Post: : Admin

Cái có choán chỗ cái không, trái lại, cái không nhường chỗ cho cái có thì không phát hiện ra cái không. Cũng như thế, không có cái không thì chẳng tìm đâu ra cái có. Không này là hư không - do vọng thức biến hiện mà không và có tồn tại.



Vì vậy, có hai nội dung cần lý giải dưới đây:
- Thế gian đi tìm cái CÓ.
- Phật Giáo đi tìm cái KHÔNG.
Quả thật là một bài toán khó hoàn chỉnh đáp số từ con người và vũ trụ. Tại sao như thế?
Vũ trụ dung chứa con người và con người khám phá ra vũ trụ. Nhưng vũ trụ vô tâm, con người quá xảo quyệt biến trá, chẳng bao giờ nhận ra, không có vũ trụ thì con người chẳng tồn tại.

Tìm có, tìm không


Lần lượt, chúng ta đi tìm đáp số cho bài toán nói trên bằng những khám phá sau đây:

I. THẾ GIAN ĐI TÌM CÁI CÓ:

Thế gian là một bộ phận của vũ trụ, trong đó có con người trải dài trên thời gian và không gian. Từ khi tạo thiên lập địa cho đến lúc con người xuất hiện, CÁI CÓ là định hướng và chủ trương của con người thực hiện trong vũ trụ.
Vậy nó là gì ?- Đó là công thức: C = N + V.
C = có, do vọng biến của thức ước muốn từ con người .
N = người, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tứ đại và tư tưởng.
V = vũ trụ, gồm không gian vật chất và hư không.
A. CÓ là có người và vũ trụ. Người là chủ, vũ trụ là sở hữu chủ, trong đó có không gian.
B. Người gồm tứ đại đất, nước, gió, lửa là sắc uẩn và tư tưởng thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Tóm chung là NGŨ UẨN (ẤM).
1. Sắc uẩn là bao trùm tất cả vật chất, có hình, có tướng, có lưu chuyển năng lượng thân thể tứ đại đến ngoại cảnh gồm 11 thứ: Mắt 1 - Tai 2- Mũi 3- Lưỡi 4- Thân 5- Sắc nhìn thấy được 6- Tiếng nghe được 7- Mùi ngửi được 8- Vị nếm được 9- Xúc thân thể chạm biết cứng, mềm, nóng, lạnh 10 (ngoài sắc còn vô biểu sắc tuy không hiện rõ ra ngoài, nhưng đối với tâm có thể tánh bóng dáng rõ ràng)- Pháp trần do ý tiếp xúc tư tưởng mà có 11.
2. Thọ uẩn là lãnh nạp các món của xúc khó chịu là khổ, dễ chịu là vui, không dễ không khó mà bình thường là xả thọ. Thọ uẩn gồm có 6 loại; Cảm xúc vì mắt thấy 1- Cảm xúc vì tai nghe 2- Cảm xúc vì mũi ngửi 3- Cảm xúc vì lưỡi nếm 4- Cảm xúc vì thân chạm 5- Cảm xúc vì ý biết 6.
3. Tưởng uẩn là tư tưởng chấp theo bóng dáng cái mới cảm xúc mình đã lãnh nạp mà sanh ra tưởng tượng. Tưởng uẩn có 6 phần: Nhãn xúc sở sanh tưởng 1- Nhĩ xúc sở sanh tưởng 2- Tỷ xúc sở sanh tưởng 3- Thiệt xúc sở sanh tưởng 4- Thân xúc sở sanh tưởng 5- Ý xúc sở sanh tưởng 6.
4. Hành uẩn là thay đổi chuyển hướng theo hành động. Ngoài thì cảnh vật thay đổi, trong thì tâm trí manh động tung hoành.
5. Thức uẩn là phân biệt vọng biến, cái thể tính biến hiện ra ngoại cảnh và tánh phân biệt ngoại cảnh gồm 8 loại: Nhãn thức phân biệt sắc trần 1- Nhĩ thức phân biệt thanh trần 2- Tỷ thức phân biệt hương trần 3- Thiệt thức phân biệt vị trần 4- Thân thức phân biệt xúc trần 5- Ý thức phân biệt pháp trần 6- Mạt-na thức chấp trước 6 phân biệt trên thành chấp pháp  và chấp A-lại-gia làm ngã 7- A-lại-gia thức bảo trì mọi hạt giống thiện, ác và duy trì thân hữu căn tức Tàng Thức là đệ bát chủng thức thứ 8.
C. Vũ trụ là không gian vô tận gồm vật thể và hư không  thuộc sở hữu của người, nên con người tìm mọi cách khám phá tất cả bí mật của vũ trụ bằng văn minh khoa học nhiều loại tinh vi.
Vậy, công thức C = N + V phát triển từ đâu?
Tâm con người thường soi rọi bằng lưỡng tính do tập khí u mê dựng nên. Giả dụ, khi nhìn trăng dưới đáy hồ hoặc dưới thau nước thì con người lại bắt gặp mặt trăng dưới nước chứ không nhìn nhận mặt trăng thật trong không gian, hay khi mình đứng trước tấm kiếng sáng ngời thì thân mình hiện ra trong kiếng rõ ràng. Từ đó, con người cứ ôm chặt sự u mê cho hình trong kiếng là mình mà không nhận thân hình thật ngoài kiếng.
Từ hai ví dụ đó, chúng ta hiểu ra được sự hiện hữu của công thức C = N + V có ra do thực tại tâm sáng suốt bất hư bị khuấy động bởi ngu muội hoảng hốt rồi vin vào ba cái phao xem như trăng dưới nước và thân mình trong kiếng.
1. Căn, bản thân của ý, nơi thức nương tựa, gọi là động thức, tức năng động khuấy nhiễu.
2. Trần, đối tượng của ý, nơi thức duyên gọi là hiện thức, tức năng hiện kết hợp khuấy nhiễu.
3. Thức, nhận thức của ý, nơi hiện rõ bản chất của thức, gọi là chuyển thức, tức năng kiến khuấy nhiễu mạnh hơn.
Kết hợp cả ba bộ phận khuấy nhiễu mạnh lên lọt vào vòng chấp thọ là nơi bảo quản chủng tử, tức hạt giống vạn loại, cùng hiện hữu thân hữu căn, tái tạo nên nhận thức, gọi là GIÁC THỌ.
 
