đã được ghi nhận Phật giáo đã là tôn giáo đứng sau đạo Ca tô La Mã và có số tín đồ xấp xỉ đạo Tin Lành.

Nhưng vị trí thiểu số đó liệu có giữ được? Bài viết tiếp theo của tác giả Ngô Quốc Đông cho thấy Phật giáo Tây Nguyên đang tiếp tục giảm sút số lượng, những cố gắng truyền bá vào người dân tộc thiểu số không có kết quả như các tôn giáo khác, cụ thể là Ca tô La Mã và Tin Lành.
Với cái nhìn từ bên ngoài, hình ảnh Phật giáo Tây Nguyên, Việt Nam đã được phản ánh trong trạng thái u ám, bế tắc, suy sụp so với các tôn giáo khác, mặc dù tác giả bài viết đã cố tỏ vẻ khách quan miêu tả tình hình chung của các tôn giáo, không tập trung vào một tôn giáo nào ở Tây Nguyên.
Ngoài một số cố gắng mà được coi là không kết quả, hoặc kết quả rất hạn chế, nếu so sánh với các tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam sẽ làm những gì trước thực tại này?
Hay cũng như những thế hệ trước đây, những nhà sư Phật giáo vẫn ngơ ngơ ngác ngác trước hiện thực đáng buồn của Phật giáo Việt Nam mà họ không thể có khả năng nhận thức, trốn tránh không nhận thức, mặc cảm không nhận thức, bất lực không nhận thức, hèn nhát không nhận thức.
Tây Nguyên là một bộ phận mật thiết và quan trọng của đất nước. Sự suy thoái, thiểu số của Phật giáo ở Tây Nguyên chính là sự suy thoái và thiểu số hóa của Phật giáo Việt Nam. Dường như các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cũng chưa ý thức được điều này.

Sự suy thoái và thiểu số hóa Phật giáo ở Tây Nguyên không phải là điềm triệu tiên báo, không phải chuyển gỡ cho việc tương lai sẽ xảy đến, mà là một sự thực đã diễn ra, và là một phần sự thực của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

2. Giới thiệu xuất xứ
2.1. Tên bài: “Thực trạng và đặc điểm tín hữu công giáo, Phật giáo, Tin Lành ở Tây Nguyên”, bài tiếp theo và hết.
2.2. Tác giả: Ngô Quốc Đông, Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
2.3. Xuất xứ: Nguyệt san “Công giáo và Dân tộc”, số 255, tháng 3/2016, trang 117-136.
3. Trích dẫn giới thiệu: 
“Dù cuộc thăm dò ở Tây Nguyên của đề tài chưa đủ điều kiện thực hiện quy mô lớn, thì việc thăm dò đối tượng nghiên cứu là cộng đồng Công giáo, Phật giáo và Tin Lành thuộc các DTTS dù sao cũng đã cung cấp dữ liệu cơ bản cho thấy:
– Cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên theo đạo Công giáo và Tin Lành là một thực tại xã hội đã khá ổn định về “tính tôn giáo” và “tính xã hội”. Đó là các “thực thể tôn giáo”. Họ không chỉ có số lượng đông đảo, bố trí hầu khắp các địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên và mỗi tôn giáo tỏ ra là một cộng đồng có cảm thức tôn giáo khá sâu sắc, nhận thức về những đặc thù tôn giáo hệ phái của mình theo khá cơ bản. Điều này khiến vấn đề Công giáo và Tin Lành ở Tây Nguyên khác hẳn tất cả các khu vực khác.

– Nhận thức về nhu cầu tôn giáo của cộng đồng Ki tô giáo này ở Tây Nguyên vừa có điểm chung với tín hữu ở khu vực khác nhưng cũng có những đặc riêng phản ánh nhu cầu tâm linh, tâm lý của đồng bào ở một khu vực mà vấn đề tôn giáo những năm qua rất phức tạp và có nhiều biến động. Chẳng hạn riêng Tin Lành ở Tây Nguyên thì nhu cầu mong muốn được công nhận các điểm nhóm để có điều kiện hợp pháp xây dựng, tu bổ nhà thờ, nhà nguyện cho đến sinh hoạt nhóm lễ của cộng đồng thường xuyên hơn là nhu cầu cầu nguyện tại gia đình. Cuộc khảo sát cho thấy 91,1% số tín hữu Tin Lành mong muốn có nơi thờ phượng Chúa khang trang, 77,5% muốn có đủ Kinh Thánh, Thánh Ca, các văn phẩm Cơ Đốc, 54% ý kiến cho rằng còn thiếu kinh sách, văn phẩm Cơ đốc bằng tiếng dân tộc…

