Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn giáo nói chung và pháp phục Phật giáo nói riêng thể hiện tình trạng tôn giáo và xã hội (social and religious status), được sử dụng trong hai hình thức, mặc trong sinh hoạt thường nhật và mặc trong các nghi lễ tôn giáo, nói chung các dịp đặc biệt.
Một số quốc gia giữ gìn tốt bản sắc văn hóa y phục thường bắt buộc công dân nước mình mặc y phục truyền thống (traditional garments) và trong một số tình huống phải mặc quốc phục (national customs). Tây Tạng và Bhutan là hai nơi có quy định đặc biệt này: Người nam phải mặc gho và kera, trong khi người nữ phải mặc kira và toego.
Theo Từ điển Bách khoa Britannica, “Một số loại lễ phục tôn giáo được sử dụng nhằm phân định sự khác nhau giữa tu sĩ và các tín đồ thuộc một nhóm tôn giáo, hoặc được sử dụng để phân định các phẩm trật khác nhau giữa các tu sĩ.”[2] Cũng theo Từ điển Bách khoa này, “Một số cộng đồng tôn giáo quy định rằng các nhân vật tôn giáo (như tăng sĩ, tu sĩ, thầy tu, tu nữ, sa-môn, nhà tôn giáo…) khoát trên thân mình những trang phục tôn giáo thích hợp trong mọi lúc, đang khi, một số cộng đồng tôn giáo khác chỉ yêu cầu rằng sắc phục tôn giáo cần được mặc trong các nghi lễ.”[3]
Nói cách khác, quốc phục và lễ phục của một dân tộc là nét đặc sắc của dân tộc đó, đồng thời cũng là sự đóng góp của dân tộc đó vào kho tàng đa dạng và phong phú của văn hóa y phục của nhân loại trên địa cầu này. Pháp phục Phật giáo của các quốc gia khác nhau cũng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa y phục của quốc gia đó nói riêng và của toàn nhân loại nói chung. Do vậy, pháp phục Phật giáo ở mỗi quốc gia, nhất là pháp phục Phật giáo Việt Nam, phải có nét đặc thù, góp phần tạo thành bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam.
II. BA Y THỜI ĐỨC PHẬT
Ba y trong Phật giáo Nguyên ThủyMặc y là một trong bốn nhu yếu (tứ sự) căn bản của tăng sĩ Phật giáo, thể hiện đời sống giản dị, ít muốn, biết đủ, thanh tịnh, trang nghiêm, vốn là những phẩm chất hướng đến sự giải phóng các trói buộc. Ba nhu yếu còn lại mà tăng sĩ phải giữ gìn là (i) Hành khất, (ii) Giường nằm vừa phải, hoặc ngủ dưới gốc cây, (iii) Dược phẩm cần thiết.
Việc sử dụng vải vứt bỏ làm y trong truyền thống Phật giáo thời đức Phật dần dần được thay đổi thành các loại vải có nhiều chất coton bền tốt, trong thời hiện đại. Các ô vải được góp nhặt tự nhiên dần dần trở thành quy cách đều đặn để tạo ra hình tướng của những ô ruộng thật đẹp, giống như các thửa ruộng ở Magadha, biểu tượng cho ruộng phước. Y của tăng sĩ, từ đó, có tên gọi là “y ruộng phước” (paddy-field robe).[4]
Thuật ngữ Hán – Việt “cà-sa” (H. 袈裟) được phiên âm từ tiếng Sanskrit là “kāṣāya” và tiếng Pali là “kasāva”, chỉ chung cho pháp phục Phật giáo nói chung. Thuật ngữ tương đương trong tiếng Pali và Sanskrit là “cīvara” tức y hay pháp y của tăng sĩ Phật giáo, không phân biệt màu sắc.
Pháp phục của tăng sĩ gồm có 3 y (P. tricīvara): y thượng, y trung và y hạ. Tăng sĩ Phật giáo không được vào làng mà thiếu 3 y. Trong ba loại y, y hạ phải mặc thường xuyên, ngay cả trong lúc ngủ, y trung thường được mặc nhiều hơn y thượng.
(i) Y hạ (P. antaravāsaka), tức cái quần không có ống chân (undergarment), giống cái khố (waistcloth) hay cái sarong, mặc từ thắc lưng đến mắc cá, chủ yếu che phần thân dưới (covering the lower body).
