Post: : Admin

Chúng ta không thể có một hình ảnh xã hội trật tự, tốt đẹp khi chúng ta không thể nâng cấp cái đẹp và cái thiện từ những điều giản dị, bình thường như đi đứng, nói năng, ăn mặc và những hành vi ứng xử nơi công cộng khác.



Cuộc sống xã hội ngày nay vẫn diễn ra theo quy luật chính nó, nhưng điều trở nên ý nghĩa chính là phong trào ứng xử của mỗi người với môi trường sống xung quanh. Những mối quan hệ đan cài sinh động và phức tạp của các tính cách khác nhau đã làm cho lối sống xã hội được thể hiện theo một chiều hướng nào đó, và khi chiều hướng này trở nên phổ biến, người ta có thể khái quát những diện mạo, đặc điểm nổi bật của tính cách con người trong xã hội ấy.


Ảnh: minh họa

Tính cách xã hội hay tính cách tộc người ở những phương diện tiếp nhận đặc thù trong tư tưởng, văn hóa, tôn giáo…dù có phong phú đa dạng ở mức độ nào thì cũng không phải là một mớ hỗn độn không thể nhận thức và lý giải được, vì nó không nằm ngoài bản thân ứng xử của mỗi người, nói cho đầy đủ đó chính là những ứng xử mang – tính – người. Có thể nói những giá trị nhân bản đang được lưu truyền là sản phẩm văn hóa tinh thần của một dân tộc, và sự tiến bộ hay lạc hậu còn tùy thuộc vào điều kiện mỗi các nhân có thể đáp ứng được những tiêu chí căn bản nhất trong việc làm ích mình, lợi người hay không. Những việc làm ích mình, lợi người sẽ khái quát rất nhiều những đặc điểm về tính cách trong ứng xử cá nhân và ứng xử xã hội.

Ứng xử cá nhân bao gồm những điều mà cá nhân đó đã tiếp cận, tiếp nhận và ảnh hưởng trong quá trình sống, từ đó biểu hiện qua ý nghĩ, lời nói và hành động. Lời nói, hành động của cá nhân biểu hiện, thay đổi trong quá trình nhận thức và được nuôi dưỡng từ trong ý nghĩ. Ý nghĩ tích cực hay tiêu cực được thúc đẩy và chín muồi trong nhận thức, chỉ chờ những điều kiện hoàn cảnh thuận lợi là biểu hiện ra ngoài qua hành vi dù thô thiển hay tinh vi.

Cá nhân có thể hiểu được những ý nghĩ tích cực hay tiêu cực được phát xuất, nuôi dưỡng, thúc đẩy ở cấp độ nào, nhưng không phải lúc nào cũng làm chủ lời nói và hành động của mình. Có những trạng thái biểu hiện liên quan trực tiếp tới hành vi phổ biến thường nhật như giết người, trộm cắp, tà dâm (không thủy chung trong quan hệ một vợ một chồng và có những hành động lệch lạc trong quan hệ vợ chồng), nói dối (nói hai chiều, nói độc ác, vu cáo, nói gây chia rẽ, nói kích động lòng căm thù…), nghiện rượu, sử dụng những loại thuốc gây nghiện, gây say.

Nói chung tất cả những phương tiện cá nhân tiếp nhận trong một phạm vi ảnh hưởng nhất định sẽ thúc đẩy suy nghĩ, hành động và duy trì một trạng thái nhận thức được “hợp lý hóa” ở mức độ cao nhất, chính sự “hợp lý hóa” ấy thúc đẩy hành vi diễn ra. “Hợp lý hóa” đúng dẫn đến những hành vi tích cực, “hợp lý hóa” sai dẫn đến hành vi tiêu cực. Chẳng hạn, nếu ai có nuôi dưỡng, lên kế hoạch từ trong tâm những ý nghĩ giết người, ngoại tình, âm mưu chiếm đoạt ruộng đất, của cải… càng nhiều chừng nào thì càng thúc đẩy quá trình hành động diễn ra sớm chừng ấy.