Trong khi tín hữu Công giáo là người DTTS chủ yếu là người Ba Na, người Gia Rai ở tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai thì người tín hữu theo đạo Tin Lành lại chủ yếu tập trung ở nhóm người Giẻ-Triêng (Kon Tum), người Ê Đê ở Đắc Lắc, người Hmong di cư từ phía Bắc vào chủ yếu tập trung ở Đắc Lắc và người Mnong ở Đắc Nông, người Cơ Ho, Mạ ở Lâm Đồng. Điều này cho thấy sự khác biệt rất lớn của nhóm tôn giáo thuộc Ki tô giáo so với Phật giáo. Cùng một địa bàn nhưng đại bộ phận người theo Phật giáo là người Kinh. Điều này đặt ra vấn đề nghiên cứu về sự tương đồng giữa giáo lý và thực hành tôn giáo của nhóm Kito giáo với nhân sinh quan và thế giới quan nhiều đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Phải chăng sự tương đồng, cùng với sự thực hành tôn giáo phù hợp với điều kiện sinh hoạt là nguyên nhân chủ chốt của việc chuyển đổi niềm tin tôn giáo ở đồng bào các DTTS?
Tính đặc thù trong cơ cấu Công giáo ở Tây Nguyên thể hiện ở việc chiếm một tỷ lệ không nhỏ là người đồng bào DTTS. Tổng hợp các số liệu của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy: từ khi thành lập các giáo phận đến năm 1975, bình quân số giáo dân tăng gần 1,3 lần (trong đó nhóm giáo dân là DTTS tăng 1,8 lần). Từ năm 1975 đến 2010 (hơn 35 năm) số giáo dân tăng rất nhanh: gấp 4,6 lần (trong đó giáo dân là DTTS tăng hơn 8 lần). Trung bình mỗi năm có trên 8.500 đồng bào DTTS trở thành tín hữu Công giáo. Do tín hữu tăng nhanh nên các nhu cầu sinh hoạt và hoạt động tôn giáo ngày càng phát sinh với mức độ lớn, chủ yếu là nhu cầu đào tạo giáo sĩ, xây dựng cơ sở thờ tự. Vì vậy không tránh khỏi những vấn đề phức tạp trong công tác quản lý hoạt động của đạo Công giáo.
Số liệu tín hữu dân tộc thiểu số trên tổng số tín hữu Công giáo ở Tây Nguyên qua các thời kỳ (4) [lược đi trong bản đăng Facebook].

Trong ba tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành thì tín hữu là người DTTS tập trung chủ yếu ở đạo Tin Lành. Từ sau năm 1975, đạo Tin Lành ở Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, gia tăng cả về số lượng tín hữu, địa bàn hoạt động và tổ chức hệ phái. Nhìn vào các số liệu cho thấy, Tin Lành tăng người theo trong vùng đồng bào DTTS. Hiện nay cả nước có khoảng một triệu người theo Tin Lành, trong đó có khoảng 630.000 người của hơn 40 DTTS theo Tin Lành (chiếm 67,54% trên tổng số tín hữu), đông nhất là dân tộc: Hmong (174.429 người), Ê Đê (113.048 người), Gia Rai (76.355 người), Cơ Ho (61.122 người). (7).

Có một mức độ gia tăng đáng kể lượng người Tin Lành trong các DTTS ở Tây Nguyên trong những năm gần đây so với Công giáo. Nếu năm 2004, có 15% dân số trên địa bàn là tín hữu Công giáo, trong đó DTTS chiếm 14,3% trong số ấy thì đến năm 2009, tỷ lệ tương ứng là 15,9% (trên số dân toàn địa bàn) và 16,2% (đối với các DTTS). Trong khi đó năm 2004, số tín hữu Tin Lành trên địa bàn Tây Nguyên chỉ chiếm 6,5% dân số thì đến năm 2009 tăng lên 7,2% dân số. Điều đáng nói là sự tăng trưởng đó chỉ tập trung trong đồng bào các dân tộc ít người: năm 2004 người DTTS chiếm 19,3% trên tổng số tín đồ của tôn giáo này, đến năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên 21,1%. Một điểm rất đáng lưu ý nữa là: nếu số tín hữu Kito giáo là người DTTS chiếm 31% trên tổng số tín hữu Ki tô ở Tây Nguyên thì trong đó tín đồ DTTS của đạo Tin Lành tăng nhanh và luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với Công giáo. (8).
Khác hoàn toàn với Tin Lành và Công giáo, Phật tử đa số là người Kinh. Tỷ lệ người DTTS theo đạo Phật rất ít. Theo một nghiên cứu năm 2009 cho thấy: Nếu như trên toàn địa bàn Tây Nguyên năm 2004 có 11,95 dân số theo Phật giáo thì năm 2009 giảm xuống còn 11,4%. Tỷ lệ này của đồng bào các DTTS là 0,4% cho năm 2004 và 0,6 tại thời điểm tháng 6.2009. Mặc dù tỷ lệ người theo đạo Phật có tăng trong đồng bào DTTS nhưng vẫn ở mức rất thấp so với Công giáo và nhất là so với Tin Lành. (9).

Những con số trên có thấy Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế với người Kinh. Và hiện nay có một xu hướng mới, Giáo hội Phật giáo ở Tây Nguyên đang nỗ lực truyền giáo cho người DTTS. Tuy nhiên việc này không hẳn chỉ nỗ lực là đủ. Nó còn phụ thuộc vào lợi thế “ảnh hưởng tự nhiên” của tôn giáo này đối với đồng bào DTTS. Về lợi thế này, xem ra Công giáo, đặc biệt là Tin Lành có nhiều điểm mạnh hơn.