(ii) Y trung (P. uttarāsaṅga): Có hai hình tướng khác nhau. Hình tướng một, giống như áo không có ống tay (upper robe, uppermost garment), che phần thân trên (covering the upper body), mặc từ vai đến quá đầu gối, che vai trái nhưng để trống vai phải và cánh tay phải. Được gọi là “y choàng ngoài” hay “y vai trái”. Hình tướng hai, thực chất chỉ là cái áo ngắn, choàng vai trái, hở vai phải, kéo dài xuống nửa đùi.
(iii) Y thượng (P. saṃghāṭi) giống như áo choàng (the outer robe), che phủ y trung và y hạ, được khoác từ vai đến mắc cá, phủ kín toàn thân, trừ đầu và hai bàn chân. Còn gọi là “y hai lớp”. Khi không có nhu cầu đắp trên thân, y thượng thường được xếp lại và đặt trên vai hoặc trên cánh tay trái, ở trước ngực.
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên, 3 y được hiểu là 3 chiếc y thượng (saṃghāṭi), có hình chữ nhật ngang. Loại y 5 điều gồm 5 ô điều, mỗi ô điều có một ô ngắn và một ô dài gấp đôi. Loại y 7 điều và y 9 điều thì trong mỗi ô điều có một ô ngắn và hai ô dài gấp đôi. Về sau, số lượng điều y được phát triển thành tối đa là 25 điều y, theo mặc định sau đây:
– Tỳ-khưu 01-09 hạ (Đại đức mới): y 5 điều và 7 điều.
– Tỳ-khưu 11-24 hạ (Đại đức cựu): y 9 điều, y 11 điều, y 13 điều.
– Tỳ-khưu 25-39 hạ (Thượng tọa): y 15 điều, y 17 điều, y 19 điều.
– Tỳ-khưu 40-70 hạ (Hòa thượng): y 21 điều, y 23 điều, y 25 điều.
Y trong Phật giáo Đại thừa
Nếu trong Phật giáo truyền thống 3 y thực chất chỉ có một bộ gồm 3 y với 3 chức năng sử dụng thì trong Phật giáo Đại thừa, thì mỗi tăng sĩ, ngoài 3 y với cấu trúc điều nêu trên còn có 3 bộ vạt khách, ba bộ hậu, ba bộ áo tràng.
III. CHẤT LIỆU VẢI VÀ MÀU CỦA BA Y
Các y của tăng sĩ Phật giáo là một phần của văn hóa pháp phục có từ thời đức Phật lịch sử, cách đây 26 thế kỷ. Các tăng sĩ Phật giáo thời Phật thường mặc các chiếc y được kết từ vải vụn bị vứt bỏ, có màu vàng đất.
Phật giáo sử dụng tông màu y vàng với các gam màu khác nhauLuật Phật quy định các tăng sĩ mặc y bằng các loại vải bị vứt bỏ, mà người đời không ai thích, vì rẽ tiền, chất liệu vải xấu, màu sắc không đẹp. Đối với các tăng sĩ tu khổ hạnh, y thường được may bằng các loại vải vụn, vải bị cháy xén, vải bị chuột gặm, vải bị dính máu, vải tẩn liệm người chết, vải quăng bỏ ở sọt rác… Các loại vải không được sử dụng đó sẽ được giặt sạch và nhuộm màu vàng đất (loại đậm), hoặc màu vàng nghệ pha màu đất. Đây là màu vải mà người đời không ai thích mặc, vì tông màu cũ và tối, không thể hiện sự sang trọng. Về sau tông vàng đất được thay đổi thành tôn vàng cam, vàng chanh, vàng nghệ, chói sáng. Phật giáo sử dụng tông màu y vàng với các gam màu khác nhau, thể hiện sự giản đơn, trang nghiêm và thanh thoát.
Khi Phật giáo được truyền sang các nước Đông Nam Á, tông màu vàng đất được thay đổi tùy theo văn hóa sắc phục của mỗi nước, không còn giữ như truyền thống vải và màu vải như tại Ấn Độ thời đức Phật. Ngày nay, y phục của Tăng Ni không sử dụng từ những loại vải thô sơ, củ kỹ, tối tăm như trước đây. Vải may pháp y và thường phục của Tăng Ni thường được Phật tử cúng dường hoặc do Tăng Ni tự mua nên có sự lựa chọn chất liệu vải phù hợp với khí hậu của vùng lãnh thổ, đang khi tông màu y và pháp phục thì tùy thuộc vào từng truyền thống Phật giáo mà có sự khác biệt.
