Post: : Admin

Về hạnh xả buông, tất cả chúng con đều nhớ nằm lòng lời Thầy dạy ‘Tâm rộng thì cảnh rộng’. Chỉ có năm chữ thôi mà ý nghĩa thật thậm thâm. Tâm rộng là hãy mở rộng tấm lòng, buông xả bớt các tham ái và chấp thủ thì sẽ thấy cuộc sống và cuộc đời này thông thoáng và đáng sống hơn rất nhiều.



Tâm rộng thì cảnh rộng

'Tâm rộng thì cảnh rộng' câu nói của cố Hòa thượng Thích Quang Đạo thường dạy đệ tử.


Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy Giác linh Thầy.

Kính thưa tất cả bốn chúng quý Tăng Ni huynh đệ cùng quý nam nữ Phật tử.


Hôm nay là ngày cuối cùng, bốn chúng đệ tử chúng con được ở gần bên Thầy, để ngày mai, chúng con sẽ cung tiễn nhục thân Thầy an nhập bảo tháp Quang Minh, khép lại một chu trình sinh diệt, mượn tấm thân tứ đại-ngũ uẩn vô thường làm phương tiện thực hành Bồ-tát đạo. Trong thời khắc linh liêng này, cho phép chúng con thay mặt bốn chúng đệ tử ôn lại những lời dạy gần gũi, thân thương của Thầy. Chúng con tâm niệm rằng, ghi nhớ và thực hành theo những di huấn của Thầy chính là báo đáp thâm ân giáo dưỡng cao cả nhất.

Nhớ xưa kia, Đức Phật trước khi nhập Niết-bàn đã giáo huấn các vị Thánh đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, các ông hãy lấy Pháp và Luật làm thầy”. Cũng vậy, chúng con ngày nay, tiếp nối truyền thống quý báu ấy, xin ghi nhớ những giáo huấn căn cốt của Thầy. Dù Thầy có đi xa thì những lời dạy của Thầy vẫn ở lại với chúng con, và thật rõ ràng, được như thế thì Thầy vẫn đang ở bên chúng con, bất sinh bất diệt giữa muôn trùng sinh diệt.

Thưa Đại chúng,

Trong vô vàn định nghĩa của Như Lai, thì ‘bậc đã đến và đi như vậy’ là định nghĩa dễ hiểu và dễ cảm nhận nhất. Trong chừng mực nào đó, với ý nghĩa này thì Thầy cũng đã có chút dự phần. Thầy đã đến cuộc đời này làm lợi ích cho đạo và đời, để rồi tùy duyên tự tại ra đi, tất cả đến và đi đều ‘Như thị’.

Cuộc đời Thầy là một sự phụng hiến trọn vẹn cho đạo pháp và dân tộc trên nhiều phương diện. Nổi bật nhất phải kể đến là sự nghiệp ‘Tăng sự - Hoằng pháp - Giáo dục Tăng Ni’ của Thầy. Riêng đối với hơn 108 vị đệ tử xuất gia, gần 60 vị hiện đang trụ trì trong và ngoài nước, đã nói lên phần nào sự nghiệp ‘Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức’ của Thầy.

Kính lạy Giác linh Thầy.

Thầy, đối với chúng con vừa là người cha, vừa là người mẹ, lại vừa là người thầy. Ba con người mà thế gian tôn thờ, ba nhân vật mà chúng ta khó có thể đền ơn, đó là ‘Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy’ đều hội đủ nơi Thầy. Thầy với dáng người gầy cao, thần thái và tướng mạo uy dũng, khiến tất cả chúng con đều kính sợ như đứa con hoang nghịch kính sợ bậc cha nghiêm. Cũng chính Thầy, bên trong tướng mạo uy dũng ấy là tấm lòng từ ái, tràn ngập yêu thương, che chở như người mẹ hiền yêu thương đứa con duy nhất. Lại cũng chính Thầy, là bậc giáo thọ, đã truyền cho chúng con những tri thức và kinh nghiệm quý báu để làm hành trang đi vào đời, đã trao cho chúng con chiếc chìa khóa để mở cửa kho tàng Như Lai mà đi vào đạo.