Phật giáo ở Tây Nguyên: Thiểu số và tiếp tục giảm sút image-1731749209834

Nội dung sách Công Giáo và Dân tộc

Đó là chưa kể đến việc truyền giáo của chức sắc Phật giáo thật khó mà thực hiện theo cách chứng đạo của đạo Tin Lành, hay hoạt động theo hình thức Giáo phu của Công giáo.
2.3. Đặc điểm về phân bố
Do yếu tố lịch sử hình thành và du nhập khác nhau nên ba tôn giáo chính ở Tây Nguyên là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành có sự phân bố cũng không đồng đều ở các tỉnh trên địa bàn.
Nhìn chung giáo dân ở Tây Nguyên chia thành 3 bộ phận. Bộ phận có nguồn gốc Bắc, được di cư đến Tây Nguyên thời điểm 1954-1955; bộ phận di cư đi làm kinh tế mới sau năm 1975; bộ phận là đồng bào DTTS tại chỗ theo Công giáo như Ba Na, Xơ Đăng (chủ yếu ở Kon Tum); Gia Rai, Ê Đê, Vân Kiều… (Gia Lai, Đắc Lắc); Cơ Ho, Cil… (Lâm Đồng)… Ba thành phần giáo dân này có những khác biệt trong cư trú và điều kiện kinh tế. Bộ phận di cư 1954-1955 có địa bàn tập trung chủ yếu ở vùng nam Tây Nguyên là Đắc Lắc và Lâm Đồng. Các làng Công giáo thường được tập trung thành các vùng định cư dọc các quốc lộ chính như quốc lộ 14, hoặc ở các cửa ngõ hướng tới Sài Gòn. Trước năm 1975, Tây Nguyên đã có ba giáo phận với ba Tòa Giám mục như ngày nay. Trước đây, nhất là giai đoạn trước năm 1963, phần lớn việc hình thành, bố trí các tổ chức giáo xứ là những nơi trọng điểm, xung yếu như cửa ngõ ra vào các thành phố, thị xã, cạnh các sân bay, căn cứ quân sự.
Trong khi đó bộ phận Công giáo đầu tiên theo đạo ở Tây Nguyên thì chủ yếu nằm ở phía bắc Tây Nguyên là Kon Tum chủ yếu là người Ba Na, Xơ Đăng. Còn bộ phận di cư làm kinh tế mới sau năm 1975 thì phân tá đều ra các tỉnh, hình thành các xứ họ đạo mới những không quá xa những cụm Công giáo đã hình thành từ 1954-1955 để tiện sinh hoạt đạo, và thường là nhóm người Kinh làm kinh tế nên địa điểm gần các trục giao thông thuận tiện.

Nhìn vào số liệu Tin Lành có thể thấy tâm điểm tập trung tín hữu Tin Lành nằm ở giữa (miền Trung) của Tây Nguyên. Ở phía Bắc Tây Nguyên, hoạt động của Tin Lành chủ yếu tập trung vào Hội Truyền giáo Cơ đốc, chủ yếu ở huyện Đắc Glei-Kon Tum, đến nay không quá 20.000 người Còn lại đa phần tín hữu tập trung ở hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc. Ở phía Nam, Lâm Đồng tuy không đông tín hữu nhất nhưng lại là nơi có nhiều hệ phái Tin Lành hoạt động nhất.

Vấn đề Tin Lành ở Tây Nguyên không chỉ dừng ở lực lượng DTTS tại chỗ mà liên quan đến cả vấn đề di cư. Tình trạng người Hmong theo đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào đã làm các vấn đề liên quan đến diện tích rừng, liên quan đến du canh du cư, ổn định chỗ ở, biến động dân số… có một số khó khăn. Ước tính hiện nay có khoảng 40.000 tín hữu người Hmong di cư vào Tây Nguyên. Nhóm người Hmong theo Tin Lành di cư vào Tây Nguyên chủ yếu tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông.
Việc gia tăng các hệ phái hoạt động, đặc biệt từ sau năm 2005 đến nay cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề Tin Lành. Nếu trước đây ở Tây Nguyên chủ yếu là hoạt động của Tin Lành thuộc hệ phái CMA, và Hội Truyền giáo Cơ đốc thì nay có tới hơn 30 hệ phái khác nhau cùng hoạt động truyền giáo.
Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai ở Tây Nguyên xét về mặt số lượng. Sự phân bố Phật giáo tăng dần theo phía Nam Tây Nguyên. Càng về phía Nam Tây Nguyên thì Phật giáo càng đông. Số lượng Phật tử ít nhất là phía bắc Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum) và đông nhất là phía Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng). Hiện chưa có lý giải cặn kẽ cho việc phân bố này. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân của việc phân bố này liên quan đến giao thông và các chương trình di dân đến các tỉnh Tây Nguyên thời điểm trước đó. Trong đó có di chuyển dân cư theo các chương trình đi vùng kinh tế mới của Nhà nước và các cuộc di dân tự phát sau đó. Và theo một cách tự nhiên, Phật giáo dường như là một tôn giáo chủ lưu của người Kinh, nên ở đâu người Kinh di cư đến thì sớm muộn cũng hình thành các cơ sở tôn giáo của Phật giáo.

So với Công giáo và Tin Lành, nhìn chung Phật giáo có đội ngũ chức sắc, chức việc và các cơ sở thờ tự nhiều hơn. Điều này cho thấy Phật giáo có những điểm mạnh hơn các tôn giáo khác về nhân sự và cơ sở vật chất. Phật tử đa phần là người Kinh, có điều kiện và trình độ tốt hơn đồng bào DTTS. Đây cũng là nguồn tiềm lực quyên góp cho việc xây dựng và phát triển các cơ sở thờ tự của Phật giáo.