Pháp phục Ni Miến Điện và Ni Thái LanĐiểm giống nhau về biểu tượng, tất cả pháp phục của Tăng sĩ thuộc bất kỳ trường phái Phật giáo nào đều là hình thức tượng trưng cho ruộng phước (cho sự cúng dường) và sự giải thoát (từ sự tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ), mà dựa vào đó, quần chúng nhận chân được rằng đây là tăng sĩ Phật giáo, vốn khác với các tu sĩ của các tôn giáo khác.
IV. PHÁP PHỤC THÂN VÀ PHÁP PHỤC ĐẦU
Pháp phục của Tăng sĩ Phật giáo rất khác nhau về hình thức và màu sắc, tùy theo các truyền thống Phật giáo (Nguyên thủy và Đại thừa), các chi phái trực thuộc và các quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi Phật giáo có mặt như một thực tại tâm linh.
Về hình thức, có thể chia làm hai loại pháp phục Phật giáo: Loại thứ nhất tạm được gọi là “thân phục” (bodydresses), đang khi loại thứ hai gồm “thân phục” tức pháp y và “đầu phục” (headdresses), tức các loại mão có trang sức bởi hoa văn và màu sắc. Các “pháp phục thân” theo phong cách của đức Phật thường được lưu truyền tại các nước Phật giáo Nguyên thủy gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và những nơi chịu ảnh hưởng chính từ truyền thống này.
Các loại pháp phục đầu hiện hành tại Phật Giáo Việt Nam“Pháp phục đầu” (headdresses) chỉ chung cho các loại nón, mão, khăn che đầu của Tăng Ni được sử dụng trong các nước theo Phật giáo Đại thừa gồm Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam và những nơi chịu ảnh hưởng của trường phái Phật giáo này. Tất cả các trường phái Phật giáo Tây Tạng đều mặc “đầu phục” trong các nghi lễ trịnh trọng, khác nhau về hình thù và màu sắc, đang khi chỉ có một số phái Mật tông và Tịnh độ tông tại các nước Đại thừa còn lại sử dụng “đầu phục” trong các nghi lễ Phật giáo.
Các loại “pháp phục đầu” thường được sử dụng tại phần lớn các nước theo Phật giáo Đại thừa, một phần do khí hậu lạnh, một phần như trang sức mỹ thuật làm tôn vinh hình thức của tăng sĩ Phật giáo, trong các khóa lễ mang tính trịnh trọng, trang nghiêm. Chẳng hạn như các vị lama Tây Tạng thuộc các truyền thống khác nhau, bình thường thì không đội “pháp phục đầu”, nhưng khi làm lễ nghi thì phái nào cũng đội mũ.
Tương tự, các phái Tịnh độ tông và Mật tông tại Việt Nam, các tăng sĩ thường đội pháp pháp đầu trong các khóa lễ trai đàn chẩn tế, các ngày kỷ niệm tổ sư, ngày khánh thành chùa… tại các tự viện.
Pháp phục đầu của Ni giới miền Nam Việt Nam, tồn tại khoảng 50 nămPháp phục đầu của Ni giới miền Nam Việt Nam, tồn tại khoảng 50 năm, bị lai căng với khăn đội đầu của các ma-sơ Thiên chúa giáo. Phật giáo đã đừng là quốc đạo của Việt Nam, do đó, pháp phục đầu của PGVN không thể mô phỏng hoặc bị lai căn với khăn đầu của các ma-sơ Thiên chúa giáo, vốn chỉ là một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam. Từ lâu, ở miền Bắc, các Sư cô chích khăn đầu theo tập tục miền Bắc rất đẹp, vừa thể hiện tính bản sắc của Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Các Sư cô theo truyền thống Làng Mai đều chích khăn đầu theo phong cách miền Bắc rất ấn tượng.
V. MÀU Y CỦA PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN
Đức Phật Thích-ca trong suốt 45 năm truyền bá chân lý, thường sử dụng những ba y đơn giản, được may từ các miếng vải vụn được Phật tử cúng dường. Trong mỹ thuật điêu khắc của Phật giáo Nam truyền tại Ấn Độ, đức Phật thường mặc y thượng phủ trùm từ hai vai xuống đến mắc cá. Ở một số nước Nam truyền như Tích Lan và Miến Điện, đức Phật thỉnh thoảng được khắc họa mặc y bày vai phải. Đây là loại y mà hiện nay các nhà sư Nam truyền ở Thái Lan, Lào, Campuchia thường sử dụng trong sinh hoạt thường nhật.
Các tượng Phật Thích Ca theo phong cách Gandhara tại Ấn ĐộCác tượng Phật Thích Ca theo phong cách Gandhara tại Ấn Độ giống với phong cách nghệ thuật Hy Lạp cổ, từ cách đắp y đến tóc và lỗ mũi của Phật.
Tại các nước Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, có ba sắc màu phổ thông được các Tăng Ni thường sử dụng: (i) Màu vàng (yellowish robes), (ii) Màu lam (greyish robes), (iii) Màu nâu (brownish robes). Tại Trung Quốc và Nhật Bản, ngoài các tông màu chủ đạo nêu trên, còn sử dụng màu đen làm áo tràng và y, vốn rất xa lạ với văn hóa pháp phục truyền thống của Phật giáo.
Pháp phục sư Tây Tạng, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung HoaBa y trong các nước Phật giáo Đại thừa khác hoàn toàn vê hình thức và màu sắc so với Phật giáo Nam truyền, do sự khác biệt địa dư, văn hóa và khí hậu ở từng quốc gia. Về chất liệu, vải may y thường là loại vải bền tốt, thậm chí đắt tiền, thường do Phật tử cúng dường, hoặc tăng sĩ tự mua. Vì là vải cúng hoặc tự mua, vải may y là loại vải nguyên cây, không vụn vặt như ngày xưa.
Về màu sắc, có nhiều tông màu khác nhau, tùy theo truyền thống và quốc gia. Phật giáo Việt Nam sử dụng màu lam, màu nâu, màu vàng. Phật giáo Nam Bắc Triều Tiên thường sử dụng màu lam và màu nâu. Phật giáo Trung Quốc sử dụng màu lam, màu nâu, màu đen, màu vàng.
Áo hậu tay rộng và áo tràng tay ngắn của Phật giáo Trung Quốcáo tràngÁo hậu tay rộng và áo tràng tay ngắn của Phật giáo Trung Quốc
Phật giáo Nhật Bản sử dụng các loại y có đa màu sắc nhấtPhật giáo Nhật Bản sử dụng các loại y có đa màu sắc nhất 2
Phật giáo Nhật Bản sử dụng các loại y có đa màu sắc nhất, đa dạng nhất, tùy theo tông phái và chi phái Phật giáo.
Phật giáo Hàn Quốc
Phật giáo Hàn Quốc có tông màu chủ đạo là màu lam cho thường phục, áo tràng và màu nâu cho màu y. Thỉnh thoảng có y vàng và y đỏ.
Phật giáo Tây Tạng có bốn trường phái, mỗi trường phái có tông màu khác nhauPhật giáo Tây Tạng có bốn trường phái, mỗi trường phái có tông màu khác nhau 3Phật giáo Tây Tạng có bốn trường phái, mỗi trường phái có tông màu khác nhau 2Phật giáo Tây Tạng có bốn trường phái, mỗi trường phái có tông màu khác nhau. Phái Gelukpa mà ngài Dalai Lama 14 là lãnh đạo cao nhất được gọi là phái mủ vàng, vì trang phục đầu có màu vàng và đắp y vàng, đang khi áo tràng có màu đỏ bầm, gần giống màu của Phật giáo Miến Điện.
VI. PHÁP PHỤC CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN HÀNH
1. Về màu sắc
Pháp phục Phật giáo Việt Nam có ba tông màu chủ đạo:
(i) Màu lam dành cho áo tràng của Phật tử, thường phục của tăng sĩ, áo Nhật bình và áo tràng của ni giới.
(ii) Màu nâu được sử dụng cho các thường phục, áo tràng cho Phật tử và tăng ni miền Bắc, áo Nhật bình cho các Sa-di và Tỳ khưu mới thọ giới.
(iii) Màu vàng được sử dụng cho hậu của tăng, y của tăng và ni, thường phục của thiền phái Trúc Lâm và hệ phái Khất sĩ.
2. Về loại hình
Hiện nay pháp phục Phật giáo Việt Nam gồm có 4 loại:
pháp phục Phật giáo Việt Nam gồm có 4 loại(i) Thường phục: Thường gọi là áo vạt khách, hay áo cánh vạt hò, được sử dụng khá phổ biến trong các chùa Bắc tông. Áo này mang tính đặc thù, không bị lai căng với bộ áo La-hán của Trung Quốc.