Những giá trị đạo đức, những quy định pháp luật đều là những công cụ phòng ngừa hữu ích với tất cả những loại hành vi tiêu cực. Nhưng một xã hội mà những quy chuẩn đạo đức bị xem nhẹ, bị bỏ qua, những ý thức tôn trọng luật pháp không được coi trọng thì hành vi tiêu cực của mỗi các nhân sẽ trở thành hành vi tiêu cực phổ biến trong cộng đồng, từ đó tạo nên những hiện tượng tính cách bàng quan, “vô chủ”…, làm thay đổi các cảnh huống sống và ứng xử.

Với cách nghĩ “đèn nhà ai nấy tỏ”, cuộc sống ở rất nhiều khu phố tại các đô thị lớn thiếu hẳn sự quan tâm, chia sẽ với nhau từ đó hình thành những ứng xử như: ra đường ít chào hỏi nhau, trẻ con hàng xóm ít được tiếp xúc (chơi) với nhau; dù chỉ những đụng chạm nhỏ trong va quẹt xe, vô tình để xe cản lối đi, lỡ đóng một cái đinh vào tường nhà bên, mở nhạc lớn tiếng, gia súc phóng uế ra ngỏ xóm… đều có thể dẫn đến tranh cải, đánh nhau, kiện tụng, thậm chí giết nhau.

Như vậy, cách nghĩ nào trở nên phổ biến, cách nghĩ ấy sẽ tạo thành ứng xử xã hội, thậm chí trở thành những trào lưu sống. Nâng cấp cái đẹp, nâng cấp cái thiện, nâng cấp hành vi văn hóa chính là nâng cấp sự quan sát, nhận thức và hiểu biết về môi trường sống chung quanh. Nếu trong một khu phố, người lớn có thể khạc nhổ, vứt rác ra đường ngõ một cách tùy tiện thì sẽ tạo nên hiệu ứng ứng xử xấu cho cộng đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến tính cách trẻ nhỏ. Nhưng nếu người lớn có ý thức sống ngăn nắp, sạch sẽ, biết giúp đỡ người chung quanh thì sẽ tạo nên môi trường sống gần gũi, thân thiện giữa người và người.

Đơn giản, một người muốn mở nhạc lớn tiếng, người đó phải quan sát hàng xóm chung quanh, hiểu được môi trường sống quanh mình. Sẽ là vui nhộn, thậm chí hàng xóm còn nói vọng sang “xin tí nhạc”. hoặc yêu cầu mở to thêm một chút nếu chung quanh mình đều là những người hàng xóm trẻ thích nhạc, vui tính…Nhưng sẽ là căng thẳng nếu hàng xóm của mình là những người già cả, ưa yên tĩnh, hoặc có người ốm đau, có người mang trong mình nhiều chuyện buồn phiền…Người biết sống vì người chung quanh sẽ luôn quan sát, điều chỉnh hành vi của mình từng ngày, từng giờ, và tin chắc người ấy sẽ hòa nhập tốt với cộng đồng, được cộng đồng tin tưởng, mến yêu.

Quan sát tốt cuộc sống, chúng ta sẽ bị nhầm lẫn giữa hành vi ứng xử mang tính đạo đức và hành vi ứng xử mang tính thẩm mỹ. Nói đến đạo đức, là nói đến thiện ác, tốt xấu, nói đến thẩm mỹ là nói đến cái đẹp và cái chưa đẹp. Người khạc nhổ ra đường và người gây rối công cộng, cả hai hành vi ấy đều phản cảm nhưng khác nhau về bản chất vì người khạc nhổ ra đường là người có hành vi chưa đẹp, còn người gây rối trật tự công cộng là người có hành vi đạo đức xấu. Cộng đồng nào có hành vi chưa đẹp thì nân cấp cái đẹp bằng việc giáo dục thẩm mỹ từ cách nói năng, đi đứng, ăn mặc, hay đơn giản từ cách biết cám ơn, xin lỗi…, bởi hành vi thẩm mỹ còn mang trong nó những giá trị văn hóa. Cộng đồng nào phát triển nhiều hành vi xấu thì phải ngăn ngừa bằng pháp luật, giáo dục bằng đạo đức.