Tóm lại, việc phân bố các tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên phụ thuộc rất lớn và chiến lược truyền giáo của từng tôn giáo. Trong đó các tôn giáo thường tranh thủ tối đa các điều kiện lợi thế tự thân, điều kiện chính trị, giao thông để phát triển đạo. Bên cạnh đó việc phân bố còn do tác động của các cuộc di dân theo kế hoạch của Nhà nước và đặc biệt là di dân tự do từ các vùng khác đến Tây Nguyên.
2.4. Đặc điểm về cộng đồng tôn giáo tộc người
Có một thực tế là quá trình phát triển kinh tế thị trường, việc chuyển đổi canh tác kèm theo sự suy giảm của diện tích rừng đã ảnh hưởng đến các cộng đồng DTTS tại chỗ. Trong khi các liên kết cộng đồng qua vai trò của già làng, q ua lợi ích kinh tế cộng đồng không ổn định thì yếu tố tôn giáo lại nổi lên như một chất keo kết dính cộng đồng DTTS một cách bền chặt.
Công giáo là một tôn giáo lớn nhất (10) và lâu đời (11) ở Tây Nguyên hiện nay đã thành một phần quan trọng trong sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần của cư dân nơi đây. Công giáo đã trở thành một thiết chế tạo liên kết chặt chẽ, ổn định, tồn tại xuyên thời gian và các thể chế chính trị. Đặc điểm của cộng đồng Công giáo vùng đồng bào DTTS là liên kết chặt chẽ dưới sự thống nhất điều hành chung về sinh hoạt đạo theo các cơ cấu hành chính đạo từ cấp giáo phận đến giáo hạt, giáo xứ, giáo họ và các điểm truyền giáo.
Tính cộng đồng tôn giáo tộc người thể hiện mạnh mẽ ở việc lấy niềm tin tôn giáo làm yếu tố gắn kết các nhóm sắc tộc. Các linh mục ở địa bàn Tây Nguyên thường là các linh mục chuyên về truyền giáo, nên có khả năng hội nhập văn hóa và sáng tạo rất cao trong các phương thức truyền giảng. Có nhiều người thông thạo tiếng dân tộc, biết đưa nghi lễ thờ phụng Thiên Chúa gắn với các phong tục truyền thống của đồng bào, dịch Kinh Thánh sang tiếng dân tộc… Nhìn chung họ là những người giỏi quy tụ và kết nối các tín hữu. Riêng tổ chức Giáo phu là một đặc trưng riêng biệt chỉ ở Tây Nguyên mới có. Đó là tổ chức của các thầy giảng, dạy giáo lý người DTTS số được đào tạo bài bản và chuyên biệt bởi Giáo hội nhằm ba mục đích: phát triển đạo; giữ đạo và hội nhập niềm tin Công giáo với văn hóa bản địa của Tây Nguyên.
Quá trình phát triển của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên từ trước 1975 đến nay thực đã hình thành nên một thiết chế tôn giáo-tộc người ở cộng đồng Tin Lành Tây Nguyên. Đặc điểm của thiết chế này là có chất liên kết là tôn giáo, nên mang tính nhạy cảm cao và bên cạnh yếu tố văn hóa tộc người thì cộng đồng này lấy niềm tin tôn giáo là sợi dây gắn kết chính giữa các cá nhân, tạo thành các nhóm sắc tộc cùng sở hữu chung các giá trị và niềm tin tôn giáo.
Hiện nay Phật giáo cũng đang cố gắng để xây dựng hình ảnh của mình trong cộng đồng DTTS. Trên thực tế đã xuất hiện các cộng đồng dân tộc-tôn giáo do Phật giáo gây dựng bên cạnh các cộng đồng tôn giáo-dân tộc vốn chiếm ưu thế của Công giáo và Tin Lành.
Trong các hoạt động của Phật giáo ở Tây Nguyên thì hoạt động hướng tới việc truyền giáo cho đồng bào DTTS cũng được Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh coi trọng. Việc truyền giáo sắc tộc có kết quả rất khiêm tốn. Sự kiện hơn 3.000 người DTTS chủ yếu ở huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum quy y năm 2009 được xem là điểm nhấn của Phật giáo cả nước cho việc truyền giáo sắc tộc. Dù vậy nhìn chung toàn vùng, số người DTTS theo Phật giáo không nhiều. Điều này có thể từ nguyên nhân khách quan là giáo lý Phật giáo, hay các quy định về tu tập chưa hợp với nhiều cư dân dân tộc tại chỗ. Mặc khác cho thấy hoạt động truyền giáo của Phật giáo không đem hiệu quả như Công giáo và Tin Lành.

Rõ ràng trong văn hóa Tây Nguyên hiện nay không thể không nói đến các tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin Lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là “cộng đồng tôn giáo-tộc người”. Đặc trưng của cộng đồng tôn giáo-tộc người là nó đã kích đẩy những chủ nhân bị yếu thế ở chính vùng đất của họ, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Điểm này ưu trội hơn so với tính khép kín của văn hóa buôn làng. Cộng đồng tôn giáo-tộc người đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, phờ phượng. Nó vượt qua sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.