 
Từ cảm thức Giác Thọ mà nẩy sinh ra động tác cảm biến hữu hiệu là tác ý nhòm về kiến trúc mắt- tai- mũi- lưỡi- thân biến từ nơi căn, trần, thức thuật ngữ gọi là Tam Tế, tức ba bộ phận vi tế khi nhìn nhận, khó khám phá, nhưng hiện hữu thật trên sự khuấy nhiễu sai lầm của vọng thức, từ giả chân tâm sáng suốt bất hư gọi là Như Lai Tạng Tánh, để biến ra ngoài gọi là hình dáng hữu cảnh rõ rệt. Đồng thời, tác ý ngoài rơi vào trong nội tại bắt gặp Mạt-na thức thứ bảy làm trọng tài kiểm chứng, truyền đạt vào trong tàng thức thứ tám. Rồi Mạt-na ôm lấy tàng thức làm bản thân của mình mà dấy lên tính chấp ngã, chấp pháp theo dấu ấn từ A-lại-gia thức thứ tám là đệ bát chủng, bao chứa toàn bộ công thức: C = N + V.
Từ đây, C = N + V, biểu hiện của ngã và pháp.
Ngã là nhân lực chúng sanh hữu tình.
Pháp là thuộc sở hữu của nhân lực, gọi là vô tình.
Hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh là toàn bộ chúng sanh có mặt trong vũ trụ như trăng dưới nước.
Như vậy, thế gian đi tìm CÁI CÓ là cái gì ?
a. CÓ, là hiện hữu Tam Tế:
1. Bản thân của ý, động thức năng động là CĂN, nơi thức nương tựa.
2. Nhận thức của ý, chuyển thức năng kiến là THỨC, hiện hữu của vọng.
3. Đối tượng của ý, hiện thức năng hiện là TRẦN, nơi thức duyên.
Ba nội dung này phóng ra có Tiền Ngũ Thức, chiếu vào có thức thứ bảy và thức thứ tám để dựng nên hình tượng chúng sanh và cảnh sở hữu.
b. CÓ, hiện hữu Chấp Thọ bảo trì chủng tử và hiện thực thân hữu căn.
c. CÓ, hiện diện Giác Thọ do chủng tử và thân căn phối hợp tác dụng phát sinh ra mọi hiện tượng.
Từ Giác Thọ đi sâu vào sinh hoạt với ngũ ấm thân là sắc, tức thân tứ đại và thọ, tưởng, hành, thức là nội dung tư tưởng của thế gian.
d. CÓ, tư tưởng thế gian, luồng theo chiều vọng biến của thức để đầu tư trí tuệ thế gian, gọi là thế trí biện thông.
Thế trí biện thông là trí thông biện tài của thế gian cao tuyệt mà vô độ lượng. Nghĩa là cái gì  cũng biết, từ bí mật nơi con người, nơi chúng sanh, nơi vũ trụ để phát minh ra tận cùng văn minh cực kỳ tối tân, tinh xảo của thế giới trong vũ trụ.
e. CÓ, nghiệp chướng tham, sân, si, đủ phiền não chướng và sở tri chướng do Giác Thọ cung cấp. Tội ác, tham vọng vô độ,  v.v…và v.v…
f. CÓ, cái xảo trí phục vụ văn minh nhưng kì thực, thế trí biện thông chỉ phục vụ cho DANH, cho LỢI, cho DỤC VỌNG cứu cánh đê hèn, trước sau gì cũng bị tham vọng vật ngã như bọt bóng xà phòng phồng lên rồi xẹp xuống.
Thế gian đi tìm CÁI CÓ là như thế đấy, tức CÁI CÓ sanh tử, đau khổ, vô thường luân chuyển triền miên trong luân hồi.

