Sáng nay, 9-6 (26-4-Mậu Tuất), tại chùa Linh Thái (H.Hóc Môn, TP.HCM), TƯGH và môn đồ pháp quyến đã chính thức cử hành lễ truy niệm, cung tống kim quan HT.Thích Trung Hậu, UVTT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, khai sơn và trụ trì chùa Linh Thái nhập bảo tháp.
Xem thêm:
>>Cáo phó: Hoà thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hoá TW viên tịch
>>Lễ nhập kim quan cố HT. Thích Trung Hậu
>>Kính tiễn biệt Hòa thượng Thích Trung Hậu
Quang lâm chứng minh có HT.Thích Giác Quang, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Huệ Ấn, Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Nhiễu – đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; cùng chư tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch HĐTS: HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Quảng Xả; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; chư tôn đức lãnh đạo các ban ngành, viện trung ương; chư tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN TP.HCM, TP.Hà Nội và các tỉnh thành; chư tôn đức Tăng Ni đại diện 24 BTS GHPGVN quận, huyện trên địa bàn TP.HCM; chư tôn đức trụ trì các tự viện, già-lam, tịnh xá trên cả nước cũng về đảnh lễ, bái biệt Giác linh Hòa thượng.
Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và hàng ngàn Phật tử các đạo tràng vân tập dự lễ.
HÒA THƯỢNG THÍCH TRUNG HẬU (1945 – 2018) – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo – Trụ trì chùa Linh Thái, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh
Hòa thượng họ Hồ, húy Văn Chiến, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình miền quê duyên hải chất phác, tin Phật thuần thành.
Thân phụ là cụ ông Hồ Hoài, pháp danh Nguyên Thông – một vị Khuôn trưởng Khuôn hội Phật giáo Mỹ Á, chánh tín Tam bảo. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Con, pháp danh Nguyên Mỹ, hiện tròn 100 tuổi và đang hưởng đại thọ cùng con cháu tại quê nhà. Song thân sinh hạ được 8 người con, 7 trai một gái, Hòa thượng là con trưởng trong gia đình.
Năm 1957, đủ nhân duyên, Hòa thượng phát tâm mạnh mẽ mong muốn được thế phát dự vào hàng Thích tử. Sau khi xin phép song thân, được sự đồng thuận, Hòa thượng bày tỏ tâm nguyện khẩn cầu lên chư tôn thiền đức tại chùa Từ Đàm và được Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang thâu nhận làm đệ tử, được Trưởng lão Hòa thượng ban pháp danh là Lệ Như, pháp tự Trung Hậu.
Sau năm 1975, khi đất nước hòa bình thống nhất, Hòa thượng cùng chư tôn đức theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu chuyển về trú xứ thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận ngày nay). Hòa thượng từng đảm trách tri sự của thiền viện Vạn Hạnh một thời gian, và thường trú tại đây cho đến ngày viên tịch.
Hòa thượng là hàng Giáo phẩm tham gia hoạt động văn hóa, báo chí rất sớm cùng với cố Cư sĩ Võ Đình Cường, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN (1984), Phó Trưởng ban Báo chí và In ấn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2003), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (2004), Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (tháng 4-2017 cho đến ngày viên tịch); Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN liên tục 3 nhiệm kỳ VI, VII và VIII.
Hòa thượng là người luôn có ý thức yêu thích những giá trị trí tuệ, văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc đậm đà tinh thần Phật giáo cũng như gương sáng chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng, chư tôn thiền đức, cư sĩ hữu công đối với Phật giáo qua các thời kỳ.
Mặc dù bận rộn với nhiều Phật sự, nhưng Hòa thượng vẫn sớm hôm cần mẫn hầu Thầy là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, nhất là trong việc đảm trách in ấn các công trình dịch thuật, nghiên cứu, trước tác của Trưởng lão Hòa thượng Bổn sư một cách tận tụy.
Bên cạnh đó, Hòa thượng vẫn miệt mài dành nhiều thời gian để sưu tầm, biên soạn các công trình về văn hóa, lịch sử Phật giáo, và cho đến nay đã có hơn 30 đầu sách được xuất bản.
Cuộc đời của Hòa thượng nổi bật với tính cách gần gũi, giản dị, khiêm cung, nhiệt tâm trong mọi Phật sự; tôn trọng bậc trưởng thượng, thân thiện và kiên nhẫn với hàng hậu học, với các cộng sự và Phật tử, trân trọng giới trí thức, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người hữu duyên gặp gỡ, tiếp xúc.
Duyên đã mãn, Hòa thượng an nhiên xả báo thân, viên tịch vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 21 tháng 4 năm Mậu Tuất, nhằm ngày 4 tháng 6 năm 2018, Phật lịch 2562, tại chùa Linh Thái, nơi Hòa thượng khai sơn và trụ trì, trong đạo tình và sự hộ niệm của các pháp lữ, tứ chúng đệ tử, trụ thế 74 năm, 50 Hạ lạp.
Trong lời tưởng niệm có nói: “Trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, cố Hòa thượng hóa duyên đã mãn, trong pháp giới vô biên, Hòa thượng đã thong dong tự tại, vận thần thông đoan ngự cửu liên đài, xả báo thân, chứng nhập Pháp thân, siêu tịnh độ không rời uế độ. Giờ đây, trước Giác linh Hòa thượng, chúng tôi trong HĐTS, Ban, Viên T.Ư GHPGVN, xin thắp nén hương lòng, tưởng niệm Giác Linh hòa thượng, để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong chánh pháp. “
Hòa thượng Thích Toàn Châu đệ nhất chấp lệnh
Môn đồ pháp quyến
Thay mặt Ban tổ chức và tông môn pháp phái, HT.Thích Hải Ấn, – ủy viên TT HĐTS, Viện trưởng HVPGVN tại Huế, phó Thường trực Ban văn hóa T.Ư GH đã cung tuyên tiểu sử cố HT.Thích Trung Hậu.
Cuộc đời của Hòa thượng nổi bật với tính cách gần gũi, giản dị, khiêm cung, nhiệt tâm trong mọi Phật sự; tôn trọng bậc trưởng thượng, thân thiện và kiên nhẫn với hàng hậu học, với các cộng sự và Phật tử, trân trọng giới trí thức, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người hữu duyên gặp gỡ, tiếp xúc.
Trong giờ phút bái biệt lần cuối, thay mặt Trung ương GHGPVN, HT.Thích Thiện Nhơn Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã dâng đôi dòng tưởng niệm lên Giác linh cố Hòa thượng.
TT.Thích Thọ Lạc phát biểu cảm tạ
Chư tôn giáo phẩm dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật Quốc
HT.Thích Huệ Ấn tuyên pháp ngữ, cử phất trần
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm rải hoa tiễn đưa pháp lữ lần cuối.
Ảnh: Đăng Huy – Bảo Toàn – H.Diệu
Xuân Nam tổng hợp
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)