2.5. Đặc điểm về chuyển đổi niềm tin tôn giáo
Quá trình toàn cầu hóa giao lưu kinh tế văn hóa giữa Tây Nguyên và các miền khác đã thúc đẩy hiện tượng chuyển đổi niềm tin tôn giáo rất đáng chú ý, đặc biệt là sự cải đạo của nhiều đồng bào DTTS từ tôn giáo truyền thống sang đạo Tin Lành.
Trong khu vực Tây Nguyên, việc hình thành cộng đồng Ki tô giáo đã có từ hơn 100 năm qua. Thực chất đây là hiện tượng chuyển đổi niềm tin tôn giáo diễn ra sâu sắc và rộng lớn trong toàn vùng. Nhìn một cách tổng quát, quá trình chuyển đổi niềm tin được diễn ra theo các xu hướng sau đây:
Thứ nhất, chuyển từ các tôn giáo truyền thống (chủ yếu là hồn linh giáo) qua đạo Công giáo. Hiện tượng này xảy ra sớm ở khu vực bắc Tây Nguyên từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phổ biến là người Ba Na, Xơ Đăng theo Công giáo.
Thứ hai, chuyển từ các tôn giáo truyền thống (tín ngưỡng) qua đạo Tin Lành. Hiện tượng này xảy ra vào khoảng trước những năm 1950 của thế kỷ 20, phát triển mạnh vào giai đoạn 1954-1975 và phát triển ồ ạt từ sau năm 1990, đặc biệt là sau Chỉ thị 01 của Chính phủ ban hành năm 2005.
Thứ ba, chuyển từ Công giáo qua Tin Lành (rất ít trường hợp chuyển đổi ngược lại). Hiện tượng này phát triển muộn hơn khi đạo Tin Lành được cho công nhận đăng ký sinh hoạt theo quy định của pháp luật, và có nhiều hệ phái Tin Lành củng hướng tới khu vực Tây Nguyên truyền giáo. Khi ấy vì nhiều tôn giáo và nhiều các hệ phái Tin Lành cùng phát triển trên địa bàn, nên các niềm tin tôn giáo rất đa dạng mà mỗi người có thể lựa chọn theo niềm tin của tôn giáo này hay chối bỏ niềm tin đối với tôn giáo khác.
Thứ tư, chuyển từ hệ phái Tin Lành này sang một hệ phái Tin Lành khác. Về sự chuyển đổi này, thực chất đối tượng thiêng của tôn giáo không thay đổi (chẳng hạn vẫn thờ phụng duy nhất Chúa Trời) nhưng tính chất về đối tượng thiêng trong nhìn nhận của người tín hữu có thể thay đổi (chẳng hạn theo Chúa của tôi thấy được nhiều lợi ích hơn Chúa của anh). Như vậy việc chuyển đổi niềm tin trong tình huống này phụ thuộc nhiều vào chủ thể của công cuộc truyền giáo của các hệ phái (cho tiền tân tín hữu, cạnh tranh lôi cuốn, kế hoạch khuyếch trương…) và khách thể là đối tượng được truyền giáo (thấy nghi lễ tiện lợi, tiết kiệm, có lợi khi theo, hấp dẫn…). Trong trường hợp này cũng có thể người cải đạo vẫn am hiểu sâu sắc giáo lý của tôn giáo, nhưng bản thân họ không tán thành cơ chế của tôn giáo đó, họ chuyển sang một hệ phái khác cách điều hành hợp với họ hơn. Ở đây sự rạn nứt chỉ diễn ra trên bình diện cơ chế mà thôi.
Sau thời kỳ dài Tin Lành chiếm ưu thế, hiện nay đang có sự phục hồi Công giáo ở Tây Nguyên. Sở dĩ có chuyện này vì những năm gần đây Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn xác định thúc đẩy thần học giáo dân, bên cạnh đó Giáo hội cũng chủ trương tái truyền giáo và hội nhập văn hóa. Đây là ba mục tiêu cơ bản để phát triển đạo. Riêng đối với vùng DTTS, Giáo hội càng coi trọng giành lại các vị trí đã mất.
Việc chuyển đổi niềm tin tôn giáo phụ thuộc vào hai yếu tố là tính cố kết cộng đồng dựa theo các niềm tin truyền thống, và đặc biệt là các nỗ lực cải cách truyền giáo của Ki tô giáo. Những năm gần đây, nỗ lực hội nhập văn hóa của đạo Công giáo ở Tây Nguyên đã được đặt trên một bình diện mới, sâu sắc và nâng cao tầm vóc. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhất là thời điểm 1975-1980, điều kiện hoạt động tôn giáo nói chung và truyền giáo nói riêng tại Tây Nguyên không còn như trước (12), song chức sắc Công giáo ở lại vùng này vẫn xác định: Tây Nguyên là “cánh đồng truyền giáo” rộng lớn mà trong đó phát triển tín hữu người DTTS vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Cho nên giáo hội địa phương nơi đây tiếp tục tranh thủ các điều kiện và tìm mọi cách để xâm nhập vào vùng DTTS, thu hút đồng bào dân tộc tại chỗ để nhằm ngăn ngừa hiện tượng phai nhạt đạo, giữ số tín hữu và phát triển giáo dân dự tòng đã có; đồng thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động truyền giáo ở vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh không còn nhiều thuận lợi so với thời kỳ trước năm 1975. Nổi trội trong những hoạt động của Giáo hội thời kỳ này là đã truyền tải được tinh thần Vatican II vào việc hội nhập niềm tin tôn giáo với văn hóa dân tộc, nổi bật phải kể đến các nhóm các linh mục dòng Chúa Cứu Thế hoạt động ở giáo phận Kon Tum (13).
Từ sau năm 1985 đặc biệt từ sau năm 1990, Công giáo tại Tây Nguyên đã tranh thủ được những công tác viên truyền giáo là người Kinh nhưng có trình độ học vấn và sự nhiệt thành phục vụ. Họ đã có những đóng góp tích cực cho việc phục hồi và phát triển tín hữu tại các vùng đồng bào dân tộc Gia Rai (14).
Những năm gần đây, hoạt động của Công giáo tại Tây Nguyên chú ý nhiều đến việc tái hình thành các Trung tâm mục vụ, tạo dựng các điểm hành hương Đức Mẹ… để cổ vũ niềm tin cho các tín hữu, đặc biệt là các tín hữu dân tộc. Theo linh mục Trần Sĩ Tín thì họ (20.000 tín hữu DTTS) cảm thấy “hiệp thông, yêu thương và tôn trọng nhau”, “không còn cảm thấy cô đơn mà vững tin hơn rất nhiều” (15). Các Tòa Giám mục chú trọng đào tạo lực lượng linh mục, chức việc, giáo lý viên; khuyến khích các linh mục, tu sĩ học tiếng dân tộc phục vụ lâu dài cho việc truyền giáo. Trong suốt nhiều năm, Giáo hội luôn chủ trương dùy trì một đội ngũ giáo sĩ nói được ngôn ngữ của các cộng đồng DTTS và hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào. Tất cả các linh mục, tu sĩ hoạt động ở vùng DTTS phải biết hoặc sử dụng thành thạo tiếng của các dân tộc để truyền giảng Kinh Thánh và tổ chức đời sống cho giáo dân; nhờ vậy đã làm tăng sức hút và mức độ phổ cập giáo lý cho những người không phải là Công giáo.
Với người DTTS ở Tây Nguyên dám từ bỏ vũ trụ luận của họ về Trời để tìm đến Thiên Chúa là xuất phát từ sự chuyển đổi niềm tin dưới góc độ biến đổi về nhân sinh quan và thế giới quan của họ, trong đó trường hợp người Hmong là một điển hình. Tuy nhiên còn có nhiều cách tiếp cận để giải thích khác về nguyên nhân theo đạo Tin Lành của đồng bào DTTS dưới các góc độ như:
– Dưới khía cạnh tâm lý, cần tìm hiểu rõ động lực của việc chuyển đổi niềm tin. Người đổi đạo bị hấp dẫn bởi chân lý tôn giáo mà các tôn giáo khác mang lại hay do quyền lợi, hoặc bị lôi cuốn…
