PhatHocDoiSong – Cầu nguyện là phương thức tu tập phổ biến trong Phật giáo. Song nếu chỉ cầu nguyện suông thì người ta rất dễ đi vào con đường mê tín!
Những quan niệm sai lầm khi cầu nguyện Phật
Đa số người đi chùa, lễ Phật đều cầu nguyện. Họ cầu đủ thứ trên đời, từ cầu tài, cầu lộc, cầu danh vọng, đến cầu sức khỏe, bình an và trí tuệ… Có không ít người hiện nay quan niệm rất sai lầm về lời cầu nguyện. Họ cho rằng, chỉ cần khấn vái lên trời Phật với vài ba câu được gọi là thành tâm là xong. Là họ có thể được xóa được tội lỗi, là đã tạo phước, là đã có thể yên tâm chờ đợi điều mong cầu sẽ đến trong nay mai…
Hiện nay, nhiều người hay đổ xô đến chùa để cúng Sao giải hạn cũng vì mục đích đó. Sự cầu nguyện như trên không khác gì sự xin xỏ, phó thác thân phận vào sự ban ơn của một đấng siêu nhiên.
Nhưng, cầu nguyện theo tuệ giác của Phật thì hoàn toàn không phải như vậy. Người cầu nguyện phải hoàn toàn tự chủ, phải hiểu rõ luật nhân quả và quan trọng là phải thực hành cải ác hướng thiện nhằm mục đích chuyển hóa nghiệp lực của bản thân.
Hay nói cách khác, sự cầu nguyện chỉ nhằm mục đích là thắp lên ngọn đèn tỉnh thức trong tâm, từ đó giúp người cầu nguyện tự thăng hoa, chuyển hóa thân tâm theo hướng tích cực để được an lạc trong cuộc sống. Còn thực tế, không có vị Phật nào ban phước giáng họa cho họ cả. Và càng sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng, mình sống trái với quy luật rồi cầu nguyện, cúng dường lên Phật là có thể tránh được hậu quả!
Người nào sống đúng với Chánh pháp, tam nghiệp: thân – khẩu – ý thanh tịnh, luôn hướng thiện thì chắc chắn người ấy đạt được an lạc. Dẫu không có nghĩa là họ sẽ không gặp bất kỳ trắc trở trong cuộc đời, song, họ có thể dễ dàng vượt ra ngoài khổ đau, như dầu thì luôn nổi lên mặt nước.
Ngược lại, người làm ác, hành động – lời nói – suy nghĩ bất thiện thì chắc chắn người ấy sẽ chịu khổ đau mà không một lời cầu đảo, thỉnh nguyện nào có thể làm thay đổi được. Với các nghiệp quá nặng nề, người ấy sẽ như một tảng đá to chìm dưới đáy bể, dù tu sĩ có tụ hợp hai bên bờ để cầu nguyện thì tảng đá ấy cũng không thể nổi lên!
Tóm lại, lễ Phật, cầu nguyện là tốt, nhưng đó không phải là cầu nguyện suông. Cầu nguyện phải kết hợp với sống và tu tập đúng theo Chánh Pháp thì mới đúng là lời cầu nguyện chân chính và thiết thực nhất!
Namo Buddhaya
Tương Ưng Bộ Kinh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)