Bỏ ngỏ vùng cao nguyên và nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa cho các thế lực khác…là một vấn đề tồn sinh cho tổ quốc ( như vụ Dêga năm 2002) và Phật giáo tự trói tay mình để rồi Phật giáo tự tiêu diệt là một vấn đề chóng chầy sớm muộn.
Các bạn trẻ tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Phước Sơn huyện Cư Jut – Đăk Nông
1. Chúng tôi đến thăm chùa Phước Sơn vào một chiều đầu xuân, nhạt nắng. Dù là ngày mồng 8 âm lịch rồi, nhưng dư vị tết vẫn còn đậm nét với những khay mứt bánh trên bàn khách. Thầy trụ trì trẻ, tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện, cởi mở; thầy cho biết tối nay chùa bắt đầu khai kinh cầu an đầu năm cho đến rằm tháng giêng.
Phật sự đa đoan – nhất sư nhất tự – ngoài công việc xây dựng các cơ sở vật chất như chánh điện, nhà tăng, nhà tổ, nhà trù và các công trình phụ, thầy còn phải đáp ứng những tín ngưõng nhân gian cho các tín đồ như ma chay, cầu an, cầu siêu… ở các tư gia. Hơn thế nửa, thầy còn mang trọng trách là phó ban đại diện Huyện hội Phật giáo Cư jút kiêm truởng ban từ thiện xã hội của tỉnh nữa.
Tôi hỏi sao thầy không mời thêm các huynh đệ cùng về đây phụ giúp? Thầy cười, chân thật tỏ bày: “họ không chịu tới”.
Câu trả lời này không phải chúng tôi mới nghe đầu tiên của các vị trụ trì ở các tỉnh tây nguyên, và có lẽ các vị lãnh đạo Phật giáo ở văn phòng 2 của Giáo hội hẳn biết rõ, rất rõ là đằng khác.
2. Nhưng…
3. Bỏ ngỏ vùng cao nguyên và nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa cho các thế lực khác…là một vấn đề tồn sinh cho tổ quốc ( như vụ Dêga năm 2002) và Phật giáo tự trói tay mình để rồi Phật giáo tự tiêu diệt là một vấn đề chóng chầy sớm muộn.
4. Và cái “ẩn số” ; “tại sao không chịu tới” câu trả lời không còn lơ lửng nửa. Giáo hội cần phải có quan điểm rõ ràng dứt khoát.
Cứ xem hàng năm con số tăng ni sinh tốt nghiệp tại các trường trung cấp, cao cấp không phải là ít.
5. Có một điều chắc chắn rằng ở vùng đất chử S thân thương này, không có nơi nào có thể gọi là “miền Du Na ác địa”1 như thời Đức Thế Tôn cả.
6. Đi tìm …một “ Phú Lâu Na thời đại”, ôi cái tựa đề nghe sao xót xa quá!
Và, chúng ta có buồn lắm không khi lời phát nguyện của ai kia còn đồng vọng: “thượng cầu Phật đạo…hạ hoá chúng sanh” mà chúng sanh thì vô biên, làm sao “độ” hết. Thôi thì, kiếm các “chúng sanh” ở các nơi đô hội đông người cho dị độ. Vừa thuận ‘mình” vừa lợi “ người” như phẩm chất của bậc “Thưọng sĩ”2 trong luận du già không?
7. Con đường trở về nhà khá xa mà trời thì tối hẳn, dù trăng mồng 8 đã rõ nét. Chúng tôi, hai lão già u 70 với chiếc xe honda tàng tàng và ngọn đèn pha- cốt chầm chậm mờ quét trên con đường nhựa vừa được làm lại từng đoạn, chúng tôi liên tưởng đến mấy bài tiểu luận của Minh Mẫn và Hồng Quang đăng trong tác phẩm “ tại sao phải chấn hưng Phật giáo” rồi so sánh với con đường mà chúng tôi đang đi.
8. Cám ơn 2 lon nước tăng lực của thầy MT, cám ơn những lời tâm sự chân tình của thầy NL.
Chúng tôi, tuổi đã già, sức đã cạn, nhưng tâm nguyện còn dâng đầy: “ làm được gì cho Phật giáo thì làm” mà – hưong từ bi – như một tiếng hét thất thanh của con dế mèn trong đêm dài cô tịch, mà sự hòa âm là một khát vọng khôn cùng.
9. Lặng lẽ…tâm tình
Lê Sa Đà
(lầu gió, mạnh xuân Canh Dần)
Chú thích
1. Thời đức Phật có nàng Du Na, dân chúng ở đó quá ngang ngạnh, không tu sĩ nào đến giáo hoá vì sợ đến an nguy sinh mạng. Chỉ có tôn giả Phú Lâu Na can đảm bất chấp hiễm nguy, xin đức Phật đến. Và, Tôn giả đã làm tròn công hạnh.
2. Theo luận Du già:
Hạ sĩ: người chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến ngưòi.
Trung sĩ: người chỉ nghĩ đến người, không nghĩ đến mình.
Thượng sĩ: người vừa nghĩ đến mình, vừa nghĩ đến ngưòi
Trích Hương Từ Bi số 8
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)