Áo Nhật Bình(ii) Áo Nhật Bình: Đây là pháp phục đặc thù của Việt Nam, tồn tại khoảng 90 năm, mô phỏng từ áo cung đình Huế. Áo này dành cho các Sadi, Sadi ni, Thức xoa mana ni, Tỳ kheo ni và Tỳ kheo mới thọ giới.
Áo tràng Việt(ii) Áo tràng: Tại miền Bắc và các tỉnh Bắc trung bộ, áo tràng có tông màu nâu, được sử dụng cộng thông trong Tăng Ni và Phật tử. Tại các tỉnh miền Nam, áo tràng lam dành cho các Phật tử và ni giới khi làm lễ trên điện Phật và giao tiếp Phật sự bình thường, đang khi áo tràng màu nâu dành cho Tỳ kheo tăng với các giới phẩm Đại đức, Thượng tọa và Hòa thượng.
Áo hậu(iv) Áo hậu: Giống hình thức áo tràng, hai tay áo có ống rộng từ 5 tấc – 1 mét, che kín hai tay, màu vàng với các gam màu khác nhau, chỉ áp dụng cho Tỳ kheo tăng. Áo hậu Việt Nam là biến cách của áo Hải Thanh[5] của Trung Quốc. Trong các khóa lễ, áo này được mặc bên trong, rồi đắp chiếc y phủ trùm bên ngoài. Giống Việt Nam, nước Nhật Bản mô phỏng áo Hải Thanh của Trung Quốc chế ra áo Trực chuyết[6] của Nhật Bản. Hàn Quốc ảnh hưởng Nhật Bản có áo Trực chuyết rất giống Nhật Bản.
Ba y(v) Ba y: Có hình tướng giống các ô ruộng từ 5 điều đến 25 điều khác với ba y của Phật giáo Nam truyền. Y Việt Nam có tông màu vàng. Y Hàn Quốc có tông màu nâu. Y của Trung Quốc có tông màu đỏ. Y Nhật Bản có nhiều màu sắc.
Trong 5 loại pháp phục của Phật giáo Việt Nam, chỉ có áo vạt cánh vạt hò (áo vạt khách) và áo nhật bình thể hiện bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam, không bị lai căng của Trung Quốc và các nước khác.
3. Về bản sắc
Dầu có nét đặc thù về hình thức ở chủng loại áo cánh vạt hò và áo nhật bình, chúng ta không thể phủ định nguồn gốc của pháp phục Phật giáo Việt Nam xuất phát từ Phật giáo Trung Quốc, với một số biến đổi về phong cách.
So với các nước Phật giáo Đại thừa khác chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc như Nhật Bản và Nam Bắc Triều Tiên thì sự khác biệt của phiên bản pháp phục Phật giáo Việt Nam đối với bản gốc Phật giáo Trung Quốc là không nhiều lắm.
Tăng Ni Việt Nam đắp y hậu như hiện nay dễ bị đồng hòa với Tăng Ni Trung Quốc trong các hội thảo, hội nghị Phật giáo quốc tế, bởi sự lai căng về mẫu pháp phục của Việt Nam. Đã đến lúc, chúng ta cần định hướng cho sự ra đời các pháp phục mới của Phật giáo Việt Nam, hạn chế tối đa sự lai căng từ nước ngoài, tạo ra bản sắc đặc thù cho pháp phục Phật giáo Việt Nam, để cộng đồng Phật giáo Việt Nam có chỗ đứng độc lập với những đóng góp nhất định vào sự đa dạng hóa và phong phú hóa kho tàng pháp phục Phật giáo thế giới.
4. Về cách cấu tạo y
Y của Phật giáo Việt Nam giống với y Phật giáo Trung Quốc gần 100%, đang khi Nhật Bản và Nam Bắc Triều Tiên có phần khác với chiều dài, màu sắc và cách đắp y. Nói cách khác, rất khó tìm ra bản sắc văn hóa Việt Nam trong chiếc y mà cộng đồng tăng sĩ Việt Nam đang sử dụng trong nhiều thế kỷ qua.
