Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) đã tổ chức Hội nghị với đề tài “Lan tỏa ánh sáng trí tuệ và từ bi trên khắp châu Âu”. Sự kiện diễn ra vào các ngày 13-15/04/2018, tại Bảo tháp Phật giáo Benalmádena, thị trấn Benalmádena, Málaga ở vùng Andalusian, phía Nam Tây Ban Nha. Hội nghị được thành lập với mục đích liên kết các Phật giáo đồ ở châu Âu và phát triển Phật giáo châu Âu trong sự phát triển của Phật giáo quốc tế.
Video: Hội nghị có một màn trình diễn âm nhạc đặc biệt của Javi López.
Hội nghị có 17 bài tham luận bằng văn bản, ba buổi hội thảo và một buổi thuyết trình công khai bởi các diễn giả đến từ các quốc gia Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và vương quốc Anh.
Các chủ đề được thảo luận trong ba ngày diễn ra hội nghị là một minh chứng cho sự tương đồng cũng như điểm khác biệt giữa các cộng đồng Phật giáo ở châu Âu.
Các diễn giả đã khám phá ra nhiều phương pháp thực hành các truyền thống Phật giáo khác nhau, và tham gia các dự án Phật giáo giải quyết các vấn đề xã hội trên khắp châu Âu.
Buổi lễ khai mạc diễn ra long trọng với sự hiện diện của ông Víctor Perez, Thị trưởng Benalmádena; Cư sĩ Ron Eichhorn, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU); Cư sĩ Ricardo Guerrero, người sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Hispana (AHB); Cư sĩ Margarita Lehnert Kossowski, Chủ tịch Hội Bảo tồn Bảo tháp Phật giáo Benalmádena. Dưới sự dẫn dắt của Cư sĩ Margarita Lehnert Kossowski, hội thảo bắt đầu với nghi thức quy kính Tam bảo và thiền định, để khơi nguồn tâm trí của những người tham gia, tập trung vào động lực, ý định và ánh sáng.
Trong số các bài diễn thuyết vào ngày đầu tiên, Giáo sư David Rycroft đến từ tổ chức từ thiện giáo dục quốc tế Mind with Heart, Luân Đôn, vương quốc Anh, đã trình bày chương trình giáo dục cho giáo viên, hỗ trợ các trường học trong việc phát triển cách tiếp cận tích hợp để giới thiệu chánh niệm, học tập xã hội và cảm xúc đến với trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp châu Âu. Giáo sư giới thiệu về công việc của mình thông qua bài thuyết trình với đề tài “Lan tỏa ánh sáng từ bi, trí tuệ trên khắp châu Âu”.
Hội nghị còn có sự tham dự của Thiền sư Dario Girolami, Cựu Giáo sư phụ trách “Thiền” tại Đại học John Cabot ở Rome, thành viên của Zen Buddhist Sewing Teacher (ZBST), thành viên sáng lập Hiệp hội Quốc tế Ý thức và từ Bi (CMC), điều phối viên Mạng lưới Hoằng pháp Liên đoàn Phật giáo Châu Âu, đồng Chủ tịch Tôn giáo Hòa bình Ý (RfP). Thiền sư là người thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo tại khoa Tâm lý học của Đại học Sapienza, tổ chức đều đặn các khóa thiền định tại nhà tù Rebibia, Roma và hướng dẫn cách thiền định cho người nhiễm HIV.
Cư sĩ Wojtek Kossowski, kiến trúc sư của Bảo tháp Phật giáo Benalmádena, đã có một bài thuyết trình về việc kiến tạo bảo tháp, cách bài trí thờ phụng 6.000 pho tượng Phật và nhiều hiện vật quý giá khác. Bảo tháp Phật giáo Benalmádena tọa lạc ở Benalmádena, Málaga, ở vùng Andalusian, phía Nam Tây Ban Nha, nhìn ra Costa del Sol. Bảo tháp cao 33m và là tháp lớn nhất ở Tây Ban Nha. Bảo tháp được khánh thành vào ngày 05/10/2003 và đây cũng là công trình cuối cùng của Đại sư Phật giáo Tây Tạng, Tôn giả Loppon Tsechu.
Bảo tháp còn được gọi là tháp Hòa bình (Peace Stupa), nhưng không phải do người Nhật xây dựng như các tháp hòa bình khác trên thế giới. Đây là công trình được thực hiện bởi các đạt ma Phật giáo Tây Tạng, để cầu nguyện cho nền hòa bình, thịnh vượng, hướng đến sự hòa hợp.
Bảo tháp này cũng có tên gọi khác là tháp Giác ngộ (Enlightenment Stupa), tượng trưng cho sự giác ngộ của đức Phật. Tháp có Thiền phòng chiếm 100m2, có tượng Phật và các văn hóa phẩm của Phật giáo Tây Tạng. Trên tường của bảo tháp có các bức họa về cuộc đời đức Phật. Hiện Bảo tháp Phật giáo Benalmádena được quản lý bởi Asangación Cultural Karma Kagyu của Benalmádena, một trong những thành viên góp phần làm nên thành công cho buổi hội nghị.
Ngày thứ hai là các bài thuyết trình của Tiến sĩ Carola Roloff và Gbriela Frey, đến từ Phật giáo Quốc tế Sakyadhita. Tiến sĩ đã nêu lên tầm quan trọng của giới hiện đại bằng một bài diễn thuyết với đề tài “Khả năng đào tạo giáo viên Phật giáo tại các trường Đại học ở châu Âu”. Buổi chiều cùng ngày, Egil Lothe đến từ Liên hiệp Phật giáo Na Uy đã có một bài thuyết trình với đề tài “Phật giáo và những đóng góp trí tuệ đối với châu Âu đương đại”. Liệu Phật giáo có thể thiết lập như một tôn giáo hay không? Và bản chất của sự tồn tại là gì? Những vấn đề này đã được nhắc tới trong bài diễn thuyết và nhận được sự quan tâm của mọi người.
Phiên hội thảo ngày thứ ba bắt đầu với bài thuyết trình “Những người tiên phong Phật giáo về hôn nhân đồng tính ở phương Tây: Một lịch sử ít được biết đến trong hành động” của Tiến sĩ Michael Vermeulen, đến từ vương quốc Anh.
Buổi hội nghị đã kết thúc tốt đẹp với thành công của Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) trong việc tập hợp các truyền thống Phật giáo khác nhau, để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ, cũng như truyền bá trí tuệ và từ bi tâm của Phật pháp.
Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) là một tổ chức bảo trợ quốc tế, tập hợp 50 tổ chức Phật giáo đến từ 16 quốc gia châu Âu. Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi quốc tế và thúc đẩy tình hữu nghị tinh thần giữa các Phật tử tại châu Âu. Bên cạnh đó, hội đồng cũng hỗ trợ thúc đẩy hành động xã hội Phật giáo và khẳng định vị thế của Phật giáo ở các quốc gia Phật giáo châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Trong năm 2008, Hội đồng Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) đã nhận được sự chấp thuận tham gia Hội nghị Tổ chức Phi Chính phủ Quốc tế tại Hội đồng châu Âu.
Vân Tuyền (Nguồn: European Buddhist Union)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)