Ấn tượng nhất và đọng lại trong chúng con nhiều nhất là cách dạy đệ tử, học trò của Thầy; dùng câu chữ và ý tứ thật riêng, không lẫn với bất kỳ ai. Lời Thầy dạy thường rất ngắn gọn, thực tế và dân dã theo phương ngữ Quảng Trị của Thầy. Vì ngắn nên cô đọng, vì gọn nên đậm đặc đến độ như một công án, cứ mỗi ngày suy ngẫm, chiêm nghiệm thì như lại sáng thêm nhiều điều trong một câu nói tưởng chừng như đã xưa cũ, dễ phôi phai…

-Về hạnh xả buông, tất cả chúng con đều nhớ nằm lòng lời Thầy dạy ‘Tâm rộng thì cảnh rộng’. Chỉ có năm chữ thôi mà ý nghĩa thật thậm thâm. Tâm rộng là hãy mở rộng tấm lòng, buông xả bớt các tham ái và chấp thủ thì sẽ thấy cuộc sống và cuộc đời này thông thoáng và đáng sống hơn rất nhiều. Tâm là chánh báo, cảnh là y báo. Trong bối cảnh ai cũng lo vun vén cho riêng mình thì ‘tâm rộng’ chính là lòng vị tha, đem thân này phụng hiến cho đạo và đời. Mà Thầy không chỉ nói suông, Thầy đã sống với ‘tâm rộng’ của mình cho đến những giờ phút sau cùng. Công nghiệp của Thầy đang hiển hiện khắp mọi nơi đã nói lên điều ấy, minh chứng cho ‘cảnh rộng’ của Thầy.

-Về căn bản Phật pháp, Thầy dạy ‘Tin Phật là tin nhân quả’. Đơn giản mà rất rõ ràng, vì tin sâu nhân quả là nền tảng của chánh tín và chánh kiến. Ai có chánh tín và chánh kiến thì người ấy thấy Pháp, và ai thấy Pháp thì người đó thấy Như Lai. Phật tử là người tin Phật, nhưng tin Phật phải là chánh tín. Cho nên ai tin nhân quả thì người ấy có đạo đức và giới hạnh. Tin nhân quả rồi thì ‘Không làm các việc ác/Siêng làm những việc lành’, chỉ chừng ấy thôi đã bao hàm gần như toàn bộ yếu nghĩa Phật pháp. Cách dạy của Thầy là vậy, như người thợ kim hoàn, loại bỏ quặng để cho ra vàng ròng rồi mới trao cho người. Phật pháp vốn bao la, là người con Phật tại gia hay xuất gia, nếu không có duyên học nhiều và hiểu sâu về Phật pháp, chúng con chỉ xin học một câu của Thầy thôi, đó là ‘tin nhân quả’.

-Về hạnh tinh tấn, Thầy dạy ‘Chưa đắc đạo thì hãy đắc lực’. Thật không thể nào chính xác và cô đọng hơn! Thay vì, đường đạo còn xa ngái, có thể trải qua vô lượng kiếp mới đến ngày quả mãn công viên, nên mỗi người con Phật chúng ta hãy cố gắng vun bồi công đức, nỗ lực tu hành thì Thầy dạy vỏn vẹn hai chữ ‘đắc lực’. Ở tầng nghĩa sâu hơn, người đã đắc đạo thì vận tâm và dụng trí để độ sinh, còn chúng ta chưa đắc đạo thì hãy dốc hết sức mình học theo Bồ-tát Phổ Hiền lấy cần lao làm hạnh nguyện. Có sự ‘đắc lực’ thì mọi phước đức sẽ hình thành. Phước đức luôn nâng đỡ thế gian và cả sự nghiệp tu hành. Từ sự ‘đắc lực’ mà tiến dần lên ‘đắc đạo’. Nói cách khác, trước nên siêng năng gắng sức vun bồi phước báo và sau đó trí tuệ sẽ viên thành.

-Về trách nhiệm của vị trú trì, Thầy dạy ‘Ăn chung mà tội riêng’. Chỉ có sống gần Thầy lúc chùa còn gian khó, chúng con mới cảm nhận hết ý nghĩa lời dạy của Thầy. Ngày xưa Phật tử và chùa mình đều nghèo, khi chùa nghèo mà đệ tử đông thì Thầy phải tần tảo lo toan, tìm mọi cách cho đệ tử có cái ăn, cái mặc và cái chữ để về sau nên người. Mấy ai biết rằng, vì thương và lo cho đệ tử mà Thầy phải phương tiện, vận dụng nhiều cách, để rồi không khéo thì ‘Ăn chung mà tội riêng’. ‘Tội riêng’ đây, nếu có, thì chỉ Thầy gánh mà chúng con ngày ấy nào có biết để san sẻ cùng Thầy. Mặt khác, Thầy cũng khéo nhắn nhủ chúng con, những vị đã ra trụ trì ‘Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự’, phải cẩn trọng khi sử dụng tài sản Tam bảo, còn không thì tự thân sẽ mang họa vì ‘Ăn chung mà tội riêng’.