Chiếc áo tràng của tăng ni và Phật tử Việt Nam sử dụng được mô phỏng trên 90% từ chiếc áo tràng của Phật giáo Trung Quốc. Có sự khác nhau nhỏ đó là áo tràng Việt Nam ở cổ choàng không có các đường chỉ song song của Trung Quốc, chỉ dài đến nửa ống quyển, thay vì dài đến mắt cá như của Trung Quốc và điểm nhấn thắt lưng của áo tràng Việt Nam ngắn hơn của Trung Quốc. Trong các hội nghị và họp báo quốc tế, chư tăng Việt Nam mặc y hậu sắc vàng dễ bị nhầm với tăng sĩ Trung Quốc, đang khi tăng sĩ Nhật Bản và Nam Bắc Triều Tiên không bị tình trạng tương tự.
Áo La hán ngắn mà các tăng sĩ Phật giáo Bắc truyền Việt Nam thường sử dụng cũng được mô phỏng từ pháp phục của Phật giáo Trung Quốc với một vài biến cách không đáng kể.
Trong các pháp phục của Phật giáo Việt Nam, chỉ có chiếc áo Nhật Bình và áo cánh vạt hò là bản sắc pháp phục đặc thù của Phật giáo Việt Nam, khác hẳn các pháp phục Phật giáo Trung Quốc. Nếu không mạnh dạn cải cách về pháp phục, tạo ra sự đặc thù về pháp phục cho tăng ni và Phật tử Việt Nam, tôi e rằng cộng đồng Phật giáo Việt Nam đang vô tình hoặc tình nguyện “Trung Quốc hóa” pháp phục của Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Đất nước Việt Nam có dân số trên 92 triệu với 4000 năm văn hiến mà không có bản sắc đặc thù về pháp phục thì rất khó khẳng định hình ảnh cho văn hóa y phục của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Dầu thông cảm với tình trạng bị xâm thực về văn hóa pháp phục từ giặc phương bắc, từ thế kỷ I đến thế kỷ X, chúng ta không thể vì bất cứ lý do gì lại tiếp tục cam phận lệ thuộc trên 90% pháp phục của Phật giáo Việt Nam vào pháp phục của Phật giáo Trung Quốc. Trong suốt 3000 năm lịch sử vệ quốc, Việt Nam có hơn 60 lần chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, khẳng định độc lập chủ quyền về đất liền và biển đảo. Để phát triển một đất nước, ngoài độc lập về chủ quyền, về đất đai và biển đảo, Việt Nam cần độc lập khỏi các nước lân bang về chính trị, kinh tế và đặc biệt là độc lập về văn hóa. Về độc lập văn hóa, Tây Tạng và Nội Mông là hai trường hợp điển hình giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, dầu hai nước này nay đã trở thành vùng lãnh thổ của Trung Quốc.
Nói cách khác, trong các nước Phật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam là nước bị nặng nề nhất, dai dẳng nhất và thiếu tính độc lập nhất. Đó là nỗi đau về bản sắc văn hóa Việt Nam, cần được khép lại bằng sự hình thành và tồn tại bền vững từ các phương diện văn hóa mang đậm chất Việt Nam, trong đó văn hóa pháp phục là yếu tố quan trọng, cần được phát huy.
VII. NHU CẦU VIỆT NAM HÓA PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO
Từ góc độ tiếp biến văn hóa, việc tạo ra tiến trình Việt Nam hóa Phật giáo nói chung và pháp phục Phật giáo Việt Nam nói riêng là nhu cầu tất yếu, như con người cần thực phẩm để ăn, nước để uống, không khí để hít thở.
Trong các nước Phật giáo Đại thừa, về niên đại du nhập, Phật giáo Việt Nam có mặt 21 thế kỷ, có niên đại sớm hơn Trung Quốc trung bình 100 năm. Do đó, Việt Nam là một trong các nước Đại thừa Phật giáo kỳ cựu nhất, cần có bản sắc pháp phục riêng, không bị lai căng, không bị Trung Quốc hóa.
Để xây dựng bản sắc văn hóa pháp phục của Phật giáo Việt Nam được thành công, tôi xin kiến nghị Hội đồng Trị sự và Ban Văn hóa Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện một số biện pháp sau đây:
1. Tiêu chí sáng tạo mẫu các pháp phục của PGVN
Ban Văn hóa Trung Ương cần tổ chức cuộc thi sáng tạo mẫu pháp phục cho Phật giáo Việt Nam gồm các chủng loại: Thường phục cho tăng sĩ, thường phục cho phật tử, áo tràng Phật tử, áo hậu tăng ni và y của tăng ni, khăn đội đầu của Ni giới, theo các tiêu chí sau đây:
(i) Giữ lại những pháp phục thể hiện tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam như chiếc áo cánh vạt hò (vạt khách) và áo nhật bình, ăn chích đầu của Ni giới ở miền Bắc.