– Về hiệu ứng, việc chuyển đổi niềm tin tôn giáo không chỉ dừng ở góc độ chuyển đổi đối tượng thần linh (tin Chúa hay theo Phật), có thể hiệu ứng đó còn tác động sâu xa tạo một sự hoán cải toàn diện với cuộc sống của người chuyển đổi, chẳng hạn biến từ một con người nghèo khổ tự ti thành một người tự tin khá giả – mà bản thân sự hoán cải này với những niềm tin trước đó chưa thể làm biến chuyển với đối tượng cải đạo.
– Đạo Tin Lành đã tỏ ra tính cách của một tôn giáo hiện đại, phù hợp (khách quan) với nhu cầu toàn cầu hóa. Trong đó chú trọng tới các khía cạnh liên kết, vai trò thủ lĩnh nhóm, tạo các động lực kinh tế, sức khỏe, vấn đề dân chủ và bình quyền nam nữ… “Trước khi tin Chúa thì không có cái ăn, không có cái mặc, sau khi đạo đã đến thì ở đây ăn cũng tàm tạm, mặc cũng đầy đủ, không ai còn nghĩ đến cúng bái nữa, mà đầu tư tiền của làm ăn. Đồng bào nhận ra lợi ích của Tin Lành nên đồng bào theo” (16).
– Vấn đề tạo ra bản sắc mới đối với chính sách các cư dân vốn là chủ thể lâu đời ở Tây Nguyên từ việc thay đổi niềm tin từ tôn giáo truyền thống (tín ngưỡng) sang Ki tô giáo. Chẳng hạn tính liên kết qua niềm tin, vai trò của các thủ lĩnh nhóm nhỏ (trưởng điểm nhóm), thay đổi về tang ma, hôn nhân…
– Dưới góc độ pháp lý, việc con người có thể thay đổi niềm tin tôn giáo là một khía cạnh tích cực của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vấn đề này là điểm mạnh trong quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nhưng lại ít được đề câp.
2.6. Đặc điểm về xung đột niềm tin tôn giáo
Nhìn một cách toàn diện từ lịch sử cho đến hiện tại thì ở Việt Nam chưa bao giờ có xung đột niềm tin theo nghĩa biến thành các cuộc chiến tranh tôn giáo. Và cũng không thấy có sự báng bổ của tôn giáo này với thủ lĩnh hay niềm tin của tôn giáo khác, rồi từ đó biến thành một trào lưu xung đột niềm tin tôn giáo sâu sắc như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên thế giới hiện nay.
Và như vậy đặt vấn đề xung đột niềm tin ở đây chúng ta cần xem xét dưới các góc độ cá nhân, gia đình và các nhóm cư dân khi cùng một sự gắn kết về mặt sắc tộc nhưng trong quá trình đa dạng hóa tôn giáo ở Tây Nguyên đã kéo theo sự chuyển đổi niềm tin và sự chuyển đổi này dẫn đến xung đột giữa các nhóm theo tôn giáo truyền thống với nhóm chuyển đổi niềm tin sang Ki tô giáo.
Đặt vấn đề xung đột niềm tin giữa tôn giáo truyền thống và các tôn giáo khác du nhập vào địa bàn Tây Nguyên suốt hơn 100 năm qua, đặc biệt là Ki tô giáo cũng cần phải nhìn nhận từ việc xung đột các giá trị chân lý của chính các tôn giáo.
Tôn giáo nào cũng mang trong mình “giá trị chân lý” riêng và coi đó là những điều cần phải truyền đạt tới mọi người. Tuy nhiên với đạo Tin Lành thì giá trị đó được nhìn nhận trong một mẫu hình Chúa Trời có chất độc tôn và tuyệt đối. Điều này khiến người tin nhận phải từ bỏ nhiều giá trị truyền thống trước đó, đặc biệt là cấm thờ các loại thần linh, ngẫu tượng khác. Những thờ phượng đó thường bị giáo lý Tin Lành coi là “mê tín” hoặc “tà thần”, “ma quỷ”… Như vậy, chân lý niềm tin của đạo Tin Lành khác với một số tôn giáo lâu đời khác có thể theo những tôn giáo này trong sự dung hợp với các phong tục truyền thống khác như việc đồng thời thờ cúng ông bà tổ tiên. Việc phổ biến một “chân lý” như vậy, ắt hẳn đặt ra cho Tin Lành phải có một quá trình truyền đạo bài bản để làm chứng cho Tin mừng của Chúa. Đồng thời cũng đặt ra những khó khăn về xung đột niềm tin ở cấp độ cá nhân, gia đình hay giữa các nhóm sắc tộc. Kết quả cuộc khảo sát trên cho thấy 12,5% số người được hỏi trả lời là gặp sự phản đối của gia đình và bạn bè khi theo đạo Tin Lành.
Tuy nhiên cũng cho thấy số người bị phản đối này thường là ở vào trường hợp chuyển đổi niềm tin (cải đạo), còn phần lớn người tân tín hữu của Tin Lành theo đạo theo truyền thống gia đình, con số này theo cuộc khảo sát là 61,9%.
Tóm lại xung đột niềm tin tôn giáo ở nhóm theo Ki tô giáo với nhóm sở hữu niềm tin tôn giáo truyền thống ở Tây Nguyên trên thực tế là các xung đột giá trị của các tôn giáo, diễn ra chủ yếu ở cấp độ cá nhân, gia đình. Chẳng hạn đó là sự bất hòa giữa các thành viên trong một gia đình có người cha theo tôn giáo truyền thống trong khi vợ hoặc con lại theo Công giáo hoặc Tin Lành, hay như giữa các nhóm mới theo Tin Lành với các nhóm giữ niềm tin trung thành của mình với tôn giáo truyền thống. Nhìn một cách chung nhất, các xung đột niềm tin tôn giáo kể trên chưa thể phá vỡ được tín liên kết tộc người hoặc quá trình cố kết dân tộc bền chặt đã hình thành từ lâu. Việc cố kết dân tộc (nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một) vẫn là trục chủ lưu chi phối các nhóm sắc tộc và tôn giáo, và đó cũng là chủ trương chính mà các cấp chính quyền triển khai từ lâu. Do đó xung đột niềm tin trên thực tế chỉ dừng ở cấp độ bất đồng nội bộ nhóm nhỏ. Tuy nhiên, việc xung đột niềm tin hay sự cơ cấu lại niềm tin tôn giáo giữa các nhóm cư dân khác nhau đã có tác động đến sự phân bố lại nguồn lực xã hội và tạo ra những liên kết xã hội mới, mà ở đó chất keo kết dính không chỉ đơn thuần dựa vào tộc người hay dòng họ mà dựa trên các hình thức sở hữu chung về cùng một niềm tin tôn giáo và các nghi thức thực hành tương ứng thể hiện niềm tin đó.
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, những bất đồng về chân lý giữa các tôn giáo, nói cách khác, mầm mống của các xung đột niềm tin được hóa giải bằng các ủy ban hòa hợp tôn giáo, hay đối thoại niềm tin giữa các tôn giáo. Ở Tây Nguyên việc đối thoại ở cấp vĩ mô này chưa nhiều, nhưng trên thực tế việc trao đổi giữa các chức sắc vẫn diễn ra, chẳng hạn khi họ cùng tham gia vào một diễn đàn do Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức. Qua phỏng vấn sâu chức sắc của ba tôn giáo này cũng cho thấy chỉ báo là họ thường xuyên có những cuộc tương giao thăm hỏi lẫn nhau. Đó là sự khởi đầu để mọi tôn giáo có thể cùng hài hòa truyền bá chân lý giải thoát, cứu rỗi của mình mà không lo xảy ra xung đột, nhất là điều này được tạo dựng trong một truyền thống hòa đồng, và ít có sự báng bổ hay bêu xấu nhau về niềm tin giữa các thủ lĩnh tôn giáo.

Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu tôn giáo năm 2013 bước đầu cũng cho thấy tính khoan dung giữa các niềm tin trong quan niệm của người tín hữu các tôn giáo cũng khá cao. Chẳng hạn có 72.3% tín hữu Tin Lành được hỏi trả lời đồng ý với việc đạo Tin Lành cần giữ gìn văn hóa cổ truyền của làng buôn, dân tộc mình, 53.3% đồng ý với việc càng nhiều hệ phái Tin Lành đúng với Kinh Thánh càng tốt. Với tín hữu Công giáo được hỏi, có 79.2% cho rằng người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác có được cứu rỗi, 48.4% người được hỏi bày tỏ quan điểm đạo ai người ấy giữ khi họ kết hôn với người khác đạo. (17).

KẾT LUẬN
Thực trạng của các tôn giáo cho chúng ta thấy Công giáo, Phật giáo và Tin Lành là ba tôn giáo chiếm số lượng không nhỏ trong tổng thể dân số Tây Nguyên, khoảng 2 triệu người tin nhận chân lý của ba tôn giáo này. Có trên 30% dân số thuộc về tôn giáo nhất định. Điều này cho thấy tôn giáo đã chiếm một vị trí quan trọng trong ý thức của nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là các chính sách về tôn giáo nên suy tới vai trò nguồn lực của tôn giáo như là một nhân tố có thể tham gia cho việc kích đẩy phát triển con người và xã hội. Cách đặt vấn đề như vậy cũng đòi hỏi gạt bỏ bớt đi trong suy nghĩ của một bộ phận chức trách quản lý các hoạt động tôn giáo về sự quá e ngại với các tôn giáo. Nếu chúng ta muốn đưa tôn giáo vào sự phát triển, nên suy nghĩ tìm hiểu về các giá trị của tôn giáo và cách thức phát huy nó.
Thực trạng các tôn giáo ở Tây Nguyên cũng cho ta thấy trong bối cảnh và điều kiện mới, tôn giáo đã trở lại với một dáng vẻ và vị thế mới hơn so với giai đoạn trước kia. Cũng có nghĩa là khả năng thích ứng, hội nhập với hoàn cảnh luôn là một khả năng của các tổ chức tôn giáo.
Các hoạt động của các tổ chức tôn giáo tại Tây Nguyên cũng cho ta thấy, tôn giáo đương đại không tách rời cuộc sống, không phải là thứ gì xa vời với hoạt động của con người. Trái lại hoạt động của các tổ chức tôn giáo luôn gắn với các vấn đề thời sự nóng hổi của bối cảnh. Việc cạnh tranh truyền giáo đến những việc như chuyển đổi niềm tin, đào tạo chức sắc, mở rộng cơ sở thờ tự… phản ánh nhu cầu phát triển của các tôn giáo trong sự cởi mở từ nhìn nhận đến chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời nó cũng nói lên yêu cầu phải sửa đổi chính sách, luật pháp, cách nghĩ… về tôn giáo bắt kịp và cập nhật với sự hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Phải chăng khi làm chủ được các khâu này, thì việc nhìn nhận cũng như phát triển các giá trị tôn giáo không còn bị một rào cản nào ngăn trở?