Toàn bộ nội dung C = N + V diễn đạt ở trên của thế gian đi tìm CÁI CÓ đều là hiện thực SỞ BIẾN  từ thức qua tâm. Đã xác định có SỞ BIẾN C = N + V = NGÃ và Pháp phải bắt nguồn từ đâu?- Đã có SỞ thì phải có NĂNG- Đó là bắt nguồn từ đệ nhất NĂNG BIẾN A-lại-gia tàng thức. Tiếp thêm hình cụ là đệ nhị NĂNG BIẾN Mạc-na chấp tướng. Rồi thêm râu ria dáng bộ hoàn chỉnh là đệ tam NĂNG BIẾN tiền lục thức.


NĂNG BIẾN hiện NGÃ và PHÁP rọi hình do bất giác khuấy nhiễu từ chân tâm sáng suốt như như bất động, Như Lai Tạng Tánh mà xuất sanh SỞ BIẾN.
SỞ BIẾN hiện là chúng sanh cùng Vũ trụ từ NĂNG BIẾN mà xác lập. Ba NĂNG BIẾN là bát thức đẻ ra mọi SỞ BIẾN trên căn bản hình thành công thức C = N + V.
Chẳng hạn như kiến trúc sư NĂNG LẬP họa ra mô hình thành phố mới vĩ đại tối tân, rồi kĩ sư giảo định xây dựng họa đồ mô hình SỞ BIẾN từ đệ nhất NĂNG BIẾN “(nguồn gốc tâm tánh và tri thức từ tàng thức) để chuyển tải ra đệ nhị NĂNG BIẾN (thực tế giảo định kiểm chứng, quyết định thành hình từ Mạc-na chấp tướng) rồi tống đạt ra đệ tam NĂNG BIẾN tiền lục thức (điều chỉnh, sơn phết hoàn bị dự án thích nghi cho ra hiện hành từ nhãn- nhĩ- tỷ- thiệt- thân- ý thức) cho bùng nổ LIỄU CẢNH TƯỚNG thành phố ấy. SỞ KIẾN và NĂNG KIẾN, họa đồ thành phố tân thời SỞ KIẾN từ tài NĂNG BIẾN của kiến trúc sư, kỹ sư.
Các nhà bác học, các nhà khoa học kỹ thuật, các nhà kinh tế, các nhà chính trị, các nhà tâm lý, các nhà giáo dục, các nhà văn hoá, các nhà học giả uyên bác, các nhà kinh doanh, các văn sĩ, các thi sĩ, các nhạc sĩ, các băng đảng trùm tội lỗi v.v… phát ra từ đệ nhất NĂNG BIẾN, chuyển tải ra đệ nhị NĂNG BIẾN, tống đạt ra đệ tam NĂNG BIẾN bùng nổ SỞ BIẾN thành các chủ trương trọn vẹn.