Một doanh nghiệp có thể khai báo doanh thu sai lệch hay bằng những hình thức lách luật để trốn thuế (ăn cắp của công), sẽ có xu hướng lan sang nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ở phạm vi “lách luật” này người ta chỉ nghĩ rằng nó vi phạm pháp luật và gần như không nghĩ rằng đó là một việc làm vi phạm đạo đức. Vì phạm trù “nhà nước” (với công cụ pháp luật, cảnh sát, nhà tù) từ lâu đã không được hiểu và gắn bó với phạm trù đạo đức, mặc dù đạo đức là một phạm trù căn bản trong kiến thức thượng tang. Nếu không có ba công cụ chủ yếu như pháp luật, cảnh sát, nhà tù thì liệu có thể trông chờ vào yếu tố “đạo đức” để các doanh nghiệp làm ăn chân chính hay không? Rất khó, bởi “đạo đức” không chỉ tác động và liên quan đến việc trốn thuế nhà nước mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác trong quan hệ sản xuất của một doanh nghiệp, chẳng hạn những ứng xử với công nhân, với xã hội, với môi trường sống…

Chính vì tâm lý tách đạo đức ra khỏi pháp luật nên cá nhân có xu hướng vừa không coi trọng pháp luật nên cũng xem thường cả đạo đức. Người tham nhũng phải là những người nắm quyền hành. Và khi tham nhũng trở thành”quốc nạn” thì những pháp luật bị hủy bang mà đạo đức cũng bị tổ thương. Vậy muốn thiết lập những trật tự xã hội trong khuôn khổ của pháp luật thì không gì bằng mỗi cá nhân phải thực hiện những hành vi đạo đức. Nếu đạo đức và pháp luật được tôn trọng ở những người nắm quyền hành trong hệ thống quản lý nhà nước thì xã hội sẽ đi vào trật tự, niềm tin trong dân chúng tăng cao và có thể tiến tới phổ cập một nền (đạo đức quốc gia) trong đó Công Chính, Liêm, Minh; Nhân (có nhân thì không giết hại), Nghĩa (có nghĩa thì không tham lam, trộm cắp), Lễ (có lễ thì không gian dâm. tà hạnh), Trí (có trí thì không mê muội, nghiện ngập), Tín (có tín thì không nói sai lệch)…phải luôn được đề cao trong ứng xử.

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai (một hình thức giết người không phạm luật). Và điều không may là do phá thai không phạm luật nên cũng ít được coi trọng dưới khía cạnh đạo đức. Phá thai ở những động cơ nào đó có thể chấp nhận được, chằng hạn khi y khoa có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán thai nhi, nếu những thai nhi phát triển không bình thường có thể sinh ra những đứa trẻ quái thai, thiểu năng trí tuệ, hoặc giả việc sinh con có thể gây ra những tai biến không an toàn cho cả mẹ lẫn con…thì bằng tình thương, lòng nhân đạo, người đủ tư cách làm cha làm mẹ có thể đi đến quyết định phá thai. Tuy nhiên, nêu không rơi vào những hoàn cảnh như trên thì việc phá thai tràn lan sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức và lối sống xã hội. Càng có nhiều thai nhi bị phá bỏ thì càng chứng tỏ trach nhiệm cá nhân, gia đình, cộng đồng đang bị xem nhẹ.

Điểm qua một vài thực tế trên, cho thấy đó là những vấn đề lớn trong ứng xử với môi trường sống với gia đình và cộng đồng mà những tương quan giữa thẩm mỹ, đạo đức và pháp luật vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Những vấn đề phổ biến, xảy ra thường xuyên trong xã hội là một trong những cơ sở để lưu tâm đến hành vi ứng xử của cộng đồng, từ đó khái quát nên những giá trị trong tính cách và văn hóa ứng xử của một dân tộc. Chúng ta không thể có một hình ảnh xã hội trật tự, tốt đẹp khi chúng ta không thể nâng cấp cái đẹp và cái thiện từ những điều giản dị, bình thường như đi đứng, nói năng, ăn mặc và những hành vi ứng xử nơi công cộng khác.

Nguyễn Mai Sơn

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo)