Post: : Admin

Cha mẹ là người đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Đối với những nền tảng văn hóa khác nhau thì phương pháp nuôi dạy con cũng ít nhiều khác nhau.



Dưới đây là một số gợi ý chung nhất về việc nuôi dạy con dựa trên các cứ liệu khoa học, để các bậc cha mẹ tham khảo, có thể phần nào giúp cha mẹ thực hiện tốt thiên chức của mình, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc và thuận lợi cho trẻ bước vào đời sau này.

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con

Theo báo cáo của Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc Tổ chức Khoa học Xã hội Hoa Kỳ năm 2012, trò chuyện là tạo nền tảng để trẻ đạt được những thành công về mặt tương tác xã hội sau này, giúp trẻ hình thành kỹ năng kết bạn, phát triển sự sáng tạo và giải tỏa căng thẳng cho trẻ.

Nuôi con bằng thái độ tích cực

Cha mẹ không nên có biểu hiện cảm xúc tiêu cực hoặc đối xử thô bạo, thiếu tình thương với trẻ. Khoa học đã chứng minh, trẻ tiếp nhận “sự hiếu chiến” khi còn nhỏ sẽ dẫn đến hành vi hiếu chiến, thô lỗ về sau, nhất là trong đời sống hôn nhân.

Dạy con bằng lòng từ bi

Cha mẹ nên dạy con bằng lòng từ bi và giúp hình thành lòng từ bi ở con trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, hình thành và phát triển lòng từ bi nơi tự thân mỗi người là một kỹ năng sống quan trọng giúp đương đầu với khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Cho trẻ tới chùa - một cách giúp trẻ sau này sống tử tế, đầy lòng từ - Ảnh: Vũ Giang

Lòng từ bi nơi tự thân (self-compassion) được tạo nên từ sự chánh niệm - khả năng kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc, cũng như tình thương và sự đồng cảm dành cho người khác. Đó cũng chính là dạy trẻ cách tử tế với bản thân mình, biểu hiện qua sự tự nhận thức những vấn đề chưa tốt của bản thân và cam kết nỗ lực giải quyết, sửa chữa những vấn đề, những điều chưa tốt đó.

Khi cha mẹ dạy con bằng lòng từ bi thì cũng chính là tấm gương thị phạm về lòng từ bi cho trẻ noi theo.

Cha mẹ hãy làm thăng hoa đời sống hôn nhân của mình

Đời sống hôn nhân hạnh phúc là yếu tố quan trọng để nuôi dạy trẻ thành công. Nếu cha mẹ bất hòa hoặc có hôn nhân bất ổn (ly thân, ly hôn, thường xuyên xung đột, không khí gia đình nặng nề,…) sẽ làm trẻ bị stress và mất ngủ - báo cáo trên tạp chí Sự phát triển của Trẻ năm 2011.

Do vậy, cha mẹ nên quan tâm đến đời sống tinh thần của mình, giải quyết mâu thuẫn phát sinh một cách êm đẹp. Nếu có dấu hiệu stress hay khủng hoảng phải sớm tìm cách khắc phục, đừng để ảnh hưởng xấu đến việc nuôi dạy con.

Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tự lập

Các chuyên gia khuyên rằng khi con đủ lớn và muốn tự lập, tốt nhất cha mẹ nên quan sát, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để con tự lập một cách tốt nhất. Vì nếu lo lắng mà “bám sát” lấy con sẽ làm trẻ bất an, tự mãn và thiếu điều kiện trải nghiệm cuộc sống.

Khoa học đã khẳng định: Hãy để trẻ đứng lên bằng chính năng lực của bản thân nhưng bên cạnh đó cũng cần có sự hỗ trợ của cha mẹ.

Đừng buông lời khó nghe

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, khi trẻ ở tuổi thanh thiếu niên với chuyển biến lớn về tâm sinh lý, sẽ có nhiều bất ổn trong lời nói và hành vi. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng mà hãy lắng nghe, nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ. Và nhất là không nên nói những lời khó nghe với trẻ vì điều này sẽ tạo ấn tượng mạnh và đi vào ký ức của trẻ một cách sâu đậm.

Quan hệ gần gũi, yêu thương của mẹ làm giảm ảnh hưởng áp lực đến từ các bạn đồng trang lứa lên trẻ khi ở độ tuổi này.

Không nên cầu toàn sự hoàn hảo về trách nhiệm làm cha mẹ

Cha mẹ nên có thái độ nhẹ nhàng và cởi mở trong ý thức về trách nhiệm làm cha mẹ, như vậy sẽ giúp cha mẹ vượt qua sự căng thẳng. Nên bỏ qua những áp lực về sự hoàn hảo mà mình tự đặt ra để hoàn thành tốt chức trách của mình.

Học lắng nghe và hiểu con mình

Một báo cáo năm 2011 trên tờ Tâm lý học Trẻ dị thường kết luận, cha mẹ luôn cố uốn nắn con bằng những khuôn mẫu bắt buộc mà mình mong muốn làm tăng nguy cơ lo lắng, bất an và khủng hoảng ở trẻ.

Đặc biệt những trẻ có vấn đề về kiểm soát cảm xúc luôn cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ cha và mẹ. Tốt nhất cha mẹ nên từng bước lắng nghe, quan sát những tín hiệu trẻ đưa ra để có thể linh hoạt giúp trẻ một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Các nghiên cứu đều đi đến kết luận, nếu con trẻ được nuôi lớn trong tình yêu thương của cha mẹ thì sẽ xây dựng và phát triển được các quan hệ một cách tốt đẹp khi trưởng thành.

“Quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái là nhân tố tối quan trọng để giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành. Và cha mẹ là kiểu mẫu để con cái học theo”, chia sẻ của nhà nghiên cứu Constance Gager, Đại học Montclair (New Jersey).

Đức Hòa (theo Live Science)