Nếu không có đệ nhất NĂNG BIẾN rọi hình, đệ nhị NĂNG BIẾN thẩm định chuyển tải, đệ tam NĂNG BIẾN toả hình thì SỞ Biến chẳng bao giờ xuất hiện. Nói cách khác, không có NĂNG BIẾN thì SỞ BIẾN chẳng bao giờ có.


Như thế, núi rừng, sông biển, lãnh thổ, quốc gia, động đất, núi lửa, ruộng vườn, lâu đài, xe cộ, tàu bè, sóng thần, đệ I và đệ II thế chiến ác liệt, mỗi loại hình khủng bố, mọi biến chứng dịch bệnh, chiến tranh xâm lược, cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nô lệ, bình đẳng giới tính, cơ cấu chính phủ, xã hội, làng mạc, gia đình, các sinh động vật, ngọc hoàng thượng đế, ông này dữ, bà nọ hiền v.v… đều là bức tranh SỞ BIẾN từ đường dây VỌNG NGHIỆP kiến lập của đệ nhất NĂNG BIẾN thức, của đệ nhị NĂNG BIẾN thức, của đệ tam NĂNG BIẾN thức do tập thể nhân loại, chúng sanh nặn nọt rặn đẻ ra.
SỞ BIẾN bắt nguồn từ NĂNG BIẾN là vậy đó.
Thế là đã khai triển từ nguồn gốc đến hiện thực tồn tại công thức C = N + V của thế gian đi tìm CÁI CÓ.
NĂNG BIẾN và SỞ BIẾN như hình với bóng: NĂNG BIẾN rọi hình, SỞ BIẾN bắt bóng. Hoặc NĂNG BIẾN như máy chụp, thu hình qua bấm nút và SỞ BIẾN là ảnh thu từ ngoài vào. NĂNG BIẾN và SỞ BIẾN tác hợp thành hiện thực, không định lượng thời gian với không gian khoảng cách. NĂNG BIẾN là định hình CÁI CÓ đi đến và SỞ BIẾN là chuyển tải từ CÁI CÓ tìm ra.


II. Phật Giáo đi tìm CÁI KHÔNG:

CÁI KHÔNG của Phật Giáo phải lần lượt kinh qua hai tầng.


1. Tầng thứ nhất là CÁI KHÔNG đối lại với CÁI CÓ.
Trong ngũ uẩn thuộc CÓ của thế gian, Phật Giáo cho cái ấy là giả tạo, có đó rồi không đó.
Vì sắc uẩn là vô thường, mà vô thường thì rơi vào sinh diệt, không rồi có, có rồi không.
Nếu sắc uẩn là không thì thọ uẩn biết cảm xúc cái gì mà lãnh thọ?- Thọ uẩn là không thì tưởng uẩn lấy cái gì  mà suy nghĩ, tưởng tượng?- Tưởng uẩn là không thì hành uẩn lấy cái gì  mà manh động vận hành sanh diệt?- Hành uẩn là không thì thức uẩn nương vào đâu mà thâu tóm cùng hoạt hiện?- Thức uẩn là không thì lấy gì  tác ý hiện hữu bát thức?- Bát thức không hiện hữu thì làm gì có lục nhập thành thập nhị xứ hay rộng ra là thập bát giới?- Đã không có các bộ phận nói trên thì lấy gì tác tạo ra Tam Tế, Chấp Thọ và Giác Thọ. Và công thức C = N + V cũng là giả tạo do biến kế sở chấp tượng hình ra, rồi y tha tánh chuyển tải vận hành từ thức cũng là không nốt.
Vậy, cái không tầng thứ nhất là quán thông vạn vật vạn loại trong vũ trụ, chẳng có thứ gì  tồn tại vĩnh viễn. Cho nên thế gian tìm CÁI CÓ là có vô thường, sẽ diễn biến theo đà cái không hằng và chuyển. Phật Giáo không tìm cái không đó, vì nó không là giả định dựa trên cái có mà thành vậy. Cái không này có chức năng làm vị trí tồn tại, phát triển của mọi loài, mọi vật, không gây trở ngại gì về mặt thể tích vật chất sắc tướng khi sanh trưởng và vận hành như nước bốc hơi, không nước có hơi, hơi đọng thành mây, không hơi có mây, mây tạo thành mưa, không mây có mưa, mưa tạo ra nước, không mưa có nước.

