Hồi đó không có điện, không có nước máy, và nước ở trong chum là do mình gánh ở ngoài sông hay ngoài giếng vào. Còn đèn để thắp thì toàn là đèn dầu hỏa. Vào mùa Hè, ngày dài, thay vì ăn cơm ở trong nhà thì ta trải chiếu và dọn cơm ra ngoài sân cho có ánh sáng…
Bữa cơm gia đình Việt Nam thời xưa.
Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Mười năm đầu là mười năm của tuổi thơ, không lo lắng, không cần phải đối diện với những khó khăn của sự sống.
Hai mươi năm kế tiếp là hai mươi năm của sự đương đầu với những khó khăn, với những khắc nghiệt của sự sống. Đây là kinh nghiệm không phải của riêng ai mà của tất cả chúng ta.
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Tất cả những đứa bé ở Việt Nam đều đã có cơ hội sống qua hình ảnh này. Nếu được sinh ra ở Tây Phương thì có thể mình đã không trải qua cùng một kinh nghiệm. Đi chơi; sự có mặt của trẻ thơ là để chơi chứ không để làm gì hết. Ăn và chơi thôi. Ăn, ngủ và chơi. Cha mẹ ta chỉ mong chúng ta làm được ba chuyện đó. Ăn, ngủ và chơi.
Đi chơi nhưng luôn luôn ta được dặn rằng: con nhớ về đúng giờ cơm chiều. Có khi ham chơi quá, ta về trễ và mẹ phải ra gọi. Vì mình chơi ở một bãi cát, ngoài bờ sông hoặc ở một bến nước nào gần nhà. Và sau khi đã nấu cơm xong, mọi người trong gia đình đã có mặt rồi mà chỉ còn thiếu mình nên mẹ phải đi ra gọi mình về ăn cơm. Chơi thì chơi đủ thứ, không cần đi guốc, đi giầy gì hết. Lấm láp, hai chân dính bùn, dính đất, vì vậy khi về đến nhà trước ta phải ra bếp nước để rửa chân. Rửa chân xong, đi đôi guốc rồi mới được vào ăn cơm. Vì mâm cơm được dọn trên bộ ván gõ, nếu chân mình còn dính bùn đất thì mình không được trèo lên. Đó là hình ảnh của Việt Nam.
Ở Việt Nam hồi đó bếp chỉ đun bằng rơm hoặc củi, mà phần lớn ở thôn quê thì đun bằng rơm. Tôi là một trong những người có thể nấu cơm bằng rơm. Hôm nào các sư chú tổ chức đem rơm vào để tôi nấu một nồi cơm bằng rơm cho mà xem. Nấu cơm bằng rơm mà nấu canh cũng nấu bằng rơm được, rất hay. Trong khi nấu cơm mình phải dùng một thanh củi đẩy rơm vào để nuôi ngọn lửa cháy hoài, nếu bỏ đi chỗ khác thì rơm sẽ tắt. Nhưng mình vẫn có thể đứng dậy đi năm hoặc bảy bước để lấy cái gì đó rồi trở về kịp thời để đẩy nắm rơm vào.
Cái bếp nước (ảng nưóc) gần nhà bếp lắm. Nơi đó có một cái lu, ngoài Bắc gọi là cái chum, trên cái chum có một cái gáo dừa, cán bằng gỗ còn gáo làm bằng trái dừa. Nhà nào cũng có một cái gáo dừa như vậy. Dùng cái gáo ấy múc nước từ trong chum ra dội lên hai chân, chân này rửa cho chân kia, không cần cúi xuống dùng tay để rửa. Hoàn toàn ta rửa chân bằng chân. Chân này rửa cho chân kia và chân kia rửa cho chân này, trong khi tay trái vén ống quần còn tay phải thì múc nước.
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Có thể là cơm canh chưa nấu xong nhưng mà mẹ đã ra gọi, vì trời tối rồi. Gọi về rửa chân cho sạch sẽ để ăn cơm chiều. Có thể cơm đã nấu xong, canh đã nấu xong, chỉ cần hâm nóng lại nồi đồ kho hoặc chỉ cần bắc nồi chè lên. Chè đây là nước uống, là trà Huế. Trà Huế là một loại thức uống ở Việt Nam rất phổ thông. Mình đi ra vườn hái những lá chè tươi, mang vào rửa và vo cho dập, sau đó rửa lại cho sạch thêm một lần nữa rồi bỏ vào cái bình tích.
Sau đó mình nấu nước thật sôi và đổ vào bình tích. Lắc lắc vài lần rồi lại đổ nước đó ra, vì nước đó có thể còn hăng và cũng như để rửa chè và bình lại một lần nữa. Cuối cùng mình lấy một củ gừng đập dập và bỏ vào bình tích, sau đó mới rót nước sôi vào và đậy nắp bình lại. Mình còn lấy ít lá chuối khô cuốn tròn lại để nhét vào cái vòi của bình tích cho hơi nóng đừng ra. Cái đó gọi là hãm. Và chừng mấy phút sau nước chè ra rất thơm, rất ngon mầu xanh vàng khá đẹp. Đó là uống cách sang, còn nếu không thì để hết tất cả lá chè đó vào một cái nồi bằng đất rồi đổ nước vào nấu sôi. Sôi xong thì tắt lửa. Khi nào muốn uống thì lấy cái tô múc một gáo nhỏ bỏ vào trong tô, rồi ra lấy thêm nước mưa chế vào cho đầy tô rồi uống. Uống rất đã khát, nhất là mình vừa làm việc lao động xong.
Có thể là nồi cơm đã chín, nồi canh đã nêm, nồi kho đã hâm rồi và chỉ cần bắc nồi chè lên thôi, nhưng mẹ đã đi ra gọi mình về để rửa chân cho kịp thời ăn cơm với gia đình. Bữa cơm gia đình là một thời gian rất linh thiêng. Nếu bữa cơm đó mà thiếu mặt một người thì hạnh phúc không được toàn vẹn. Ngày nay nhiều gia đình không có được cái hạnh phúc này. Đôi khi con về ăn trước hoặc cha mẹ về trước thì ăn trước, con về sau thì ăn sau. Vì thế mình không có được cái hạnh phúc đoàn tụ trong bữa cơm gia đình.
Hồi đó không có điện, không có nước máy, và nước ở trong chum là do mình gánh ở ngoài sông hay ngoài giếng vào. Còn đèn để thắp thì toàn là đèn dầu hỏa. Vào mùa Hè, ngày dài, thay vì ăn cơm ở trong nhà thì ta trải chiếu và dọn cơm ra ngoài sân cho có ánh sáng. Khi ăn xong, cất dọn chén bát rồi thì trăng có thể đã lên tới ngọn tre, đầu ngõ. Và anh chị em cùng ra chơi với nhau ở ngoài bụi tre. Đó là cảnh tượng rất đẹp đẽ, rất phổ thông của tất cả mọi gia đình.
Chân Pháp Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)