Mỗi người vốn vẫn có 3 thứ “tài sản” của riêng mình: thứ nhất là tiền bạc, nhà cửa, bằng cấp, vật chất … – thứ hai là gia đình, người thân, bạn bè – và thứ ba là nghiệp chướng (hệ quả của việc làm thiện/ác của chính bản thân).
Thời trẻ ta chưa thực sự biết rõ về loại tài sản thứ ba (nghiệp chướng), vì vậy thuở đó chúng ta lao đầu vào việc tìm kiếm hai loại tài sản ban đầu: cố gắng kiếm tiền, danh vọng, vợ/chồng đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc, bạn bè quý mến … ; Riêng loại tài sản thứ ba, thật sự tuổi trẻ không chú ý lắm mà nếu có thì nhiều khi cũng như trang điểm, tô hồng cuộc sống mà thôi.
Hầu như loại tài sản thứ ba là “nghiệp chướng”, là thứ tài sản mà chúng ta mới cảm nhận được khá rõ và thật sự đi tìm kiếm nó khi mà chúng ta đã “đủ lớn”. Đó là khi mà việc tự nguyện đến với Phật, với Chúa, với Thánh Mahomet là để “tự sửa mình, làm lành lánh dữ”. Đó là khi mà việc làm từ thiện hay đau xót nỗi đau của người khác là để xoa dịu nỗi đau tha nhân, để chia xớt nỗi đau (vì mình cũng đau) mà không hề có dấu tích bản ngã (cái tôi) của mình trong việc làm từ thiện đó.
Một ngày nọ, chúng ta qua đời. Cái chết vốn không có quy định trước những gì cho ai, vào lúc nào … Lúc đó, loại tài sản thứ nhất là tiền bạc, của cải, nhà cửa, xe cộ, bằng cấp, vật chất … lập tức rời bỏ chúng ta mà đi. Loại tài sản thứ hai là gia đình, người thân, bạn bè … họ tiếc thương theo ta đến mộ phần rồi quay về, không thể cùng đi với ta được nữa, và cố gắng lắm cũng chỉ là những hồi hướng công đức cho ta một cách mơ hồ (mơ hồ vì không rõ linh hồn người chết bây giờ thế nào, ở đâu, liệu mình hồi hướng mà người ấy có được hưởng? …)! (thật ra, phần nhiều người ta chỉ có phước mà thiếu đức nên cũng khó mà hồi hướng cho ai được).
Duy chỉ có loại tài sản thứ ba của ta là nghiệp chướng sẽ đi theo ta mãi mãi. Chính những điều ác, những hành động vô lương tâm, những lần tham sân si quá đáng dẫn đến làm phiền người khác, mà ta đã tạo ra trong những ngày còn sống là những bằng chứng tố cáo ta trước tòa án Diêm Vương. Chính những điều tốt, những điều thiện, những phước đức mà chúng ta đã làm trong những ngày còn sống sẽ là người bảo vệ vững chắc cho chúng ta trước tòa án đó. Ta nhận được những hệ quả thế nào sau khi mất, phần lớn là chính do nghiệp chướng mà ta đã tạo ra trong những ngày còn sống. (Những hồi hướng từ người đức độ nào đó, những hồi hướng từ các bậc tu hành chân chính … chỉ có thể giúp đỡ ta một phần) .
Khi nào thì chúng ta “đủ lớn” để tích góp tài sản thứ ba cho chính ta?
(Viết theo suy nghĩ anh Trần Thanh Hùng. Cám ơn anh).
Mỹ Tho 13.8.2016
Tâm Quang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)