Có của thế gian đi tìm là thế đó và không của tầng thứ nhất cũng là thế đấy.


2. Tầng thứ hai là CÁI KHÔNG mà Phật đã chứng ngộ và con Phật đang lần bước tìm theo, có công thức K = CT + CK.
K= thực tại bản thể sáng ngời  bất biến.
CT= chơn tâm cắt đứt vòi bạch tuộc vọng tâm, vọng thức.
CK= chơn tâm cắt đứt đối đãi có với không.
Trước hết, cái tâm này không xây dựng trên tâm lưỡng tính vọng và chân, mà chính là nội tại tâm sáng suốt chân thật bất hư từ vô thỉ đến vô chung. Trong đó không có tham sân si, không có tội ác gian xảo, không có phiền não chướng cùng sở tri chướng, không vận hành theo tầm nhìn của thế gian, không có thường, không có đoạn, không có nội, không có ngoại, không có giới hạn thượng hạ đông tây nam bắc, không có địa ngục hay thiên đường, không có vòng xoáy nhân quả luân hồi, không có ngũ uẩn, không có sáu căn, không có sáu trần, không có sáu thức, không có thập nhị xứ, không có thập bát giới, không có tám thức, không có tăng, không có giảm, không có cấu, không có tịnh, không có chúng sanh và thế giới chúng sanh, không có không gian và thời gian, không có niệm vô niệm niệm, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, không sanh không diệt, không năng không sở v.v…
Chỉ có Bát-nhã Tính Không mới giải trình nội dung này- Tại sao?
- Vì Bát-nhã là Hành Tánh Không, tìm về cội nguồn chơn tâm, đạt đến đỉnh cao chơn không, mới hiển lộ KHÔNG toàn diện như mặt trời, mặt trăng soi sáng vô chướng ngại.

Nói về thể lượng rộng lớn thì không có một vật gì  lọt ra được ngoài KHÔNG, luận về thể lượng nhỏ nhiệm thì chẳng có một vật gì chen vào được trong KHÔNG- Thánh phàm chẳng khác, xưa nay vẫn còn.


Vì năng lực Bát-nhã Tánh Không đó thành tựu chơn tâm vãng hồi chơn không đạt đến KHÔNG toàn triệt, nên Ngài Thiên Thai chia Bát-nhã ra năm nghĩa nhiệm mầu huyền diệu dưới đây:
1. Danh nghĩa Bát-nhã Tánh Không này nói về trí tuệ của chơn tâm, nên dùng mấy chữ “Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh” làm TÔN.
2. Thể nghĩa bát nhã tánh không tỏ bày thể chơn không nên dùng thật tướng làm BỔN THỂ.
3. Tôn nghĩa Bát-nhã Tánh Không, chỉ chỗ soi xét thấu đáo, nên dùng trí quán chiếu làm TÔN CHỦ.
4. Dụng nghĩa Bát-nhã Tánh Không bày chỗ tự lợi lợi tha, nên dùng sự độ thoát khổ ách làm CÔNG DỤNG.
5. Tướng nghĩa Bát-nhã Tánh Không dạy hàng Bồ-tát, nên dùng pháp đại thừa làm GIÁO TƯỚNG.
Bát-nhã Tánh Không có công dụng tiêu diệt các tướng, nên bao nhiêu sự vật đem vào cảnh Bát-nhã Tánh Không thì liền tiêu mất- Vì Bát-nhã Tánh Không có công dụng phá tan các vật, nếu dùng Bát-nhã Tánh Không quán PHÁP CÓ  thì PHÁP CÓ chẳng còn, dùng Bát-nhã Tánh Không quán PHÁP KHÔNG thì PHÁP KHÔNG cũng mất. Quán pháp gì  thì pháp ấy tiêu diệt, hiển bày CHÂN KHÔNG BÁT NHÃ.

