Trong ngôi chùa nằm sát biển Thiên Cầm đang vang vọng tiếng cười của trẻ thơ. Mỗi trẻ một hoàn cảnh khác nhau, các em được vun trồng bởi bàn tay, tấm lòng của một vị thầy đã hóa giải những muộn phiền, mặc cảm trong lòng các em để đưa giáo lý của nhà Phật vào cuộc sống…
Thầy gần gũi, nhắc nhở các chú nhỏ học tập, tiến thân và tiến tu đạo đức – Ảnh: Loan Vũ
Nhân duyên thiện lành
Gắn bó với tiếng chuông, câu kinh bài kệ từ nhỏ, cuộc sống của ĐĐ.Thích Hạnh Nhẫn không chỉ thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Năm 2001, thầy thi đậu thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Trong thời gian tu học ở thủ đô, ĐĐ.Thích Hạnh Nhẫn thường xuyên tham gia công tác hoằng pháp tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Sau mỗi chuyến đi, hình ảnh mà thầy mang theo là những câu chuyện, những mảnh đời đơn côi nghèo khó cần một bờ vai giúp đỡ.
Với mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm, thầy nhớ lại:“Trong cơn mưa chiều tầm tã, từ thành phố Hà Tĩnh về Cầm Xuyên, tôi bắt gặp một cụ già đi nhặt ve chai cùng đứa trẻ 5 tuổi lững thững theo sau. Tôi dừng lại hỏi, thì ra bố mẹ bỏ đi từ khi đứa bé còn đỏ hỏn. Đứa bé ở với bà. Khuôn mặt, đôi mắt trong veo đó cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường về”. Đến năm 2006, sau khi tốt nghiệp, gác lại dự định quay trở về Phan Thiết – quê hương thầy và thầy đã đến một vùng đất mới mang tên Hà Tĩnh.
Những mảnh đời được chở che
Sau lễ tốt nghiệp, thầy Hạnh Nhẫn quyết định khăn gói quả mướp bắt xe đò từ Hà Nội chạy thẳng về Hà Tĩnh, rồi xin ở trong chùa Cầm Sơn (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tinh). Sau khi sửa sang lại chùa, thầy Hạnh Nhẫn bắt tay ngay vào việc đi tìm lại những mảnh đời mà mình bắt gặp trong những chuyến đi hoằng pháp trước.
Ngôi nhà trên đỉnh Thiên Cầm đã được dựng lên nhưng không phải trẻ mồ côi nào cũng hoan hỷ đón nhận tấm chân tình của vị sư trẻ. Có nhiều em đang lang thang, lấy gầm cầu làm nhà, quen với cuộc sống tự do nên khi thầy ngỏ ý đưa về chùa cho ăn, cho ở, cho ngủ và được đến trường thì nhiều em không tin đó là sự thật.
Thầy vui vẻ kể: “Có đứa còn nghi ngờ, đứa nhìn thấy tôi thì sợ quá nên chạy, chắc các em nghĩ thầy lừa đảo. Khi đó, tôi đã nghĩ cách là gặp những đứa trẻ thì mình mang ra cho các em vài cái kẹo hay bánh, sau đó mình trò chuyện với chúng. Vậy là dần thuyết phục, chuyển hóa suy nghĩ chưa đúng nơi các em”. Bây giờ ngôi nhà chung của thầy đã có 22 thành viên, em lớn nhất thầy đang cho đi học trung cấp, nhỏ nhất là 5 tuổi, người ở với thầy lâu nhất cũng 8 năm, em mới tới chùa cũng 6 tháng.
Là tu sĩ, bận rộn với công việc hoằng pháp cho chúng sinh nhưng chưa bao giờ thầy bỏ quên những đứa con của mình. Chăm lo từ bữa cơm, giấc ngủ, tập vở để các em được đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa. “Các em là những đứa trẻ thiệt thòi, kém may mắn nên rất dễ tổn thương, tùy từng đứa mà mình có cách cư xử khác nhau. Nhưng không vì thế mà nuông chiều. Đứa nào hư, không học thuộc bài thì bị phạt… buổi sáng chạy thể dục thêm một vòng nữa”.
Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm tình thầy trò nơi đỉnh Thiên Cầm – Ảnh: Loan Vũ
Thầy tâm sự về những đứa con của mình cho tôi nghe khiến hành trình di chuyển từ thành phố Hà Tĩnh xuống huyện Cẩm Xuyên như gần hơn. Xe vừa dừng dưới chân núi, những chỏm đầu trái đào ùa xuống ríu rít gọi: “Con chào thầy, con chào cô, chào chú” và ôm chầm lấy thầy. Đứa xách tay nải, đứa cầm quạt giấy giúp thầy. Có đứa nhanh nhảu hỏi: “Thầy có mua quà cho tụi con không”. Mỗi đứa một câu làm “người cha” không kịp trả lời. Không khí nhộn nhịp ấy cứ kéo dài mãi lên đến tận đỉnh núi Thiên Cầm.
Tranh thủ lúc những đứa trẻ đang ngồi tụng kinh, tôi đi một vòng quanh chùa thì bắt gặp một cậu bé đang cặm cụi ngồi tô tô vẽ vẽ. Hỏi ra thì biết em tên Vũ Long, 11 tuổi, đến ngôi nhà chung này được 2 năm và hiện đang học lớp 2. Thấy tôi ngạc nhiên, Long nói : “Vì trước đây con không có cha mẹ, con không được đến trường. Về đây, thầy cho con đi học, con biết ước mơ. Con coi thầy như bông hoa hồng của con vậy”.
Tôi nhìn xuống bức tranh Long đang hoàn thiện đó chính là bãi biển Thiên Cầm, với ngọn núi đang nghiêng mình đón ánh nắng mặt trời, xa xa là vị sư thầy cùng 22 đứa trẻ đang vui đùa trên bãi cát. Với Long, những tháng ngày này là ký ức đẹp nhất – ký ức về ngôi nhà trên đỉnh Thiên Cầm. Tôi loáng thoáng nghĩ về phép màu mang tên tình thương, có thể biến những nỗi khổ niềm đau thành niềm tin, hy vọng…
Loan Vũ
(Giác ngộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)