Post: : Admin

Vậy là một sự kiện đầy hân hoan và phấn khởi nữa lại đến với chùa chúng tôi, khi hôm nay Sư phụ tổ chức lễ thế phát xuất gia cho năm sư đệ nữa. Vẫn như thường lệ, buổi lễ thế phát luôn được Sư phụ và quý thầy tổ chức rất trang nghiêm và ý nghĩa. Đây quả là một điều rất phước duyên cho những ai được xuất gia ở nơi đây, với Sư phụ và môi trường tu tập thật lý tưởng này.



Trong vòng tay Phật

Nhớ lại ngày nào khi chúng tôi cũng được Sư phụ tổ chức lễ thế phát, thấm thoát mà đã hơn ba năm trôi qua. Ngày đó, có một kỷ niệm mà cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn chưa khỏi cái cảm giác bàng hoàng, chới với mặc dù đó chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ đó là vào đêm cuối trước ngày xuất gia, tôi thấy cảnh tượng mình đi vào chánh điện, nhưng không có ai cả, không thấy Sư phụ đâu, không thấy quý thầy đâu, không thấy các anh em cùng làm lễ thế phát với mình đâu? Tôi đứng bần thần trong tâm trạng hoang mang, chới với, nghẹn ngào khi nhận ra mình đã về trễ. Rồi bất chợt, tôi bừng tỉnh giấc và dần hoàn hồn trong niềm vui sướng đến tột độ khi biết rằng đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ, chỉ là một giấc mơ… thôi. Sau đó, tôi không dám nhắm mắt trở lại cho đến khi hồi chuông vang lên, thức dậy một ngày mới, thức dậy một ngày đầy ý nghĩa của cuộc đời chúng tôi. Ôi! Vậy là giây phút ấy đã sắp đến, giây phút mà kể từ đây cuộc đời chúng tôi sẽ bước sang một trang mới, với biết bao ý nghĩa, biết bao tò mò và khao khát về cuộc hành trình đi tìm sự giải thoát. Và cứ thế, tôi đang tự reo lên trong lòng mình như vậy, một cảm giác của sự hồi hộp, hạnh phúc xen lẫn sự lo lắng, đón chờ sự thật ấy diễn ra. Cho đến khi buổi lễ viên mãn, rờ tay lên đầu thấy tóc đã cạo, đầu đã nhẵn tôi mới thật sự thoát khỏi nỗi bàng hoàng của giấc mộng ấy.


Trải qua hơn ba năm, được sống trong môi trường tu học trang nghiêm, kỷ cương, giới luật và hòa hợp; được sự sách tấn chỉ dạy thường xuyên của sư phụ; được thấm dần tư tưởng hoằng pháp độ sinh của ngài; được đi học tại các trường Phật học… chúng tôi đã dần lớn lên trong ngôi nhà Phật pháp, dần lựa được cho mình những bước đi, dần hình thành cho mình phương hướng trên lộ trình đi đến sự giác ngộ, giải thoát. Và hơn lúc nào hết, càng ngày chúng tôi càng nhận ra rằng, hai mục đích tối thượng của người xuất gia là “Trên cầu thành Phật - dưới hóa độ chúng sinh” cần phải được đồng hành cùng nhau trong suốt cuộc đời của một người tu sĩ.

Bây giờ, được sống trong môi trường mà xung quanh mình đang được soi rọi và bảo vệ bởi ánh sáng Phật pháp; được nhìn thấy ánh sáng ấy đang ngày càng lan tỏa đến mọi nơi  mà trong lòng chúng tôi trào dâng niềm biết ơn vô hạn, đến các bậc Tổ sư đã có công hoằng truyền chánh pháp, giúp cho mọi người và cho lớp hậu học chúng tôi được tiếp cận giáo lý, được nhìn thấy con đường chân lý của mình. Nói đến đây, chúng tôi càng thấm thía được tấm lòng của Sư phụ, khi mà ước nguyện luôn thôi thúc, cháy bỏng trong đời tu của ngài là làm thế nào để tất cả mọi người đều biết đến Phật pháp. Đấy cũng chính là lý do mà những khóa tu đã được sáng lập lên như: Khóa tu một ngày, Phật thất, sinh viên, thiếu nhi… và các cơ sở, chi nhánh của chùa cũng đã và đang được hình thành ở khắp mọi nơi để hoằng truyền chánh pháp.

Trong hai mục đích quan trọng nhất của người xuất gia ấy, Sư phụ luôn nêu cao tinh thần hoằng pháp độ sinh. Và như một sự lựa chọn không thể khác, Sư phụ đã phải chuyển thời khóa công phu của mình vào nửa đêm vì ban ngày đã bận nhiều Phật sự. Sư phụ từng nói, nếu như ai xuất gia cũng đều mang tư tưởng chuyên tu, tìm nơi thanh vắng, núi rừng, hay nhập thất để cầu giải thoát cho riêng mình thì thử hỏi ai sẽ là người hoằng truyền chánh pháp, hướng dẫn chúng sinh tu tập. Và ai cũng mang tư tưởng ấy thì thử hỏi làm sao mà đạo Phật chẳng bị diệt vong. Tất nhiên, tu thì phải có sự hành trì để tự giác ngộ cho mình, nhưng người tu sĩ cần phải biết gắn kết mật thiết giữa tự độ và độ tha.

Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng từng nói:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích Bồ đề

Cáp như cầu thố giác.

Nghĩa là, Phật pháp ở tại thế gian này, cho nên không thể lìa thế gian mà có được sự giác ngộ. Nếu lìa thế gian mà muốn được giác ngộ, thì như người đi tìm lông rùa sừng thỏ vậy.

Bởi thế cho nên, người tu sĩ chúng ta cần phải làm hai việc ấy trong đời tu của mình. Có thể khi mới vào tu, năng lực còn yếu kém thì chúng ta sẽ chuyên tâm vào việc học và hành trì nhiều hơn. Nhưng khi đã có thể hướng dẫn được người khác chút gì thì chúng ta cũng nên dấn thân vì lợi ích cho họ. Chúng ta cần mạnh dạn từ bỏ thái độ, rằng khi nào tu giác ngộ mới quay lại độ chúng sinh, trong khi chúng ta chẳng thể nào trả lời được câu hỏi khi nào mình sẽ giác ngộ. Chỉ e rằng chờ đến khi đó, thì chúng sinh đã rơi hết vào tà ma ngoại đạo, phải chịu không biết bao nhiêu sự thống khổ rồi. Thời còn tại thế, đức Phật cũng đâu có độ được hết chúng sinh đâu. Chỉ những ai có đầy đủ phước duyên thì mới lãnh hội được giáo lý của ngài. Chính vì vậy mà ngày nay, mặc dù chưa thể giác ngộ trong đời này, nhưng khi đã có phước duyên lớn gặp được Phật pháp thì chúng ta hãy nên đem giáo pháp vi diệu ấy chia sẻ đến tất cả mọi người để cùng nhau tu tập. Ví như đi trong đêm tối mà có một ngọn nến trong tay, thì chúng ta hãy dùng nó để soi rọi cho mình và mọi người cùng được thấy đường, hoặc dùng nó để mồi lên thêm nhiều ngọn nến khác.

Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ bày cho chúng sinh con đường đúng đắn nhất để đi đến sự giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau, còn đạt được hay không thì phải do sự nỗ lực của mỗi hành giả. Trong kinh Trường A Hàm đức Phật dạy: “Này A nan, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác, hãy tự mình nương tựa chính mình”. Giáo pháp là do đức Phật chỉ bày, chúng ta là đệ tử Phật thì phải có trách nhiệm hoằng truyền giáo pháp ấy đến khắp chúng sinh, để ta và người cùng nương theo, cùng tu tập. Giáo pháp ấy sớm được truyền đến chúng sinh ngày nào thì sự khổ đau sẽ sớm được đoạn trừ ngày ấy. Cho nên, chúng ta không nên chần chừ mà phải ngày đêm nỗ lực, làm sao sớm nhất có thể để khắp nơi nơi đều được thấm nhuần diệu pháp, khắp nơi nơi đều được chấm dứt khổ đau.

Môi trường sống là môi trường rất quan trọng đối với tất cả chúng sinh. Ai may mắn được sinh ra ở nơi nào có Phật pháp thì sẽ là thuận duyên rất lớn để được tu hành; ngược lại nếu ai sinh ra ở nơi không có Phật pháp, lại phải chịu ảnh hưởng bởi nhiều thứ tà kiến, cực đoan thì cũng là thuận duyên rất lớn để họ bị sa vào bể khổ trầm luân. Cho nên, việc hoằng truyền Phật pháp đến khắp mọi nơi, không chỉ có lợi ích trong hiện đời mà còn là môi trường tối thắng cho những kiếp sống vị lai. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoằng truyền chánh pháp như vậy, cho nên là người đệ tử Phật, ngoài việc tinh tấn tu tập cho bản thân, chúng ta hãy nên cố gắng hết sức có thể, đem ánh sáng Phật pháp lan tỏa đến khắp mọi nơi, giúp cho chúng sinh sớm tìm cầu được đạo giải thoát, xua tan đi những tà kiến cực đoan, tạo nên môi trường sống an lạc cho tất cả chúng sinh.



Thật may mắn cho những ai đang được sống “Trong vòng tay Phật”.

Tâm Nguyệt



Xem tin gốc