Kính lạy Giác linh Thầy.

Còn nhiều, rất nhiều những lời dạy khác nữa tương tự như thế. Nuôi chúng điệu nhiều, kẻ ở người đi, Thầy dùng ảnh dụ ‘Bông xoài/trứng cá’. Thầy muốn nói tuy nuôi nhiều như vậy nhưng thành tựu ngày sau chẳng phải nhiều. Khi các huynh đệ đi trụ trì, thành danh nơi đất khách quê người, Thầy dạy ‘Cha lươn không đào hang cho con lươn ở’. Thầy chỉ trao truyền ngọn lửa, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hành trang cho chúng con khi đi làm Phật sự các nơi, Thầy dạy thực hành năm đức ‘Ôn hòa, Lương thiện, Tiết kiệm, Khiêm cung, Nhẫn nhịn’. Chúng con thiết nghĩ chỉ cần một đức thôi thì cũng đã giúp chúng con rất nhiều trên lộ trình hành đạo.

Đôi khi Thầy lại dẫn nguyên văn lời kinh nhưng ứng biến thật tài tình. Trong mọi ứng xử, Thầy dạy ‘Chân thật bất hư’. Chúng con đã học rất nhiều từ cách sống thật, nói thật, làm thật trong cách ứng xử của Thầy. Trong niềm nỗi lo toan thiếu kinh phí để làm các Phật sự, Thầy dạy ‘Thâm tín chư Phật giai sung mãn’. Nói cách khác, cứ tu hành đúng Chánh pháp đi thì không bao giờ túng thiếu. Có những lúc Chân tâm bừng sáng, Thầy buông những lời dạy sấm sét y như lời khai thị của các bậc Tổ sư: ‘Nương vọng tâm mà tu cả ngàn kiếp, không bằng nương Chân tâm tu trong một sát na’. Lúc khác thì Thầy dạy ‘Chư Tăng thời Đức Phật tại thế, thường hành hai việc chính: Khất thực và thiền định’.

Điều khiến chúng con xúc động nhất là tấm lòng bao dung cao cả của Thầy. Khi chúng con du phương học đạo hay tùy duyên du hóa ‘Một bát cơm ngàn nhà’, thì Tổ đình phải là nơi quy hướng. Nếu thành danh nên cơ nghiệp nơi xứ người thì thôi, nhưng nếu không thuận duyên hay có trở ngại gì thì hãy quay về với Thầy, ‘Nôốc rạc thì trạc về bến’. Thầy luôn dang rộng vòng tay đón những người con lưu lạc, những huynh đệ tùy duyên trở về dưới mái chùa Phước Viên thân thương này. Chúng con nghĩ rằng, chỉ một lời dạy đơn sơ với hình ảnh chiếc thuyền nan rách cũ lui về neo đậu nơi bến xưa, đã lột tả được hết lòng yêu thương, che chở đệ tử vô bờ bến của Thầy. Chúng con luôn tâm nguyện rằng, ‘Nôốc không rạc cũng luôn trạc về bến’. Vì lẽ nơi bến ấy luôn có Thầy, không nơi nào hơn chiếc nôi Phước Viên yêu dấu với biết bao kỷ niệm một thời sơ tâm dõng mãnh.

Kính lạy Giác linh Thầy.
Thưa Đại chúng.

Huynh đệ chúng ta đều biết câu thơ đúc kết cuộc đời Thầy, như một lời tự sự: “Đời Thầy bát ngát hương Thiền”. Quả đúng như vậy! Hương các loại hoa sẽ bay theo chiều gió. Còn hương Thiền của Thầy sẽ tỏa khắp muôn phương. Thầy đã tự tại ra đi, chỉ còn hương Thiền ngàn năm ở lại. Sự nghiệp của chúng con ngày sau, chắc chắn được xông ướp và thơm lây từ hương Thiền của Thầy. Một cây đại thọ nay đã sinh ra hơn 108 nhánh, Thầy đã hóa thân vào tất cả đệ tử chúng con. Vậy thì Thầy nào có mất đi, Thầy chỉ ‘Đến và Đi như thị’. Chúng con xin đốt nén hương lòng, thầm hứa với Thầy sẽ tiếp tục noi gương Thầy thực hành năm đức ‘Ôn hòa, Lương thiện, Tiết kiệm, Khiêm cung, Nhẫn nhịn’ trong huynh đệ và trong khi hành đạo, nguyện phụng hiến thân này cho đạo pháp và dân tộc.

Xin Thầy chứng tri cho tấc lòng thành kính của chúng con!

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật.


Quảng Tánh