Post: : Admin

Không chỉ một mà có hàng trăm người mỗi ngày đã được Võ sư, thầy thuốc Từ Huệ Xây  chăm sóc, chữa trị các bệnh về xương khớp với một tấm lòng từ sâu thẳm, ngay cả những người nghèo không có thể chi trả tiền thuốc, cần có nơi ở lại để điều trị lâu dài cũng được ông cưu mang, nuôi dưỡng cho tới khi lành bệnh.



Võ sư Từ Huệ Xây


Như một cơ duyên tiền định

Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, Võ sư Từ Huệ Xây (còn gọi là Mã Xây, SN 1954, quê TP. Cần Thơ), là con trai đầu trong ga đình nghèo gồm ba anh em, nhưng lại không may mắn như những đứa trẻ cùng thời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, vì thế, ông được một sư thầy người Hoa nhận về nuôi dạy, còn hai người em ở lại quê nhà với họ hàng, được nuôi dạy, cho đi học đến lúc trưởng thành.

Ông lớn lên trong sự che chở của cha nuôi và những người dân nghèo tốt bụng. Cha nuôi của ông có võ thuật uyên thâm, sống trong môi trường “ăn võ ngủ võ” nên ngay từ lúc mới 3 tuổi, cậu bé Huệ Xây đã sớm tiếp xúc với các bài quyền cước cũng như những phương thuốc, bài thuốc bí truyền chuyên trị các chứng bệnh xương, khớp.

Trong số 38 đệ tử theo học thầy Tứ Trụ, cậu bé Huệ Xây được thầy truyền lại nghề thuốc để nối nghiệp. Do thầy người Hoa, trò người Việt, nên ngôn ngữ có sự khác biệt. Vì bất đồng ngôn ngữ, nên Huệ Xây chuyển sang học thực hành là chính. Ban đầu, thầy cho cậu làm đi làm lại nhiều lần, đến độ nhuần nhuyễn, thuộc rành các vị trí gân, xương, khớp trong cơ thể, chỉ sờ nắn là biết sai, trật chỗ nào và sửa lại trong tích tắc thì mới thôi. Càng lớn, Huệ Xây càng tinh thông về võ nghệ, thì những kiến thức về liệu pháp chữa trị các bệnh về gân, xương, khớp ngày càng uyên thâm tường tận.

Những bước đầu khó khăn

Hơn 15 năm rèn đức, luyện võ và học bào chế thuốc chữa bệnh dưới sự dìu dắt của thầy, đồng thời cũng là cha nuôi của ông, Từ Huệ Xây rời võ đường với lời dặn tâm huyết của cha: “Muốn trở thành người tốt, con phải ra đi và thực hành những gì con học được. Thầy đã trao cho con gân, xương của mọi người và con chỉ cần có lòng tốt, con sẽ sống. Phải giữ chữ Nhân trong cuộc đời, và dùng nó làm việc có ích”. Bài học đầu tiên ở trường đời với ông là cái đói, cái khát và bệnh tật của bản thân và của những người cùng trú ngụ dưới gầm cầu Camet như anh. Ông cảm nhận sâu xa cái khổ của con người trong xã hội. Vào chùa làm công quả rồi tiếp tục lang thang phiêu bạt để kiếm sống. Ông nhớ lời thầy dặn phải luôn sống tốt, làm tốt cho mọi người và tự nhủ lòng phải luôn xứng đáng là người đệ tử của thầy.

Năm 1977, ông tham gia Thanh niên Xung phong. 5 năm sau, ông được phân công làm bảo vệ ở lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông). Tối đến ông dạy võ cho các anh em và chữa trị các bệnh về xương khớp cho học viên.

Với các món thuốc gia truyền do thầy tự nấu lấy, học viên hết đau nhanh chóng và giới thiệu thân nhân đến với thầy, thầy cũng không từ chối. Cứ thế ngày càng có nhiều người bệnh về xương khớp được giới thiệu đến với võ sư Từ Huệ Xây.

Đem y đức chữa bệnh cứu người

Hơn 10 năm nay, Võ sư Từ Huệ Xây chỉ tập trung vào việc chữa trị cho bệnh nhân (bằng Võ sư được phép trị bệnh về gân xương). Căn nhà của thầy ở phường Linh Đông (Thủ Đức) tiếp nhận bệnh nhân từ 4 giờ sáng, những bệnh nhân nghèo ở xa được thầy cho ở lại và nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo cho tới khi lành bệnh, đặc biệt là các Tu sĩ. Thầy tự nấu thuốc, chữa trị cho bệnh nhân và dạy các đệ tử để cùng phụ với thầy. Thầy thường nhắc nhở các học trò: " Làm nghề võ phải có tâm từ, có tâm từ mới có tay phục dược, phải đối xử với bệnh nhân như với cha mẹ của mình" và chính thầy thường tự tay bưng cơm nước, thuốc men cho bệnh nhân, thầy cũng luôn tôn trọng các đệ tử mặc dù rất nghiêm khắc.


Võ sư Từ Huệ Xây đang bó thuốc cho người bệnh



4 – 6 giờ sáng thầy chữa khoảng 3 – 4 chục người tại Thủ Đức. Sau đó thầy cùng các đệ tử đến cơ sở 2 tại ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là cơ sở mới do Thầy lập ra nhằm tạo điều kiện tốt nhất để cho các bệnh nhân ở xa có chỗ lưu trú và điều trị bệnh, hàng ngày có khoảng 100 – 120 người bệnh đã chờ sẵn ở đó. Thầy làm việc cho tới khi hết bệnh nhân chứ không làm hết giờ. Có hôm 22 giờ thầy trò mới lên xe trở về Thủ Đức để thầy kịp nấu thuốc cho bệnh nhân dùng ngày hôm sau.

Thầy chia sẻ rất chân thành: "Ban đầu, tôi lấy tiền túi để làm cho người nghèo, hết tiền thì xin bạn bè, người quen… sau này ai có điều kiện thì tôi cũng lấy tiền để tiếp tục lo cho người nghèo". Bởi chữa bệnh bằng cái tâm và y đức của người thầy thuốc, nên bệnh nhân đến với thầy ngày một đông. Thầy chia sẻ: “Những bệnh nhân đến chữa bệnh với tôi thường ở rất nhiều độ tuổi và ở nhiều vùng miền khác nhau. Và tôi thấy vui mỗi khi giúp họ vượt qua được sự đau đớn về thể xác, bệnh tật”. Được hỏi về tâm nguyện của mình, thầy xúc động: “Tôi chỉ ước làm sao cho các bệnh nhân hết đau, hết khổ". Mỗi ngày thầy chỉ còn nghỉ được 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không hề nghĩ đến bản thân mà luôn thao thức vì nỗi khốn khổ của người bệnh, thật đáng khâm phục.

Địa chỉ: Phòng khám y học cổ truyền Vạn Đức

Ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Võ sư Từ Huệ Xây - Điện thoại: 0903 709 135


Hải Đăng ( tổng hợp)