(ii) Không được sao chép hình tướng pháp phục của Phật giáo nước ngoài, đặc biệt là Phật giáo Trung Quốc.
(iii) Khích lệ sử dụng các dữ liệu quốc lễ trong các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn mang đậm chất mỹ thuật Việt Nam.
(iv) Hội đủ yếu tố tôn giáo, trang nghiêm, thanh lịch, giản dị và tiện lợi trong việc mặc và cởi.
(v) Không quá xa lạ và hoàn toàn biệt lập với quốc phục, quốc lễ Việt Nam nhưng đồng thời không được đồng hóa với quốc phục quốc lễ hoặc trang phục cung đình thời quân chủ.
(vi) Hình thức và tông màu của pháp phục thể hiện được tính thiệp thế, giản đơn nhưng đặc biệt, bình dị nhưng sang trọng.
(vii) Thể hiện vai trò giới tính trong pháp phục về phương diện hình thức, khi quan sát, tăng và ni được nhận diện khác nhau. Phật tử không được mặc các pháp phục dành riêng cho Tăng Ni, để tránh ngộ nhận đáng tiếc.
2. Cách thức tổ chức thi sáng tạo mẫu
Ban Văn hóa Trung Ương và Ban Văn hóa các tỉnh hội Phật giáo cần ra văn bản hướng dẫn về hội thi sáng tạo mẫu pháp phục mới cho Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc. Các loại pháp phục cần thi mẫu sáng tác mới bao gồm: Thường phục cho Phật tử tại gia (khác với người xuất gia), áo tràng Phật tử tại gia, thường phục cho người xuất gia, áo tràng cho người xuất gia, áo hậu cho người xuất gia và ba y.
(i) Vòng 1 bầu chọn những mẫu pháp phục nào đạt được 70% các tiêu chí trong bộ tiêu chí do ban tổ chức nêu ra.
(ii) Vòng 2 tiếp tục bầu chọn mỗi loại pháp phục 3 mẫu sáng tác mới đạt yêu cầu nhất so với bộ tiêu chí nêu ra.
(iii) Vòng chung kết chọn và công bố mẫu pháp phục chiến thắng trong hội thi sáng tác mẫu pháp phục PGVN.
(iv) Trình Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam chuẩn phê mẫu pháp phục mới.
(vii) Ban hành các văn bản pháp quy, hướng dẫn sử dụng pháp phục mới.
3. Lộ trình thực hiện
(i) Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nên mời các chuyên gia soạn thảo Quy chế pháp phục Phật giáo Việt Nam, trình Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua trong Hội nghị hằng năm của Ban thường trực GHPGVN. Dựa vào Quy chế này, tiếp tục các bước thực hiện như sau:
(ii) Khi các mẫu pháp phục mới được Giáo hội chính thức công bố, vận động tăng ni toàn quốc may pháp phục theo mẫu mới. Thời gian hạn chót cho việc sử dụng pháp phục mới là 6 tháng kể từ ngày ban hành quy chế pháp phục.
(iii) Đối với các tự viện và tăng ni khó khăn về tài chánh, Ban Văn Hóa Trung Ương vận động các Phật tử phát tâm cúng dường tịnh tài may pháp phục mới.
(iv) Ban Văn hóa Trung Ương phối hợp với Công ty May 10 hoặc các công ty may mặc do các Phật tử làm chủ để chọn chủng loại vải tốt bền, tông màu đặc thù làm pháp phục Phật giáo Việt Nam
(iv) Giá phát hành pháp phục mới trong giai đoạn đầu (tính từ thời điểm công bố pháp phục mới đến) bằng với giá thành sản xuất. Cách này giúp tăng ni hoan hỷ thay đổi pháp phục mới.
VIII. THAY LỜI KẾT
Theo xu thế hiện nay, mọi thứ trên địa cầu này đều bị tác động bởi tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập toàn diện. Sự tương tác giữa các cộng đồng, dân tộc và quốc gia được diễn ra hằng ngày. Do đó, để tạo nên bản sắc đặc thù của Phật giáo Việt Nam, ngoài việc định hướng bản sắc về di sản, kiến trúc, mỹ thuật, vật linh, ngôn ngữ, pháp khí, Phật cụ, chúng ta cần đồng thuận tập thể để nỗ lực đạt được 4 yêu cầu căn bản về bản sắc pháp phục Phật giáo Việt Nam như sau:
(i) Đối với Phật giáo Bắc tông Việt Nam, cần giữ gìn và khích lệ phổ biến rộng rãi bản sắc pháp phục đặc thù của Phật giáo Việt Nam đã bám rễ vững chắc trong đời sống văn hóa trang phục Việt Nam như áo cánh vạt hò, áo nhật bình, khăn chít đầu của ni giới ở miền Bắc.