Bát-nhã Tánh Không phá trừ các tướng NGÃ CHẤP chứng được SANH KHÔNG, phá trừ PHÁP CHẤP, chứng được PHÁP KHÔNG. Cho nên Phật dạy: “Theo nghĩa chơn thật bất hư, cái tướng chơn không của các pháp vốn là NHƯ NHƯ BÌNH ĐẲNG, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm v.v… là đạt đến chân lý thật tướng KHÔNG vô tận, sáng toả bất biến”.


Chân tâm là thể tính linh trú sáng soi khắp cả, nên gọi quán chiếu Bát-nhã Tánh Không.
Chân tâm là nguồn kinh luận, lý nghĩa nên gọi là văn tự Bát-nhã Tánh Không.
Chân tâm xa lìa các tướng, nên gọi là thật tướng Bát-nhã Tánh Không.
Có Bát-nhã Tánh Không, xa lìa sanh tử mới chứng đặng NIẾT BÀN.
Có Bát-nhã Tánh Không, phá trừ phiền não mới chứng đặng BỒ ĐỀ.
Có Bát-nhã Tánh Không, mới chứng đặng ĐẠI TRÍ.
Có Bát-nhã Tánh Không, mới khởi hạnh ĐẠI BI.
Có tu học Bát-nhã Tánh Không, phá trừ các tướng giả dối, mới chứng đặng CHÂN THẬT.
Có Bát-nhã Tánh Không, soi thấu các pháp đều không, mới chứng pháp CHÂN KHÔNG.
Thực hiện trọn vẹn cứu cánh pháp tu Bát-nhã Tánh Không thì hiển bày CHÂN TÂM, tỏa rạng CHÂN KHÔNG bước qua thềm thang Căn Bản Trí, tiến soi hiện rõ Hậu Đắc Trí mà thành tựu KHÔNG sáng ngời trí tuệ vô cùng tận. Đó là BẢN THỂ CHÂN NHƯ, nơi nương tựa tồn tại và sinh hoá vũ trụ cùng vạn loại chúng sanh. Đấy cũng là nội dung khám phá nguồn gốc “THẾ GIAN TÌM CÓ, PHẬT GIÁO TÌM KHÔNG” mà Đại Trưởng Lão Hoà Thượng THÍCH THIỆN SIÊU trước khi viên tịch ngày 17 – 08 – tân tỵ (2001) tại Từ Đàm - Huế, đã xuất kệ:
“Phật biết Phật không
Tâm biết tâm không
Khi Phật chuyển thân
Tâm biết Phật không”.
- Phật là không, không là Phật
Tâm là không, không là tâm
Khi Phật chứng ngộ đạo nhiệm mầu
Thì tâm là Phật, Phật là tâm.
Đạt đến vô thượng Tâm không là Phật không và Phật không là Tâm không.
Như vậy, KHÔNG PHẬT, KHÔNG TÂM chỉ còn lại trọn vẹn sáng ngời tỏa rạng khắp cả vô thỉ vô chung: KHÔNG, thực tại trí tuệ toả sáng bất biến.
Nếu không có nội dung KHÔNG BẤT BIẾN ấy thì đi tìm vũ trụ và chúng sanh chỉ là mò trăng đáy nước, phí công dã tràng mà thôi.

Hỡi nhân loại, sao miệt mài đi tìm CÓ mà không chịu tìm KHÔNG để hành hạ hành tinh cằn cỗi như bộ xương khô, không hồn?- Cứ ôm mãi giấc ngủ u mê đến tận bao giờ ?!


Cư sĩ Huệ Minh
Giáo thọ môn Duy Thức

Trích Hương Tràm 2 - trường trung cấp Phật học Đồng Nai