Cuộc đời thì chỉ có: kẻ giàu – người nghèo, đủ ăn và không đủ ăn, sung sướng và không hạnh phúc… Chứ đâu có phân ra người học trường top cao hay top dưới, thậm chí là vô học.
Đợt trước, đọc được bài viết trên báo, đại loại như “làm giảng viên đừng có đi bán xôi/ bánh mỳ”. Đêm qua, xem chương trình đường đến thành công, kể về cuộc đời của một nữ nhà văn từng là nạn nhân của nạn cô lập, phân biệt, kỳ thị ở trường học. Sau đó, cô bỏ học, làm công việc kinh doanh, rồi viết sách, làm biên kịch. Thấy mình phần nào trong hành trình ấy. Dù rằng mình chẳng vĩ đại được như thế, nhưng mình từng nhận được vài nụ cười khẩy của những lũ bạn. (À, ở khoản tụi nó coi mình lập dị, quái đản và ngu ngốc).
Nói về thành công của mỗi người, có nhiều người đang đánh đồng thành công với danh tiếng hay sự sĩ diện hão. Chung quy lại cũng là do kết quả của một nền giáo dục thất bại, bởi nó hướng người ta học vì bảng điểm – bằng cấp – địa vị, chọn công việc không vì sở thích, ước mơ mà vì ngồi mát ăn bát vàng (tất nhiên, không phải 100%, nhưng kết quả của việc ra trường, không biết làm gì đã chứng minh phần nào).
Nó thể hiện ở việc ngay từ lúc đi học, những đứa trẻ học tốt môn tự nhiên đã được cô giáo coi trọng hơn, giao những chức vụ trong lớp. Nó thể hiện ở việc, những đứa trẻ có xu hướng nghệ thuật luôn bị xem là lập dị, hay chân tay to – đầu óc đơn giản – mặc dù rõ ràng, chẳng phải đứa trẻ nào cũng thể giỏi nghệ thuật nhưng hoàn toàn có thể phấn đấu học tốt, điểm cao các môn tự nhiên. Nó càng thể hiện rõ sự phân biệt khi học sinh ban A luôn cho mình thông minh hơn học sinh ban C, vì học thuộc lòng thì chỉ cần chăm chỉ là đủ.
Ảnh: minh họa
Cuộc phân biệt kéo theo đến đại học rồi ra đời. Nhưng nặng nề hơn, những đứa bạn “trí thức” làm công việc trong văn phòng nhìn bọn bạn học cùng ngày nào đang kinh doanh (con buôn), đang làm thợ (chân tay to)… Bằng ánh mắt của đứa ngồi trên nhìn xuống đứa ngồi dưới. Đứa kia ngày xưa học kém, hay trốn học, giờ làm chủ, tháng vài chục. Đứa kia, bán mỹ phẩm quần áo, tháng cũng vài chục. Còn đứa kìa, học giỏi lắm, oai lắm, toàn top cơ, giờ ngồi văn phòng điều hoà, mát lạnh, sang chảnh gõ máy tính, tháng có 4-5 triệu, chưa hết tháng đã hết tiền, nhưng cứ nghĩ mình đang làm việc trên đầu thiên hạ.
Người ta vẫn cứ kỳ thị nhau như thế. Nhưng mà, cuộc đời thì chỉ có: kẻ giàu – người nghèo, đủ ăn và không đủ ăn, sung sướng và không hạnh phúc. Công việc chỉ có người làm được việc hay không được việc, người chăm chỉ hay lười biếng, người có đam mê hay không đam mê. Chứ đâu có phân ra người học trường top cao và người học trường top dưới, thậm chí là vô học (bỏ bằng cấp).
Thế thì khi ra đời, cầm tấm bằng trong tay, có thể sẽ là một lợi thế, nhưng thành hay bại, nó nằm ở những yếu tố khác. Trong đó có cả cái tâm và cái tình. Cứ nghĩ mình ở đâu đó đến, làm việc này việc kia, chắc gì đã hơn người bán xôi hay bánh mỳ, tháng vài chục triệu, con cái no đủ, đi du lịch khắp nơi, chẳng phải cúi gằm đầu khi bị ông sếp nào chửi.
Nhìn lại mình đi, trước khi muốn cuộc đời nhìn mình, nó thật ra chưa vĩ đại, ngoài cái bóng trên tường to đâu!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)