(ii) Từ hội thi sáng tác các mẫu pháp phục mới, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cần đồng tâm hiệp lực biến các pháp phục mới thành bản sắc đặc thù của pháp phục Việt Nam, gồm thường phục của Phật tử, áo tràng của Phật tử, áo tràng của Tăng Ni, áo hậu của Tăng Ni, y của Tăng Ni.
(iii) Bên cạnh việc tôn trọng bản sắc đặc thù 3 y của Phật giáo nguyên thủy, chúng ta cần thống nhất tông màu 3 y của Phật giáo nguyên thủy Việt Nam. Không nên lệ thuộc vào màu đỏ bầm của Phật giáo Miến Điện hay màu vàng đất của Phật giáo Tích Lan và Thái Lan. Phật giáo nguyên thủy cần có tông màu riêng, để khi nhìn vào hình tướng màu của 3 y, cộng đồng Phật giáo thế giới nhận ra được, đây là tông màu y của Tăng sĩ Phật giáo nguyên thủy Việt Nam. Về việc chọn tông màu đặc thù này, nên cung thỉnh lãnh đạo tăng đoàn Phật giáo nguyên thủy Việt Nam phụ trách công việc tuyển chọn.
hai tông màu chủ đạo trong hệ phái Khất sĩ là tông vàng tươi và tông vàng đất(iv) Song song việc tôn trọng bản sắc đặc thù 3 y của Tăng Ni và áo dài Việt Nam của Ni giới hệ phái Khất sĩ Việt Nam, chúng ta cần thống nhất tông màu pháp phục của các giáo đoàn thuộc hệ phái Khất sĩ trong nước và nước ngoài. Hiện nay, có hai tông màu chủ đạo trong hệ phái Khất sĩ là tông vàng tươi (phần lớn Ni giới Khất sĩ) và tông vàng đất (phần lớn Tăng đoàn). Về việc chọn tông màu đặc thù của hệ phái này, nên cung thỉnh lãnh đạo hệ phái Khất sĩ phụ trách công việc tuyển chọn.
Sài Gòn, ngày 26-6-2016
Thích Nhật Từ
[1] Tiến sĩ Triết học. Giáo sư Đại học Apollos, Hoa Kỳ. UV Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng – Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
[2] Nguyên tác tiếng Anh: “Some types of religious dress may be used to distinguish the priestly from the lay members of a religious group, or they may also be used to signify various orders or ranks within a priesthood” tại trang web: http://www.britannica.com/topic/religious-dress
[3] Nguyên tác tiếng Anh: “Some religious communities may require that religious personages (e.g., priests, monks, nuns, shamans, priestesses, and others) garb themselves with appropriate types of religious dress at all times, whereas other religious communities may only request that religious dress be worn during rituals” tại trang web sau đây: http://www.britannica.com/topic/religious-dress
[4] Xem chi tiết trong Đại phẩm Mahāvagga VIII, 1, 36.
[5] Người Ngô, Trung Quốc, thường gọi áo choàng tay rộng của Tăng sĩ Phật giáo là áo Hải Thanh. Đây là loại áo lễ được các tổ Trung Quốc chế tác từ áo long bào của triều đình Trung Quốc. Cổ áo Hải Thanh có đắp thêm ba lớp vải, tượng trưng Phật, Pháp, Tăng. Cổ của áo hậu Hải Thanh được gọi là “Tam Bảo lĩnh”, tức cổ áo Tam bảo. Phần cuối cổ áo có may 52 đường chỉ, tượng trưng cho “Thiện tài Đồng Tử ngũ thập tam tham”.
[6] Hình tướng của áo hậu Nhật Bản có tay rộng, được gọi là áo Thiên Sam. Áo Thiên Sam nối với quần thì gọi là áo Trực chuyết. Áo Trực chuyết là tên gọi của Nhật Bản và Triều Tiên cho áo mà Việt Nam gọi là áo Hậu và Trung Quốc gọi là áo Tăng Kỳ Chi, hay áo Thiên sam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)