Thực trạng tăng trưởng của các tôn giáo tại Tây Nguyên cũng cho ta thấy, tôn giáo vẫn luôn là một hạt nhân trong tâm trí con người, bộc lộ trong những điều kiện nhất định, nó là một nhu cầu sâu xa, không hề suy giảm trong các hoàn cảnh. Nếu như tôn giáo là một “tồn tại khách quan” gắn với con người, nó không hề biến mất, cần phải có một phương pháp luận tư duy mới về thức tiễn này, trong đó nên chú trọng tới các cách tiếp cận và lý thuyết mới kiến giải về nó. Bởi nếu chúng ta tư duy về tôn giáo trong một khuôn mẫu đã bị thực tế vượt qua, thì thật khó đặt cho công tác quản lý cũng như phát huy vai trò của tôn giáo, các giá trị tôn giáo. Việc này là bài toán khó, bởi thay đổi một thói quen văn hóa không hề dễ, nhất là khi con người đã quen trong cách nghĩ và thực hành về nó. Có lẽ lời giải là một lộ trình, phải cần đến thời gian và các kinh nghiệm thực tiễn?.”

Minh Thạnh giới thiệu


Chú thích
(3) Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2014): Báo cáo kết quả xử lý số liệu điều tra đề tài Vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên.
(4) Các số liệu theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên (2011): Thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo ở Tây Nguyên, tr.10.
(5) Chúng tôi đã đối chiếu với số liệu của Tòa Giám mục Kon Tum. Theo số liệu của Tòa Giám mục thì số giáo dân và thành phần DTTS cũng cao hơn con số này, cụ thể năm 1975 giáo phận có 78.242 tín đồ trong đó có 38.178 là tín đồ người DTTS. Xem: Linh mục Dourisboure (2010): Dân Làng Hồ, bản dịch của Tòa Giám mục Kon Tum, Nxb Đà Nẵng, xem phụ lục 4.
(6) Theo số liệu của Tòa Giám mục Kon Tum thì thời điểm 2006, số tín đồ người DTTS đã cao hơn con số thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, là 169.580 người.
(7) Nguyễn Văn Thông – Đặng Văn Bản: Kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị số 01/2005/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 3/2012, tr.26.
(8) Đinh Văn Hạnh (2010): Thực trạng phát triển Tin Lành ở Tây Nguyên. Tạp chí Xưa và Nay, số 12, tr22-25.
(9) Đinh Văn Hạnh (2010): Thực trạng phát triển Tin Lành ở Tây Nguyên. Tạp chí Xưa và Nay, số 12, tr22-25.
(10) Ở cùng thời điểm 2011 thì Phật giáo tại Tây Nguyên là 570.274 tín đồ; Tin Lành là 409.365 tín đồ; Cao Đài là 20.105 tín đồ.
(11) Có mặt ở Tây Nguyên giữa thế kỷ 19, trước Tin Lành. Năm 1848 được đánh dấu Công giáo truyền lên Kon Tum với sự kiện thầy Sáu Do theo ngả An Khê lên truyền giáo tại vùng này.
(12) Linh mục Trần Sĩ Tín (2009): Hạt giống Ki tô trong đất Jarai. Nxb Tôn giáo, tr.106-108. 
(13) Linh mục Trần Sĩ Tín (2009): Hạt giống Ki tô trong đất Jarai. Nxb Tôn giáo, tr.106-113.
(14) Linh mục Trần Sĩ Tín (2009): Hạt giống Ki tô trong đất Jarai. Nxb Tôn giáo, xem chương 2, nói về những cộng tác viên cho việc phục vụ giáo hội và truyền giáo, tr.127-158.
(15) Linh mục Trần Sĩ Tín (2009): Hạt giống Ki tô trong đất Jarai. Nxb Tôn giáo, tr.268-272.
(16) Phỏng vấn của tác giả với chấp sự Dieu Nzro (người Mnong) tại chi hội Leng Loch-Bu Đoh (xã Đắc Wer, Đắc R’lấp, Đắc Nông) chiều 4/7/2015.
(17) Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2014): Báo cáo kết quả xử lý số liệu điều tra đề tài Vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Tây Ninh: Bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 trong niềm hoan hỷ

PHĐS: Lễ bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 được khép lại trong niềm hoan hỷ của người con Phật, buổi lễ bế mạc được tổ chức lúc 9h sáng, diễn ra tại giảng đường Giác Huệ, tịnh xá Trúc Lâm xã Tây Thạnh, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Buổi

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người